Một trong những chủ đề được nhiều fan Game of Thrones quan tâm nhất trong vài tuần trở lại đây là tình hình chính trị tại kinh đô King’s Landing. Theo như thăm dò tại các diễn đàn người hâm mộ, không ít khán giả đã “kêu trời” khi vua Tommen đồng ý cho Đại Chim Sẻ, trụ trì tòa thánh Thất Diện Thần quyền ảnh hưởng không nhỏ trong vương triều. Vấn đề nhà vua theo đạo có gì nghiêm trọng đến mức khiến người xem tá hỏa và hàng loạt nhân vật quyền thế trong phim như Olenna và Mace Tyrell, hay cặp sinh đôi Lannister phải căng thẳng đến vậy? Hãy tìm hiểu viễn cảnh này qua câu chuyện của Baelor Phước Ân (Baelor the Blessed), vị vua mộ đạo nhất trong lịch sử King’s Landing.
Baelor Đệ Nhất là vị vua thứ chín của triều đại Targaryen và trị vì trong vòng 10 năm. Làm vua nhưng cũng đồng thời là một tu sĩ vô cùng cao đạo, tính cách của ông khác hẳn với anh trai mình, vua Daeron Rồng Trẻ, người đã chinh phạt thành công xứ Dorne và mất mạng không lâu trước khi Baelor kế vị Ngôi Báu Sắt. Sau khi lên ngôi, việc đầu tiên Baelor thực hiện là tha mạng cho 14 con tin người Dorne đang bị giam trong ngục chờ ngày xét xử vì tội ám sát Daeron, bất chấp những lời la ó phản đối từ phía các cận thần và cố vấn của ông.
Kế tiếp, ông bắt tay vào thực hiện một kế hoạch gian nan và khổ hạnh đến mức không tưởng: đi bộ từ King’s Landing xuống tới tận Sunspear, thủ phủ xứ Dorne tại cực nam Westeros để trao trả 14 con tin trong hòa bình. Trong suốt cuộc hành trình ròng rã này, Baelor chỉ mặc duy nhất chiếc áo choàng thầy tu bằng vải bao bố và đi chân trần, trong khi các con tin của ông ung dung cưỡi ngựa. Dù sức cùng lực kiệt nhưng Baelor vẫn hoàn thành chuyến đi đầy gian truân và ký kết thành công hòa ước với hoàng tử xứ Dorne, nhờ đó sáp nhập vùng này vào lãnh thổ chủ quyền của Ngôi Báu Sắt. Khi tới thời điểm trở về kinh đô, lại một lần nữa ông từ chối cả ngựa lẫn thuyền bè và chọn cách đi bộ chân trần. Dọc đường, Baelor dừng chân tại thành Wyl, nơi anh họ ông - hiệp sĩ Aemon Targaryen danh bất hư truyền đang bị giam trong một chiếc lồng treo trên miệng hố đầy rắn độc. Baelor yêu cầu lãnh chúa Wyl để mình giải thoát Aemon, và đĩnh đạc bước vào hố rắn vì tin rằng thần linh sẽ che chở cho mình. Không may thay, ông đã chịu hàng loạt vết cắn và ngã quỵ ngay sau khi tới được chiếc lồng và đưa chìa khóa để Aemon mở cửa. Aemon kịp thời cõng Baelor đang hôn mê thoát khỏi hố rắn và đưa ông về King’s Landing an toàn.
Sau khi trở về kinh đô, Baelor yêu cầu Đại Tu Sĩ đứng đầu đạo Thất Diện Thần cho phép ông ly dị với vợ mình (dù đã kết hôn khá lâu nhưng ông chưa từng chung chăn gối với cô), đồng thời giam lỏng ba người chị em gái của mình - Daena, Rhaena, và Elaena trong tòa Tháp Đỏ để ngăn họ tiếp xúc với dục vọng của người trần. Ông được dân chúng ưu ái đặt cho biệt hiệu “Baelor Phước Ân” (Baelor the Blessed) nhờ làm từ thiện không biết mệt mỏi như phân phát bánh mì miễn phí mỗi ngày và ban lệnh cấm mọi hoạt động mại dâm trong thành phố. Cũng chính Baelor là người ra lệnh khởi công xây dựng một điện thờ Thất Diện Thần vô cùng oai nghiêm tại King’s Landing (sau này công trình được đặt theo tên ông – Đại Điện Baelor). Càng ngày, những việc làm sùng đạo đến mất cả lý trí của ông (bắt những lãnh chúa cao quý rửa chân cho một dân thường bị bệnh hủi, cầu nguyện hàng giờ trước ổ trứng rồng để mong chúng nở ra) càng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các cận thần và cố vấn trong hoàng cung. Cuối cùng, vào năm thứ 10 sau khi lên ngôi, vua Baelor băng hà vì kiệt sức sau hơn 40 ngày đêm nhịn đói để cầu nguyện.
Baelor Phước Ân được người đời sau ghi ơn nhờ gặt hái được một kỳ tích mà nhiều vị vua hô phong hoán vũ trước đó không làm được: thu nạp xứ Dorne về dưới quyền cai trị của mình, đồng thời còn giải cứu người hiệp sĩ vĩ đại Aemon Targaryen. Tuy nhiên xuyên suốt triều đại kéo dài 10 năm, sự sùng đạo đã liên tiếp làm lu mờ lý trí, khiến ông trị vì kém hiệu quả. Không những vậy, trong những năm tháng Baelor nắm quyền, vị thế của tầng lớp lãnh chúa, quý tộc đã rơi xuống mức thấp hơn cả những người dân đen bần hàn, do đó quyền lực bị sụt giảm nghiêm trọng. Bởi vậy, ta có thể hiểu được lý do những nhân vật vô cùng lợi hại như Olenna Tyrell hay Cersei Lannister đều phải dè chừng, lo lắng khi vua Tommen nghe lời Đại Chim Sẻ và thuận theo đạo Thất Diện Thần. Chỉ riêng màn “Đi Bộ Chuộc Tội” của Cersei trong mùa trước đã hủy hoại hoàn toàn uy quyền thái hậu của cô, nhưng đó vẫn chưa là gì nếu đem so với những hệ lụy mà một nhà vua còn non trẻ lại sùng đạo có thể gây ra.
Đứng trước nguy cơ vô cùng lớn từ Đại Chim Sẻ và Tòa Thánh, hẳn các fan sẽ cho rằng những thành viên hoàng gia (cụ thể là thái hậu Cersei) phải hành động mạnh tay trước khi quá muộn. Vậy nhưng, con đường vũ lực không hẳn là một hướng giải quyết lý tưởng để đem đối phó với một đội quân đông và hung hãn như nhóm tín đồ Thất Diện Thần. Một minh chứng điển hình chính là cuộc đời vị vua Maegor đệ nhất, hay còn được biết đến với biệt hiệu Maegor Bạo Chúa.
Maegor là con đẻ của Aegon Chúa Rồng, vị vua đã chinh phục 6 trong tổng số 7 vương quốc cổ của Westeros và lập nên Ngôi Báu Sắt để thống lĩnh khắp đại lục. Tuy là con trai thứ nhưng Maegor mới được xem là người thừa kế xứng đáng của Aegon, trở thành chủ nhân của cả thanh bảo kiếm Hắc Hỏa (Blackfyre) lẫn Balerion Nỗi Kinh Hoàng Đen – con rồng khổng lồ từng cùng Aegon càn quét Bảy Vương Quốc trong cuộc đại chinh phạt trước đó. Khi Maegor lên ngôi kế vị người anh Aenys, Tòa Thánh đã bắt đầu nổi dậy chống lại hoàng tộc Targaryen (do tục lệ kết hôn cận huyết và đa thê mà nhà Targaryen áp dụng đều đi ngược với luân lý của đạo Thất Diện Thần). Đối mặt với đoàn Vệ Giáo Quân hùng hậu (Faith Millitant – đơn vị quân đội thuộc sở hữu riêng của Tòa Thánh), Maegor đã không hề nhân nhượng. Ông sai Balerion phun lửa rồng đốt trụi tòa Điện Trí Nhớ (trụ sở của lực lượng Vệ Giáo Quân), đồng thời tàn sát hàng nghìn kẻ địch trong trận đánh trên cây cầu đá bắc ngang con sông Mander, khiến máu của quân nổi loạn nhuộm đỏ cả dòng nước. Bất chấp những chiến thắng của Maegor, lực lượng Vệ Giáo Quân vẫn không hề chùn bước, và họ tiếp tục đóng vai trò kẻ đối địch lớn nhất trong suốt triều đại của ông vua tàn bạo này. Maegor buộc phải ra một điều luật (gọi là luật Maegor) trong đó nghiêm cấm mọi tín đồ Thất Diện Thần được vũ trang, đồng thời treo giải thưởng cho bất cứ ai phát giác và kết liễu được một kẻ phạm luật. Dần dần, ảnh hưởng của luật Maegor khiến cho quân số đội Vệ Giáo Quân giảm đi đáng kể, tuy nhiên họ vẫn kiên cường chống trả trong một thời gian dài. Mãi cho tới khi Maegor lìa trần trong bi kịch, và cháu của ông, vua Jaehaerys lên ngôi thì cuộc nổi loạn mới được dẹp yên hoàn toàn.
Trong season 5 Game of Thrones, thái hậu Cersei đã bất cẩn hủy đi điều luật Maegor và trao lại quyền vũ trang cho những tín đồ Thất Diện Thần, tạo nên một đội Vệ Giáo Quân vừa đông đảo vừa nhất mực trung thành với Đại Chim Sẻ. Chính uy lực của đoàn quân này đã khiến vua Tommen không dám xông vào Điện Baelor, dù biết vợ và mẹ mình đang bị giam cầm bên trong. Sang đến season 6, chỉ khi có trong tay hai lực lượng quân đội mạnh nhất các đại gia tộc - Lannister và Tyrell – thì Jaime mới dám bao vây Điện Baelor và phi ngựa lên uy hiếp Đại Chim Sẻ. Chỉ tính riêng đội Vệ Giáo Quân ở King’s Landing cũng đã hung hãn như vậy, thì khi cộng thêm số lượng tín đồ tại các vùng miền khác, uy lực của họ chắc chắn sẽ không kém gì đội Vệ Giáo Quân đã gây biết bao khó khăn cho vua Maegor ngày trước.
Không sở hữu rồng như Maegor, cũng không còn nhiều quyền thế và đồng minh bên cạnh hỗ trợ, việc thái hậu Cersei dùng vũ lực đối phó với Tòa Thánh dường như mang nhiều rủi ro hơn là cơ hội. Chính nhân vật này đã thừa nhận: “Giết Đại Chim Sẻ không khó, nhưng làm xong cũng không thể bảo toàn mạng mà ra khỏi điện thờ”. Không thể dùng bạo lực trấn áp, lại càng không thể để nhà vua Tommen ngây thơ, non nớt bị cuốn theo tín ngưỡng, con đường duy nhất còn lại để đối phó với Tòa Thánh xem ra chỉ có mưu mẹo. Và nhân vật đủ khả năng nhất, thích hợp nhất trong vấn đề này không ai khác chính là hoàng hậu trẻ Margaery Tyrell, người cũng có mối thù lớn lao với Đại Chim Sẻ và đang ngày đêm tính kế giải cứu anh trai vẫn đang bị Tòa Thánh giam cầm.