Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, các phim hậu truyện đã xuất hiện phổ biến hơn bất cứ thời kỳ nào của Hollywood. Và mặc dù hậu truyện thường đi kèm định kiến đang cố gắng tìm lại hào quang cũ, nhưng cũng có khả năng việc trở lại với chất liệu gốc hay chất liệu trước đó có thể giúp xây dựng một câu chuyện mới mẻ và thú vị hơn. Cứ mỗi một thế hệ lớn lên, những đồng tiền kiếm được từ thế hệ cũ và thế hệ mới đã thúc đẩy những hậu truyện rất tham vọng.
Có nhiều hậu truyện dở tệ và thất bại, nhưng cũng có nhiều phim hậu truyện thành công và tìm được hướng đi mới cho mình, để các nhà làm phim tiếp tục có hi vọng vào việc làm phim hậu truyện khi ý tưởng mới đã gần cạn kiệt hoặc chưa kịp nảy sinh, đồng thời mang đến hi vọng rằng có thể tạo ra những trải nghiệm thử thách hơn đối với các chất liệu cũ.
Nhiều phần hậu truyện tuyệt vời dưới đây đã đi sâu vào chất liệu gốc, tự phản biện lại những sự thật vốn có trong thương hiệu của chính mình, đồng thời khai thác và đưa ra tiềm năng ẩn giấu của nó kể từ phần đầu tiên.
10. John Wick: Chapter 3 – Parabellum (Sát Thủ John Wick 3: Chuẩn Bị Chiến Tranh)
Phần phim John Wick đầu tiên là một phép màu nho nhỏ, kinh phí thấp, không có kế hoạch quảng bá nào quá lớn nhưng cuối cùng lại trở thành hiện tượng hành động. Không giống như những phim hành động hiện đại ngày nay, John Wick có phần hành động, đối kháng được biên đạo và quay rất kỹ lưỡng, rất đẹp. Thêm vào đó, việc kết hợp giữa võ thuật và hành động bắn súng, đặt trong một bối cảnh độc nhất với một xã hội bí ẩn đầy sát thủ, cũng như màn trình diễn cảm xúc và khiêm nhường của Keanu Reeves đã giúp thương hiệu này càng lúc càng phát triển. Mặc dù John Wick: Chapter 2, ra mắt năm 2017 có những cảnh rất tuyệt như khoảnh khắc rượt đuổi trong hầm mộ Roman, thương hiệu này thực sự trở thành bộ phim rất được mong chờ với phần 3 – John Wick: Chapter 3 – Parabellum.
Kết hợp giữa đua mô tô với đua ngựa, các cảnh đối kháng mạnh mẽ và những chú chó sát thủ được huấn luyện bởi người bạn lâu năm của Wick là Sofia (Halle Berry)… Parabellum tiến đến cao trào là trận đối đầu trong bối cảnh rất đẹp của khách sạn Continental, và màn showdown giữa Wick và Zero. Thời gian để thiết kế và thực hiện những cảnh quay này cho thấy Reeves và đạo diễn Chad Stahelski sẽ tiếp tục làm tốt hơn mong đợi, và với phần phim thứ 4 ra mắt năm 2021, khán giả rất mong đợi xem họ sẽ đem đến cho John Wick những điều mới mẻ gì.
9. 22 Jump Street
Nhiều phim hậu truyện hài gặp phải vấn đề khi cứ hay lặp đi lặp lại những yếu tố hài hước của chính nó bởi thể loại này hay đứng riêng một mình và khó trở thành một thương hiệu. 21 Jump Street gây tò mò bởi đây là thương hiệu truyền hình đã cũ chẳng ai muốn reboot. 22 Jump Street đã tận dụng điểm này để nâng cấp bản thân, trở thành một phim hài chế giễu chính bản chất của các phim hậu truyện. Kịch bản, sự vui nhộn và toàn bộ ý tưởng của phần 2 gần như y hệt phần phim đầu tiên, nhưng khi phim tập trung vào tiểu tiết trong sự hài hước và tự nhận biết được sự phi logic của chính nó, giúp 22 Jump Street trở thành phim parody các phần hậu truyện lười biếng nói chung trong điện ảnh.
Một điểm hài hước nữa của phim, đó chính là việc đảo câu chuyện của các nhân vật trong phần đầu tiên. Nếu phần đầu tập trung chủ yếu vào Schmidt (Jonah Hill), người trở nên kiêu ngạo và thô lỗ với đồng đội Jenko (Channing Tatum), thì trong phần tiếp theo, vai trò của hai nhân vật được đảo ngược và hai diễn viên có dịp được thử thách.
Thực ra, chính ý tưởng về hai nhân vật, những người đã dần có mối liên hệ rất đặc biệt ở phần đầu tiên nhưng trở lại làm những đối thủ nhỏ mọn trong phần 2 là kiểu làm hài rất hay khi giễu nhại sự thiếu cảm xúc của các phim thương hiệu. Với mỗi bộ phim, Phil Lord và Chris Miller sử dụng một ý tưởng nghe cực kỳ tệ và biến nó thành một phần phim kế tiếp sắc bén và đáng tuyên dương.
8. Toy Story 3 (Câu Chuyện Đồ Chơi 3)
Hai phần phim đầu tiên của Toy Story hé lộ câu hỏi những món đồ chơi sẽ làm gì khi đứa trẻ chủ nhân của chúng lớn lên, riêng Toy Story 3 cuối cùng đặt ra vấn đề này thật thẳng thừng bằng cách thể hiện quyết tâm mà Woody, Buzz và những người bạn sẵn sàng làm để trở về với Andy. Trong mỗi phần phim Toy Story, Woody đều học được một bài học đắt giá về sự trưởng thành và phần phim này đẩy mạnh cảm xúc khi người ta phải buông bỏ tuổi thơ và để những ký ức cũ phai dần. Khoảnh khắc cuối cùng của Toy Story 3 là một trong những giây phút cảm xúc nhất trong các phim mà Pixar từng sản xuất, Woody và Andy cuối cùng đã yên lòng chia tay nhau, mỗi người bước đi trên một chương mới và thú vị trong cuộc đời mình.
Thêm vào phần thoại giàu ý nghĩa, Toy Story 3 là phim phong cách vượt ngục hay một cách đáng ngạc nhiên, khi các món đồ chơi hợp tác với nhau để thoát khỏi nhà trẻ Sunnyside, một môi trường trông có vẻ thân thiện nhưng lại phải chịu sự cai trị của gấu bông Lotso (Ned Beatty).
Là một trong những phản diện hay nhất của Pixar, Lotso là mối nguy hại lớn đối với Woody và Buzz, nhưng cũng là món đồ chơi với quá khứ đáng thương, góp phần tô đậm câu chuyện về sự bỏ bê và bỏ rơi: chủ đề chính của toàn series. Mặc dù Toy Story 4 năm nay là kết thúc đẹp đối với thương hiệu và ít đau buồn hơn, Toy Story 3 vẫn là một trong những phim Pixar trưởng thành và đáng suy ngẫm nhất của Pixar.
7. War for the Planet of the Apes (Đại Chiến Hành Tinh Khỉ)
Series phim điện ảnh mới của Planet of the Apes chứng minh mình là một trong những saga hậu truyện hiếm hoi làm giàu và gia tăng chất lượng của chất liệu gốc, cho thấy sự sa ngã của con người dưới góc nhìn của loài khỉ thông minh, phim khai thác sự ác độc và thiếu tình thương của con người đối với loài động vật này đã thúc đẩy cuộc nổi loạn và tạo ra một lãnh đạo trong con khỉ Caesar (Andy Serkis) ra sao. Tại thời điểm diễn ra War of the Planet of the Apes, Caesar đã được chấp thuận là người thừa kế đích thực sẽ cầm đầu loài linh trưởng, giải thoát đồng loại của mình khỏi Đại tá (Woody Harrelson), một lãnh đạo quân đội tàn ác, ám ảnh với hành vi diệt chủng, và buộc Caesar phải trở lại với bản chất hung tàn của mình.
Ở thời điểm hiện nay, CGI và công nghệ motion capture đã tiến bộ vượt bậc đến nỗi bối cảnh của bộ phim cực kỳ đáng tin, và sự giam cầm, tra tấn loài khỉ rất tàn bạo. Tựa đề “war” (đại chiến) không hẳn nói đến một cuộc chiến lớn mà là thể hiện yếu tố sống còn khi Caesar và đồng minh của mình bước vào cuộc hành trình Exodus để giải phóng đồng loại. Harrelson cũng rất xuất sắc, và mặc dù sự ác độc của Đại tá thường rất sốc, nhưng không mang cảm giác bị cường điệu và hành động của ông ta có thể hiểu được dựa trên góc nhìn của ông ta về thế giới.
Thật tuyệt khi một trilogy đen tối và u ám về bản chất của con người được mở rộng đến thế, series đã kết thúc bằng một phần phim căng thẳng và thỏa mãn.
6. Paddington 2 (Chú Gấu Paddington 2)
Không nhiều phim live action gia đình hay xuất hiện trong thập niên gần đây, và Paddington 2014 chứng minh mình là ngoại lệ hiếm hoi khi loại bỏ được những yếu tố sáo mòn đồng thời truyền tải một câu chuyện cảm động và chân thật: một cuộc phiêu lưu nhẹ nhàng của một gia đình hiện đại với cuộc sống bị đảo lộn khi có sự xuất hiện của một chú gấu biết nói đến từ rừng rậm. Paddington 2 bằng cách nào đó còn gia tăng chất lượng của ý tưởng này, khi chú gấu nâu biết nói tiếp tục đem góc nhìn tốt bụng về thế giới của mình đến cho những người xung quanh cậu. Kể cả khi bị lừa lọc, buộc tội sai và chia cách khỏi gia đình, tấm lòng nhân hậu của Paddington mang đến cho cậu những người bạn và sự vắng mặt của Paddington bắt đầu làm đảo lộn trật tự hoàn hảo của xã hội cậu đang sống.
Hugh Grant rất xuất sắc trong vai Phoenix Buchanan, một diễn viên trở thành một tên trộm, đối nghịch với Paddington; tính tình ích kỷ, dối trá và chỉ dùng mối quan hệ với người khác để phục vụ cho mục đích của riêng mình. Khi Buchanan sử dụng Paddington như con tốt thí mạng lúc trộm một cuốn sách hiếm, bộ phim đưa gia đình Brown vào hành trình chạy đua với thời gian để chứng minh sự trong sạch của Paddington và bắt được thủ phạm thực sự.
Phim có đầy đủ sự hài hước trong những cảnh đầu phim giữa Paddington và nhà Brown, sự chia cách giữa họ khiến người ta cảm thấy buồn, nhưng đồng thời cũng làm sự đoàn tụ trở nên có ý nghĩa hơn. Thật hiếm khi chúng ta được thấy một bộ phim thiếu nhi được thực hiện tốt đến thế; Paul King đã xây dựng những trường đoạn hành động và chăm chút rất kỹ lưỡng đến tiểu tiết trong thiết kế bối cảnh. Paddington 2 chắc chắn cho thấy, chẳng có vấn đề gì khi chúng ta lạc quan và những gia đình tuyệt vời nhất không coi thường những đứa trẻ.
5. Star Wars: The Last Jedi (Star Wars: Jedi Cuối Cùng)
Mặc dù The Force Awakens là một phần phim tốt khi tái giới thiệu lại Vũ trụ Star Wars với những nhân vật mới như Rey, Finn, và Kylo Ren, The Last Jedi khai thác sâu hơn thần thoại của saga này khi đặt toàn bộ lịch sử của nó vào một góc nhìn khác. Như Yoda và Obi-Wan Kenobi trước đó, Luke đã rời bỏ Ngân hà rộng lớn, nhưng buộc phải quay trở lại khi Rey trở thành môn đồ của ông. The Last Jedi cho thấy chủ nghĩa anh hùng không phải lúc nào cũng thành công và những người anh hùng mạnh nhất là những người sống với sai lầm của mình và tiếp tục tiến về phía trước, bất kể nguồn gốc hay vận mệnh, con người ta có thể tái định nghĩa bản thân, vượt qua khỏi hệ thống hay hoàn cảnh đã định hình họ.
Mark Hamill có màn diễn xuất hay nhất trong suốt sự nghiệp của ông và quá khứ phức tạp của ông với Kylo Ren thú vị hơn việc ông huấn luyện Rey. Như nhiều phản diện khác, Kylo Ren là nạn nhân của sang chấn tâm lý và sự bỏ rơi, nhưng thay vì dùng trải nghiệm này để trở nên mạnh mẽ hơn, anh ta dùng điều đó để làm cái cớ cho hành động của mình.
Ở trận đối đầu cuối cùng, Luke có thể sử dụng cái tôi của Kylo Ren để chống lại anh ta và tạo ra một ảo ảnh để giúp Quân Kháng Chiến có thêm thời gian cầm cự, thể hiện cách dạy về sự hi sinh và bất bạo lực của Yoda trong The Empire Strikes Back. Đưa vào 2 thế hệ anh hùng và phản diện, The Last Jedi kết thúc câu chuyện của Luke một cách hợp lý và dùng di sản những hành động của ông để tạo ra bước đi kế tiếp cho Rey và Kylo Ren.
4. Mission: Impossible – Fallout (Nhiệm Vụ Bất Khả Thi: Sụp Đổ)
Rất hiếm khi có thương hiệu nào có thể tiếp tục càng lúc càng tiến bộ hơn phần trước, Mission: Impossible – Fallout chính là “hàng hiếm” trong trường hợp này khi vượt qua được mong đợi và trở thành phần phim hành động hay nhất mà Tom Cruise đã đóng chính từ những năm 90 cho đến nay.
Kể từ phần đầu tiên năm 1996, Ethan Hunt đã cảm thấy được sự tội lỗi khi đánh mất đồng đội và quyết tâm giữ cho những người bạn của mình khỏi nguy hiểm. Trong Fallout, anh đã có thể cứu được cả đồng đội và thế giới với một cái giá cá nhân khá đắt.
Cruise không chỉ đẩy giới hạn thể chất của bản thân lên một tầm khác, mà anh còn cho thấy những nhiệm vụ này đã ảnh hưởng lên tinh thần của Ethan như thế nào, và anh sẽ khó có thể có được một cuộc sống bình thường. Bị những cơn ác mộng ám ảnh, nỗi sợ vô tình làm hại đến người khác đã ảnh hưởng lên mọi quyết định mà anh lựa chọn.
Christopher McQuarrie đưa series trở lại với gốc noir và chất bí ẩn vốn có, với bối cảnh là những câu lạc bộ đêm và những con đường mang đến cảm giác cổ điển mới mẻ. Phần hành động của phim rất tuyệt, series các cuộc rượt đuổi và các hoàn cảnh bất ngờ ở London buộc Ethan phải liên tục ứng biến để đối đầu với kẻ thù của mình, mạo hiểm tính mạng để tránh làm hại đến những người mà anh quan tâm.
Cảnh cuối cùng, Ethan đấu với August Walker của Henry Cavill là một trong những trường đoạn hành động tuyệt vời và can đảm nhất từng được thực hiện. Tận dụng tất cả sức mạnh từ những phần phim trước, Mission: Impossible – Fallout chứng minh một lần nữa rằng mình là một trong những thương hiệu dai sức và hào hứng nhất của thời đại, và sẽ khó có một ngôi sao hành động nào có thể sánh được với Tom Cruise.
3. Mad Max: Fury Road (Max Điên: Con Đường Cuồng Nộ)
30 năm sau khi Mad Max Beyond Thunderdome ra mắt, George Miller cuối cùng cũng trở lại nước Úc để thực hiện phần phim thứ 4 của series phim về hậu tận thế này. Ngay lập tức, Fury Road trở thành một trong những phim hành động hay nhất mọi thời đại, những cuộc rượt đuổi không ngừng khi Max liên tục tiến vào địa ngục rồi quay trở ra, vô tình bị vướng vào cuộc nổi loạn do Thống soái Furiosa dẫn đầu chống lại Joe Bất Tử. Đây là hành trình Furiosa trốn thoát và cuối cùng đã giành được quyền thống trị từ Joe, tạo động lực cho câu chuyện. Max ban đầu chỉ là người quan sát, bị rút máu nhưng cuối cùng trở thành một phần của cuộc nổi loạn.
Tất cả những gì Miller đem đến cho nhân vật và câu chuyện đều đến từ tầm nhìn của ông, và phần hình ảnh ông góp phần thực hiện thực sự tuyệt vời đến hoàn hảo. Với phần nhạc nền hấp dẫn từ Junkie XL và màu sắc rực rỡ, Fury Road là mộ trải nghiệm choáng ngợp, và những cảnh hành động do đội đóng thế của Miller thực hiện thực sự không thể bỏ qua. Mỗi dụng cụ, thiết bị, xe cộ… đều khác biệt với nhau hoàn toàn và môi trường mang đến sự mới mẻ cho vẻ hỗn loạn của bộ phim. Mặc dù trilogy Mad Max gốc chứng minh bản thân là những phim hành động hậu tận thế thú vị, nhưng Fury Road cuối cùng mới cho thấy tầm nhìn của đạo diễn Miller.
2. Skyfall (Tử Địa Skyfall)
50 năm sau khi Điệp viên 007 được giới thiệu đến khán giả trong Dr. No ra mắt năm 1962, Skyfall đã tái định nghĩa nhân vật Bond bằng cách khai thác vị trí của anh trong thế giới mới. Mặc dù Casino Royale năm 2006 đã làm rất tốt khi khắc họa nguồn gốc nhân vật, Skyfall đi sâu vào câu chuyện bằng cách đặt Bon vào một xã hội đang càng lúc càng mở rộng, kết nối chặt chẽ với nhau hơn và không còn chỗ cho một điệp viên lạc hậu.
Thái độ của Bond được thử thách thông qua mối quan hệ phức tạp với M (Judi Dench), cấp trên duy nhất mà Bond tôn trọng, cũng như Silva (Javier Bardem), một cựu đặc vụ MI6 không chỉ tìm cách tra tấn Bond về mặt tinh thần mà còn đại diện cho những gì mà hắn có thể trở thành nếu không có ai dẫn dắt.
Bị bỏ rơi bởi tổ chức và bị chính phủ đánh giá thấp khi không còn lợi ích đối với MI6, Bond bị buộc phải trở thành kẻ yếu thế lần đầu tiên trong đời, và để lật ngược thế cờ, anh phải sử dụng các thiết bị cổ lỗ, những kỹ năng mà khán giả đã từng chứng kiến trong các phần phim trước; mặc dù có rất nhiều cảnh liên kết khéo léo với các phần phim Bond tiền nhiệm, chúng không bao giờ mang cảm giác rẻ tiền hay gây bất lợi cho câu chuyện.
Sam Mendes đã tạo nên các cảnh bố trí rất ấn tượng, cùng kỹ thuật quay phim tuyệt đẹp của Roger Deakins. Mc dù bối cảnh và quy mô có phần đắt đỏ hơn rất nhiều, trường đoạn thứ 3 của bộ phim lại rất hợp với tổng thể khi mang cảm giác gần gũi của một cuộc đối đầu đầy cảm xúc. Skyfall đẩy Bond thành một nhân vật hiểu bản thân với nhận thức đầy đủ về quá khứ của chính mình, giúp Daniel Craig trở thành Bond hay nhất trong lịch sử điện ảnh.
1. Blade Runner 2049
Việc tạo nên hậu truyện cho một trong những phim hay nhất từng được thực hiện có thể khiến nhiều người lo lắng, tuy vậy, Blade Runner 2049 là hậu truyện hiếm hoi làm sâu sắc và cải tiến bộ phim tiền nhiệm. Tận dụng yếu tố noir của bộ phim gốc năm 1982 và mở rộng yếu tố đó, Blade Runner 2049 mang đến câu chuyện đầy bí ẩn mới và thuyết phục hơn về mối ràng buộc giữa người sáng tạo và những đứa con của họ, trong một cốt truyện đã chạm đến cảm xúc của từng nhân vật. Một cuộc nổi loạn lớn hơn bắt đầu và thế giới tương lai của L.A. được khắc họa cực kỳ chi tiết, tạo nên tông đen tối cho câu chuyện của nhân vật chính.
Ryan Gosling có một trong những màn hóa thân hay nhất trong sự nghiệp với vai Agent K, một replicant bắt đầu đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của chính mình khi đối đầu với sự thật về quá khứ bản thân. Hành trình nhận thức về bản thân được thể hiện qua nhân vật Rachael trong phần phim Blade Runner gốc, nhưng nếu nó được thể hiện qua đôi mắt của nhân vật chính khiến chủ đề này càng hiệu qủa hơn, đặc biệt là khi K vật lộn trong mối quan hệ với Joi (Ana de Armas). Sự trở lại của Harrison Ford trong vai Rick Deckard không chỉ để làm hài lòng fan, mà còn cho thấy Deckard đã chìm trong sự hối hận một đời và từ bỏ nhân loại, đi tìm câu trả lời để xác nhận rằng mọi nỗ lực của ông là không uổng phí.
Thay vì cố gắng trả lời những câu hỏi đa nghĩa được đặt ra trong phần phim gốc, Blade Runner 2049 để lại di sản của chính nó, với các câu hỏi mở xoay quanh số phận của K và Deckard. Mặc dù có thời lượng đến 163 phút, bộ phim không có cảm giác chán với phần hình ảnh rất sáng tạo đến từ Roger Deakins, phần nhạc tuyệt vời của Hans Zimmer và bối cảnh rất đẹp được khắc họa vô cùng chi tiết, đòi hỏi người xem phải xem lại nhiều lần mới có thể thấu hiểu được hết. Với tư cách là một bộ phim nghệ thuật, đáng suy ngẫm và phức tạp cùng kinh phí lớn, Blade Runner 2049 là phim kinh điển bên cạnh phần tiền nhiệm, sẽ tiếp tục mang đến hi vọng và cảm hứng cho các nhà làm phim nhiều thế hệ sau này.
Nguồn: Taste of Cinema