Ngay cả những nhà làm phim đại tài cũng có thể dần đánh mất phong độ của chính mình, sản xuất ra những bộ phim mà cả nhà phê bình lẫn khán giả đại chúng đều thất vọng và không đánh giá cao trên đường đua điện ảnh. Thế nhưng, những huyền thoại sẽ biết tìm cách để khôi phục lại vị thế của mình sau những sự thất bại ê chề đó. Vài người họ sẽ trở lại với dòng phim hay chủ đề mà họ từng tung hoành, một số sẽ thay đổi bản thân, rẽ nhánh tìm kiếm hướng đi mới hơn với dòng phim độc lạ hơn.
Nhưng không sự tái xuất nào là dễ dàng và hoàn hảo như những gì mà những nhà làm phim và những người hâm mộ “cứng cựa” của họ nghĩ. Danh tiếng, đặc biệt ở Hollywood là một thứ gì đó khó mà nắm bắt, được xây dựng bằng rất nhiều yếu tố, và sản phẩm của những vị đạo diễn chỉ là một phần trong đó. Hãy cùng Moveek điểm qua danh sách 10 phim đã vực dậy tiếng tăm của những nhà làm phim khỏi những thất bại đã chôn vùi họ trước đó.
1. Jurassic Park (1993) - Steven Spielberg
Bộ phim thảm họa đầu tiên của Steven Spielberg chính là 1941 (1979) - một bộ phim hài hành động chán nản lấy đề tài Thế chiến thứ II với dàn cast toàn sao. Tuy nhiên, sau hai bộ phim trước đó quá thành công là Jaws và Close Encounters Of The Third Kind, Hollywood vẫn còn có thể tha thứ cho bộ phim này. Ông tiếp tục đạo diễn hai bộ phim bom tấn khác là Raider Of The Lost Ark (1981) và ET (1982). Và thế là 1941 - một bộ phim hài, hoàn toàn khác với phong cách làm phim trước giờ, giống như một chuyên gia nướng thịt BBQ mà đi làm sushi vậy, lọt thỏm ngoài guồng quay những bộ phim đang ghi điểm của ông.
Những gì mà nhiều người nhớ nhất về vị đạo diễn này ngoài việc ông chính là ông vua của nền công nghiệp điện ảnh thập niên 80, chỉ đạo và sản xuất hàng loạt những bộ phim nổi tiếng, thì những phim ông làm thường có chủ đề khá hỗn tạp. Những phim đó bao gồm The Color Purple (1985) nói về những điều mà những người phụ nữ Mỹ - Phi phải đối mặt vào thế kỷ 20, Empire Of The Sun (1987) về đề tài chiến tranh và người trẻ, Always (1989) - một bản làm lại tệ hại tác phẩm A Guy Named Joe của Victor Fleming, bị những nhà phê bình vùi dập không thương tiếc.
Rồi khi bộ phim tiếp theo sau đó ra đời, và lần này có chút khác biệt. Hook (1990) tuy đem lại doanh thu tạm ổn, nhưng không được lòng khán giả và các nhà phê bình cho lắm, kể cả khi phim rất mang tính cá nhân và thương hiệu của ngài Spielberg. Điều này một lần nữa đã khiến công chúng đánh mất niềm tin nơi ông, phản hồi tiêu cực từ công chúng lần này không qua đi nhanh chóng như của 1941, mọi người dần bàn tán và dự đoán cái kết về triều đại thống trị của ông hoàng phòng vé.
Ba năm sau, ông cho ra mắt một bộ phim mới, đánh tan mọi nghi ngờ từ công chúng. Jurassic Park cho khán giả thế hệ mới trải nghiệm một chuyến phiêu lưu đầy kinh hãi của thế giới khủng long, với hiệu ứng đặc biệt hiện đại có khả năng đưa những chú khủng long thuở sơ khai về thời đại ngày nay trước sự ngỡ ngàng của khán giả.
Những khán giả mê đắm những tác phẩm của ông thời xưa có thể cảm thấy tác phẩm này thiếu sức sống hơn hẳn những bộ phim trước, nhưng không thể bàn cãi gì về việc đây là bộ phim có doanh thu cao nhất thế giới ở thời điểm phim ra mắt. Những khoảnh khắc như cơn gợn sóng va đập vào mặt kính, báo hiệu sự xuất hiện của khủng long đã trở thành một cột mốc quan trọng của văn hóa đại chúng. Sau đó, Spielberg tái định hình bản thân bằng một bộ phim mà không ai nghĩ sẽ thử qua - Schindler’s List, giúp ông trở thành một trong những nhà làm phim đại tài và lâu đời nhất của Hollywood.
2. The Martian (2015) - Ridley Scott
Thành công của Ridley Scott quá lớn đến mức khán giả sẵn sàng cho qua đi những tác phẩm kém sắc khác của ông. Blade Runner 1984 tuy đem lại cho ông rất nhiều danh tiếng nhưng lại là một thất bại phòng vé tại thời điểm đó, chưa được bao lâu thì ông lại "hụt chân" ở bộ phim dài kế tiếp Legend (1986). Ông trở lại mạnh mẽ với Thelma & Louise (1991) và bùng sáng với Gladiator 10 năm sau đó.
Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, những tác phẩm thành công khác của ông cũng không hẳn là cú đột phá vượt trội hơn những tác phẩm cũ, mà chỉ thu lại doanh thu vừa đủ như là American Gangster (2007) và Body Of Lies (2008). Vị đạo diễn tiếp tục trở lại với loạt phim Alien với phần tiền truyện Prometheus (2012), tác phẩm tuy có doanh thu khả quan, đủ để bật đèn xanh làm phần tiếp theo, nhưng lại không được đón nhận rộng rãi bởi người hâm mộ.
Ông tiếp nối thành công đó bằng hai sự thất bại khác là The Counselor (2012) và sử thi anh hùng Exodus: Gods & Kings (2014). Tới lúc này, các studio bắt đầu từ bỏ những bộ phim bom tấn dán nhãn R, cộng thêm màn trình diễn thiếu thuyết phục của Ridley, vô tình xác nhận một lần nữa quyết định của họ.
Và rồi một năm sau đó, Scott mang tới cho chúng ta một trong những bộ phim có doanh thu cao nhì trong sự nghiệp của ông, chỉ sau Gladiator - The Martian. Matt Damon thủ vai một phi hành gia thông minh bị kẹt lại trên Sao Hỏa, người sống sót bằng chính sự tháo vát của bản thân và trở về nhà với sự giúp đỡ của một đội ngũ NASA dưới Trái Đất. Đây là bộ phim đúng kiểu bom tấn cổ điển mà đa phần khán giả sẽ thấy thích, tuy không ấn tượng như những phim trước của ông. Mặc dù phim không phải là không có khuyết điểm, nhưng phim vẫn xuất sắc mang lại cho khán giả những phút giây giải trí tuyệt vời, pha trộn sự nghiêm túc trong thể loại phim khoa học viễn tưởng và sự hài hước duyên dáng đặc trưng của ông.
3. First Reformed (2017) - Paul Schrader
Danh tiếng Paul Schrader luôn được biết đến còn hơn cả vai trò là biên kịch của Taxi Driver và Raging Bull. Trong khoảng 40 năm trở lại đây, ông đã chỉ đạo những tác phẩm đầy thông minh và chạm tới tâm hồn người xem và là một trong những vị đạo diễn táo bạo nhất thời bấy giờ. Nhưng táo bạo không đồng nghĩa với thu hút được những studio, cho dù ông có được kính trọng và nhận được cơn mưa tán thưởng từ những tác phẩm như Blue Collar (1978), Mishima: A Life In Four Chapters (1985) và Affliction (1997) - bộ phim mang lại cho diễn viên gạo cội James Coburn vai phụ xuất sắc nhất.
Schrader vẫn cứ sản xuất hết phim này tới phim khác, nhưng có vẻ qua nhiều thập kỉ, tài chính dần trở nên khó kiếm, khán giả dòng phim nghệ thuật cũng không còn hứng thú với phong cách làm phim mơ hồ đặc trưng của ông, mà thiên về những câu chuyện trắng đen rõ ràng mà khán giả có thể thấu hiểu được ý nghĩa của chúng. Rồi sự nghiệp ông chạm đáy với bộ phim được gọi vốn và cộng tác cùng Bret Easton Ellis - The Canyons, một tác phẩm bị lãng quên và chối bỏ bởi khán giả lẫn giới phê bình.
Ông trở lại với bộ phim Dog Eat Dog (2016), nhưng sự hài hước bệnh hoạn, siêu bạo lực và nét diễn điên dại của Nicholas Cage đã khiến nhiều người phải khó chịu khi xem phim, và tất nhiên phim tiếp tục là một sự thất bại không thể bàn cãi. Thế mà bộ phim tiếp theo sau đó - First Reformed, kể câu chuyện về một mục sư (Ethan Hawke) giằng xé giữa đức tin của mình và việc phải hành động vì một thế giới đang bị tàn phá nặng nề bởi con người, lại là một cú hit của dòng phim độc lập và nghiễm nhiên được các nhà phê bình đặt vào danh sách 10 phim đáng xem trong năm. Đây không phải là sự tái xuất ngoạn mục gì, nhưng chắc chắn là một tác phẩm làm vực dậy tiếng tăm của ông, được thực hiện bằng tất cả năng lượng và can đảm như những ngày đầu làm phim của vị đạo diễn. Giới làm phim trẻ chắc chắn sẽ không có được gai góc và tinh tế trong mỗi ý tưởng mà chỉ có nhà làm phim gạo cội như ông mới có được.
4. Bug (2006) - William Friedkin
Cú sụp đổ đầu tiên trong sự nghiệp của William Friedkin là một bộ phim mà ngày nay được coi là kinh điển - Sorcerer (1977). Đây là một tác phẩm lấy cảm hứng từ bộ phim giật gân kinh điển của Pháp - The Wages Of Fear, được ra mắt đúng ngay thời điểm mà Star Wars đang độc chiếm phòng vé. Người đã tạo ra hai tác phẩm nổi tiếng The French Connection và The Exorcist vẫn không nản chí, để rồi bộ phim Cruising (1980) lại làm tan biến danh tiếng của ông thêm nữa. Ông có được một cuộc phục hưng nhẹ cho sự nghiệp khi To Live And Die In LA (1986) ra mắt, chỉ để sản xuất ra những bộ phim vô hồn khác nhằm thu lại lợi nhuận như Rules Of Engagement (2000) và The Hunted (2003).
Bug (2006) đột nhiên xuất hiện với vai trò là một bản chuyển thể kinh phí thấp của vở kịch cùng tên do biên kịch Tracy Lett chấp bút, với sự tham gia của Ashley Judd và Michael Shannon, cả hai trong vai một cặp đôi dần bị hoang tưởng rằng cuộc sống của họ đang bị quấy rầy bởi lũ bọ quanh nhà, khiến họ không còn biết được liệu thực hay ảo nữa. Phim có một màu sắc u tối và rùng rợn kết hợp cùng diễn xuất điên dại của Shannon giúp đây trở thành một trong những tác phẩm hay nhất của ông.
Mặc dù đây cũng chưa phải là một cú đột phá phòng vé, nhưng bộ phim cũng nhắc chúng ta rằng Friedkin vẫn còn có thể tạo ra những tác phẩm tuyệt như vậy. Điều này được chứng minh thêm một lần nữa với sự trở lại của ông qua phim Killer Joe (2011), một bản chuyển thể khác từ vở kịch của Lett, một tuyệt phẩm khác khiến người xem phải rùng mình vì sự tàn bạo trong câu chuyện nhuốm màu bạo lực.
5. Before The Devil Knows You’re Dead (2007) - Sidney Lumet
Cuối thập niên 70, di sản Sidney Lumet quá an toàn tới mức cả bộ phim thảm họa như The Wiz (1978) cũng không thể chấm dứt được sự nghiệp của ông. Ông làm việc liên tục trong vòng 50 năm, tung hoành ở khắp các thể loại phim, từ 12 Angry Men (1957), Serpico (1973), Dog Day Afternoon (1976), Network (1981) đến Prince Of The City Q&A (1990) là nổi bật nhất trong tất cả. Cho đến khoảng thập niên 90, ông bắt đầu hơi đuối sức và tạo ra những bộ phim kém chất lượng như Guilty As Sin (1993) và Find Me Guilty (2006).
Điều này làm Before The Devil Knows You’re Dead trở thành một trong những bất ngờ lớn nhất trong sự nghiệp của vị đạo diễn này. Kịch bản xuất sắc từ Kelly Masterson kết hợp với Ethan Hawke và Philip Seymour Hoffman trong vai hai anh em lúc nào cũng càu nhàu, nhăn nhó, lên kế hoạch để cướp cửa hàng trang sức của chính bố mẹ hai người. Lumet đã khéo léo nhào nặn bộ phim với dòng thời gian phức tạp, đầy rẫy những đoạn hồi tưởng và viễn cảnh cùng với kiểu hài kịch đen, trở thành một tác phẩm độc đáo và thu hút một cách rất riêng.
Khán giả có thể cảm nhận được từng sự giận dữ trong từng khung hình, một lão già nổi loạn và hét thật to cho thế giới nghe được, để lại những năm tháng đầy thất vọng và nuối tiếc sau lưng. Đây là bộ phim cuối cùng của ông trước khi qua đời, một màn kết sân ngoạn mục dành tặng cho khán giả trước khi tấm màn nhung khép lại, kết thúc một chặng đường đầy thăng trầm của ông.
6. The Big Red One (1980) - Samuel Fuller
Cũng như Schrader, Sam Fuller là một kẻ nổi loạn của giới điện ảnh, phá vỡ mọi giới hạn mà người khác không muốn làm. Danh tiếng của ông được tạo nên nhờ những chuỗi phim kinh phí thấp, bắt đầu từ I Shot Jesse James (1949) và kết thúc ở The Naked Kiss (1964). Nhìn chung, ông là người đầu tiên mang những vấn đề xã hội vào trong những bộ phim gán mác hạng B.
Nhưng rồi Fuller phải chật vật với công việc của mình từ khoảng giữa những năm 60 đổ đi, và rồi thảm họa như Shark! (1969) đã làm gián đoạn sự nghiệp của chính ông cả một thập kỷ. Cuối cùng, ông mới có thể gọi vốn tiếp tục thực hiện bộ thiên hùng ca dựa trên trải nghiệm của ông khi còn là một người lính của Sư đoàn bộ binh thứ nhất nổi tiếng trong Thế chiến thứ II.
Warner Bros. muốn làm The Big Red One từ những năm 50, nhưng chỉ khi nào có John Wayne góp mặt. Fuller cảm thấy Wayne không phải lựa chọn đúng đắn, chính điều này đã khiến anh và Jack Warner - Người đứng đằng sau tập đoàn WB vô tình đối địch nhau lúc bấy giờ.
Gần 30 năm sau, Fuller đã có toàn quyền thực hiện phim theo ý ông, giúp phim trở thành một trong những tác phẩm hay nhất về chiến tranh. Một trong những phim có vai diễn ấn tượng của Mark Hamill ngoài Star War, cùng với màn trình diễn xuất sắc sau cùng của Lee Marvin trước khi ông qua đời năm 1987. Rắc rối từ giai đoạn tiền sản xuất đã khiến bộ phim bị cắt xén quá nhiều so với bản gốc, cho đến khi bản phim được phục hồi được ra mắt lại vào năm 2004. Dù vậy, phim vẫn được coi đã hoàn tất theo ước muốn của ông, được trình chiếu tại Cannes, đủ để gây sự chú ý cho khán giả cho tác phẩm kế tiếp của ông - White Dog (1982).
7. The Fisher King (1991) - Terry Gilliam
Gilliam là thành viên người Mỹ duy nhất của nhóm hài Monty Python, cũng là người nổi bật nhất giữa tất cả thành viên, vượt ra khỏi cái bóng của nhóm hài mà trở thành một nhà làm phim có tiếng. Ông là một nhà nhân đạo có đôi mắt sắc bén, có khả năng pha trộn giữa yếu tố hài hước và kinh hoàng như khán giả thấy trong Time Bandits (1981), và nổi tiếng phải kể đến tác phẩm mang đề tài châm biếm - Brazil (1988). Nhưng bộ phim tiếp theo sau đó của ông lại là một thảm họa không thể bàn cãi - The Adventures Of Baron Munchausen (1988), có kinh phí cao nhưng lại chẳng thu về doanh thu phòng vé bao nhiêu.
The Fisher King chỉ tốn có một nửa của phim trên, nhưng lại có câu chuyện khó mà triển khai dễ dàng trên phim. Một người dẫn chương trình radio (Jeff Bridges) tìm kiếm sự chuộc tội bằng việc giúp đỡ một người đàn ông vô gia cư (Robin Williams), người mà tin rằng ông chính là hiệp sĩ đang đi tìm chén thánh. Đây đáng ra sẽ là một bộ phim đau buồn và tàn nhẫn, nhưng Gilliam đã khéo léo biến đây trở thành một bộ phim cổ tích hiện thực. Kết quả là thành công mỹ mãn, phim nhận được nhiều đề cử Oscar, giúp Mercedes Ruehl giành được giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Ông lại tiếp tục ghi điểm bằng bộ phim Twelve Monkeys (1995), nhưng lại trượt dài khi bản chuyển thể tác phẩm Fear & Loathing In Las Vegas (1998) thất bại trong việc liên kết với khán giả.
8. The Visit (2015) - M. Night Shyamalan
Khán giả nên nhớ rằng tác phẩm đầu tay của M.Night Shyamalan không phải The Sixth Sense (1999), mà là bộ phim độc lập mang tên Wide Awake (1999) mà Harvey Weinstein vùi dập không thương tiếc. Dù vậy, The Sixth Sense mới là bộ phim đưa ông tới danh vọng với vô số những đề cử Oscar. Ông sớm đuối sức khi ra mắt những tác phẩm có lối kể chuyện dở tệ mà chỉ tập trung vào những cú twist gây sốc não người xem. Cái tôi của ông cao tới mức ông sẵn sàng vào vai một đấng cứu thế trong chính bộ phim ông đạo diễn - The Lady In The Water. Shyamalan dần dấn thân vào sản xuất những bộ phim bom tấn thiếu sức sống như The Last Airbender (2010), và cú flop thảm bại mang tên After Earth (2013) cho cả ông và anh chàng diễn viên Will Smith.
Kể cả những nỗ lực yếu ớt nhất của ông, vẫn có một số khoảnh khắc khá tuyệt vời từ cách bố cục, góc máy và cách sử dụng màu sắc để nêu lên ý nghĩa của cảnh quay. Ý tưởng của ông cũng thú vị, nếu tách nó ra khỏi tổng thể của phim, thì vẫn sẽ khiến người xem phần nào công nhận tài năng của ông. Vấn đề nằm ở chỗ cách dẫn dắt kể chuyện của ông cực kỳ tệ (dù không phải lúc nào cũng vậy, nhưng đa phần là thế), và còn tệ hơn là có vẻ ông chưa bao giờ nghĩ những thứ ông làm là có vấn đề, một phần vì sự nổi tiếng quá sớm với ông từ những ngày đầu.
Cứ tưởng những điều trên sẽ là vấn đề lớn cho bộ phim tiếp theo của ông, thuộc thể loại found-footage kinh phí thấp - The Visit. Thế nhưng một lần nữa, ông lại làm khán giả bất ngờ. Phim kể về cuộc viếng thăm của chị em nọ về nhà ông bà ruột của mình, để rồi khám phá ra nhiều điều kì dị và bất thường ở nơi tưởng chừng là nhà của họ. The Visit pha trộn với yếu tố từ truyện cổ tích, nhưng lại đen tối ngang ngửa với tác phẩm truyện cổ Grimm (Vốn là truyện cổ tích có màu sắc u ám, ghê rợn nhưng được biến thể để phù hợp với đa số khán giả, nhất là khán giả trẻ tuổi). Tác phẩm chứa đầy những phân đoạn ghê rợn, những cú twist ngã ngửa. Đây chính là một cú hit mà không ai ngờ tới từ ông, trao cho ông cơ hội để tiếp tục nhận được sự tin tưởng từ studio.
9. Blue Velvet (1986) - David Lynch
Sau hai bộ phim Eraserhead (1977) và The Elephant Man (1980), Lynch sớm trở thành một tượng đài của dòng phim cult (là những tác phẩm thất bại ở thời điểm ra mắt, nhưng dần dần trở nên yêu thích và tôn thờ bởi khán giả sau khi nhận ra giá trị thực của nó). Rồi vị thế đó bị tổn hại khi ông tạo ra Dune (1984). Lynch cảm thấy tầm nhìn của ông cho phim bị can thiệp quá nhiều, người hâm mộ quyển tiểu thuyết thất vọng và khán giả thì ném đá tới tấp. Dù rằng phim vẫn chứa những phân đoạn khoa học viễn tưởng cực chất, nhưng điều đó không là gì với những điều mà bộ phim thảm họa này mang lại cho ông.
2 năm sau, Lynch trở lại với bộ phim mà có lẽ sẽ định hình cả sự nghiệp ông sau này. Khó mà nói sức ảnh hưởng của Blue Velvet lớn chừng nào, còn bất ngờ hơn khi bộ phim được ra mắt vào giữa thập niên 80, thời điểm mà chiến tranh văn hóa đang nổ ra (là thời kỳ xung đột giữa hai giá trị văn hóa khác nhau, một bảo thủ và truyền thống, một tiến bộ và tự do). Bộ phim noir của Lynch không chỉ nói về một vùng ngoại ô đầy im ắng và sự thanh bình giả tạo, mà còn nói về những âm mưu ghê rợn ẩn sau những bãi cỏ xanh mướt ở những ngôi nhà hàng xóm lân cận. Một tác phẩm hoàn toàn mới, điểm xuyết chút kinh hoàng và màu sắc đầy ma mị, siêu thực mà không phải ai cũng có thể hiểu được. Đây chính là bộ phim giúp Lynch có động lực mà tiếp tục phát huy phong cách này qua series truyền hình Twin Peak, và dám thử nghiệm nhiều dạng hình khác nhau hơn cho những tác phẩm sau này của ông.
10. The Player (1992) - Robert Altman
Những màn tái xuất gây ấn tượng với các studio chắc chắn phải thuộc về những dạng này: một cú hit phòng vé và là tác phẩm được các nhà phê bình đánh giá cao, hoặc là giành được Oscar. Và màn tái xuất của Robert Altman với Hollywood cơ bản như là ông tự “tè” vào bãi cỏ trước sân nhà mình vậy. Altman ra mắt rất nhiều phim điện ảnh vào thập niên 70, mặc kệ cho rất nhiều trong số đó đã thất bại rồi. Dần dần, những tác phẩm hay khác của ông như M.A.S.H, McCabe & Mrs. Miller, The Long Goodbye và Nashville bị thu bé lại bằng hạt đậu sau khi phiên bản nhạc kịch của Popeye (1980) giáng một đòn quyết định, loại bỏ ông khỏi đường đua Hollywood.
Nhưng Altman không bao giờ biết từ bỏ. Không tham lam những tác phẩm lớn lao có kinh phí cao nữa, ông chuyển xuống sản xuất những bộ phim nhỏ lẻ hơn, như là Secret Honor (1984) - một trong những phim hay nhất của ông. Altman bắt đầu khuấy động lại khi ra mắt series Tanner ‘88 cho kênh HBO và một bộ phim nghệ thuật khá hay khác - Vincent & Theo (1990). Nhưng chỉ đến khi The Player - tác phẩm châm biếm kết hợp với nhà biên kịch Michael Tolkin mới khiến khán giả “phải lòng” tài năng của ông một lần nữa.
Phim kể câu chuyện về một tên giám đốc sản xuất vô đạo đức, phải nhận một lời đe dọa từ một nhà văn ẩn danh. Tác phẩm nhạo báng chính sự độc ác từ thế giới làm phim, ám ảnh với những ý tưởng độc đáo và những phần phim tiếp nối nhau. Cả dàn cast như tham gia để tự cười cợt chính bản thân họ vậy, và chính điều này giúp phim được đề cử Oscar cho hạng mục đạo diễn, biên kịch và dựng phim xuất sắc nhất, và còn dành 2 Quả cầu vàng cho bộ phim hài kịch xuất sắc nhất, cùng với đó là giải diễn viên xuất sắc nhất cho thể loại hài kịch cho diễn viên Tim Robbins.
Nền công nghiệp điện ảnh dường như đã sẵn sàng để chào đón ông trở lại, mối quan hệ rộng rãi của Altman cho phép ông tiếp tục gọi vốn để đầu tư từ những mối quan hệ cũ. Altman tiếp tục thói quen cũ khi sản xuất ra cả chục bộ phim lớn nhỏ khác nhau với chất lượng tầm trung trở lên. Rồi ông để lại một di sản cuối cùng - A Prairie Home Companion (2006), trước khi rời bỏ thế giới này mãi mãi cùng năm đó.
Nguồn: Taste of Cinema