Bên cạnh Christopher Nolan, Martin Scorsese, Quentin Tarantino hay Tim Burton, Michael Mann cũng được coi là một trong những đạo diễn tài ba nhất thế hệ ông Mặc dù giờ đây ông đã lùi về cương vị nhà sản xuất và biên kịch, kho tàng phim ảnh của ông thời đỉnh cao vẫn là những bộ phim luôn chễm chệ trong danh sách những bộ phim kinh điển.
Như các đạo diễn cùng thời, Michael Mann có một phong cách đặc trưng muôn thuở. Ông là đạo diễn chuyên trị kiểu phim về những con người chịu sự áp bức của xã hội. Các bộ phim của Mann bộc lộ sự thấu hiểu ông dành cho những linh hồn bị đọa đầy và thường phải ra quyết định dính dáng đến đạo đức. Thường thì họ là các tội phạm băng đảng, trộm cướp, đặc vụ chuyên lùng sục sát nhân hàng loạt, một người lao động phổ thông hầu như mắc kẹt trong cuộc sống và công việc bế tắc, hoặc là một người hùng lạc lối.
Với tài năng kể chuyện và đòi hỏi sự hoàn hảo ở chính các dự án của mình, Mann làm nên nhiều bộ phim tuyệt vời hòa quyện nhân tính và yếu tố hành động có hồn và được trau chuốt điệu nghệ. Có thể nói, Mann là một trong số những đạo diễn hiếm hoi có thể đem chiều sâu đến các bộ phim hành động. Dưới đây là 6 bộ phim hay nhất với những câu chuyện kịch tính, nhip điệu dồn dập, những nhân vật đủ phức tạp, và plot-twist do Mann cầm trịch.
1. Collateral (2004)
Thập niên 2000 không phải giai đoạn tốt đẹp với Mann khi các dự án ông thực hiện từ 2000 trở đi đều không đạt được thành công như các dự án trước. Collateral là ngoại lệ duy nhất ở thời điểm ấy, trước sự ra đời của Public Enemies (2009) không mấy đặc sắc so với các tác phẩm từng làm nên tên tuổi của ông, cũng như Blackhat (2015) không để lại mấy ấn tượng dù ý tưởng khá tốt.
Thuộc thể loại noir, Collateral kể về Max (Jamie Foxx) làm nghề lái taxi ở thành phố Los Angles. Một ngày, Max nhận chở Vincent (Tom Cruise) đến nhiều địa điểm khác nhau theo gã ta yêu cầu với mức phí là $600. Nhưng Max nhanh chóng nhận ra Vincent là một sát thủ và anh đã bị lừa thành tòng phạm của gã.
Collateral có thể được xem là câu chuyện luận bàn triết lý sống trá hình một bộ phim hành động của hai kẻ đến từ 2 thế giới hoàn toàn khác nhau. Điều kỳ lạ ở đây là họ vẫn có thể tìm được điểm chung: cả 2 đều những kẻ không danh tính.
2. Manhunter (1986)
Nói đến sát nhân ăn thịt người Hannibal Lecter, người ta thường nhắc đến The Silence of the Lamb (Sự Yên Lặng Của Bầy Cừu) năm 1991. Tuy nhiên, trước đó, dự án Manhunter của Michael Mann, đồng thời là bộ phim chuyển thể đầu tiên của loạt tiểu thuyết về Hannibal Lecter, cũng ấn tượng không kém. Bất chấp không thành công khi ra mắt hay được đánh giá cao, ngày nay, phim lại trở thành một tác phẩm kinh điển trong mắt những tín đồ điện ảnh.
Trước khi Clarice Starling bước vào ánh hào quang, người đối đầu với Hannibal Lecter (trong phim được gọi là Lector) là chuyên gia phân tích lập hồ sơ tội phạm Will Graham (William Petersen). Lúc này, Lecter đã vào tù, còn Graham phải truy bắt một tên sát nhân hàng loạt khác với biệt danh Tiên Răng. Gặp khó khăn trong việc hình dung kẻ thủ ác, Graham buộc phải tìm đến Lecter nhờ hắn giúp đỡ. Giờ thì anh phải đối mặt với cả 2 tên sát nhân vô cùng thông minh và hiểm độc.
3. The Insider (1999)
Dựa theo sự kiện có thật, The Insider kể về quá trình lột trần mặt tối một công ty sản xuất thuốc lá của Jeffrey Wigand (Russell Crowe) và Lowell Bergman (Al Pacino).
The Insider là một bộ phim hơi khác lạ so với phong cách quen thuộc của Mann. Đây là bộ phim nghiêng về drama nhiều hơn. Nhưng ngón nghề kể chuyện của ông vẫn còn nguyên. Bộ phim này được chính Mann lên kịch bản và đạo diễn. Lấy chủ đề sự tham lam của các tập đoàn nước Mỹ, The Insider kịch tính dù không có lấy một phát súng, nhịp điệu lên xuống không thể chuẩn hơn để làm nên một câu chuyện cuốn hút về số phận của những người tố cáo các doanh nghiệp hùng mạnh, kết hợp với màn biểu diễn xuất sắc từ Al Pacino và Russell Crowe.
4. The Last of the Mohicans (1992)
The Last of the Mohicans gắn liền với những câu chuyện nam diễn viên chính Daniel Day-Lewis sử dụng method acting cực đoan nhằm hóa thân thành nhân vật Hawkeye – một chiến binh của bộ lạc Mohican vô cùng giỏi việc sinh sống trong thiên nhiên hoang dã, mặc dù bản thân Day-Lewis đã là một diễn viên hết sức tài năng. Tuy vậy, từ khi ra mắt đến nay, bộ phim này đã là một tác phẩm kinh điển của Hollywood thập niên 90, nhờ vào một kịch bản cô đọng mang đậm tính sử thi, dàn nhân vật sống động, và chuyện tình lãng mạn máu lửa. Dĩ nhiên, sự chỉ đạo của Mann là một trong những yếu tố làm nên thành công của phim. Không chỉ là đạo diễn, Mann còn là người góp sức biên kịch bộ phim.
The Last of the Mohicans lấy bối cảnh năm 1757, Anh và Pháp đối đầu ở Bắc Mỹ nhằm tranh giành thuộc địa, khiến các bộ lạc người bản địa ở đây phải chọn phe để tồn tại. Trong một cuộc giao tranh, người con nuôi của tộc trưởng bộ lạc Mohican Hawkeye giải cứu 2 chị em Cora và Alice Munro. Anh đồng ý hộ tống 2 cô gái đến người chỗ người cha là Đại tá Edmund Munro ở pháo đài Henry William. Dọc đường, Hawkeye dần đem lòng yêu Cora, mở ra một câu chuyện tình đẫm máu và mất mát trong thời loạn.
5. Thief (1981)
Frank (James Caan), một tên trộm đá quý lão làng, đang tìm đường về hưu vĩnh viễn để lập gia đình với bạn gái Jessie. Để đạt được điều đó, Frank lên kế hoạch thực hiện phi vụ cuối cùng. Nhưng kế hoạch gác kiếm của Frank không thành công như dự định, khiến tay siêu trộm sử dụng đến giết người để đảm bảo mục tiêu cuối cùng trong đời hắn thành hiện thực.
6. Heat (1995)
Trong Heat, tội phạm lành nghề Neil McCauley (Robert De Niro) và đồng bọn đã thuê Waingro nhằm trợ giúp hắn trong phi vụ cướp trái phiếu trị giá $1.6 triệu. Phi vụ lẽ ra đã là một phi vụ sạch sẽ và trơn tru nếu Waingro không lỡ tay bắn chết một bảo vệ. Để xóa chứng cứ, McCauley ra lệnh giết hết những bảo vệ còn lại. Vụ việc đưa hắn vào tầm ngấm của thanh tra mẫn cán Vincent Hanna (Al Pacino), khơi màu màn truy bắt căng não giữa 2 bên.
Heat là dự án xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Mann. Bộ phim là bằng chứng tài năng của vị đạo diễn đã đạt đến độ chín. Ở Heat, mọi điểm mạnh ông thể hiện ở các tác phẩm trước được tụ họp lại và làm nên một dự án hành động tội phạm được điện ảnh ngày nay nhìn nhận là bước ngoặc của thể loại, từ những phân cảnh đối đầu chỉn chu, cung bậc cảm xúc ở The Last of the Mohicans, mối quan hệ tâm lý giữa hai linh hồn vừa khác biệt vừa tương đồng ở Manhunter, yếu tố xã hội, cho đến khía cạnh kỹ thuật (âm thanh, soundtracks, dựng cảnh…). Ngày nay, dấu vết của Heat hầu như đều được tìm thấy ở những bộ phim tội phạm hiện đại.
Thay vì phải chịu những trận “tụt mood” với các bộ phim thảm họa, hành động là thể loại cần xem lúc này để cảm nhận được sự phấn khởi mà phim ảnh có thể man lại. Thông thường, những bộ phim của Christopher Nolan hay Martin Scorsese được cân nhắc đầu tiên. Tuy nhiên, so với những đứa con của Nolan khả năng cao sẽ gây đau đầu, còn tuyệt tác của Scorsese lại có vẻ như dài hơn thời lượng thực tế, những dự án của Michael Mann lại là lựa chọn vô cùng phù hợp.