Với những cái kết vô cùng có hậu, Elite đặt dấu chấm hết hoàn chỉnh và trọn vẹn cho 3 phần phim với lời hứa hẹn sẽ trở lại một dàn diễn viên mới. Trong lúc chờ đợi, dưới đây là 7 bộ phim teen drama học đường đặc sắc các mọt phim có thể “luyện” để đỡ nhớ những ngôi trường không phải của mình (Một số chỉ nên để ngắm, không nên bước vào các mọt ạ!)
1. Pretty Little Liars (Những Thiên Thần Nói Dối) (ABC)
Aria, Hana, Spencer, và Emily từng là những người bạn thân thiết cho đến khi thành viên thứ 5, cũng là cầu nối giữa các cô gái, trong nhóm Alison mất tích vào một đêm mưa gió. Một năm sau, cả nhóm tái họp một cách bất đắc dĩ khi bị một người với bí danh là A đe dọa sẽ tiết lộ những bí mật thầm kín nhất của họ. Những điều mà chỉ có Alison mới biết. Từ đó, cuộc sống của các cô gái bắt đầu trở nên vô cùng rắc rối và nguy hiểm.
Pretty Little Liars có thể đã cũ, nhưng luôn là một series mang tính giải trí cao và hoài niệm về một tuổi teen không tưởng đời đầu. Toàn bộ series được câu đố nhuốm màu ma mị bắt đầu với một vụ mất tích và một thi thể không lời giải. Drama học đường, cụ thể ở đây là mối quan hệ bạn bè bị ràng buộc bởi những bí mật giữa các cô gái trẻ, liên kết chặt chẽ với lời giải cho danh tính bỉ ẩn.
Bộ soap-opera này có nhiều tình tiết không được hợp lý cho lắm. Nhưng với drama học đường, chúng là cần câu hấp dẫn người xem nhất.
2. Riverdale (Thị Trấn Riverdale) (CW - đã có trên Netflix)
Riverdale là tên một thị trấn nhỏ như bao thị trấn khác. Nhưng bên dưới cảnh quan sóng yên biển lặng của nơi đây là hàng loạt những sóng ngầm và bí mật chết chóc. Chúng bắt đầu lộ diện với vụ án mất tích của Jason Bloom. Tâm bão của Riverdale là nhóm thiếu niên Betty, Jughead, Archie, Veronica và Cheryl, những thiếu niên phải học cách sống với thanh xuân đầy rẫy án mạng bí ẩn, tội phạm, tà giáo, và những hồn ma ám ảnh.
Có một điều mà chưa chắc các mọt phim nhận ra là hầu hết những đứa học sinh trong hầu hết phim kiểu này đều có nhiều nét giống với nhân vật huyền thoại “con nhà người ta”, gồm ngoại hình đẹp như mơ, học giỏi, không giỏi học cũng có tài năng dị thường nào đó (làm thám tử, nhà tổ chức sự kiện, nhà kinh doanh), sống cuộc đời phiêu lưu và một ngôi trường hầu như chẳng để tâm đến thành tích của học sinh (nếu có cũng là để phục vụ mục đích của kịch bản). Nói chung là cuộc sống của họ nói chung là là chuyến tàu bơm đầy adrenaline. Và bí ẩn lớn nhất chưa bao giờ được giải đáp là làm thế quái nào chúng còn sống sau những án mạng, tà giáo, ma thuật, bạo lực băng đảng.
Thế mới thấy tại sao các mọt phim luôn để các phim kiểu này vào danh sách phim ảnh. “Con nhà người ta” dĩ nhiên đáng ghét, nhưng thanh xuân của người ta thì luôn là đặc sản để thưởng thức, nhất là so với tuổi thơ bình thường của chúng ta.
3. Dare Me (Đừng Thách Tôi) (Netflix)
Cuộc sống của những cổ động viên chưa bao giờ phức tạp và tội lỗi đến vậy. Trong Dare Me, huấn luyện viên cổ động Colette French đặt chân đến một trường trung học với quyết tâm đào tạo một đội cỗ vũ siêu sao. Nhưng kế hoạch của cô nhanh chóng gặp phải trở ngại khi thủ lĩnh của nhóm thể hiện thái độ thù hằn với huấn luyện mới.
Dare Me khắc họa một khía cạnh hiếm thấy ở phim teen drama. Đó là cuộc vật lộn của các cổ động viên, hình mẫu được coi là ong chúa của trường học với thân hình hoàn hato và thái độ hách dịch. Đây là bộ phim khám phá những mối quan hệ tình bạn phức tạp, lòng ghen tị và tham vọng đứng đầu giữa các thiếu nữ.
4. Extracurricular (Hoạt Động Ngoại Khóa) (Netflix)
Ngoài mặt, Oh Ji-soo là một học sinh gương mẫu ít nói. Nhưng về đêm, Ji-soo vào vai một tên ma cô bảo kê gái mại dâm để kiếm tiền chi trả cho cuộc sống gần như mồ côi và ước mơ đại học của bản thân. Cuộc sống hai mặt cậu diễn ra suôn sẻ cho đến khi một bạn học “đánh hơi” được hành vi phạm tội của cậu ta. Ji-soo nhanh chóng thấy bản thân đang đứng trên bờ vực tù tội.
Cốt truyện có thể không mới, nhưng bộ phim này biết cách giữ chân khán giả bằng cách pha trộn nét ngây thơ, độ hóm hỉnh vừa phải với sự đen tối âm thầm. Extracurricular có nhiều chi tiết mà người xem không thể tưởng tượng được mình đang theo dõi một bộ phim học đường. Nhưng ẩn nấp trong sự không tưởng đó là phần nào sự thật tàn khốc bủa vây các học sinh trung học ở Hàn Quốc.
5. Euphoria (HBO)
Dựa trên phim truyền hình cùng tên của Israel, thông qua nhân vật Rue (Zendaya), người đã tái nghiện ma túy không biết bao nhiêu lần, Euphoria mời người xem bước vào thế giới tràn ngập những khủng hoảng tuổi mới lớn. Nhưng giữa mớ hỗn độn của nghiện thuốc, không thể xác định bản dạng giới, trầm cảm, bị bạo hành, bắt nặt, cưỡng hiếp, các mối quan hệ mang chiều sâu cảm xúc vẫn đủ sức để nảy nở.
Euphoria dễ dàng cuốn khán giả vào thực tại chống chỉ định người yêu đời này với những câu chuyện nhiều xúc cảm và khâu hình ảnh đẹp đến thôi miên.
6. Girl From Nowhere (Cô Gái Đến Từ Hư Vô) (Netflix)
Nanno, bí ẩn và thông minh đến mức kinh hoàng, được ví như một thế lực tai họa. Cô gái đa diện này luân chuyển qua các trường trung học, xâm nhập vào quần thể học sinh, và bắt đầu bóc trần những bí mật mang sức tàn phá ghê gớm với các mối quan hệ bạn bè lẫn tình yêu. Ở ngôi trường mới lần này, Nanno cũng sẽ phá nát thanh xuân tươi đẹp của học sinh nơi đây, nhất là những ai làm tổn hại đến cô.
Một hương vị kinh dị drama học đường đến từ Thái Lan sau thành công của Hormones, Girl From Nowhere ghi điểm khi lột bỏ bộ mặt vô tội của những học sinh trung học và biến cuộc sống của đám học sinh mới lớn thành câu chuyện ngụ ngôn kinh dị.
7. Re: Mind (Netflix)
So với những cái tên khác trong danh sách này, Re: Mind có chút khác biệt. Bộ phim xuất xứ từ Nhật Bản này phần lớn diễn ra ngoài khung cảnh lớp học. Nhưng các nhân vật của phim lại vì mớ hành động ở trường mà rơi vào hiểm cảnh hiện tại.
Re: Mind xoay quanh 12 cô gái là bạn học cùng lớp ở một trường trung học. Vào ngày trước lễ tốt nghiệp, tất cả bị bắt cóc và trói vào một bàn ăn kiểu Tây. Không thể cầu cứu, không thể cởi trói, họ phải đấu trí với tên bắt cóc bí ẩn để giữ mạng.
Kết cấu không thể đoán trước và vô vàn cú twist đợi chờ ở những góc khuất làm Re: Mind trở thành một câu đố vô cùng cân não. Yếu tố kinh dị và drama tuổi teen trong phim được cân bằng một cách hoàn hảo. Và như bao bộ phim mang phong cách Nhật Bản, đứa con lai giữa Saw và thể loại học đường này che giấu triết lý về quan hệ nhân quả và vấn nạn bạo lực học đường âm ỉ trong các trường học ở xứ sở hoa anh đào.