Làn sóng mới của Hollywood được coi là thế hệ tài hoa nhất nền điện ảnh xứ cờ hoa. Đây là thế hệ đã cho ra đời những nhà làm phim đa sắc đa dạng như Oliver Stone, Francis Ford Coppola, Hal Ashby, Brian De Palma, Steven Spielberg…. Nhưng, trong số những cái tên kì cựu như trên, có một người vẫn nổi trội hơn cả, bất chấp năm tháng. Đó là Martin Scorses – đạo diễn người Mỹ gốc Ý.
Từ bộ phim đầu tay – Who’s That Knocking On My Door – ra mắt năm 1967 cho đến tác phẩm Silence của 2017, Scorsese đã liên tục chứng minh bản thân ông không chỉ là một đạo diễn vĩ đại nhất điện ảnh Mỹ, mà còn là đạo diễn vĩ đại nhất mọi thời đại. Cho đến nay, hiếm nhà làm phim nào có được gia tài các tác phẩm kinh điển đồ sộ như khối óc nghệ thuật gốc Ý này sở hữu.
Chính vì thế, việc xếp hạng các bộ phim của ông trở nên khó khăn hơn cả. Với những thước phim tuyệt diệu như vậy, làm sao để ta quyết định đâu là bộ dở nhất, đâu là bộ hay nhất? Xếp Goodfellas hay Taxi Driver ở đâu mới hợp lý? Raging Bull thì sao? Còn những phim như After Hour và The Age of Innocence? Và còn nhiều bộ phim phải xem xét nữa.
Dù vậy, danh sách này vẫn phải được lập ra. Nhất là đối với những ai mới nghe danh Martin Scorsese lần đầu và đang nuôi ý định xem phim của ông, thì với danh sách này, họ có thể biết nên bắt đầu từ đâu.
Dưới đây là danh sách top 10 bộ phim hay nhất của đạo diễn Martin Scorsese.
10. Silence (2016)
Suýt chút nữa thôi bộ phim này đã không được góp mặt vào giải Oscar năm 2017 (Phim chỉ được 1 đề cử cho quay phim xuất sắc nhất).
Silence có thể là tác phẩm tâm huyết nhất của đạo diễn Martin Scorsese. Sau 25 năm chìm trong tranh cãi pháp lý về bản quyền, dự án đầy đam mê này rốt cuộc cũng thành hiện thực. Bộ phim tuy không dành cho mọi bộ phận khán giả, nhưng với những ai hứng thú với đức tin và làm thế nào để thể hiện nó thông qua nghệ thuật, thì đây là bộ phim bạn nên tìm đến đầu tiên.
Silence tập trung vào hai tu sĩ do Adam Driver và Andrew Garfield thủ vai. Nhận được tin tức người thầy năm xưa của họ đã từ bỏ đức tin, cả hai lên đường đến Nhật Bản xa xôi để tìm gặp ông. Ở vùng đất xa lạ, cả hai bắt đầu cảm thấy đức tin của họ đang bị thử thách đến cực điểm.
Sự phức tạp của Silence là một dấu hiệu chứng tỏ tâm trí của Scorsese đã đạt đến trình độ của những đạo diễn đại tài như Bergman, Tarkovsky và Dreyer – những người đã dùng điện ảnh như một công cụ để liên lạc với Chúa Trời.
Hiện nay, chẳng còn nhà làm phim nào có thể làm một bộ phim như thế này nữa. Và Martin Scorsese đã trở thành đạo diễn tác giả cuối cùng có khả năng lột tả bản chất của đức tin tôn giáo.
9. The King of Comedy (1982)
Bộ phim thuộc thể loại hài đen này có thể là tác phẩm bị hiểu lầm nhất trong kho tàng kinh điển của Scorsese. Nó bạo lực như Taxi Driver và Raging Bull, nhưng lại là một kiểu bạo lực khác. Đó là một kiểu bạo lực thụ động - chỉ những hành động phản kháng ngầm của một cá nhân - thấm nhuần vào mọi tế bào của nhân vật chính.
The King of Comedy, với diễn xuất xuất thần của Robert DeNiro, làm khán giả bối rối với khiếu hài hước gai người và những phân cảnh mà họ không biết nên cười hay đỏ mặt. Thế nhưng, đó lại là ý đồ của Scorsese. Với nội dung khắc họa một thế giới mà ai cũng tưởng mình có thể trở thành những danh hài và nghĩ bản thân xứng đáng có được thành công chỉ vì họ đã bỏ ra hàng giờ đồng hồ tập đi tập lại những trò hài trong căn hộ của mẹ, ông đã cố tình biến bộ phim này thành một tác phẩm châm biếm được xây dựng kĩ càng để đánh vào bản chất của danh vọng. Đã thế, những gì mà The King of Comedy châm biếm thật sự đã đi trước thời đại, tức nó đúng với xã hội hiện nay hơn là những năm thập niên 1980.
8. Mean Street (1973)
“Người ta không chuộc lỗi ở nhà thờ, mà làm điều đó trên những con phố”. Câu nói này được chính Scorsese nói lên trong phim trước khi nền nhạc như sấm rền của The Ronette – bài Be My Baby – vang lên, đã tóm gọn hết triết lý của Mean Street.
Mean Street xoay quanh Charlie (Harvey Kaital), một tín đồ Công Giáo nhưng cũng đồng thời là thành viên của một băng đảng Mafia Ý. Với một xuất thân phức tạp như vậy, cuộc đời của Charlie được định sẵn phức tạp không kém. Mọi thứ chỉ thêm rối tung lên khi người anh em kết nghĩa bộp chộp, vô tư của anh ta, Johny Boy (Robert DeNiro), đem về hàng đống rắc rối nhờ anh giải quyết. Kết hợp với phong cách của Scorsese, Mean Street thổi một cơn sóng cách mạng vào điện ảnh Mỹ lúc bấy giờ, không chỉ ở nội dung mà còn ở kỹ thuật quay phim.
Một trong những cải tiến mà Scorsese áp dụng vào Mean Street là cách ông sử dụng những bản nhạc nổi tiếng của các ban nhạc đình đám thời đó. Điển hình là ông đã để những giai điệu của ban nhạc The Rolling Stone truyền tải cảm xúc nhân vật – một phương thức mà không ai thời đó nghĩ đến việc sử dụng. Đồng thời, mạch cảm xúc cũng được làm mới lại để người xem không bị các chi tiết rập khuôn tiếp theo đó làm cho nhàm chán.
Bên cạnh đó, do ngân sách hạn chế, Scorsese còn sử dụng những máy quay cầm tay, xây dựng bối cảnh thật và sử dụng diễn viên quần chúng để tạo ra những con phố tồi tàn ở New York – một việc sẽ làm bạn bất ngờ khi biết được bộ phim thật chất được quay ở Los Angeles. Đây là bộ phim đã ghi tên Martin Scorsese lên trường quốc tế, và chúng ta đã mong ngóng những thước phim của ông từ những năm tháng ấy.
7. The Age of Innocence (1993)
The Age of The Innocent không phải là bộ phim mà một tín đồ điện ảnh nghĩ ngay đến khi được hỏi hãy liệt kê những bộ phim đột phá của Scorsese. Điều đó không có nghĩa bộ phim này không có gì hay ho. Là phiên bản chuyển thể sát với nguyên tác tiểu thuyết của Edith Wharton nhất, bộ phim về tình yêu bị gò bó trong khuôn mẫu xã hội này là một tác phẩm được tạo ra để trường tồn.
Điểm sáng của bộ phim nằm ở màn diễn xuất tài hoa từ Daniel Day-Lewis khi anh hóa thân thành Newland Archer chân thật đến mức người xem như đang được xem tiểu sử về chính cuộc đời anh ta.
The Age of Innocence tập trung vào chuyện tình tay ba của Newland Archer. Chàng luật sư đĩnh đạc đem lòng yêu Nữ bá tước Ellen Olenska (Michelle Pfieffer). Nhưng anh ta cũng đã đính hôn với May Welland (Winona Ryder). Chuyện tình tay ba đau khổ trên đã đem đến cho người xem bức chân dung đượm buồn của một xã hội bị ràng buộc bởi các qui luật ngầm khắt khe đã góp phần giết chết một tình yêu chân thành.
6. After Hour (1985)
Là một dự án nhỏ được làm nhằm kêu gọi vốn cho một dự án lớn hơn là The Last Temptation of Christ, After Hour là ví dụ điển hình của sự tận dụng những điều đơn giản nhất.
Bộ phim mô tả cuộc sống buồn tẻ và rập khuôn của Paul Hackett (Grifin Dunne) bỗng chệch đường ray khi anh ta quyết định làm một chuyến đi đến khu vực tồi tàn ở bên kia phố. Từ đó, suốt một đêm dài, Paul gặp toàn sự cố và những nhân vật kì quái, từ việc bị mất tờ tiền $20 duy nhất cho đến bị một đám đông những kẻ gàn dở đuổi bắt. Các tình tiết phim đều được xây dựng nhằm trả lời câu hỏi là liệu anh ta có sống sót qua được đêm điên rồ ấy hay không.
Dù được mặc định là một dự án phim nho nhỏ, bộ phim này thật không nhỏ chút nào. Đây là một bộ phim chứa đầy những sáng tạo trong kỹ thuật làm phim của riêng Scorsese, vừa là một bữa tiệc thị giác, vừa khẳng định đạo diễn Martin Scorsese thật sự có bàn tay vàng biến những dự án phim ảnh dù nhỏ nhoi đến đâu cũng thành kiệt tác. Vì những sự kiện xảy đến với Paul trong đây là những sự kiện mà chỉ có đạo diễn như Scorsese mới có thể làm thành một bộ phim đầy lôi cuốn lạ lùng như After Hour.
5. The Departed (2006)
Xoay quanh cuộc chiến gián điệp giữa xã hội đen và cảnh sát ở thành phố Boston, The Departed là phiên bản remake của Internal Affairs (Vô Gian Đạo) dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Martin Scorsese. Với bộ phim này, ông đã lấy chất liệu gốc và trộn nó với những nguồn cảm hứng bất tận điển hình của bản thân – văn hóa Ireland và Thiên Chúa giáo – để cho ra một câu chuyện về sự lừa lọc và những âm mưu sâu xa, in đậm một dấu ấn khó phai trong lòng người xem.
Trong phim, Leonardo DiCaprio vào vai một cảnh sát ngầm giả dạng một tên xã hội đen và Matt Damon lại vào vai một một tên xã hội đen nằm vùng trong lực lượng cảnh sát. Mục đích của cả hai là đào được nhiều thông tin nhất có thể từ hai bên. Nhưng The Departed không đơn thuần là câu truyện về ranh giới hắc-bạch, mà còn khơi dậy những câu hỏi nhức nhối về lòng trung thành và nhân dạng. Qua đó, hai yếu tố trên kết hợp lại để tạo nên những trường đoạn đầy gay cấn nhất.
Với nhiều cú twist lắt léo, màn hóa thân hoàn hảo của Mark Wahlberg trong vai viên cảnh sát lắm mồm nhất, The Departed trở thành bộ phim hay nhất của Scorsese vào những năm thập niên 2000.
4. Raging Bull (1980)
Khi nói đến những diễn xuất bất hủ, không thể không nhắc đến Robert DeNiro với vai diễn Jake LaMotta trong Raging Bull. Để nhập vai này, Robert đã tăng cân đáng kể và học cách đấm bốc từ A đến Z. Kết quả, Robert không cần phải diễn nhiều để nhập vai, mà ông đã thật sự trở thành nhân vật đó khi lên màn ảnh.
Diễn xuất nhập tâm kết hợp với việc Scorsese thêu dệt nên một câu chuyện về sự đố kị mang hơi hướng sử thi của Othello trên khung hình trắng đen, qua đó, đem đến một rung cảm vừa quyết liệt vừa dữ dội.
Đây là bộ phim về đấm bốc khác hoàn toàn với những bộ phim cùng thể loại. Raging Bull sử dụng tính tự phụ để thách thức giới hạn của sự nam tính. Ở những phân cảnh về trận đấu giữa hai tay đấm, Scorsese cố ý không để máy quay rời khỏi sàn đấu. Sự liên tục này làm nên màn đánh đấm tàn bạo vượt xa các phim của thương hiệu Rocky. Đây là tác phẩm hay nhất những năm 80 của Scorsese.
3. Taxi Driver (1976)
Với Taxi Driver, Martin Scorsese chứng minh ông không chỉ là vị cứu tinh của nền điện ảnh Mỹ, mà còn là người làm nghệ thuật đỉnh cao có thể sánh ngang với Antonioni, Fellini và Bergman.
Martin Scorsese đem sự hưng cảm của Mean Street, kết hợp với khả năng diễn xuất đỉnh cao của Robert DeNiro, để xây dựng Taxi Driver như một câu luận điểm sâu sắc dẫn người xem đến với đề tài về nỗi cô đơn và thứ di sản mà cuộc chiến tranh Việt Nam để lại.
Dựa trên kịch bản do Paul Schrader chấp bút, trung tâm của phim là Travis Bickle, làm nghề lái taxi về đêm. Từ phía sau vô lăng, người xem được chứng kiến một thế giới dưới cái nhìn (point of view) của người đàn ông với tâm thần vô cùng bất ổn này. Travis tin rằng thành phố anh ta đang sống chứa đầy những thứ bẩn thỉu và chỉ mình anh mới có thể dọn dẹp chúng. Là một dạng đảo ngược của câu truyện hiệp sĩ trắng cứu thế giới, Taxi Driver dễ dàng trở thành bộ phim hay nhất của Scorsese thời kỳ đầu.
2. Goodfellas (1990)
“Từ khi nhận thức được, tôi đã muốn làm một tên xã hội đen….”. Từ câu thoại kia, một huyền thoại được ra đời. Khắc hoạ quá trình vươn lên đỉnh cao và sụp đổ của trùm xã hội đen Henry Hill, Goodfellas là bộ phim về đề tài gangster mang tính giải trí nhất mọi thời đại.
Để làm phim, Scorsese hầu như tập hợp hết những diễn viên Mỹ gốc Ý nổi tiếng nhất trên khắp đất nước. Từ những tên tuổi đình đám thời bấy giờ như Joe Pesci và Robert DeNiro, cho đến những người đáng tin cậy như Tony Sirico và Lorraine Bracco, dàn diễn viên đã góp phần không nhỏ trong việc đưa tác phẩm này lên đỉnh cao của nền điện ảnh Ý-Mỹ.
Bộ phim có các phân cảnh mang tính biểu tượng nhiều hơn mong đợi của bất kì nhà làm phim nào. Từ cảnh như “Mày nghĩ tao buồn cười lắm à” , cảnh chiếc trực thăng đầy cocaine của Hill, cho đến những cảnh quay sử dụng kỹ thuật quay phối hợp chuyển động (tracking-shot) theo phong cách đặt trưng của Scorsese dẫn người xem bước vào Copacabana trên nền nhạc And Then He Kissed Me của nhóm nhạc The Crystal. Cho đến nay, vẫn chưa có một bộ phim nào có thể khắc họa được tính muôn màu muôn vẻ của thế giới tội phạm như cách mà Goodfellas đã làm.
Scorsese đã tái sinh thể loại phim "gangster" khi đứa con tinh thần này truyền cảm hứng cho những tên tuổi đạo diễn khác như Tarantino cho đến những tác phẩm như The Sopranos. Một điều đáng tiếc là cho đến nay, chưa một tác phẩm nào có thể bì được với Goodfellas.
1. Wolf of Wall Street (2013)
Wolf of Wall Street có mọi thứ bạn ao ước được thấy trong một bộ phim của Scorsese và hơn thế nữa. Là lời châm biếm sống động nhắm vào sự tham lam của phố Wall và thứ có cái tên mỹ miều: giấc mơ Mỹ, để làm bộ phim này, đạo diễn gốc Ý đã phải dốc hết mọi ngón nghề sáng tạo của mình ra. Từ những cú quay tracking-shot rộng lớn để dẫn dắt người xem, màn hoá thân hoàn mỹ, cho đến những bài nhạc được ông chọn lựa chuẩn xác đến từng mi-li-mét, Scorsese cho thấy ông xứng đáng với tên gọi “bậc thầy điện ảnh Mỹ”.
Ngoài kịch bản và quay phim, điểm sáng chói của bộ phim nằm ở chính màn diễn xuất hoang dã của Leonardo DiCaprio trong vai Jordan Belfort. Không ngần ngại sử dụng những cử chỉ hài hước, lời ăn tiếng nói tục tĩu trong các cuộc tranh cãi (phần lớn là với Jonah Hill) và thể hiện bản tính vồ vập cơ hội, màn hóa thân của DiCaprio là mối tương quan hoàn hảo với phong cách của Scorsese.
Nguồn: Taste of Cinema