Đối với những người yêu thích và thường xuyên tìm hiểu chuyên sâu về điện ảnh, hẳn sẽ rõ màu sắc đóng vai trò quan trọng thế nào trong phim. Kể từ khi vẫn còn là những thước phim với 2 màu đen trắng, phim ảnh đã có bước đường dài để đem màu sắc và hình ảnh sống động nhất từ đời thực lên màn ảnh.
Không chỉ đơn giản là mang những gam màu vào trong phim, phim ảnh hiện đại còn chú trọng cách chúng kết hợp với nhau, hòa quyện với nhau để khơi gợi tông và không khí câu chuyện mà các nhà làm phim mong muốn. Các sắc thái, bảng màu được chọn lựa trong một phân cảnh nói riêng và cả bộ phim nói chung không chỉ có vai trò mỹ thuật, mà còn để đánh mạnh vào cảm xúc trong khán giả, cũng như làm nổi bật tiêu điểm, mục đích truyền tải, ý nghĩa của câu chuyện.
Màu sắc phim càng lúc càng được chú trọng trong nhiều phim ngày nay, vì thế mà các nhà làm phim liên tục tìm kiếm những cách mới nhằm sử dụng bảng màu trong phim sao cho hiệu quả và tạo ra những trải nghiệm mới dành cho người xem. Nhiều bộ phim đã thành công trong việc truyền tải không chỉ nội dung, diễn xuất tuyệt vời, âm nhạc hấp dẫn mà còn được đánh giá cao về mặt hình ảnh và sự sáng tạo trong việc sử dụng bảng màu như The Rocky Horror Picture Show (1975), Labyrinth (1986), Donnie Darko (2001)…
Một phim cult classic như A Clockwork Orange (1971) rất được hâm mộ trong nhiều khía cạnh, nhưng một trong những lý do khiến nó nằm trong danh sách phim yêu thích của nhiều người cũng bởi bảng màu được sử dụng trong nhiều cảnh. Từ các màu cơ bản cho đến các màu như hồng neon, từng vệt màu hay sắc độ đều mang như mang một thông điệp nho nhỏ. Một bảng màu đặc biệt, một sắc thái màu đặc biệt có thể giúp xúc cảm của bộ phim được thăng hoa và nâng lên một tầm cao mới.
Mặc dù nhiều phim khác có thể nằm trong danh sách này, nhưng 10 bộ phim này là đại diện cơ bản nhất cho mặt hình ảnh tuyệt vời của một phim cult classic, giúp những ai yêu thích tìm hiểu về góc nhìn của một đạo diễn hiểu được đối với một nhà làm phim, màu sắc có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Nếu chưa biết phim cult hay cult classic là gì, mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết dưới.
1. The Holy Mountain (1973)
Bộ phim cult classic theo chủ nghĩa siêu thực The Holy Mountain ra mắt năm 1973, đến từ đạo diễn Alejandro Jodorowsky, sử dụng bảng màu cầu vồng đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím và sắc thái cơ bản để truyền tải câu chuyện phim thông qua hình ảnh, thêm vào đó là sự đối lập giữa đen và trắng trong phim.
Jodorowsky dùng màu trắng để mô tả sự tinh khiết, sự thấu hiểu về tâm linh trong khi ông dùng màu đen để mang đến cảm giác hỗn loạn. Nếu nhìn vào quần áo của nhân vật Alchemist – Nhà giả kim (Alejandro Jodorowsky), bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này.
Nhiều khái niệm tôn giáo đã được đưa vào The Holy Mountain và tính sống động của nó được tăng thêm nhờ việc sử dụng màu sắc. Sự biến đổi và tính hữu hạn trong cuộc đời của con người, sự sống và cái chết được mô tả thông qua các đoạn máu me với sắc độ đậm, mạnh mẽ, thay đổi dần trong suốt bộ phim.
Màu bổ túc cũng được dùng nhiều trong phim, như cam và xanh biển. Kỹ thuật kết hợp số lượng lớn các màu với nhau nhằm truyền tải thông điệp phim cũng được nhà làm phim áp dụng.
2. The Neon Demon (2016)
The Neon Demon của Nicolas Winding Refn, ra mắt năm 2016 sử dụng các màu cơ bản nhằm tạo nên lối sống nhiều phần kịch tính hóa của giới người mẫu thời trang. Mặc dù là một bộ phim mới ra mắt gần đây, nhưng các cảnh quay đầy phong cách, có phần tương tự như Alice in Wonderland làm các fan của phim cult vô cùng hài lòng. Mặc dù phim có các sắc hồng trong mọi khung cảnh, nhưng màu vàng, đỏ và xanh vẫn là các màu được đạo diễn yêu thích nhất.
Bắt đầu bằng sắc xanh, The Neon Demon làm sáng các khung hình bằng màu xanh nhạt mát mắt, khiến bộ phim có vẻ ẩm ướt. Sắc thái của màu đậm dần, mang đến cảm giác như khán giả và nhân vật đang bị nhấn chìm. Màu vàng xuất hiện tiếp theo và kế đó là màu đỏ. Màu đỏ xuất hiện khắp nơi ở nửa sau của phim, mang thông điệp về sự ghen tỵ dữ dội trước thành công của nhân vật Jesse (Elle Fanning). Đồng thời, màu đỏ cũng cho thấy nguy hiểm và từng khung cảnh đỏ dần, đỏ dần khiến người ta có cảm giác sự ngây thơ trong nhân vật đang phai dần và cuối cùng là biến mất.
3. Blood and Black Lace (1964)
Thêm một phim nữa lấy chủ đề thế giới người mẫu thời trang nằm trong danh sách là Blood and Black Lace của Mario Bava, phim cult classic ra mắt năm 1964. Máu, sự hào nhoáng, những vụ giết người, và tính mỹ thuật hòa quyện hoàn hảo với nhau trong phim. Blood and Black Lace sở hữu từng khung cảnh với màu sắc rực rỡ nhưng vô cùng hấp dẫn khi đặt dưới bối cảnh có một tên tâm thần đang ẩn nấp sau bóng tối.
Ánh sáng màu neon trong một salon, chút sắc tía và đỏ mở đường cho người xem và nhân vật bước vào một tình tiết, phân đoạn ly kỳ mới. Tuy nhiên, lời chào mừng rực rỡ và đầy màu sắc duy nhất mà các nhân vật trong Blood and Black Lace nhận được là cái chết được mỹ thuật hóa một cách sống động.
4. Enter the Void (2009)
Thế giới trong Enter the Void làm người xem tưởng chừng như đang nhìn bối cảnh qua một chiếc kính vạn hoa. Gaspar Noé, người ở thời điểm đó rất nổi tiếng với bộ phim Irréversible, đã giúp thế giới sau khi chết trở nên sống động trên màn ảnh hơn bao giờ hết. Enter the Void theo chân các sự kiện diễn ra sau cái chết của kẻ buôn thuốc Oscar (Nathaniel Brown). Bởi thế mà bối cảnh trong phim được tạo ra để mang đến cảm giác ảo và lâng lâng như khi con nghiện phê thuốc.
Phim được quay dưới góc nhìn của Oscar khi anh ta lặng lẽ quan sát người khác và các sự kiện tiếp nối sau khi bản thân bị bắn trong một câu lạc bộ có tên The Void. Em gái của Oscar, Linda (Paz de la Huerta) được mô tả bằng nhiều cảnh có màu cam, hồng, tím, các màu nóng để thể hiện sự ấm áp mà Oscar cố níu giữ sau khi chết. Các màu sắc rực rỡ và lấp lánh khác kết nối câu chuyện lại với nhau, khi cuộc sống về đêm của Tokyo trở nên sống động trong mắt linh hồn còn phảng phất của Oscar. Nhà quay phim của Enter the Void, Benoît Debie, cũng là người đã thực hiện cách cảnh quay của Spring Breakers (2012) và Irréversible (2002).
5. Belladonna of Sadness (1973)
Eiichi Yamamoto kết hợp các yếu tố gợi dục, ảo giác và âm nhạc rất thành công vào trong Belladonna of Sadness, phim cult classic ra mắt năm 1973. Bộ phim sử dụng nhiều cảnh quay theo phong cách vẽ tranh màu nước vô cùng dịu dàng và hoạt họa hóa câu chuyện của Jeanne (Aiko Nagayama), xoay quanh hành trình nắm lấy sức mạnh của bản thân sau khi cô lập giao kèo với quỷ dữ.
Phong cách hội họa của phim được nâng tầm nhờ các sắc tím táo bạo, biểu tượng hóa cho dục vọng, bí ẩn và quyền lực. Ảnh hưởng của Jeanne lên ngôi làng của cô dần tăng cao trong suốt bộ phim. Và để tạo ra sự kết nối giữa hình ảnh và khán giả, Yamamoto gia tăng các sắc độ và làm các cảnh phim như bị nhấn chìm trong màu sắc. Kỹ thuật này cho thấy góc nhìn mới dữ dội hơn về cuộc sống trong Jeanne.
6. Suspiria (1977)
Bộ phim kinh dị Ý nổi tiếng ra mắt năm 1977 của Dario Argento – Suspiria, là một trong những phim có bảng màu rực rỡ nhất. Lấy cảm hứng từ Art Nouveau – Tân Nghệ Thuật (một trường phái nghệ thuật ứng dụng phổ biến vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) và sử dụng kỹ thuật quay của Technicolor (quay từng màu trên từng cuộn phim khác nhau thay vì cố gắng ghi hình lên một cuộn phim như trước), Suspiria có bảng màu vừa hấp dẫn, vừa mang cảm giác khó chịu khi sử dụng tông đỏ sặc sỡ và tông xanh nhạt trong các cảnh phim. Suzy (Jessica Harper) đến một ngôi trường ba lê để học múa, và khám phá ra một hội phù thủy bí ẩn tại đây.
Màu đỏ được Argento sử dụng trong phim biểu tượng hóa cho nguy hiểm đang rình rập Suzy và những người khác. Sắc xanh nhạt thỉnh thoảng xuất hiện để bổ túc cho sự lạnh lùng khi sự sống của một người đã bị tước đoạt, cũng như sự tinh khiết của dòng máu tươi đang chảy trong mạch của người còn đang sống.
Màu sắc của phim thay đổi theo trải nghiệm của Suzy khi cô tiếp tục học tại ngôi trường mới, vừa có tác dụng tạo nên không khí phim, tông phim, vừa có tác dụng quyến rũ người xem. Suspiria cũng vừa được remake thành bản mới năm 2018 với sự tham gia của Tilda Swinton và Dakota Johnson.
7. The Love Witch (2016)
Một phim khác sử dụng màu sắc sặc sỡ nhằm bổ nghĩa cho câu chuyện là The Love Witch của Anna Biller. Ra mắt năm 2016, nhưng bộ phim được làm giả theo phong cách của các phim cũ vào những năm thập niên 60-70. Góc nhìn nữ tính của Biller được tạo ra bởi sắc hồng đậm chìm vào khung cảnh, giúp nó có vẻ tươi vui nhưng không quá choáng ngợp, cùng những thiết kế trang phục, góc quay làm tôn lên sắc màu ấy.
Phim xoay quanh Elaine (Samantha Robinson), một phù thủy quyến rũ và chuốc thuốc những người đàn ông mà cô ta muốn điều khiển. Tông màu của phim phù hợp với phong cách lãng mạn, hoài niệm của những năm thập niên 1960, sáng sủa và vui vẻ nhưng tình tiết phim thì xoay quanh những vụ giết người, tình dục và độc dược.
8. Drive (2011)
Một phim khác của Nicolas Winding Refn nằm trong danh sách này là Drive ra mắt năm 2011. Bảng màu sử dụng trong phim vô cùng phong cách và dường như đã trở thành nét hấp dẫn trong các tác phẩm của vị đạo diễn nổi tiếng. Đỏ, vàng, xanh vẫn tiếp tục là ngôi sao của các cảnh quay, nhưng các màu bổ túc khác được chọn đặc biệt để làm nổi bật sắc xanh và giúp bộ phim có thêm một lớp chiều sâu.
Màu cam làm nổi bật sự ngây thơ và chân thật trong phim, ở những cảnh có các nhân vật Driver (Ryan Gosling) và Irene (Carey Orange) và con trai cô. Kết hợp với màu xanh, bộ đôi này được dùng để biểu tượng hóa cho sự sáng tạo và tham vọng. Refn thích sử dụng màu sắc trong phim, đặc biệt là Drive cũng bởi một phần do bệnh mù màu của đạo diễn.
9. From Beyond (1986)
Trong danh sách này thì đây là bộ phim có sắc hồng nhiều nhất. From Beyond là phim khoa học viễn tưởng đến từ đạo diễn Stuart Gordon, ra mắt năm 1986. Phim xoay quanh 2 nhà khoa học khởi động một cỗ máy vô tình khiến các sinh vật từ thế giới khác tràn qua thế giới này. Sau khi có vấn đề xảy ra với cỗ máy, tiến sĩ Crawford Tillinghast (Jeffrey Combs) được đưa đến bệnh viện tâm thần do được chuẩn đoán thần kinh không ổn định. Các sinh vật kỳ lạ này dần dần lộ dạng và chứng minh bản thân không phải là sản phẩm trong trí tưởng tượng của tiến sĩ.
Màu hồng chói và vẻ nhão nhệ của bộ phim khiến các sinh vật và cảnh quay thực sự khó chịu, nhưng đồng thời, sắc hồng neon này cũng dần đưa người xem đến tinh hoa cao trào của một bộ phim khoa học giả tưởng.
10. Beyond the Black Rainbow (2010)
Bộ phim kinh dị Canada duy nhất trong danh sách này do đạo diễn Panos Cosmatos chỉ đạo. Beyond the Black Rainbow mở màn tại LHP Whistler năm 2010 và sau đó đã được phát hành tại các rạp.
Bộ phim có cách sử dụng màu sắc gần như tương tự Enter the Void khi bảng màu được dùng để nhấn mạnh các giác quan của khán giả khi xem. Tông màu vàng hòa với cam rất rõ nét cho thấy sự quyền lực, nhưng đồng thời cũng có chút gì đó ấm áp và hi vọng. Tuy nhiên, màu sắc chiếm phần lớn khung hình của Beyond the Black Rainbow là sắc đỏ, bao trùm lên cả phim. Màu đỏ sặc sỡ của bộ phim giúp phim có được không khí nguy hiểm, ngộp thở và khó hiểu.
Bạn nghĩ sao về những bộ phim này và theo bạn, phim nào có sắc màu ấn tượng nhất?
Nguồn: Taste of Cinema