Đứng thứ 2 trong danh sách những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại là Titanic với doanh thu 2,186.8 tỉ đô. Có thể coi, Titanic là siêu phẩm điện ảnh đầu tiên của thế giới.
Tại sao lại nói Titanic là siêu phẩm điện ảnh đầu tiên của thế giới? Vì nó hội tụ gần như đầy đủ những tính chất mà một siêu phẩm điện ảnh cần có. Nó mang những thứ mà trước đó chưa từng một bộ phim nào có và kể cả bây giờ, khi mà công nghệ đã làm phim đã đạt đến một đẳng cấp vượt xa so với trước thì thực hiện được một bộ phim như Titanic cũng không phải điều dễ dàng.
Vậy những thứ đưa Titanic trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử vào thời điểm công chiếu năm 1997 là gì?
Công nghệ
Bằng công nghệ, đạo diễn James Cameron đã cho khán giả thấy những điều tưởng chừng họ sẽ không bao giờ được chứng kiến vào thời điểm lúc bấy giờ. Quá trình con tàu rời khỏi cảng Southampton của nước Anh cho đến lúc nó bị chìm ở Bắc Đại Tây Dương đều được mô tả lại một cách hết sức chân thực, nhất là lúc tàu chìm. Bạn đã xem Titanic rồi chứ? Liệu bạn có nghĩ vào thời điểm năm 1997, người ta đã có thể xây dựng nên bối cảnh một con tàu đâm vào 1 tảng băng, gãy đôi và chìm dần xuống đáy đại dương trong sự hoảng loạn của hàng ngàn người bằng công nghệ? Thật khó để tin vào điều đó, nhưng nó là sự thật. Họ đã làm được, James Cameron đã làm được. Đến bây giờ xem lại, vẫn thật khó để tìm ra chỗ nào của bộ phim là kĩ xảo, chỗ nào được xây dựng trên mô hình. Nếu Avatar là một cuộc Cách mạng công nghệ đối với điện ảnh thì Titanic cũng vậy, chỉ khác ở chỗ cuộc Cách mạng của Titanic diễn ra trước đó 12 năm. Hơn nữa, sau Titanic thì chỉ có Avatar làm được những gì Titanic làm được về mặt công nghệ điện ảnh. Còn sau Avatar thì có rất nhiều bộ phim đã đi theo con đường sử dụng công nghệ điện ảnh tối tân như Avatar và thành công rực rỡ. Điều đó cho thấy về mặt công nghệ điện ảnh thì Titanic đã làm được điều mà 12 năm sau mới có một bộ phim làm được.
Câu chuyện sinh động
Yếu tố thứ hai có lẽ là bộ phim được làm ra dựa trên một câu chuyện có thật, một câu chuyện gây chấn động thế giới, câu chuyện về "con tàu không thể chìm" dần lặn xuống đáy đại dương kéo theo hàng ngàn sinh mạng. Bộ phim được công chiếu năm 1997, tức 85 năm sau khi con tàu Titanic bị chìm. 85 năm là một quãng thời gian dài nhưng không gì có thể xóa mờ sự tò mò của cả thế giới về "cái chết" của "con tàu không thể chìm" ngoài đại dương cả. Hơn nữa, con tàu ấy lại mang theo rất nhiều những bí ẩn xuống lòng đại dương sâu thẳm. Do đó, bộ phim Titanic chẳng khác nào một cuốn tài liệu giải mã những thắc mắc và tò mò của thế giới cả, thậm chí nó còn "trưng bày" nhiều sự thật về con tàu mà rất ít người biết đến. Thật khó để có thể ngó lơ những thứ như vậy.
Tình yêu vượt trên tất cả
Không chỉ có 2 vậy, đạo diễn James Cameron còn lồng vào những sự thật của con tàu Titanic một câu chuyện lãng mạn, một tình yêu mà ai ai cũng ngưỡng mộ. Đó chính là câu chuyện tình yêu của Jack Và Rose. Hai con người thuộc hai đẳng cấp khác nhau của năm 1912 đã vượt qua những định kiến và rào cản lớn nhất của tình yêu thời bấy giờ để đến được với nhau. Câu chuyện đó xuyên suốt cùng hành trình từ lúc rời cảng Southampton đến lúc chìm của con tàu Titanic. Cho đến lúc đó, dù cả 2 đều cận kề cái chết nhưng tình yêu họ dành cho nhau vẫn thật đáng ngưỡng mộ. Câu chuyện đó không chỉ đơn giản là một câu chuyện tình yêu, nó còn thể hiện nhiều khía cạnh khác của xã hội bối cảnh năm 1912. Đó là xã hội của tiền bạc, địa vị và danh vọng, thứ mà làm phai mờ những giá trị khác của cuộc sống, cụ thể là tình người. Câu chuyện tình yêu của Jack và Rose được xây dựng như vậy chẳng khác nào James Cameron đã đưa cả xã hội Mĩ lúc bấy giờ lên một con tàu. Hơn nữa, câu chuyện tình đó đặt và hoàn cảnh xã hội ấy cũng phần nào thể hiện "giấc mơ Mĩ" của chính đạo diễn James Cameron và của hàng triệu con người trên thế giới nữa. Sự thành công trong việc xây dựng những tầng lớp nhân vật khác nhau để miêu tả cả một xã hội cũng thể hiện tố chất thiên tài của đạo diễn James Cameron. Chính nhờ câu chuyện mà James Cameron xây dựng đã làm cho bộ phim không chỉ là một sự giải đáp mà nó còn có tính truyền tải thông điệp rất lớn.
Năm 2012, khi công nghệ đã được nâng lên một tầm cao mới, bộ phim được chiếu lại bằng định dạng 3D và vẫn thu về một con số khủng là gần 300 triệu đô trên toàn thế giới, để rồi trở thành bộ phim thứ 2 sau Avatar có doanh thu từ 2 tỉ đô la Mĩ trở lên. Hãy thử tưởng tượng năm 1997 chưa hề có một bộ phim nào mang tên Titanic mà mãi đến năm 2012 bộ phim đó mới xuất hiện. Với những điều đã nêu ở trên thì liệu Avatar có đang chễm trệ ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng những bộ phim điện ảnh có doanh thu cao nhất mọi thời đại? Câu trả lời đó chắc cũng khá nhiều người đoán được rồi.