Hình tượng người mẹ vốn đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm điện ảnh và luôn là một chủ đề thiêng liêng đối với mọi thế hệ khán giả. Không gì có thể sánh bằng tình mẫu tử cao cả và đó cũng là chất liệu đẹp để các nhà làm phim khai thác. Nhân dịp Ngày Của Mẹ sắp tới hãy cùng Moveek điểm qua các tác phẩm kể về người mẹ đa màu đa sắc sau đây nhé!
1. Panic Room (2002)
Panic Room xoay quanh hai mẹ con Meg Altman (Jodie Foster) và con gái 11 tuổi Sarah (Kristen Stewart) dọn đến sống trong căn hộ có thiết kế đặc biệt của một triệu phú ẩn dật tại New York. Họ vô tình trở thành nạn nhân của bọn cướp đang săn kiếm tài sản và mắc kẹt trong căn hầm an toàn kín mít.
Meg đành phải sử dụng hết ngón nghề chưa từng một lần thực hành trong đời để bảo toàn mạng sống của bản thân và đứa con nhỏ. Bộ phim tôn vinh nữ quyền và là lời cổ vũ cho những người mẹ đơn thân khi phải một mình bảo vệ con cái trong xã hội lúc bấy giờ. Hollywood và Jodie Foster đã thành công khi tạo hình ảnh người mẹ anh hùng chân đất, sẵn sàng chống lại cái ác bất cứ lúc nào.
2. Changeling (2008)
Dựa theo câu chuyện có thật vào năm 1928 tại Mỹ, đạo diễn Clint Eastwood tái dựng phim theo phong cách truyền thống, khắc họa một cách trần trụi nỗi thống khổ của người mẹ trẻ. Phim kể về Christine (Angelina Jolie) có đứa con nhỏ tên Walter bị bọn buôn người bắt cóc. Cô được cảnh sát đưa về một Walter thế thân và ép Christine chấp nhận đứa bé, sau những tranh cãi Christine đã bị tống vào tù.
Christine không dừng lại cuộc tranh đấu để mang Walter trở về bên mình. Vài tháng sau, cô biết một băng nhóm buôn ma túy, giết người, bắt cóc, ngược đãi và hành hạ trẻ em đến chết trong đó có Walter và hơn 20 đứa trẻ khác. Cô đã tự mình đi tìm chứng cứ đưa hung thủ ra ánh sáng.
3. Mother (2009)
Mother có thể nói là một trong các tác phẩm điện ảnh kinh điển của Hàn Quốc về đề tài người mẹ. Bộ phim kể về một người mẹ (Kim Hye Ja) ở ngôi làng nông thôn đang cố gắng hết sức để chứng minh sự vô tội của đứa con trai mắc bệnh ngại tiếp xúc với xã hội Do Joon (Won Bin) khi cậu bị buộc tội giết một nữ sinh trung học.
Với tình yêu thương mãnh liệt và nghị lực kiên cường, người mẹ quyết tâm tìm cho ra tên thủ ác nhằm giải oan cho con mình. Thậm chí bà trở thành kẻ sát nhân - một hành động phẫn uất và chỉ vì muốn bảo vệ con. Mother cho thấy tình mẫu tử vô điều kiện, hình ảnh một người mẹ bất chấp tất cả để bảo vệ đứa con vô hại của mình.
Qua lăng kính của đạo diễn Bong Joon Ho, tình mẫu tử được miêu tả một cách rất đặc biệt, khác với những câu chuyện cảm động thông thường về mẹ con. Trước mắt chúng ta là một bức tranh đầy u ám khi con người rơi vào ngõ cụt trong chính sự hy sinh của mình. Bộ phim còn lột tả được các mặt tối trong xã hội Hàn Quốc và góc khuất trong tâm lý con người.
4. Dearest (2014)
Dựa trên câu chuyện và nhân vật có thật, phim xoay quanh đôi vợ chồng Điền Văn Huy (Hoàng Bột) với Lỗ Hiểu Quyên (Hác Lôi) cùng hành trình rong ruổi đi tìm đứa con trai Điền Bằng bị bắt cóc. Đến khi họ tìm lại được con thì đứa trẻ đã không còn nhận ra cha mẹ ruột của mình nữa. Tiếng “Mẹ” của Bằng giờ đã dành cho một người phụ nữ khác là Lý Hồng Cầm (Triệu Vy).
Phim đan xen giữa hai mảnh đời, hai hoàn cảnh, một bên là người phụ nữ nông thôn nghèo và tình mẫu tử mà cô dành cho đứa con không phải ruột thịt, bên còn lại là đôi vợ chồng mất con. Bộ phim là câu chuyện thấm đẫm nước mắt và sắc màu u tối của những mảnh đời bất hạnh của nạn bắt cóc trẻ em. Từ đó, tác phẩm mang lại những phút giây lắng đọng và nhân văn trong lòng khán giả.
5. Aftershock (2010)
Bộ phim tái hiện lại trận động đất khủng khiếp nhất thế kỷ 20 tại Trung Quốc. Theo đó, mùa hè năm 1976, trận động xảy ra đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người dân thành phố Đường Sơn, Hà Bắc. Đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã khai thác những "dư chấn" mà thiên tai để lại thông qua cuộc đời, số phận và tâm lý của các nhân vật.
Cô con gái thì lớn lên với ký ức tổn thương về câu nói của bà mẹ: “Hãy cứu lấy con trai của tôi.” Đến năm 2008, trận động đất tàn phá Tứ Xuyên tiếp tục hủy hoại cuộc đời của biết bao con người và tại đây hai mẹ con thấu hiểu hết nỗi lòng của nhau suốt bao năm xa cách.
6. The Preparation (2017)
The Preparation (tựa đề Việt: Ngày Không Còn Mẹ) là một tác phẩm lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả. Kim Sung Kyun vào vai In Gyu, người đàn ông 30 tuổi mang trong mình trí óc của một đứa trẻ do bị thiểu năng. Cũng bởi thế, bà mẹ Ae Soon (Go Doo Shim) phải làm mọi thứ để chăm sóc tốt cho đứa con của mình.
Phát hiện bản thân mắc bệnh nặng, In Gyu sẽ khó lòng sống nổi nếu thiếu mẹ và không biết cách tự lập. Và thế là, bà mẹ đã vạch ra kế hoạch chỉ dạy cậu con trai cách tự mình sinh tồn, từ chuyện nấu ăn cho đến di chuyển bằng phương tiện công cộng và còn rất nhiều việc khác nữa. Tình thương con lớn lao đã mang cho bà sức mạnh để đương đầu vô vàn gian nan tưởng chừng không thể vượt qua.
7. Hai Phượng (2019)
Ngô Thanh Vân trong Hai Phượng là bà mẹ đả nữ duy nhất của điện ảnh Việt. Bộ phim có cốt truyện vô cùng đặc sắc khi nói về hành trình đi tìm con gái bị kẻ xấu bắt cóc tên Mai (Mai Cát Vy) của bà mẹ đơn thân Hai Phượng (Ngô Thanh Vân). Là một người mạnh mẽ chuyên đi đòi nợ thuê, Hai Phượng không thể ngồi yên chờ đợi cảnh sát giải quyết sự việc.
Người mẹ Hai Phượng chỉ có vỏn vẹn 14 tiếng đồng hồ để truy tìm theo dấu vết bọn bắt cóc, chạm trán với rất nhiều giang hồ hung hãn, sẵn sàng trừng trị bất cứ ai dám cản đường chúng. Thế nhưng không gì quan trọng bằng cô con gái Mai, tình mẫu tử vĩ đại cho cô sức mạnh, sức bền phi thường để đối đầu với muôn vàn hiểm nguy. Cuối cùng Hai Phượng cũng tìm được con, đồng thời phá vỡ đường dây buôn bán trẻ em.
8. Lật Mặt 7: Một Điều Ước (2024)
Phim Lật Mặt 7: Một Điều Ước tập trung vào cuộc sống hàng ngày của một gia đình đa thế hệ, bao gồm ông bà, con cái, dâu rể và cháu nội, cháu ngoại. Nghệ sĩ Thanh Hiền vào vai bà Hai, 73 tuổi, mẹ đơn thân tại một ngôi làng. Con đầu của bà - Hai Khôn (Trương Minh Cường) - có cuộc sống giàu sang, trong khi Ba Lành (Đinh Y Nhung), Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên), Năm Thảo (Trâm Anh), Sáu Tâm (Trần Kim Hải) không khá giả bằng.
Bà Hai hiện đang sống cùng Ba Lành nhưng tai ương cùng lúc ập đến khiến bà gãy chân cần người túc trực chăm nom 24/24 nhưng con gái Ba Lành lại cấp cứu phẫu thuật. Trước tình cảnh đó, Ba Lành nhờ sợ giúp đỡ các anh em, nhưng ai cũng có gia đình, công việc riêng. Sự ngần ngại của mỗi người hay những lý do bất khả kháng mà họ đưa ra khiến câu hỏi “Trách nhiệm thuộc về ai?” trở nên đắng cay.
Lật Mặt 7: Một Điều Ước hiện đang khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc.