Với một fan zombie cổ điển như tôi thì Train to Busan có chút sạn nhỏ khi phim cho zombie chạy như điên theo phong cách World War Z của anh Brad Pitt hồi trước (zombie mà chạy như chó điên thì lấy khác gì mấy con vampire dở hơi ?), tuy nhiên hiếm có phim zombie được chiếu ngoài rạp, dĩ nhiên là không thể bỏ lỡ rồi.
Về bản chất, phim về zombie lúc nào cũng là thể loại survival – sinh tồn mà bạn sẽ không bao giờ biết được cái chết sẽ đến lúc nào và như thế nào với thành viên nào trong một cụm nhân vật chính, vì vậy, ai mới tiếp xúc với phim zombie lần đầu nên chuẩn bị tinh thần.
Cái chết là phần tất yếu trong phim zombie, nhưng mỗi cái chết đều có giá trị nhân văn riêng, ở điểm này Train to Busan đã làm rất tốt trong khâu kịch bản.
Train to Busan lần đầu đặt cả nước Đại Hàn vào cuộc tấn công bất ngờ của zombie thông câu chuyện xảy ra trên chuyến tàu đi Busan, từng cặp nhân vật trên chuyến đi, một cặp bố-con trên đường thăm người vợ đã ly thân, cặp vợ chồng đang chờ con đầu lòng chào đời, cặp đôi học sinh, cặp chị em già, tay thương gia v.v... Tất cả đều phải đối diện với nỗi kinh hoàng khi một loại virus lạ tấn công từng người trên đoàn tàu, giết chết họ và rồi biến họ thành những cỗ máy săn mồi lại chính đồng loại của mình. Phim không tập trung đi vào tìm hiểu nguyên nhân mà chú trọng vào những diễn biến tâm lý của con người khi buộc phải đương đầu với thảm họa.
Phim ra rạp nên những cảnh máu me, kinh dị bị cắt bớt nên chắc chắn fan zombie hụt hẫng, nhưng phần còn lại cũng đủ làm những khán giả mới (như mấy em gái ngồi cạnh mình chẳng hạn) đứng ngồi không yên, giật mình liền hồi.
Đứng trước một thảm họa, con người sẽ làm gì? Liệu họ có làm tất cả để sống sót?
Đó là cũng là thách thức mà từng thành viên của đoàn tàu buộc phải xử lí nhanh chóng, bởi sau cơn bất ngờ ban đầu về đại dịch, thứ tiếp theo mà họ phải đối diện luôn là thứ còn đáng sợ hơn zombie rất nhiều: con người.
Cuộc chiến giành giật sự sống liên tục trên từng khoang tàu, vật vã trên từng chiếc thang cuốn, hết đổi ga rồi lại đổi tàu, suốt 120 phút của phim là cuộc chạy đua khốc liệt sống sót, nơi mà mà người ta sẽ nhận ra những giá trị thực sự của mỗi con người. Dù là doanh nhân thành đạt hay gã ăn mày, già hay trẻ, tất cả chỉ còn là cái bản ngã trần trụi trước những thây ma khát máu đang gào thét đuổi theo họ.
Bên cạnh những giá trị truyền thống của phim zombie được duy trì, Train To Busan còn phát triển dấu ấn của riêng mình khi rất nhiều thông điệp được cài cắm từ đầu phim để rồi bùng phát ở cuối phim như chuyện "người đàn ông của gia đình đôi khi phải rời xa con cái của mình để bảo vệ chúng". Phim không có chi tiết thừa bởi có những chi tiết tưởng như vụn vặt ở đầu phim thì các tay biên kịch ém hàng, để dành cho đến cuối phim mới phát huy giá trị của nó (như chi tiết đoạn ghi hình cô con gái hát gượng giữa lớp học).
Về hình ảnh, cá nhân tôi rất thích đoạn cao trào khi những người sống sót vừa phải tìm cách chặn cửa binh đoàn khát máu ở đằng sau, vừa phải làm mọi cách ngăn chặn những đồng loại phía trước mình đóng sầm cửa toa lại trong sự hèn nhát. Những frame hình đảo liên tục trước sau như một sự dằn xé nội tâm trong bản chất mỗi con người trước đại dịch. Ranh giới giữa con người và quái vật đôi khi cũng chỉ mong manh như một cánh cửa toa tàu mà thôi...
Phim có nhiều chi tiết "chốt" đủ để lấy nước mắt của khán giả, về việc xây dựng nội dung và tạo cao trào, phim này còn xuất sắc hơn cả World War Z của Hollywood ngày trước. Dù trên cái nền đầy máu của zombie, nhưng Train To Busan vẫn là một phim xuất sắc về gia đình, nơi sự hy sinh được trang hoàng lộng lẫy mà xúc động trong nước mắt.
Nguồn: HH