Trịnh Công Sơn, một cái tên không còn quá xa lạ với những người yêu âm nhạc Việt nói chung và các “tín đồ” của dòng nhạc Trịnh nói riêng. Trịnh Công Sơn được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Hiện nay chưa theo ước tính, ông đã để lại cho nền âm nhạc nước hơn 600 ca khúc, trong đó số ca khúc của được yêu thích và biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Thật không ngoa khi nói ông là một trong những ông hoàng của nền âm nhạc Việt Nam khi để lại cho đời cả một dòng nhạc mang tên riêng của ông. Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly, một trong những giọng ca “dành riêng” cho các ca khúc mà Trịnh Công Sơn viết ra.
Bên cạnh tài năng của mình, Trịnh Công Sơn còn là một người nghệ sĩ đầy hào hoa và phong nhã, những bóng hồng bên cạnh ông đều là những tri âm, tri kỷ thực thụ. Hôm nay, trước khi hai bộ phim đang được đón chờ nhất tháng 6 này Em Và Trịnh và Trịnh Công Sơn được công chiếu, hãy cùng tìm hiểu đôi nét về người nghệ sĩ này, về “thiên tình sử” giữa ông và các “bóng hồng” đã ghé thăm cuộc đời ông, đặc biệt là giai đoạn từ những năm tháng thanh xuân đầy nồng nhiệt đến thời trung niên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Có thể nói nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ có mối “lương duyên” với nhiều những bóng hồng đi qua cuộc đời nhất trong suốt sự nghiệp làm nghệ thuật của mình. Đầu tiên chắc phải nhắc về mối tình đầu “tình trong như đã mặt ngoài còn e” giữa Trịnh Công Sơn và Bích Diễm. Được biết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải lòng nàng Diễm khi nhìn thấy nàng với dáng vóc vô cùng mảnh mai, thanh thoát hằng ngày đi ngang những hàng cây long não li ti đến theo học ở trường Đại học Văn khoa Huế.
Trịnh Công Sơn đã yêu say đắm dáng hình ấy, ngày nhớ đêm mong, thơ thơ thẩn thẩn nhớ nàng. Tình yêu ấy đã thôi thúc chàng nhạc sĩ tài hoa ngày nào viết một ca khúc dành riêng cho nàng với hình ảnh một chàng trai đang mòn mỏi mong chờ những bước chân từ cô gái mình thầm thương trộm nhớ, hờn trách nàng vì sao cứ mãi thờ ơ song vẫn say đắm, trông ngóng mãi một bóng hình. Sau này, Trịnh Công Sơn có nhiều lần đến thăm nhà Bích Diễm nhưng tất cả những lần ấy, có khi nàng tiếp ông, có khi nàng nhờ người nhà tiếp, và cũng có khi vì ngại cha của nàng nên tác giả cũng chỉ ngồi xơi trà nước rồi về. Trước tấm chân tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bích Diễm cũng thầm rung động. Thế nhưng, mối quan hệ của nhạc sĩ với người con gái xinh đẹp này chỉ dừng lại ở mức “trên tình bạn, dưới tình yêu” do sự phản đối từ cha của nàng, thầy Ngô Đốc Khánh.
Tiếp theo, một mối lương duyên đầy “oan gia” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chính là mối tình với nàng Dao Ánh – em gái ruột của nàng thơ Bích Diễm, mối tình đầu của nhạc sĩ. Chuyện tình của người con gái đang độ tuổi trăng tròn bắt đầu qua những lá thư tay, khi nàng dành những lời an ủi, động viên cho chàng sau cuộc tình không thành với chị gái của mình, và rồi chồi nở ra hoa, tình yêu đến tự lúc nào chẳng biết.
Trong bức thư viết ngày 20.20.1965, Trịnh Công Sơn thể hiện nỗi nhớ da diết "Ánh ơi, anh không thể dối mình là ít nhớ Ánh được. Có thể rồi dần dà sẽ quên đi, nhưng bây giờ thì thật nhớ, thật nhớ đến nỗi không thể kìm hãm mình yên ổn được. Anh chưa thể ổn thỏa nhanh chóng mình với vẻ hoang vu ở đây. Có thể Ánh không tin lắm nhưng ngày tháng còn đâu được nhiều để lừa dối nhau. Buổi chiều thứ bảy và chủ nhật bao giờ cũng buồn và nhớ nhiều hơn, bởi vì ngày đó anh biết rằng mọi người đều rảnh rỗi như nhau. Sự rảnh rỗi sẽ làm mọi người gần nhau hơn tí nữa. Mùa này cỏ đã khô và những bụi tournesol chỉ còn những nụ đen cháy. Buổi sáng anh thức dậy, sương mù xuống từng bãi rộng. Sương mù làm anh càng nhớ Ánh hơn. Ánh đừng bêu rếu trên sự nhớ nhung của anh nghe Ánh".
Từng dòng thư ấy khi viết ra đã định, Dao Ánh thực sự đã hằn sâu trong tim của chàng nhạc sĩ một cách đầy vương vấn, da diết, khắc khoải khôn nguôi. Gần 3 năm liên lạc với hàng trăm bức thư nồng nàn, phải tới năm 1966, tức là khi Dao Ánh bước sang tuổi 18, còn Trịnh Công Sơn 27 tuổi, ông mới ngại ngùng viết lời yêu "Dao Ánh, có một điều không nên nói ra mà vẫn phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu: Anh yêu Ánh... Nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến bên anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ nồng nàn mà anh hằng mong đợi".
Sau lời tỏ tình đó, họ chính thức yêu nhau, Khi đó, Dao Ánh là nữ sinh của trường Đồng Khánh, còn Trịnh Công Sơn đang giảng dạy ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Dao Ánh có lẽ là mối tình sâu đậm nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kéo dài suốt 4 năm, viết cho cô hơn 300 lá thư tay và để lại hàng loạt những sáng tác bất hủ cho nàng như Mưa Hồng, Còn Tuổi Nào Cho Em, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng… Chuyện tình đẹp là thế nhưng cuối cùng vẫn đi đến một kết cục tan vỡ, lá thư nhạc sĩ viết chia tay nàng thực khiến người đọc được nó đau xé tâm can. Sau khi chia tay Trịnh Công Sơn, Dao Ánh sang Mỹ và lập gia đình tại đây.
Những mối tình đi qua trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều có những ý nghĩa và tác động nhất định vào tâm thức và ý niệm sáng tác của ông. Mối tình đơn phương của Trịnh Công Sơn với “người em sầu muộn” Thanh Thúy là một trong những mối tình đơn phương đầy tính biểu trưng cho một chuyện tình buồn “yêu em từ chính nỗi cô đơn của anh”. Trịnh Công Sơn đem lòng thầm mơ về Thanh Thúy từ khi ông còn rất trẻ, đâu đó chỉ độ 19 xuân trai. Thanh Thúy chính là người Trịnh Công Sơn đã viết những lời hát đầu tiên dành tặng cho và nàng cũng chính là nữ ca sĩ đầu tiên hát nhạc của ông, ca khúc Ướt Mi.
Trịnh Công Sơn không chỉ bị hút hồn bởi giọng hát mà còn bởi dáng dấp mảnh mai, dịu dàng rất Huế của cô. Chẳng biết mối giao tình của cả hai có bắt đầu hay không song, người ta vẫn luôn nhớ hoài về sự giao thoa đầy cộng hưởng giữa kẻ viết tình ca và người hát tình ca, để lại những giai điệu bất hủ cho đời. Dù tình riêng có đến được với nhau hay “lỡ chuyến tương tư” thì đó cũng là duyên phận của những người nghệ sĩ, những con người vì cái hay, cái đẹp của nghệ thuật mà tìm thấy nhau.
Tiếp theo, cũng có thể được xem là mối tình tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí chính là cuộc tình của Trịnh Công Sơn và danh ca Khánh Ly. Một sự kết hợp đã đi vào lịch sự, sự hòa nhập cứ ngỡ không thể tách rời. Chuyện tình của họ có thể không thừa nhận nhưng ai cũng biết vĩnh viễn là của nhau. Nhắc đến nhạc Trịnh thì lựa chọn số một luôn là Khánh Ly, còn nhắc về Khánh Ly không ai không nhớ về nhạc Trịnh. Trịnh Công Sơn có rất nhiều người yêu, ông như không thể tồn tại nếu không có tình yêu, tình yêu là chất xúc tác cảm hứng âm nhạc trong ông nảy nở, là ngòi lửa châm đốt cho một tâm hồn chực chờ sự cứu rỗi của âm nhạc.
Thế nhưng, dù ông yêu nhiều đến thế nào thì tất cả cũng chỉ dừng ở mức “người tình”, và Khánh Ly cũng không phải là một ngoại lệ. Khánh Ly yêu Trịnh Công Sơn và ông cũng vậy, tình yêu của cả hai tất cả mọi người đều biết, công chúng đều biết, hai con tim ấy luôn cảm nhận rõ… Nhưng không công khai. Mãi mãi, họ là tri kỉ của nhau, tình yêu đó đặc biệt hơn tất thảy những người ông đã từng yêu khi không qua những dòng thư tay, không đơn thuần qua vẻ đẹp hay tiếng hát, chỉ cần nhìn vào mắt nhau tình yêu đã chực trào, đơn giản chỉ bước cùng nhau cũng có thể cảm nhận được tình yêu bên trong của cả hai cuồng nhiệt.
Khánh Ly chấp nhận đứng bên Trịnh Công Sơn trong vô vàn mối tình vô thường của ông và bà cảm thấy hạnh phúc vì điều đó, chứ không hề có sự ghen tuông nào "Chúng tôi đã sống bằng những niềm vui không nhiều trong đời. Tôi tự cho mình là cái bóng của anh và cũng được hưởng niềm vui đó". Cho đến nay, cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều chưa thừa nhận về tình yêu giữa họ nhưng hơn cả sự thừa nhận, sự ngầm hiểu của tất cả mọi người về mối quan hệ này là điều có thể xem là quan trọng hơn cả.
Và mối tình cuối cùng của Trịnh Công Sơn được biết đến có lẽ là mối tình với cô gái người Nhật Bản Michiko (tên đầy đủ là Michiko Yoshii). Một trong những tình yêu lớn nhất ở cô gái Nhật thời ấy là tình cảm sâu nặng mà cô dành cho dòng nhạc Trịnh. Cô đến với Trịnh Công Sơn bằng tình yêu trong âm nhạc, từ cái hồn của người nghệ sĩ, vì tình yêu văn hóa, con người nước Việt. Còn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông đáp lại tấm chân tình ấy bằng sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc với những người cảm được lòng ông. Lúc này, nhạc sĩ họ Trịnh đã ngoài 40 và chưa một lần kết hôn, dù trước đó xung quanh ông là bao bóng hồng đã bỏ lỡ.
Michiko yêu nhạc Trịnh đến nỗi dù đã có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, cô vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Vượt qua rào cản địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, Michiko bước vào cuộc đời ông như một làn gió mới, gợi lên trong trái tim Trịnh Công Sơn những nhịp đập thổn thức ở tuổi xế chiều. Tưởng chừng mối quan hệ ấy sẽ phá vỡ được “lời nguyền người tình” của người nhạc sĩ tài hoa, song vẫn “đâu lại vào đấy”, lại thêm một mối lương duyên dang dở để lại nhiều sự luyến tiếc khôn nguôi.
Và cuối cùng, góp một phần không thể thiếu trong kí ức thanh xuân và tuổi thiếu thời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chính là hội bạn thân “Văn nghệ sĩ”. Giai đoạn cuối những năm thập niên 50, đầu thập niên 60, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như bao người cũng có một nhóm bạn thân của riêng mình. Nhóm bạn ấy bao gồm những con người cũng đầy tài hoa, mang tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn chẳng kém gì chàng nhạc sĩ họ Trịnh từ hội họa, âm nhạc, điêu khắc, nhiếp ảnh cho tới văn học.
Cũng không ngoại lệ với lý tưởng của người trẻ thời ấy, nhóm bạn của Trịnh Công Sơn cũng mang trong mình những lý tưởng cao đẹp, bên cạnh tình yêu nước nồng nàn là một trái tim đam mê nghệ thuật sục sôi, luôn khao khát được cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Từ Định Công, Bửu Ý, Ngô Kha, Văn Đỗ cho đến Trịnh Công Sơn, mỗi người một vẻ tài hoa, mỗi người một khát vọng, một tình yêu nhiệt thành ở mỗi phạm trù riêng.
Chung quy lại, tất cả đều là những con người mang nặng hồn nghệ sĩ, chiều chuộng và nâng niu những điều tinh túy của cuộc đời. Biết bao ký ức của thời hoa niên lãng mạn đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Còn rất nhiều điều thú vị người nhạc sĩ tài hoa này mà không biết phải tốn biết bao nhiêu giấy mực mới có thể kể hết. Và sắp tới đây, tác phẩm điện ảnh Em Và Trịnh và Trịnh Công Sơn sẽ chính thức được khởi chiếu trên toàn quốc vào ngày 17.06.2022 hứa hẹn sẽ tái hiện lại một cách chân thực nhất thước phim về cuộc đời đầy thăng trầm của cố nhạc sĩ.