Truyền Thuyết Về Quán Tiên là dự án điện ảnh mới nhất của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, được chuyển thể từ cuốn truyện cùng tên, vốn rất nổi tiếng và từng gây nhiều tranh luận từ những năm 80 của nhà văn Xuân Thiều.
Phim chiến tranh vốn là “đặc sản” của điện ảnh Việt Nam ở thế kỷ trước, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, không có một bộ phim đề tài chiến tranh nào được sản xuất ở nước ta, những bộ phim được làm trước đó lại chưa có được sự quảng bá rộng rãi để khán giả biết đến. Vì thế, giữa năm 2020 này, khi điện ảnh Việt tràn ngập phim hài, tâm lý xã hội hiện đại, xuyên không siêu tưởng… thì một bộ phim bối cảnh chiến tranh xuất hiện hẳn là một “cơn gió lạ”.
Dưới góc nhìn của một đạo diễn trẻ, Đinh Tuấn Vũ đã tạo ra một tác phẩm mà ở đó, cuộc chiến tranh chúng ta từng biết hiện lên rất khác: một khu rừng làm bối cảnh, một nhiệm vụ làm hoàn cảnh, các nhân vật dù là con người hay thú vật đều bộc lộ những thứ nguyên thuỷ nhất của bản ngã, tất cả tạo thành một bản-giao-hưởng-cảm-xúc với vô vàn cung bậc khác nhau. Sự pha trộn thể loại: tâm lý, hài hước, bí ẩn, kinh dị… theo đúng xu hướng điện ảnh quốc tế hiện đại chắc chắn là yếu tố khiến bộ phim tiếp cận được đông đảo đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Chuyện phim kể về ba cô gái xinh đẹp tên là Mùi (Thúy Hằng), Phượng (Minh Khuê) và Tuyết Lan (Mai Anh) sống ở một hang động trong rừng Trường Sơn những năm 1967. Giữa cao điểm của cuộc chiến ác liệt, ba cô phải nhận một nhiệm vụ đặc biệt là tiếp đón các anh "lính lái xe" tới nghỉ chân trong hang mà theo lời của chỉ huy, phải biến nơi đó thành một cái “Quán Tiên”! Các cô mỗi người một số phận, nhưng điểm chung là đều phải chịu đựng nỗi cô đơn tận cùng trong một hang sâu giữa rừng già mà không phải ai cũng hiểu và thấu cảm được.
Đúng như tên gọi về một “truyền thuyết”, trailer mở đầu dẫn dắt khán giả đến với không gian rừng xanh hùng vĩ trong lời kể hư ảo của binh trạm trưởng về câu chuyện “ba nàng công chúa bị vua cha thả vào rừng sâu, chỉ trao cho một ngọn lửa, ông giao hẹn ba cô phải giữ bằng được ngọn lửa đó đừng tắt…” Đây là một sự ẩn dụ tinh tế về nhiệm vụ được giao của cấp trên cho ba cô gái mặc quân phục. Các cô nhận nhiệm vụ với một tinh thần rất lạc quan hồn nhiên hiện lên trên nét mặt và những câu nói ngây ngô: “Nếu ngọn lửa tắt thì sao?” “Thì nhóm lại chứ sao!”. Sự hoà quyện của hình ảnh, âm thanh, giọng nói… tạo ra một không khí đầy bí ẩn, khiến khán giả “gai người” và hồi hộp muốn biết liệu các cô gái có “vĩnh viễn bị giam trong rừng sâu” nếu không hoàn thành nhiệm vụ hay không?
Đến đây, câu chuyện kỳ bí, rùng rợn dần được hé mở. Trong ánh lửa bập bùng, Tuyết Lan kể cho 2 cô gái còn lại nghe về một người đàn bà từng bị lạc trong rừng, bị khỉ hiếp và bắt làm vợ. Câu chuyện đó dần trở thành sự thật, “ám” vào cuộc sống, khi chính các cô gái cũng bị một con quái vật bí ẩn rình rập khiến cho Mùi đang mải tắm cũng bỏ chạy “bán sống bán chết”, Tuyết Lan nằm hoảng loạn, co giật dữ dội bên bờ suối. Nỗi sợ hãi được tăng lên gấp bội với nhiều chi tiết dồn dập: Phượng phát hiện ra bộ xương người bị bỏ quên trong rừng, “quái vật” bí ẩn mò vào Quán Tiên, để lộ bàn tay trườn trên vách hang tối...
Ngoài “cảm giác mạnh” dành cho khán giả, những nhà làm phim còn giới thiệu được bức tranh thiên nhiên Việt Nam đẹp hùng vĩ thông qua từng khuôn hình chau chuốt kỹ lưỡng, góc máy hiện đại. Tông màu xanh rêu xuyên suốt kết hợp với âm nhạc hoành tráng, hào hùng đã tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh cho Truyền Thuyết Về Quán Tiên. Được biết nhà sản xuất đã mạnh tay chi hơn $100.000 để thực hiện phần âm thanh, âm nhạc rất sống động cho bộ phim, với sự tham gia của gần 60 nhạc công thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Sun Symphony. Đây là chi phí kỷ lục của một bộ phim Việt cho hạng mục này.
Dự kiến khởi chiếu đúng vào dịp 30.4, Truyền Thuyết Về Quán Tiên, với những yếu tố độc đáo, bắt kịp xu hướng hiện đại đến từ một đề tài đã lâu không xuất hiện trong phim Việt, cộng với sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu của ekip sản xuất, Truyền Thuyết Về Quán Tiên đang có những thế mạnh rất riêng để trở thành một đối thủ phòng vé đáng gờm mùa hè này.