Đất nước Việt Nam với phong cảnh hữu tình đã níu chân không ít đoàn làm phim trong và ngoài nước. Kể từ khi đạo diễn Jordan Charles Vogt-Roberts đem Kong: Skull Island rầm rộ về Việt Nam, người ta nuôi niềm hy vọng lớn hơn về một ngày nào đó, vùng đất hình chữ S sẽ là điểm đến nổi tiếng cho các đoàn phim khác trong tương lai. Nhưng mấy ai biết được, trước Kong: Skull Island, có những bộ phim với giá trị nhân văn và lịch sử của nó, đã đem khung cảnh Việt đi vào lòng biết bao khán giả. Dưới đây là danh sách 3 bộ phim được đánh giá cao của điện ảnh Pháp, có các cảnh quay và được xây dựng cốt truyện tại Việt Nam
L’Amant – Người Tình
Là một bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, khởi quay vào năm 1986 và hoàn thành 4 năm sau. Bộ phim là câu chuyện tình dựa trên các chi tiết có thật giữa một thiếu nữ người Pháp 15 tuổi (Jane March) và một ông chủ đồn điền gốc Hoa giàu có (Lương Gia Huy). Họ chạm mặt nhau trên chuyến phà Vĩnh Long – Sa Đéc, khi cô theo ba mẹ đến Việt Nam làm việc. Gã Hoa kiều ấy bị hình ảnh mời gọi của cô gái trẻ thu hút, hai người nhanh chóng lao vào nhau, yêu đương và hoan lạc say đắm trong men tình.
Thế nhưng, đằng sau vẻ phóng túng và nổi loạn của cô gái trẻ, là một trái tim bị tổn thương vì hoàn cảnh. Cha mất sớm, mẹ phải vật lộn nuôi ba đứa con ăn học sau khi bị khánh kiệt vì làm ăn thua lỗ. Người da trắng xua đuổi, người da vàng sợ hãi dòng máu Pháp cũng không thể dang rộng vòng tay đón lấy những con người đáng thương này. Gia đình bị cô lập, còn cô sống với sự căm ghét cuộc đời cho đến khi gặp được chàng công tử của một gia đình giàu có, bắt đầu một mối tình thật thật giả giả đầy nhục cảm.
Bộ phim ban đầu được dự định quay ở Malaysia, Thái Lan hoặc Phillippines. Tuy nhiên, sau khi cảm thấy Sài Gòn, Việt Nam mới lột tả được hết ý đồ mà Marguerite Duras miêu tả trong tác phẩm, đạo diễn Annaud quyết định chọn Việt Nam làm bối cảnh. Sài Gòn, Chợ Lớn xuất hiện trên phim dơ dáy, bẩn thỉu, mưa nắng thất thường, lộn xộn nhưng đầy chất nghệ, lột tả một hình ảnh Đông Dương rất chân thật của những năm 1920.
Indochine – Đông Dương
Đông Dương là bộ phim kinh điển của Pháp, từng đạt giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1992, lấy bối cảnh Việt Nam trong thời kỳ 1930 – 1950, trước khi hiệp định Genève được ký kết vào năm 1954. Thế nhưng, mãi đến năm 2016, bộ phim mới được công chiếu ở Việt Nam và làm khán giả phải ngỡ ngàng vì độ lộng lẫy của cảnh Việt hơn 20 năm về trước.
Phim lấy năm 1930 làm điểm bắt đầu, khi Eliane (Catherine Deneuve) – một phụ nữ người Pháp theo cha đến sống ở Việt Nam, bà nhận Camille (Phạm Linh Đan) – Một cô gái Việt mồ côi có dòng dõi vua chúa làm con nuôi. Cuộc sống của hai mẹ con không cùng chung dòng máu trải qua yên bình tại Sài Gòn. Camille càng lớn càng xinh đẹp, quý phái. Camille không biết yêu là gì, mặc dù đã có mối nhân duyên với Thành (Eric Nguyễn). Mãi đến khi gặp một sĩ quan người Pháp Jean Baptiste (Vincent Perez) trong một cuộc truy đuổi bằng súng trên đường, cô mới hiểu được hương vị của nó. Đáng tiếc cho Camille, viên sĩ quan ấy cũng là người tình của mẹ cô. Eliane vừa lo sợ cho tương lai của Camille, vừa không muốn mất đi người yêu, bà đã sắp xếp cho Jean bị điều đi làm việc tại vịnh Hạ Long. Camille sau khi kết hôn với Thành vẫn không thể quên được mối tình đầu ấy, bất chấp tất cả để trốn ra Bắc đi tìm Jean. Và cuộc đời cô thay đổi kể từ giờ phút đó.
Bộ phim không tập trung vào chiến tranh và đô hộ, mà là góc nhìn về thời cuộc cũng như thông điệp về tình yêu thương của con người trong thời loạn. Khi thưởng thức bộ phim, ta có thể tìm về những giá trị văn hóa và lịch sử của Đông Dương. Những phong cảnh, văn hóa, con người cho đến tập tục xuất hiện trên phim đều rất được chăm chút kỹ lưỡng. Nhiều chi tiết và cảnh quay trong phim đã trở thành kinh điển cho thế hệ đi sau. Cảnh trí, trang phục, tập tục đều thể hiện cái tài hoa và lãng mạn của vị đạo diễn người Pháp Régis Wargnier.
Ciel Rouge – Bầu Trời Đỏ
Bộ phim mới nhất của điện ảnh Pháp quay tại Việt Nam do Olivier Lorelle (đã từng nhận giải César cho phim Indigènes) làm đạo diễn, sử dụng các cảnh quay chủ yếu ở Hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) và quanh vùng Đồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Ban đầu, đạo diễn vốn định chọn Vịnh Hạ Long, thế nhưng cảnh vật của Hạ Long đã xuất hiện quá nhiều trên phim ảnh, vì thế mà ông quyết định chuyển sang Hồ Ba Bể, mở rộng cái nhìn về phong cảnh Việt đến khán giả. Dù lấy bối cảnh cuộc chiến Đông Dương năm 1946, tuy nhiên đấy chỉ là cái nền ẩn dưới một thông điệp nhân văn hơn là tình yêu và hành trình khai phá bản thân của hai nhân vật dưới phong cảnh nước non hữu tình.
Bầu Trời Đỏ là câu chuyện tình yêu giữa một anh lính Pháp tên Phillip (Cyril Descours) và một cô gái du kích Thi (Audrey Giacomini) bị bắt làm tù binh. Khi biết được mình buộc phải tra tấn cô gái trẻ, anh bị sốc và quyết định bỏ trốn cùng cô giữa núi rừng hoang vu của một xứ sở đối với anh vốn thật xa lạ. Họ ẩn mình dưới những khu rừng thiên nhiên tuyệt đẹp, giữa vùng nước non hùng vĩ, tránh xa khỏi lửa đạn thời cuộc, khám phá tình yêu và tâm hồn mình giữa cuộc đời binh đao. Cũng như Đông Dương và Người Tình, bộ phim không tập trung vào chiến tranh, mà tập trung vào cảnh đẹp và mối tình của hai nhân vật chính.
Dòng phim nghệ thuật như Bầu Trời Đỏ vốn ít khi được giới thiệu ở Việt Nam và cũng rất kén khán giả, chỉ chủ yếu dành cho những ai yêu thích dòng phim này. Đạo diễn Olivier Lorelle vốn không có chủ ý chọn nơi đây làm bối cảnh quay, tuy nhiên sau khi bị thuyết phục bởi Mathieu Ripka – một người rất am hiểu về Việt Nam, Lorelle đã quyết định đến với vùng đất Việt, nơi giúp cho bộ phim có những cảnh quay thật nhất về phong cảnh núi rừng, với ngôi làng dân tộc thiểu số đầy thi vị. Bầu Trời Đỏ hứa hẹn sẽ mang đến sự choáng ngợp cho khán giả khi lần đầu được nhìn thấy khung cảnh Hồ Ba Bể trên màn ảnh rộng, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Bộ phim được công chiếu chính thức ở Việt Nam vào ngày 27/10/2017.