Dù thích hay không thích Ngọc Trinh, bạn khó có thể phủ nhận được sức hút của phim Vòng Eo 56. Đó không chỉ là cơn tò mò về việc nữ hoàng nội y đóng phim như thế nào mà còn là việc Vũ Ngọc Đãng sẽ xử lý ra sao với những bất lợi vốn có khi bấm máy bộ phim này.
Vòng Eo 56 tiếp tục khẳng định nguyên tắc câu khách của điện ảnh: lúc nào cũng cần phải có một tên tuổi làm mỏ neo để kéo khách đến rạp. Fan cũng được, anti cũng được, trung lập cũng được, tất cả đều muốn xem nữ hoàng bikini đóng phim có hay hơn đóng bàn, đóng ghế không.
Bất cứ ai cũng dễ dàng nhìn thấy những bất lợi trong khởi điểm của phim này. Một câu chuyện với motip quen thuộc, dễ đoán. Một diễn viên chính là một Ngọc Trinh vốn chưa có kinh nghiệm diễn xuất. Một đạo diễn Vũ Ngọc Đãng dạo gần đây gắn liền với phim thảm họa nhiều hơn là bom tấn… Tất cả dường như đều là những miếng mồi béo bở cho anti fan của Ngọc Trinh, nhưng hóa ra, Vũ Ngọc Đãng với vai trò kép (đạo diễn – biên kịch) đã xử lý rất khéo.
Ngọc Trinh không có kinh nghiệm diễn xuất ?
Chuyện nhỏ, chỉ cần không cho Trinh diễn là được!
Mở đầu phim là cái giọng thì thào, lúa lúa, quê quê của Ngọc Trinh kể về thời thơ ấu của mình, tưởng dở mà hóa ra lại hay, bởi đó là hướng chủ đạo mà Đãng khai thác. Suốt nửa đầu phim là khoảng thời gian của một Ngọc Trinh ở miệt miền Tây, để mái ngố, thích đi chân đất hơn đi dép, đi xạ lúa trên ruộng này, đội mưa đi bưng bún cho khách này, miệng lâu lâu: “xạo quá đi”, “thiệt hông dạ” v.v… nói chung là cù lần, nhưng mà cù lần rất thật. Trinh không cần phải diễn, vì đó vốn là con người trước kia của Trinh, một em gái nhà quê miền Tây. Cô tự nhiên như một đóa hoa dại ngây ngô, tung tăng trong bối cảnh mà cô được sinh ra và lớn lên.
Miền quê Tây Nam Bộ dưới góc máy của Vũ Ngọc Đãng cũng đẹp nhưng không nên thơ như miền quê trong Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh của Victor Vũ. Miền Tây của Đãng cứ nghèo nghèo, buồn man mác trong cơn mưa lầy lội hết ngày này qua ngày khác. Một miền Tây quê mùa, buồn thiu trong những hàng quán thưa thớt, những căn nhà lụp xụp ven sông, nơi có những đứa trẻ hăng hái nhảy xuống dòng kênh bất kể đục trong, có những bà mẹ khắc khổ giặt đồ bên bờ sông, có những giấc ngủ phá vỡ vì nhà dột… Những cơn mưa xối xả, nước tuôn qua khe hở, tát vào người, tát luôn cả những giấc mơ của người nhà quê… họ cứ thế, vá víu mái nhà, lấy xô chậu hứng mưa, lủng chỗ nào, vá chỗ ấy, thiếu nợ thì vay, vay rồi thì cày để trả nợ, cứ thế mà sống hết đời trong những cái miệt hun hút cây ấy.
Xứ miền Tây không phải chỗ nào cũng nghèo, nhưng nơi Ngọc Trinh sinh ra thì nó nghèo thật. Cái miền Tây ấy của Đãng nó quá thật, thật đến nỗi có thể làm những khán giả có xuất thân tỉnh lẻ sụt sùi, bởi tâm trí họ lúc đó đã bị tràn ngập những khung cảnh đầy kí ức của tuổi thơ. Chỉ có những người con tỉnh lẻ, lớn lên trong những hoàn cảnh như vậy mới hiểu về cái quyết tâm lên Sài Gòn đổi đời như bốn anh em Ngọc Trinh, thứ quyết tâm bị nhồi nhét trong những cơn say xe, những chuyến xe đò chật ních người bỏ ruộng đồng đi xây ảo vọng...
Giống như cái dòng “based on true story” đầu phim, hành trình lập nghiệp của Ngọc Trinh trong phim có thể sẽ nhận được sự đồng cảm của khán giả. Vũ Ngọc Đãng đã rất khéo khi chọn cách bưng nguyên mẫu Ngọc Trinh lên phim, không ngần ngại bóc trần những điều mà người ta hay chê bai cô như cái kiểu: “em thì body đẹp đó, nhưng gương mặt không cá tính thì hơi khó làm người mẫu đấy”, hay cái kiểu ngây ngô khi ẻm trả lời ứng xử “trớt quớt” trong một cuộc thi Hoa Hậu cấp phường nào đó.
Ngố đó nhưng mà lại hay đó. Chúng ta quá quen với vầng hào quang mà Ngọc Trinh đang có, trong khi khách quan mà nhìn lại, rõ ràng Trinh thiếu nhiều chuẩn của người mẫu như phim đề cập, nhưng như thế lại thú vị bởi có một Ngọc Trinh gần gũi hơn, bình dị hơn được phô ra trước mắt hơn là các phát ngôn gây sốc mà chúng ta hay nghĩ về cô.
Dĩ nhiên khi Trinh không cần diễn thì mạch phim rất tốt, nhẹ nhàng, sâu lắng cho đến nửa cuối phim. Đến giai đoạn thành danh, những vụ lùm xùm đi khách ngàn đô của giới người mẫu đan xen với chuyện tình của anh đại gia Hưng thì sự lúng túng, yếu kém lộ rõ mồn một.
Bản thân ảo thuật gia Petey Majik (vai đại gia Hưng) vốn cũng không phải là dân chuyên diễn xuất, nói tiếng Việt còn bập bẹ thì làm sao gánh nổi phần thiếu hụt trong diễn xuất của Ngọc Trinh? Chuyện tình của hai người dù dựa trên chuyện có thật đi nữa thì trong từng cái nắm tay, từng cái ôm, ánh mắt trao nhau đều gượng gạo và khó làm người ta tin được đấy là chuyện tình. Rồi, cứ thế phim trôi tuột cho tới cuối cùng trong một motip dễ đoán.
Công bằng mà nói, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã xử lí khá tốt với những nguyên liệu anh có: một cặp diễn viên chính không chuyên, một kịch bản dựa trên một tiểu sử không có nhiều biến cố, kịch tính, nhưng sức người cũng có hạn nên đuối dần khi về cuối. Tuy nhiên, đây cũng là một chọn lựa không tệ cho những ai tò mò về con đường lập nghiệp của Ngọc Trinh, đặc biệt là những khán giả xuất thân tỉnh lẻ sẽ dễ tìm thấy kí ức của chính mình, đồng cảm hơn với những câu chuyện xoay qua đường lập nghiệp của Trinh, xen lẫn những phân đoạn tình cảm, bảo bọc có phần giang hồ của hai anh trai, của những niềm vui nhỏ của những người nhà quê khi thấy con mình lên báo, của những chuyến xe nhét chật người tỉnh lẻ lên chốn đô thành lập nghiệp…
Nguồn: Nghinh Phong