Công nhận giờ Đà Nẵng thay đổi nhiều quá so với 2 năm trước làm phim Bộ Ba Rắc Rối. Nhiều trung tâm thương mại hơn, đã có Vincom, đã thêm 1 rạp CGV nữa và cái rap Starlight của tư nhân thì phải. Tuy nhiên, có lẽ lựa chọn chạy 25km từ Hội An ra Đà Nẵng xem Warcraft là một sai lầm đối với Poly. Viết như vậy thì các bạn có thể đoán được là Poly chê phim này chứ không hề khen như nhiều review khác. Vậy nên các bạn tự cân nhắc trước khi đọc nhé.
Ngày xưa, Poly cũng có chơi game, nhưng không nhiều và bỏ ngang nên không nắm hết cốt truyện. Tuy vây, cũng nhớ những cảm giác khi chơi nhân vật, khung cảnh góc nhìn...và cũng nhờ vậy mà thấy rằng phim này làm ra để thỏa mãn gamer của nó là chính. Với khán giả bình thường sẽ thấy rất chán và khó hiểu. Đó cũng chính là cảm giác của Poly sau khi xem xong: bước ra khỏi rạp, khá chán và hụt hẫng. May là Poly có chơi game nên vẫn hiểu được cảm giác của người từng chơi game này, những nhân vật ngày xưa, những cảnh quay di chuyển trên cao qua các làng mạc bị tàn phá, khói bốc lên, giống y như trong game không khác tí nào.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhắm vào gamer, thì theo Poly nhà sản xuất và đạo diễn đã thất bại ngay từ đầu vì tiêu chí này. Trừ phi đó là mục tiêu tiên quyết để họ quên luôn và không muốn nhắm tới doanh thu để tiếp tục làm các phần sau. Bởi vì Poly nhớ rằng chưa từng có một phim nào làm từ game mà chỉ nhờ các gamer mà thành công về doanh thu.
Ngay từ những giây phút đầu tiên, kịch bản phim đã cho thấy rằng nếu khán giả bình thường không hề chơi game sẽ không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra, những nhân vật trên màn ảnh là ai và mục đích của họ là gì. Theo Poly, kịch bản tiêu chuẩn của một bộ phim trong những giây phút đầu tiên phải giới thiệu được những nhân vật là ai, họ đang làm gị, bị truy đuổi hay trốn chạy điều gì. Đằng này khán giả chả hiểu gì hết, lại còn đây là những sinh vật quái lạ gớm ghiếc không phải là người. Điều đó rất khó để khán giả cảm nhận và đứng cùng phe với những sinh vật này. Đây là quy tắc chung của não bộ con người khi nhìn thấy những sinh vật không phải người. Đó là lý do mà hầu hết những phim về sinh vật lạ như ET hay Avatar phải mất rất nhiều thời gian để thay đổi suy nghĩ của khán giả từ ngờ vực sang tin tưởng những nhân vật không phải người. Đây là điểm yếu lớn nhất của kịch bản khi chọn góc nhìn từ phía Orc ngay từ đầu. Bản thân Poly khi gõ những dòng chữ này cũng quen tay khi ngắn là Orc chứ không phải tộc Orc hay người Orc. Đó chính là vấn đề tâm lý của khán giả người. Nếu ban đầu kịch bản chọn góc nhìn của tộc người - Human thì sẽ dễ dàng đến với khán giả hơn.
Đó là lỗi ngay từ phần mở đầu, điều này cũng được dần dần giải thích theo góc nhìn của tộc Orc. Tuy nhiên, một lần nữa kịch bản lại có lỗi khi theo góc nhìn của Orc, xây dựng nhân vật anh hùng (tạm gọi) là Durotan để khán giả thấu hiểu và thông cảm. Thường các kịch bản khác dẫn khán giả theo nhân vật anh hùng lên bờ xuống ruộng này nọ bị vùi dập tan nát nhưng sống sót và thay đổi level cũng như thế trận. Thì đoạn cuối lại cho solo, tưởng cũng tài cán ghê gớm để khán giả sôi sục thương cảm thì đùng 2 phát đổ gục. Đó là cái dở vô cùng của kịch bản, khiến khán giả hụt hẵng và chán nản. Thật sự lúc đó Poly lại chuyển sang thích thằng Gul’dan – Ngô Ngạn Tổ.
Còn về chuyện tình của anh Human và em gái da xanh thì thật sự Poly chả muốn kể lể gì thêm mà chỉ muốn nói là chưa từng xem cái phim nào mà có cái chuyện tình nhảm như chuyện tình này.
Về phần hình ảnh, cũng là một thất vọng khác. Đến thời điểm này, khi khả năng tạo dựng motion capture trên màn ảnh đã đạt mức như thật đáng kinh ngạc. Ví dụ diển hình, mọi người chắc ai cũng đã xem Avavar, sau đó là là loạt phim Sự Nổi Dậy Của Loài Khỉ. Nên chuyện tạo ra nhân vật từ đồ họa không còn gì đáng nói, điều đáng nói ở đây là Warcrat chọn màu sắc cho nhân vật và bối cảnh quá giống game. Điều này cũng như đoạn đầu Poly đã nói, nó khiến gamer thích thú nhưng với những khán giả chỉ thích xem phim lại chán. Vì như cảm giác của Poly là cứ như xem trailer dài 120 phút của 1 cái game, không có cảm giác xem một phim điện ảnh.
Chưa hết, phần chỉ đạo hành động và những cảnh quay trận chiến. Có lẽ đạo diễn Duncan Jones là một lựa chọn sai lầm cho những phim thuộc thể lọaị mang tính sử thi – epic. Những cảnh trận chiến chọn góc quay sai, không thấy được mức độ hoành tráng cũng như đau thương của chiến tranh. Nhắc đến đây là phải kể sự đau thương phải bắt nguồn từ chết chóc. Poly không thấy dân chúng bị bắt cóc hay chết chóc máu me. Mà Poly chỉ nhớ 1 cảnh ông già quỳ bên Gul’dan lâu lâu lại bị hút sinh lực. Cảnh này lặp lại 3 lần, lần đầu thì còn có cảm giác tàn ác, đến lần thứ 3 thì Poly lại thấy hài hước vui vẻ hơn là bức xúc. Đó chính là vấn đề của đạo diễn khi không mang đến cảm xúc cần có cho khán giả để làm tiền đề cho những cảnh kháng chiến (gọi nôm na là vậy). Chưa kể phần hành động quá chán, giả tạo, điển hình là cảnh phục kích bên hẻm núi. Poly xem thấy rất ẩu, ai chú ý hậu cảnh quan lính đánh nhau sẽ thấy.
Cuối cùng, là tin tức về doanh thu của phim. Phim đạt doanh thu gần $ 300 triệu tại thị trường Trung Quốc cuối tuần qua. Điều này được lý giải rằng Dalian Wanda – tập đoàn Trung Quốc đã mua lại công ty sản xuất phim Warcraft là Legendary Pictures – hiện sở hữu nhiều rạp chiếu phim nhất tại Trung Quốc. Điều này hoàn toàn hợp lý khi WarCraft chỉ thu được $ 24 triệu tại thi trường Bắc Mỹ (theo boxmojo cuối tuần 12/6). Trong một diễn biến khác thì anh Thành Long lại kêu gọi dân Trung Quốc đồng lòng đi xem Warcraft để khẳng định sức mạnh của thị trường này!
Nên nếu ai có hỏi Poly lời khuyên về Warcraft, thành thật khuyên mọi người nếu muốn xem phim này ngoài rạp thì nên chọn những ngày khuyến mãi giá rẻ mà xem.
Nguồn: Anh Poly