Tin điện ảnh

Khi điện ảnh hòa nhịp cùng bóng đá! Đây là một số bộ phim bạn nên xem mùa World Cup này!

Sau biết bao lùm xùm về vấn đề bản quyền, cuối cùng thì người hâm mộ Việt Nam cũng được tiếp cận với những trận đấu sôi động nhất hành tinh của World Cup 2018. 32 đội tuyển sẽ cùng nhau tranh tài suốt mùa hè để tìm ra nhà vô địch của môn thể thao vua.

Mặc dù sự kết hợp giữa bóng đá và điện ảnh thường không đem lại nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng còn lúc nào thích hợp hơn để đưa ra một danh sách các bộ phim lấy đề tài túc cầu để khán giả có thể hâm nóng ngọn lửa trong mình chờ đợi những trận bóng sắp tới?

The Arsenal Stadium Mystery (1939)

Huấn luyện viên huyền thoại của các Pháo thủ thành London, George Allison dẫn dắt đội 1 của ông xuất hiện trong vài cảnh quay của tác phẩm giựt gân này, một trong những bộ phim đầu tiên liên quan đến bóng đá. Trong trận bóng từ thiện giữa Arseanal với đội bóng hư cấu The Trojans, xảy ra một vụ án mạng khi ngôi sao của đội khách bất ngờ chết trên sân bóng, và cuộc điều tra được tiến hành bởi một trong những vị thanh tra lập dị nhất màn ảnh, Anthony Slade (Leslie Banks)

Được thực hiện bởi Thorold Dickinson, một đạo diễn người Anh ít tên tuổi (Gaslight, 1940; Queen of Spades, 1949), đây là một bộ phim kết hợp hài hước – giựt gân một cách tuyệt vời. Bộ phim sử dụng một vài cảnh quay được lấy trong trận đấu giữa Arsenal và Brentford cũng như bối cảnh trên sân vận động huyền thoại Highbury, ngôi nhà cũ của Pháo thủ.

Martin Scorsese, nhà làm phim nổi tiếng người Mỹ, đã từng nhận xét về bộ phim thế này “Ngay cả với một người không thể chịu đựng các môn thể thao -  đặc biệt là bóng đá, hay bất cứ thứ gì với một quả bóng - thì những cảnh bóng đá trong phim cũng rất sống động”.

Escape to Victory (1981)

Khi nhắc tới những cảnh phim nổi tiếng về bóng đá nhất định phải kể đến Escape to Victory ra đời năm 1981, bộ phim được yêu thích bậc nhất. Tác phẩm của đạo diễn John Huston kết hợp 2 chủ đề nhường nhau không có sự liên quan: các tổ chức bóng đá và cuộc sống của những người tù trong một trại giam Đức Quốc Xã thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Michael Caine đã tập hợp một đội bóng của phe Đồng Minh với các ngôi sao Pelé, Bobby Moore, hai nhà vô địch thế giới của Brazil và Anh, cùng với Ossie Ardiles (Totenham), John Wark (Ipswich Town) và Mike Summerbee (Manchester City) cùng với Sylvester Stallone để đối đầu đội tuyển Quốc gia Đức khi nước này chiếm đóng thủ đô Paris, Pháp.

Vượt qua mọi khó khăn, sự khắc nghiệt của trại giam, bộ phim mang tinh thần bóng đá lan tỏa một cách đầy mãnh liệt. Stallone cứu được một quả penalty, lực lượng tinh nhuệ Wehrmacht của Đức Quốc Xã ngồi nhục nhã trên khán đài và cú ngã bàn đèn tuyệt hảo của Pelé. Thể thao phi chính trị!

Gregory’s Girl (1981)

Bóng đá trên màn ảnh rộng ít khi có được sự kết hợp ngọt ngào như tác phẩm của đạo diễn người Scotland Bill Forsyth. Nội dung của Gregory's Girl kể về một cậu học trò không có gì là đặc biệt và thậm chí có đôi khi vô cùng kỳ quặc, đó là Gregory (do John Gordon Sinclair thủ vai). Cậu thầm thương trộm nhớ cô nàng Dorothy (do Dee Hepburn thủ vai), thành viên mới và là ngôi sao trong câu lạc bộ bóng đá của trường.

Bộ phim Gregory's Girl được lấy bối cảnh tại một ngôi trường trung học ở Scotland. Đây là một tác phẩm phim hoàn toàn khác biệt so với những bộ phim tương tự cũng làm về đề tài bóng đá với sự xuất hiện đội cổ vũ xinh đẹp, một môi trường học đường có sức cạnh tranh cao và sự ngọt ngào của tình yêu tuổi trẻ. Với sự tinh tế của mình, Forsyth đã đưa được phẩm chất của tuổi trẻ và sức ảnh hưởng của bóng đá vào cuộc sống thực.

Shaolin Soccer – Đội Bóng Thiếu Lâm (2001)

 

Tác phẩm hài hước kinh điển của Châu Tinh Trì luôn là lựa chọn hàng đầu nếu bạn muốn kết hợp hoàn hảo giữa bóng đá và điện ảnh giải trí đơn thuần. Đội bóng Thiếu Lâm đã trở thành một trong những tác phẩm ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông.

Thiết Cước, cầu thủ danh tiếng một thời, trở thành lão huấn luyện viên nát rượu. Ông gặp Tinh, chàng võ sư muốn truyền bá kungfu ra toàn thế giới. Tư tưởng lớn gặp nhau và cả hai bắt tay lập đội bóng và kêu gọi các huynh đệ Thiếu lâm xưa của Tinh gia nhập. Đội bóng kỳ lạ với những kĩ năng siêu đẳng và tính cách quái dị đủ khiến bạn cười lăn lộn. Bật mí nhé, rất nhiều kĩ năng bá đạo của các cầu thủ được lấy cảm hứng từ anime bóng đá nổi tiếng: Đội Trưởng Tsubasa.

The Miracle of Bern (2003)

Bộ phim nhắc đến một trong những cú shock lớn nhất của lịch sử World Cup, được gọi là “Phép lạ của Bern” khi đội tuyển Tây Đức đánh bại được sức mạnh khủng khiếp của Hungary, đội sở hữu Puskas - siêu sao đương thời của Đội bóng Hoàng gia Real Madrid trong trận chung kết 1954. Tác động của chiến thắng này đối với tinh thần dân tộc vô cùng lớn, được xem như lời báo hiệu về sự phục hồi kinh tế và chính trị của Đức sau hậu quả kiệt quệ do chiến tranh.

Đạo diễn Sönke Wortmann đã đưa cái nhìn đầy hoài niệm của mình thông qua Matthias (Louis Klamroth), cậu bé đánh giày 11 tuổi của người hùng Tây Đức Helmut Rahn, tác giả bàn thắng trong trận chung kết năm 1954. Thời thơ ấu hạnh phúc của Matthias bị ném vào tình trạng hỗn loạn khi người cha xa lạ của cậu trở về từ một trại tập trung tù chiến tranh của Liên Xô, một hình ảnh biểu tượng cho nỗi đau chiến tranh của cả dân tộc. Đó là khởi đầu cho những khoảng khắc đầy tuyệt vời, hứng khởi và giàu cảm hứng trên cả góc độ cá nhân và dân tộc, một ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa bóng đá và tự hào dân tộc trong những niềm vui bất tận.

Offside (2006)

Trong hầu hết các bộ phim về bóng đá, giá trị đoàn kết và tính cộng đồng luôn được đề cao. Tuy nhiên, tác phẩm của đạo diễn người Iran, Jafar Panahi, lại mang đến một ngoại lệ. Nội dung của bộ phim kể về việc một nhóm các cô gái tìm cách đột nhập vào sân vận động chỉ dành cho nam giới (sự bất bình đẳng giới tính thường thấy ở các quốc gia Hồi Giáo) để được theo dõi một trận đấu quan trọng thuộc vòng loại World Cup giữa Iran và Bahrain. Được mô tả như “những người chuyên nghiệp, họ biết cách vào trong - họ biết tất cả các thủ thuật”, nhưng các cô gái lại mắc kẹt bên ngoài và bỏ lỡ một cú đá quan trọng.

Được quay tại sân vận động Azadi ở Tehran vào ngày diễn ra trận đấu, Panahi ghi lại bầu không khí cuồng nhiệt của một khoảnh khắc bùng nổ, đem lại rất nhiều phấn khích cho đám đông, đối lập với các nhân vật chính khi phải bỏ lỡ nó và cố gắng đoán xem điều gì xảy ra qua âm thanh của đám đông và lời nói của những người lính gác đang cản họ lại.

The Damned United (2009)

Phim kể về HLV Brian Clough, một trong những HLV xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Anh.Bộ phim kể về giai đoạn ông đưa Derby County cũng từ một đội vô danh hàng bét của giải hạng 2 lên dành chức vô địch Anh, và sau đó khi chuyển đến Leeds United, một đội bóng có lối đá “chém đinh chặt sắt” mà Brian hết mực lên án. Ông bị sa thải chỉ sau 6 tuần do sự nổi loạn ngầm của các ngôi sao tại đây. Rời Leed United ông cùng phụ tá đắc lức của mình là Pete Tylor đến Nottingham Forest ( khi đó còn chưa có tên trên bản đồ bóng đá Anh) và tạo nên tên tuổi lẫy lừng của mình tại đây khi dành liên tiếp 2 chức vô địch Champions league 1979 và 1980.

Với điểm số IMDb lên đến 7.6, đây được đánh giá là bộ phim về bóng đá có nội dung xuất sắc nhất.

The Class of ’92 (2013)

Đây là tác phẩm chắc hẳn không thể bỏ qua cho các fan cứng của Quỷ đỏ thành Manchester, bộ phim tài liệu được sản xuất năm 2013 về sáu danh thủ đã góp phần làm nên chiến thắng tại FA Youth Cup và giữ vai trò quan trọng đối với thành công vang dội của United dưới thời huấn luyện viên huyền thoại Sir Alex Ferguson.

Theo chân Beckham, Butt, anh em nhà Neville, Giggs và Scholes, những cái tên đã làm nên đế chế thống trị nước Anh hơn một thập niên, hẳn sẽ là câu chuyện thú vị, khi những cầu thủ bản địa, đi từng bước từ học viện của CLB đến môi trường chuyên nghiệp và sau cùng đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp trong màu áo Manchester United.

Ngoài các tác phẩm kể trên, còn rất nhiều lựa chọn khác chưa được nhắc đến như là: Zidane: A 21st Century Portrait (Douglas Gordon and Philippe Parreno, 2006), Looking for Eric (Ken Loach, 2009), Bend It like Beckham (Gurinder Chadha, 2002) hay When Saturday Comes (Maria Giese, 1996), rất nhiều để bạn có thể lựa chọn.

Phim ảnh và thể thao là một sự kết hợp tuyệt vời, đặc biệt hơn nữa khi đó là môn thể thao vua với hàng tỷ tín đồ cùng hòa nhịp. Moveek chúc bạn có một mùa hè sôi động cùng các cầu trường tại nước Nga, xen kẽ đó là những bộ phim hay để chờ giờ bóng lăn nhé.

 Vẫn chờ ngày Việt Nam được tham dự World Cup, vẫn chờ, chờ,…

Nguồn: Có tham khảo từ bfi.org.uk