5. Sharon Tate: Ám Ảnh Kinh Hoàng (The Haunting of Sharon Tate) – 15%
Phim dựa trên một trong những vụ án kinh hoàng nhất Hollywood với nhân vật chính là Sharon Tate (Hilary Duff), một ngôi sao 26 tuổi đang dần có tiếng tăm. Khi cô sắp chào đón đứa con đầu lòng với chồng là đạo diễn Roman Polanski thì linh cảm báo cô biết rằng, cơn ác mộng tồi tệ nhất của cô sẽ đến kèm theo sự xuất hiện của Charles Manson.
Theo trang RogerEbert.com: “Dàn nhân vật của phim thật sự không có cá tính, không có hướng phát triển nhất định và cũng thiếu đi sự liên kết lẫn nhau; và khi họ nói chuyện, trong lời nói của họ là những từ ngữ nặng nề nhất mà con người có thể nghĩ ra. Lời thoại nhân vật như đấm vào tai khán giả, nghe rất khó chịu và sặc mùi lý thuyết. Điều khiến khán giả đau đầu hơn nữa chính là việc Tate cứ luôn mơ về những con dao và vũng máu văng tung tóe, để rồi những ảo tưởng ấy dần kéo cô ra khỏi thực tại.”
4. Mẹ Ma Than Khóc La Llorona (The Curse of La Llorona) – 30%
Vào những năm 70 trên đường phố Los Angeles, bóng ma bí hiểm La Llorona luôn chực chờ trong bóng đêm để bắt những đứa trẻ. Mặc dù đã có lời cảnh báo từ một bà mẹ kì quặc nhưng một nhà hoạt động xã hội và những đứa con của cô vẫn bị cuốn vào hiện tượng siêu nhiên đáng sợ này. Phao cứu sinh duy nhất để họ thoát khỏi sự phẫn nộ của La Llorona là vị tu sĩ có khả năng đẩy lùi quỷ dữ.
Theo trang RogerEbert.com: “Ngôn ngữ trong phim là một vấn đề khi các nhân vật trong phim vốn là người Latin; nhưng ngoài cái họ Garcia dính dáng tới cội nguồn của họ thì những nhân vật chính chỉ sử dụng mỗi tiếng Anh, những nhân vật nói tiếng Tây Ban Nha gồm người phụ nữ loạn trí, vị thầy tu và con ma đầy sát khí. Khán giả cũng không mấy hài lòng khi cùng một câu thoại cứ bị lặp lại ở hai ngôn ngữ. Tuy nhiên, phim vẫn có những cảnh đáng xem, như cảnh La Llorona đứng sau lưng gội đầu cho một bé gái, hay cảnh bà ta tấn công trại trẻ mồ côi. Nhưng kịch bản lại khá nhẹ nhàng và hầu như không đáng sợ mấy. Dù phim rất ổn về mặt diễn xuất và thiết kế nhân vật, đặc biệt là La Llorona nhưng nhìn tổng thể thì phim không thật sự ấn tượng."
3. Căn Phòng Tử Thần (Escape Room) – 49%
Sáu kẻ liều lĩnh tới một tòa nhà bí ẩn để trải nghiệm trò chơi escape room và ẵm giải thưởng $10 nghìn; nhưng cuộc vui tưởng chừng như vô hại này hóa ra lại là một ác mộng thực thụ. Bộ sáu phát hiện ra rằng mỗi căn phòng là một cái bẫy cấu thành một trò chơi hành xác đầy chết chóc.
Theo trang RogerEbert.com: “Khi xem những phim như Căn Phòng Tử Thần, ta ít khi để ý đến nhân vật và diễn xuất, nhưng vấn đề ở đây là phim để những nhân vật kém thu hút như Ben hay Zoey chiếm quá nhiều khung hình, trong khi những nhân vật khác, đơn cử là Amanda, lại hiếm khi có một phân cảnh của riêng mình; đó là chưa kể tới có nhân vật hầu như không động tay như Mike. Kịch bản cũng có rất ít tình tiết để phát triển nhân vật dù họ rất có tiềm năng. Những cái bẫy dường như là "phao cứu sinh" cho phim lại khá vô duyên; ví dụ căn phòng chờ nóng như chảo lửa giống một bản sao vụng về của Fahrenheit 451 và phòng billiards lộn ngược gồm chiếc hộp nhạc om sòm và sàn nhà (trần nhà) sụp xuống đột ngột.”
2. Sinh Nhật Chết Chóc 2 (Happy Death Day 2U) – 69%
Sinh viên cao đẳng Tree Gelbman tỉnh dậy trong hoảng loạn và nhận ra rằng cô đang ở một vũ trụ song song, nơi bạn trai Carter đang cặp kè với người khác và những người bạn thân của cô lại là một phiên bản khác hoàn toàn. Khi cô nhận ra thủ phạm thay đổi dòng thời gian là bạn cùng phòng với Carter cũng là lúc cô phải đối mặt với một tên sát nhân mang mặt nạ và hiểu rằng mình phải chết đi chết lại để cứu mọi người.
Theo trang RogerEbert.com: “Điểm sáng của phim là nhân vật chính khi cô không la hét quá đà mà trái lại, cô biết kiểm soát cảm xúc khá tốt, điều này còn đến từ lối diễn xuất sắc của Jessica Rothe. Tuy gắn mác phim kinh dị nhưng Happy Death Day 2U lại không thể hiện đúng bản chất của nó, dù sở hữu các cảnh bám đuôi khá được mắt; phim nghiêng về hài hước và nhân sinh hơn là nỗi sợ một tên sát nhân mang mặt nạ. Phim còn mang thông điệp về lòng bao dung, không ích kỷ và tiến bước tới tương lai thay vì bám víu quá khứ.”
1. Chúng Ta (Us) – 94%
Trong chuyến đi cùng chồng con về với căn nhà bên bờ biển mà mình từng lớn lên, Adelaide Wilson linh cảm có điều chẳng lành sắp xảy ra. Những gì cô e ngại sớm trở thành sự thật khi 4 kẻ mang mặt nạ đột nhập vào và khiến nhà Wilson phải đấu tranh để sinh tồn. Nhưng khi những chiếc mặt nạ rơi xuống, họ lại nhận ra những nhân dạng đã quá quen thuộc với bản thân.
Theo trang RogerEbert.com: “Dưới bàn tay của đạo diễn Jordan Peele, phim là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hài hước, kinh dị và thực tại xã hội. Peele muốn người xem phải suy nghĩ về những mặt tối hơn của con người cũng như những khía cạnh khác của nước Mỹ. Điều khiến Chúng Ta thành công không phải chỉ nhờ vào tài kể chuyện của Peele, mà còn nhờ công của dàn diễn viên quá xuất sắc khi tất cả bọn họ đều thành công, không chỉ trong vai một gia đình Mỹ trung lưu mà còn kiêm luôn bản sao bí hiểm của họ.”