Với những khán giả quen xem những bộ phim hoành tráng, nội dung đặc sắc với đủ các thể loại trên trời dưới biển cho đến ngoài không gian, thì chắc hẳn bộ phim có nội dung mặt đất như Xin Chào, Cậu Em Khác Người! hẳn chẳng thể làm họ hài lòng. Ơn giời tôi vẫn đi xem phim chứ không "xem dư luận" nên với tôi đây vẫn là bộ phim hay, đặc sắc và xúc động cho tới khi bước ra khỏi rạp để lên xe về nhà.
Xét về nội dung thì Xin Chào, Cậu Em Khác Người! chẳng có gì khác với motif phim Hàn đã cũ mèm: một câu chuyện có số phận éo le kết thúc bằng ung thư. Hẳn điều này khiến khán giả Việt Nam không mấy mặn mà. Nhưng tôi rất bất ngờ khi đọc tin Xin Chào, Cậu Em Khác Người! này vẫn vượt mặt cả bom tấn Maze Runner: The Death Cure về doanh thu phòng vé tại Hàn Quốc. Nhưng mà này, Xin Chào, Cậu Em Khác Người! đích thị là bộ phim chỉ hợp với những bà cô già ba mươi mấy như tôi.
Không nội dung đặc sắc, không diễn viên xinh đẹp, điều khác người của phim là 3 diễn viên chính. Họ là những diễn viên thật sự xuất sắc và hoá thân trọn vẹn vào nhân vật.
Tưởng rằng vai diễn ông trùm ra mắt năm trước đã là màn lột xác hoàn hảo của Lee Byung Hun thì vai diễn anh trai của Cậu Em Khác Người này cho thấy anh vẫn giữ phong độ và đẳng cấp ngôi sao hàng đầu của xứ Kim Chi.
Còn nhân vật em do nam diễn viên Park Jung Min đóng quả thực khiến tôi vô cùng ấn tượng. Không chỉ hoá thân xuất sắc vào nhân vật mắc bệnh tự kỷ - mà tôi xin lỗi, có lẽ tôi không nên gọi tự kỷ là "căn bệnh". Cậu em khác người này đặc biệt chơi piano tuyệt đỉnh. Nếu có màn chơi nhạc đặc sắc nào trong những bộ phim gần đây thì ngoài vai diễn tuyệt vời của Miles Teller trong phim Whilplash thì đó sẽ là Park Jung Min trong Xin Chào, Cậu Em Khác Người!. Tôi không rành lắm về nhạc cổ điển nhưng quả thật Cậu Em này có tài năng Khác Người. Điều vẫn thường làm tôi say đắm những bộ phim Hàn đó là phần âm nhạc đầy cảm xúc. Đó chính là điều góp phần khiến cho nữ khán giả ngồi sau tôi cứ xụt xịt và tôi thì vẫn còn xúc động cho đến tận khi bước ra khỏi rạp.
Bên cạnh hai nam diễn viên chính là dàn diễn viên phụ quen thuộc Choi Ri, Hwang Seok-jeong, Jo Kwan-woo... Nhưng cứ nhìn qua bom tấn Hollywood thì thấy, diễn viên giỏi thôi vẫn chưa đủ để làm nên một bộ phim thành công.
Đạo diễn kiêm biên kịch của Xin Chào, Cậu Em Khác Người! đã xây dựng một câu chuyện chẳng có gì đặc sắc cho lắm, kịch bản soi ra thì cũng dễ thấy những chỗ lỏng lẻo, nhưng đó mới chính là điểm khác biệt khiến cho bộ phim gây ấn tượng cả tốt và xấu cũng chẳng sao với khán giả. Tôi thấy đáng sợ hơn là xem phim xong khán giả chẳng có gì để nói về bộ phim cả.
Để lột tả được phần hoá thân tài tình của dàn diễn viên miễn bàn là những góc máy rất tinh tế. Có thể thấy đạo diễn không phô trương về mặt kỹ thuật, kỹ xảo quay phim như rất nhiều những bộ phim điện ảnh ngày nay đang bị lạm dụng một cách quá đà, mà với những bộ phim tâm lý xã hội thì vấn đề tiết chế về góc máy là điều mà hình như lắm đạo diễn bây giờ hay quên. Chỉ một chi tiết này thôi đủ để tôi thấy thích vị đạo diễn của bộ phim, đó là cảnh trong phòng bệnh viện, chiếc máy tạo không khí ẩm vẫn đang nhả khói. Cẩn thận trong từng khung hình dù chỉ là những vật dụng tưởng như rất chẳng quan trọng.
Xin Chào, Cậu Em Khác Người! hẳn cũng lại là bộ phim làm ra để các diễn viên tranh giải và bộ phim chắc cũng kiếm được trong liên hoan phim nào đó không ít đề cử và giải thưởng. Nhưng điều đó chẳng để làm gì, điều quan trọng là tôi đã có một buổi tối xem phim trọn vẹn cảm xúc cùng Xin Chào, Cậu Em Khác Người!.
Và phim hay đâu cần phải khác người. Cứ quay đi quay lại mấy motif cũ như phim Hàn phải có ung thư vẫn có thể hay mà. Quan trọng là cảm xúc và quan trọng là khán giả phải biết lựa chọn phim phù hợp với gu của mình. Chọn phim không đúng gu thì dĩ nhiên sẽ thấy nó không hay rồi.