[REVIEW] Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy (Hansan: Rising Dragon)

Đánh giá phim · miduynph ·

Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy xứng đáng để xem cho những người yêu lịch sử, thích tìm hiểu về chiến trận cũng như một sự đổi gió cho những chủ đề đại chúng khác đã quá quen thuộc khác của điện ảnh Hàn.

Tiếp nối thành công của bom tấn sử thi The Admiral: Roaring Currents (Đại Thủy Chiến) khuynh đảo phòng vé Hàn Quốc vào năm 2014, đạo diễn Kim Han Min đã sẵn sàng để trở lại với phần phim tiếp theo về Đại Đô Đốc thủy quân nổi danh của bán đảo Triều Tiên, Yi Sun Shin bất bại. Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy (Hansan: Rising Dragon) sẽ là một câu chuyện diễn ra trước trận đánh nổi danh ở Myeongnyang, trận chiến ở Hansan là nơi mà cái tên Yi Sun Shin đã gieo rắc sự sợ hãi vào tâm trí của thủy quân Nhật, đặc biệt bằng thuyền đầu rùa (Quy bối thuyền) lừng danh.

Quy Bối thuyền cực kỳ hùng vĩ và mang nhiều sức mạnh
Quy Bối thuyền cực kỳ hùng vĩ và mang nhiều sức mạnh

Khác biệt với cuộc chiến một đấu trăm lừng danh ở Myeongnyang nhiều năm về sau, trận chiến Hansan được tiến hành khi hai bên có một lực lượng khá đồng đều và vùng biển nơi chiến đấu tương đối rộng rãi cho một cuộc chiến quy mô lớn. Đây là tiền đề cho đạo diễn Kim Han Min có một hướng phát triển mới, với trận chiến có các đại cảnh quy mô đầy khốc liệt và những màn mở combat mãn nhãn của Quy Bối thuyền. Điều này tạo ra nhiều mới lạ, rất khác biệt so với với phần 1 nhưng nó lại lộ yếu điểm trong những cảnh cần nhiều CGI.

Điện ảnh Hàn Quốc đúng là đã phát triển rất nhiều về khả năng xử lý kỹ xảo, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách rất xa so với các bom tấn hàng đầu của Hollywood và các phân cảnh cần nhiều CGI họ xử lý chưa được thật sự mượt mà. Và phần nào đó ekip đã lạm dụng cả điều đó vào những phân cảnh cận chiến, khiến độ đẫm máu và khốc liệt giảm đi rất nhiều so với phần phim ra mắt 2014.

CGI vẫn luôn là vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng của điện ảnh Hàn
CGI vẫn luôn là vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng của điện ảnh Hàn

Chúng ta cũng được chứng khiến nhiều hơn về những âm mưu chính trị, đấu đá trong nội bộ của cả hai phe, hay các kế hoạch gián điệp lẫn phản gián được tung ra nhắm được nhiều thông tin và lợi ích trước trận đánh lớn. Điều này góp phần cho bộ phim có thêm chiều sâu hơn, thể hiện được sự phức tạp của cuộc chiến cũng như bản lĩnh của tướng lĩnh cả hai phe. Họ cũng đều là những con người bình thường phải đối mặt với những thử thách lớn để sẵn sàng bước vào cuộc tử chiến. Kịch bản đã có sự cân đối và phát triển đồng đều cả hai phe Triều Tiên và Nhật, đưa vào họ vào trận chiến với sự tương đồng về cả trí và lực, và sự khác biệt chỉ đến từ những món khí tài chiến lược của hai phe.

Từ đó, các tuyến nhân vật đều có đất diễn, đặc biệt là hai nhân vật quan trọng Yi Sun Shin và Wakizaka Yasuharu. Được thể hiện bởi hai diễn viên hậu bối trẻ trung hơn so với phần phim 2014, hai đối thủ đầy duyên nợ này hứa hẹn sẽ thể hiện một phong thái rất khác so những gì chúng ta từng cảm giác về họ. Phần phục trang vẫn giữ được sự tinh tế và kỹ lưỡng trong đầu tư trang phục, quân nhu cho cả hai phe. Trong khi đó, nhạc nền và âm thanh thể hiện được sự bi tráng trong trận chiến và khí thế hào hùng của những tử sĩ sẵn sàng để bảo vệ đất nước.

Phục trang được đầu tư chi tiết, toát lên khí chất của những tướng lĩnh
Phục trang được đầu tư chi tiết, toát lên khí chất của những tướng lĩnh