[REVIEW] YOLO: Bạn chỉ sống một lần - Bản nhạc chưa đủ để đi vào lòng người

Đánh giá phim · junenguyen.6694 ·

YOLO: Bạn Chỉ Sống Một Lần chưa phải là một bộ phim hay hoặc đáng xem.

Kéo xuống để xem tiếp

YOLO: Bạn Chỉ Sống Một Lần là bộ phim Việt thứ 2 trong năm 2019. Với tư cách là một trong những phát súng mở đầu thì đây là bộ phim chưa đạt được thành công như mong đợi. 

Người viết có đọc qua khá nhiều phỏng vấn, cũng như thông tin phim trước khi xem và hiểu rõ ý nghĩa của bộ phim với các nhà làm phim, bản thân Soobin Hoàng Sơn hay Spacespeakers, tuy nhiên nếu chỉ nói với tư cách một khán giả xem phim, thì bộ phim chưa đạt được yêu cầu. Nếu bạn là fan của dàn diễn viên họăc đơn giản là muốn nghe nhạc, hay theo dõi để hiểu hơn về con đường của Soobin Hoàng Sơn, Touliver hay SpaceSpeakers thì cũng có thể cân nhắc. Còn nếu khó tính và soi xét thì bạn nên bỏ qua.

Soobin Hoàng Sơn trong vai Đức (Youtube)
Soobin Hoàng Sơn trong vai Đức (Youtube)

Kịch bản

YOLO: Bạn Chỉ Sống Một Lần là bộ phim nói về những người trẻ khi họ bước chân trên con đường của chính mình. Đức (Soobin Hoàng Sơn) là một cậu ấm, sinh ra trong nhung lụa và được mẹ bảo bọc hết lòng. Lớn lên cùng Hoàng (Cường Seven) là người được bố mẹ Đức nuôi từ bé, Đức mang bản tính ngông cuồng, trẻ con và bốc đồng trong khi Hoàng lại chín chắn và trưởng thành hơn.

Chuyện phim bắt đầu từ mâu thuẫn với mẹ, Đức bỏ nhà ra đi để sống với đam mê âm nhạc của mình cùng với Hoàng. Trên con đường đó, họ có khó khăn, có những xung đột, hiểu lầm để cả hai cùng trưởng thành từ đó. Bộ phim còn nói lên một lát cắt của showbiz, một góc khuất của thế giới underground mà ở đó để có thể tồn tại và thành công cần nhiều hơn chỉ là tài năng. Những tranh đấu, những mánh khóe, thủ đoạn hay thậm chí là vũ lực cũng được bộ phim hé lộ qua từng thử thách trên con đường đi đến với ước mơ của Đức, Hoàng và Trang. Bộ phim còn tô đậm tình cảm gia đình như là gốc rễ, là cội nguồn của nghệ thuật, của đam mê mà ở đây, chính là tình mẫu tử, tình anh em. 

Tuy nhiên, với một nội dung như vậy, thì YOLO chưa đạt được đến hết điều mà nó mong muốn truyền tải. 

Một cảnh trong phim (youtube)
Một cảnh trong phim (youtube)

Bộ phim vẫn còn khá nhiều khuyết điểm so với một lượng nội dung có thể nói là nhiều. Phần thoại là một trong những phần người viết cảm thấy cần xem xét nhất. Có khá nhiều đoạn thoại bị ngượng, hay câu từ không tự nhiên và có phần hơi khiên cưỡng. Dù 10 phim Việt thì hết 9 phim người viết thấy có vấn đề nhưng vẫn phải nói lại mãi một câu chuyện cũ. Có nhiều đoạn, dài dòng đến không cần thiết, có đoạn lại quá cụt. Thật ra phim Việt bị cái này nhiều, bị bắt lỗi nhiều. Vì thế dù diễn xuất có tốt, cũng bị thoại trừ đi 1/2 số điểm.

Điểm tiếp theo khiến bộ phim dài dòng và không có sự liên kết là ở phần biên tập và hậu kỳ. Các điểm nối giữa những phân đoạn bị gấp, hoặc có những đoạn bị vô lý khiến cảm xúc người xem thay đổi không kịp. Phần truyện có đoạn quá nhanh, có đoạn lại quá chậm hoặc nhiều phân đoạn không có đoạn trung chuyển khiến bộ phim mang cảm giác chắp vá nhiều hơn, dễ gây ra cảm giác lê thê và mệt giữa chừng. 

Những xung đột xây dựng chưa đủ thuyết phục (youtube)
Những xung đột xây dựng chưa đủ thuyết phục (youtube)

Diễn viên

Dàn diễn viên của bộ phim này cũng được gọi là ổn về mặt ngoại hình. Tuy nhiên diễn xuất lại là điều khiến người viết thấy quan ngại. Nếu chỉ nói riêng về các nhân vật chính, cả Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven đều có diễn xuất ở mức vừa ổn. Vai Đức được nói là “đo ni đóng giày” cho Soobin là một nhân vật có cái “ngông” ở một mức khó chấp nhận. Ngược lại, vai Hoàng của Cường Seven lại quá nhẫn nhịn.

Vai của Soobin quá ngông, còn của Cường Seven thì quá nhẫn nhịn (Youtube)
Vai của Soobin quá ngông, còn của Cường Seven thì quá nhẫn nhịn (Youtube)

Hai vai nữ là Thư Kỳ hay Trang cũng khiến người viết đặt câu hỏi rằng tính cách nhân vật này được xây dựng có hợp lý hay không. Nhìn chung về độ xây dựng và khắc họa tâm lý nhân vật ở phim này theo người viết đánh giá chỉ nằm ở mức trung bình, người thì mờ nhạt, người thì có tính cách hơi khó tin hoặc khắc họa chưa đủ. Sự khắc họa tâm lý dừng ở mức lưng chừng hoặc quá tay là điểm người viết cảm thấy khó bắt kịp nhất. Mạch phim và tâm lý diễn viên bị gãy liên kết ở một số đoạn dẫn đến phần cao trào có phần gượng ép và khó chấp nhận. Với một bộ phim tâm lý theo lời đạo diễn Phan Minh, mà ở đó âm nhạc chỉ là chất dẫn, thì bộ phim có lẽ chưa làm được cái điều mà thể loại phim này cần làm được. 

Ở một vài phân đoạn Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven diễn khá đạt nhưng nhìn tổng thể vẫn còn yếu và chưa có điểm riêng. Trong tổng thể dàn diễn viên, người có diễn xuất tuyệt nhất chính là nữ diễn viên Khánh Huyền trong vai mẹ của Đức. Mang dáng dấp một người phụ nữ thành đạt, thông minh nhưng nhẫn nhịn và hết mực yêu thương con trai, nữ diễn viên Khánh Huyền xuất sắc hoàn thành vai diễn của mình với ấn tượng khó phai, nhất là trong những phân cảnh có cảm xúc mạnh.  

Nữ diễn viên Khánh Huyền (Youtube)
Nữ diễn viên Khánh Huyền (Youtube)

Những yếu tố khác

Phim quay được, có khá nhiều góc quay đẹp, nhất là những cảnh quay ở Đà Nẵng, Hoà Vang. Màu phim khá sáng và sự tương phản sáng tối cũng thể hiện khá tốt khi cần thiết.

Những cảnh quay tại Hoà Vang khá đẹp (Youtube)
Những cảnh quay tại Hoà Vang khá đẹp (Youtube)

Khi ở thể loại phim tâm lý, điểm sáng của phim đáng ra nên nằm ở tâm lý nhân vật hay chuyện phim thì lại nằm hết ở phần nhạc, nhưng người viết vẫn nhận định phần nhạc của phim dù hay nhưng chưa đủ để tạo điểm nhấn. Với những bài hát quen thuộc như Kiếp Rong Buồn hay Mẹ Yêu thì không nói, nhưng những bài nhạc phim mới cũng không gây được quá nhiều ấn tượng. Duy có phần nhạc nền thì nằm ở mức khá ổn vì không bị lạc khỏi nhịp phim. Một vài đoạn nhạc trong trailer ban đầu, đến khi lên phim lại không để lại nhiều dấu ấn.  

Nhìn chung, YOLO: Bạn Chỉ Sống Một Lần chưa phải là một bộ phim hay hoặc đáng xem. Và nhiều gương mặt trong phim cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể được công nhận là những diễn viên thực thụ.