[REVIEW] Cà Chớn, Anh Đừng Đi!

Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Cà Chớn, Anh Đừng Đi khiến khán giả lo lắng vô hạn cho tương lai của điện ảnh nước nhà.

Chưa bao giờ có cảm giác thất vọng xen lẫn tức giận đến thế sau khi xem xong một phim Việt Nam. Bước ra khỏi rạp với niềm đau to lớn và lo lắng vô hạn cho tương lai của điện ảnh nước nhà, bị phá hoại bởi những người không biết cách làm một bộ phim đúng nghĩa là như thế nào.

Liệu Hải Sơn có giúp Tuệ Nhi quên được quá khứ u buồn mang tên tình đầu?
Liệu Hải Sơn có giúp Tuệ Nhi quên được quá khứ u buồn mang tên tình đầu?

Câu chuyện phim Cà Chớn, Anh Đừng Đi! kể về hành trình tình yêu của Tuệ Nhi (Kiều Trinh Xíu) và Hải Sơn (Xuân Phúc) từ cuộc đụng độ hiểu lầm đến khi hóa giải oán thù của cha mẹ rồi trở lại bên nhau. Một mô-típ quen thuộc thường thấy ở các truyện ngôn tình mạng tự chế, đáng tiếc là nó cũng không đủ hay để được đón nhận. Chưa bao giờ có một câu “chuyện tình” nhạt nhòa, sống sượng đến như vậy trong lịch sử các loại hình nghệ thuật. Tôi không hiểu làm cách nào mà đoàn làm phim sau khi xem xong kịch bản, có thể chọn tin là có mối tình hình thành từ những tình huống sắp đặt ngây ngô và vô lý đến như thế.

Poster của phim Cà Chớn, Anh Đừng Đi!
Poster của phim Cà Chớn, Anh Đừng Đi!

Đầu tiên hãy nói về kiến thức căn bản nhất của việc làm phim. Phim là loại hình nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh động, không thể lầm lẫn với các thể loại kể chuyện bằng nguồn chất liệu khác. Âm nhạc bằng âm thanh, kịch bằng biểu diễn hình thể và lời thoại, văn chương bằng ngôn từ, hội họa bằng bố cục các màu sắc… Không thể kể chuyện phim bằng cách dẫn dắt kiểu truyện tranh hay bộc lộ cá tính, câu chuyện về các nhân vật qua lời thoại, đó là điều đại kỵ trong điện ảnh. Cà Chớn, Anh Đừng Đi! có cốt truyện không thể kết nối các dữ kiện để khán giả hiểu về nhân vật, và đường dây chính muốn nói lại phải thông qua lời dẫn hay lời thoại đã là một sự xúc phạm đến điện ảnh, chưa kể đó là sự thất bại thảm hại của biên kịch lẫn đạo diễn.

Và nàng tiểu thư có thể chữa lành nổi nỗi đau mà chàng họa sĩ luôn giữ trong lòng?
Và nàng tiểu thư có thể chữa lành nổi nỗi đau mà chàng họa sĩ luôn giữ trong lòng?

Tiếp theo là vấn đề kỹ năng diễn xuất của các diễn viên. Các diễn viên được quảng cáo là đã tham gia một số phim nhưng khi xem Cà Chớn, Anh Đừng Đi!, tôi ngạc nhiên vì không tìm được một người nào có thể gọi là tạm chấp nhận được ở khâu diễn xuất. Tất cả đều được làm quá lố, không cho người xem một chút cảm xúc thật nào, mọi thứ đều trông giả tạo, nghiệp dư đến mức khó chấp nhận được. Không một diễn viên nào làm tôi đồng cảm với số phận nhân vật, mọi thứ trôi qua tuồn tuột, đôi khi lại dây dưa đến cạn kiệt sự kiên nhẫn. Trước khi quay bất cứ phân cảnh nào, đạo diễn thường làm công việc giải thích cho diễn viên biết bối cảnh và cảm xúc cần biểu lộ, và thẩm định mức độ thành công khi diễn tả điều đó từ các diễn viên, nhưng ở bộ phim này, không thể tìm được một cảnh nào giúp tôi nghĩ họ làm được yêu cầu tối thiểu đó.

Dựng phim và biên tập thật sự là thảm họa tồi tệ. Tôi đã tìm hiểu về đạo diễn Đỗ Cường nhưng chưa tìm ra dự án nào ngoài phim này nên không biết anh ta có từng làm phim hay học về dựng phim hay chưa. Từng cảnh phim rời rạc, khiên cưỡng và vụn vặt đến mức không thể nào hình dung được vì sao lúc biên tập, đoàn làm phim không ai nhận ra đây là sản phẩm lỗi. Các phân cảnh cứ thế liên tiếp phơi bày những lỗ hổng trong kịch bản, diễn xuất, càng làm tồi tệ hơn những yếu điểm đáng lý phải được che bớt đi. Tất cả những tình tiết quan trọng nhất đều được tiết lộ qua vài câu thoại mà không được trình bày bằng các cảnh quay đúng nghĩa, ngược lại nhiều cảnh lố lăng vô thưởng vô phạt lại được đưa vào. Hàng đống những thứ phi lý, sắp đặt vụng về được nhồi nhét lại mà hy vọng khán giả sẽ không nhận ra. Bây giờ, khán giả Việt đã đòi hỏi một bộ phim giải trí và khéo léo, chứ không dễ dàng chấp nhận một món giải trí đầy thất vọng như Cà Chớn, Anh Đừng Đi!.

Nghi ngờ Hải Sơn thông đồng với bọn cướp, Tuệ Nhi đã gọi anh ta là đồ “cà chớn”
Nghi ngờ Hải Sơn thông đồng với bọn cướp, Tuệ Nhi đã gọi anh ta là đồ “cà chớn”

Lựa chọn âm nhạc trong phim cũng rất đáng phàn nàn. Ca khúc chủ đề lẫn bài hát của hai diễn viên chính đều không ổn và không liên quan mấy đến câu chuyện phim, không hỗ trợ cho tình tiết phim và không tạo điểm nhấn cho bộ phim. Trang phục của dàn diễn viên đều nhạt nhòa, thậm chí có thể gọi là xấu. Bối cảnh, thiết kế cảnh trí đều trông giả tạo, nhàm chán, không có tính nghệ thuật, cứ như thiết kế cảnh trí của một vở kịch truyền hình. Việc lồng tiếng cũng là một lựa chọn khả dĩ vì không phải diễn viên nào cũng có đài từ tốt hay thu âm trực tiếp ổn, nhưng việc các nhà làm phim chọn lồng tiếng hầu hết các phân cảnh trong Cà Chớn, Anh Đừng Đi!, kể cả các đoạn hát ngoài trời làm sự giả tạo, thiếu cảm xúc cho những đoạn cần thể hiện tình cảm chân thật.

Liệu chuyện tình trái ngang giữa Sơn và Nhi có đủ sức để lay động khán giả?
Liệu chuyện tình trái ngang giữa Sơn và Nhi có đủ sức để lay động khán giả?

Đã đến lúc phải từ bỏ lối tư duy xí xóa, ủng hộ phim Việt Nam một cách vô điều kiện, đôi khi phải “giết” một phim để cứu các phim còn lại. Những sản phẩm kém chất lượng cần phải bị loại bỏ nếu không công chúng sẽ dần ác cảm với điện ảnh Việt và một ngày nào đó, đa số khán giả sẽ sợ phải đi xem phim Việt. Giờ đây, khán giả là người quyết định việc đến xem một bộ phim và họ hoàn toàn có thể từ chối một sản phẩm kém chất lượng. Người viết thật sự đau lòng khi phải chê một bộ phim nội địa, là một người Việt Nam tôi cũng muốn điện ảnh nước nhà phát triển, nhưng nó sẽ không có cơ hội nếu chúng ta tiếp tục dung túng những sản phẩm văn hóa kém chất lượng.

[REVIEW] John Wick 3 - Parabellum

[REVIEW] John Wick 3 - Parabellum

John Wick 3 - Parabellum tiếp tục phát huy thế mạnh ở 2 phần trước.