Sau Oculus, đạo diễn Mike Flanagan lại tiếp tục gây bất ngờ với Before I Wake – Ác Mộng.
Ra đời khi những bom tấn kinh dị đã trở nên quá quen thuộc, Ác Mộng là một bộ phim độc lập mang đậm dấu ấn cá nhân đầy mới lạ của đạo diễn Mike Flanagan. Không giống như nhiều tác phẩm được tạo ra để gieo rắc sự ám ảnh, Ác Mộng sau những cơn hù doạ là thông điệp ấm áp về tình thương đọng lại trong lòng khán giả.
Nội dung phim kể về cặp đôi Jessie (Kate Bosworth) và Mark (Thomas Jane) cảm thấy lạc lõng sau khi mất đứa con trai do đuối nước. Họ quyết định nhận nuôi Cody (Jacob Tremblay), một cậu bé mồ côi mẹ với tất cả tình thương mà cả hai vun vén. Thế rồi những biến cố xảy ra trong căn nhà khiến Jessie và Mark phát hiện ra Cody có khả năng biến những giấc mơ của mình thành hiện thực. Quả thực đó là một món quà kì diệu nếu như Cody có những giấc mơ đẹp, tuy nhiên sẽ là một tai hoạ khủng khiếp khi cậu bé gặp ác mộng.
Với những ai từng “mê như điếu đổ” cậu bé Jack Newsome trong tác phẩm của đạo diễn Lenny Abrahamson đều biết từng cử chỉ trên màn ảnh của Jacob Tremblay đều có khả năng thâu tóm mọi sự chú ý của khán giả. Không chỉ bởi đôi mắt to tròn, giọng nói ngây thơ và khuôn mặt bầu bĩnh như một thiên thần, Jacob Tremblay còn có khả năng hoá thân vào nhân vật một cách tự nhiên nhất ở tuổi lên 9. Vào vai Cody một trẻ mồ côi có khả năng kì lạ, Jacob không cần phải gò ép khi mỗi lần xuất hiện trước màn hình, cậu bé vẹn nguyên là một đứa trẻ trong sáng và tội nghiệp.
Một nhân vật đáng chú ý nữa là Jessie do Kate Bosworth thủ vai. Cô nàng Lois Lane ngày nào giờ vẫn xinh đẹp trước ống kính máy quay, trong vai một người mẹ mất mát và người vợ đầy cảm thương. Kate thể hiện rất tốt những phân đoạn tình cảm, từ mệt mỏi, đau đớn tới dung thứ. Jessie hiện lên mạnh mẽ là ngọn đèn hướng cho cậu bé Cody tìm lại tình yêu thương vốn bị chôn vùi.
Không phải sự sợ hãi, mà thông điệp yêu thương mới chính là những gì nhà sản xuất muốn cài cắm qua một bộ phim kinh dị như Ác Mộng. Tiết tấu phim chậm rãi bóc tách lớp vỏ xù xì của sự ma quái để tìm thấy tình yêu được gửi gắm trong trái tim cậu bé Cody. Có tới hai mạch tình yêu chạy song song trong tác phẩm, từ tình mẫu tử dằn vặt của bậc cha mẹ với đứa con xấu số, tới tình thương của họ dồn cho một sinh linh mới mẻ bước chân vào căn nhà như Cody. Ác Mộng đã làm được điều mà không nhiều bộ phim kinh dị có thể làm được, đó là phát triển mạch cảm xúc một cách rất tự nhiên và đầy lôi cuốn. Từ sự ám ảnh với cậu con trai xấu số tới mức phải đón một đứa bé trạc tuổi về nuôi, Jessie đã dần vượt qua được sự ích kỉ ấy để dành trọn trái tim yêu thương cho Cody. Tác phẩm là tập hợp nhiều bất ngờ nho nhỏ mang tên cảm xúc, khi vừa khiến người ta khóc thét đã lại rớt nước mắt vì cảm động.
Về mặt hình ảnh, Ác Mộng là một bộ phim trau chuốt không thiếu những chi tiết khiến người xem rợn tóc gáy. Sử dụng hình ảnh con bướm đêm, vừa nên thơ vừa ma quái, bộ phim như một minh hoạ thị giác về những giấc mơ của một đứa trẻ, nơi tấm gương ánh xạ những gì chúng được đối xử. Đạo diễn Mike Flanagan đã từng có ý định đặt tên Ác Mộng là “Somnia”, một từ đơn có gốc Latin giống như những tác phẩm trước của mình như Oculus hay Absentina. Thế nhưng, Ác Mộng giống như cái tên tiếng Anh giản dị của nó, là một phép thử thành công của Flanagan với dòng phim tình cảm “đội lốt” kinh dị, nơi những giá trị về tình thương gia đình được đề cao chứ không phải sự ám ảnh hù doạ.
Nguồn: Ngọc King