Marvel Comics ra đời vào tháng 10.1939, 5 năm sau khi DC Comics ra đời. Chính vì thế mà Marvel Comics đã chọn lối đi khác biệt với DC để tự tạo thành công riêng. Và phong cách đó thể hiện qua nhiều bộ phim của họ: tươi tắn trong màu sắc, duyên dáng trong cách kể chuyện và ít ”ưu tư.” Tuy nhiên không vì thế mà chủ đề của truyện tranh lẫn film của Marvel không có sự sâu sắc. Hãy cùng Moveek điểm qua điều đó với bộ ba của “Civil War (Nội chiến)” gồm: Captain America, Iron Man, Spider-man.
Mặt trận truyện tranh
Trước hết hãy điểm qua nguồn gốc của Captain America và Iron Man.
Tháng 3.1941, Captain America ra đời, giai đoạn chiến tranh thế giới thứ II đang diễn ra ác liệt. Từ 1 chàng trai ốm yếu, Steve Rogers đã trở thành hình tượng siêu chiến binh mang chiếc khiên “không thể hủy hoại” và bộ đồ in cờ Mĩ. Dụng ý ở đây đã quá rõ: kêu gọi lòng dũng cảm của những thanh niên Mĩ trong công cuộc tiêu diệt phát-xít, bảo vệ tự do hòa bình của Mĩ và thế giới.
Đối ngược với chiếc khiên che chở nước Mĩ của Cap, Iron Man là ngọn giáo sắc bén để Mĩ chiếm lợi thế trong chiến tranh lạnh. Iron Man xuất hiện lần đầu vào tháng 3.1963. Được dựa trên hình mẫu Howard Hughes (nhà kinh doanh tài ba, phi công, đạo diễn v.v.), Iron Man là mẫu siêu anh hùng không xuất phát từ lý tưởng đơn thuần như Captain America mà hàm chứa nhiều mâu thuẫn. Ngay cả Stan Lee, người đã tạo ra anh cũng nói:
“Tôi nghĩ tôi đã liều lĩnh. Thời điểm đó (Iron Man ra đời) là đỉnh cao của chiến tranh lạnh. Độc giả, độc giả trẻ, nếu có điều gì họ ghét, thì đó là chiến tranh và quân đội.
Vậy nên tôi tạo ra một anh hùng đại diện cho điều đó (những điều độc giả ghét) đủ 100%. Anh ta là kẻ chế tạo vũ khí, cung cấp vũ khí cho quân đội, anh ta giàu, (vì) anh ta là một nhà tài phiệt công nghiệp.
Tôi nghĩ sẽ vui khi đưa ra kiểu nhân vật mà không ai thích, không ai muốn thích và nhồi nhét cho người đọc khiến họ thích anh ta. Và anh ta đã được yêu thích.”
Mâu thuẫn luôn là tiền đề để bắt đầu chiến tranh. Cho nên trước khi nói về Civil War tức Nội Chiến tôi xin lan man một chút về từ “mâu thuẫn”. Trong triết học chúng ta có từ “mâu thuẫn” (tiếng Hán) và paradox (tiếng Anh gốc Latin) diễn tả sự khác biệt về tư tưởng.
Nếu “paradox” có cách giải thích như sau:
Thì “mâu thuẫn” lại xuất phát từ 1 câu chuyện cổ:
Một người bán vũ khí nói rằng: “Tôi có thuẫn (khiên) cứng nhất, không gì đâm thủng”. Sau đó lại rao: “Tôi có mâu (giáo) cứng nhất đâm gì cũng thủng”. Một người mới hỏi: “Lấy mâu của anh đâm thuẫn của anh thì sẽ ra sao?”. Từ đó “mâu thuẫn” trở thành từ chỉ sự khác biệt tư tưởng.
Quay trở về với Marvel Comics, cuộc chiến giữa “chiếc khiên” đã bảo vệ nước Mĩ khỏi phát-xít (Captain America) và “ngọn giáo” đã giúp nước Mĩ “trừ gian diệt bạo” (Iron Man) quả thực rất hấp dẫn. Hơn thế nữa, thông qua cuộc chiến này, tác giả khai thác mâu thuẫn cơ bản của con người: sự phân vân giữa tự do và an toàn. Bạn muốn mọi thứ đi vào nề nếp dẫu cho phải hi sinh sự riêng tư của những người vốn đã hi sinh rất nhiều (các siêu anh hùng), hay tôn trọng sự riêng tư của họ và đánh cược rằng họ sẽ không “lỡ tay” làm hại bạn khi đang “thực thi công lý”?
Và đứng giữa chiến tuyến là một tượng đài khác: Spider-man.
Trong Civil War của truyện tranh, Spider-man (tức Peter Parker) đã tự gỡ bỏ mặt nạ và tham gia phe của Iron Man đầu tiên. Vì anh ta ủng hộ một hệ thống minh bạch và công bằng có thể giúp đỡ cả người dân lẫn siêu anh hùng trong trị an. Nhưng khi chứng kiến con robot làm từ gen của Thor giết chết một siêu anh hùng bên phe Captain, Spider-man đã nhận ra sự chuyên chế của chế độ và quyết định đổi phe.
Kết thúc cuộc chiến, Captain America chấp nhận đầu hàng khi nhận ra mong muốn của người dân, Iron Man cũng “nương tay” với những ai chịu đầu hàng. Còn Spider-man và những kẻ chống lại thể chế vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên có thể thấy là với sự khôn khéo của Spider-man, xung đột giữa hai phe sẽ không đến mức nghiêm trọng, và lực lượng “chống đối” đóng vai trò chốt chặn nhiều hơn là kẻ thù của thể chế này.
Cái kết này bị chê là quá gấp gáp. Nhưng với sự đổi phe của Spider-man, nhân vật được yêu mến thuộc hàng top của Marvel, các tác giả đã thể hiện một mong muốn rằng: công lý luôn cần thể chế, nhưng thể chế không thể bỏ qua sự tôn trọng cá nhân. Mâu thuẫn của cuộc chiến được giải bằng một tam giác cân bằng giữa Quyền lực thể chế - Tự do cá nhân – Ý muốn xã hội.
Mặt trận điện ảnh
Để chứng minh cho sự khôn khéo của mình, nhóm tác giả của Marvel đã khai thác lại hình tượng Captain America và Iron Man theo những cách rất “hợp thời”.
Nói qua một chút về lịch sử: Sau chiến tranh thế giới thứ II, sự phân chia ảnh hưởng của hai nhóm quyền lực lớn trên thế giới trở nên gay gắt. Nhưng với việc cả hai nhóm đều có vũ khí hạt nhân, những cuộc chiến tranh qui mô lớn đã bị hạn chế. Thay vào đó là cuộc chiến tranh lạnh với những mưu sâu kế hiểm nhằm lôi kéo các quốc gia về phía mình của cả hai phe. Còn tại nước Mĩ, sau một thời đại anh hùng của những người lính Mĩ (mà Captain America là một đại diện), thì dần xuất hiện một “Generation X” (thế hệ X) .
Theo nhiều nguồn thì thế hệ này được miêu tả như sau: thế hệ sinh ra trong thập niên 60 đến cuối thập niên 70, được hưởng những ưu thế khi xã hội Mĩ phát triển thịnh vượng sau chiến tranh. Nhưng đồng thời, họ cũng lười nhác, có dấu hiệu rối loạn thần kinh (do ảnh hưởng của gia đình như: sự bạo hành, li hôn…) và chống đối xã hội (phong trào phản chiến, trào lưu hippie).
Và trong thập niên 1960 đó Iron Man đã xuất hiện. Vì xuất thân “đặc biệt” của mình, Iron Man có những nét cá tính “khó ưa” nếu so với chuẩn mực xưa cũ của xã hội. Nhưng như đã nói ở trên, những độc giả trẻ dù chán ghét chiến tranh vẫn yêu thích chàng tỉ phú này vì anh ta cũng “lắm tài nhiều tật” như họ vậy.
Quay về với Marvel, họ chứng tỏ khả năng chọn diễn viên “thần thánh” khi mời Robert Downey Jr. vào vai diễn này. Và Iron Man của anh đã leo đến đỉnh cao danh vọng của cả mặt trận truyện tranh lẫn điện ảnh khi xuất hiện lần đầu vào năm 2008.
Thành công không chỉ ở việc Robert Downey Jr. là một người thuộc “Generation X” (sinh năm 1965) có đủ “tài” và “tật” của Iron Man, mà còn ở việc Marvel đã khéo léo thể hiện sự thay đổi của thời đại vào nhân vật của mình. Giữa thời đại mạng xã hội bùng nổ này, thì lối sống cá nhân của những thiên tài dị biệt ngày một được tôn sùng. Iron Man của Robert Downey Jr. có chút gì đó giống những Steve Jobs, Mark Zuckerberg: luôn khiến đám đông phát rồ vì cá tính và tài năng của họ. Cho nên sẽ không khó hiểu việc những fan truyện tranh U50 lẫn các khán giả teen lần đầu xem film đều phát cuồng vì một Iron Man cực dị, cực ngầu và cực đẹp trai của Robert.
Tiếp theo Iron Man (2008), các phần sau của Iron Man lẫn The Avengers (2012) dần hoàn thiện quá trình xây dựng nhân vật này: Đó là một kẻ sống rất cá nhân nhưng vẫn rất quan tâm đến người thân và thế giới này (dù cách thể hiện của anh ta có hơi khó khăn do những rối loạn cảm xúc).
Bên kia tuyến truyện là Captain America và quá trình thích nghi với thế giới này. Nếu phần 1 giữ nguyên hình tượng anh hùng dân tộc, thì phần 2 của Captain America chính là một bức tranh đặc sắc về tình hình nước Mĩ.
Không phải ngẫu nhiên mà Captain America đã cay đắng thốt lên trong Captain America: Winter Soldier rằng:
"When I went under, the world was at war. I wake up, they say we won. They didn't say what we lost."
“Khi tôi biến mất, thế giới vẫn còn chiến tranh. Tôi tỉnh dậy, họ nói chúng ta đã thắng. Họ chẳng nói rằng chúng ta đã thua.”
Một điều thú vị trong tiếng Anh là chữ “lost” có thể hiểu là “thua cuộc” lẫn “mất mát”. Captain America 2 ra mắt vào năm 2014, một năm trong chuỗi dài những năm khủng hoảng của Mĩ: khủng bố năm 2001 dẫn đến cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq v.v.. Sau đó là khủng hoảng kinh tế, và rồi sự thất thế khi can thiệp vào chính biến ở Ukraine hay trầm trọng hơn nữa là sự mất uy tín của Cơ Quan An Ninh Mĩ (NSA) khi Snowden làm ra Wikileaks. Captain America tỉnh dậy giữa lúc nước Mĩ đang “thua thiệt” và những quan niệm cũ của người Mĩ dần “mất đi” giữa một thế giới thay đổi từng giây. Nhưng Marvel lại một lần nữa thể hiện sự tài tình của mình khi cho S.H.I.E.L.D, tổ chức bảo vệ thế giới bị Hydra thao túng và thực hiện âm mưu tước đoạt tự do của mỗi cá nhân. Khi khai thác cốt truyện này, Marvel cũng rất lão luyện khi chọn một phong cách rõ ràng, ít ẩn dụ. Điều đó làm những ẩn dụ của họ được phớt qua mà không bị dị nghị. Chẳng hạn như Bucky, “công cụ” đắc lực của Hydra, là một sản phẩm của Liên Bang Xô Viết làm ra. Hay trong bộ sậu lãnh đạo của S.H.I.E.L.D có tạo hình khá giống với Thủ Tướng Đức Angela Merkel.
Và dĩ nhiên, người “giải thoát” cho S.H.I.E.L.D là anh chàng siêu anh hùng Captain America với một chiến khiên (shield). Một ẩn dụ hoàn hảo cho niềm tin rằng sự chính trực, quả cảm của người Mĩ sẽ phục hồi trật tự cho thế giới này.
Tôi hiện tại vẫn chưa xem spoil hay quá nhiều trailer của Civil War vì muốn tự khám phá thông điệp trong nó. Nhưng có thể nói trong cuộc nội chiến phiên bản điện ảnh này, Captain America và Iron Man đã thay đổi vị trí so với trong truyện tranh. Lần này, người đại diện cho những điều cao cả, to lớn lại là Captain America và kẻ bảo vệ cá nhân lại là Iron Man. Nếu trong The Avengers (2012) cả hai chỉ dừng ở khác biệt, bất đồng chính kiến thì ở The Avengers 2: Age of Ultron (2015), đó là sự xung đột về giá trị sinh mạng của thường dân. Có lẽ đây sẽ là khởi điểm cho những xung đột lớn hơn dẫn đến Civil War.
Nhưng tuyệt vời hơn nữa là sự “tái xuất” của Spider-man theo phong cách của Marvel. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi khiến tôi muốn đến rạp tìm lời giải đáp như: “Liệu Spider-man có đóng vai trò một đỉnh của tam giác như trong truyện tranh?”,“Liệu thời lượng của bộ phim có đủ “đất diễn” cho Spider-man?”.
Câu trả lời chỉ có ở rạp chiếu phim. Nhưng ý kiến của các độc giả Moveek cũng quan trọng không kém.
Hãy chia sẻ cho chúng tôi ý kiến của bạn, miễn là bạn bày tỏ nó với tinh thần tôn trọng các #nhanthuckhac (nhận thức khác) từ các độc giả khác. Nếu bạn cảm thấy sắp mất bình tĩnh hoặc không thể chấp nhận, hãy nhẹ nhàng kết thúc cuộc tranh luận bằng #nhanthuckhac. Bởi vì mâu thuẫn luôn tồn tại, chỉ có chiến binh nắm giữ được cả “mâu” lẫn “thuẫn” mới là người thắng cuộc.