Diệp Vấn là một bộ phim điện ảnh võ thuật của Hồng Kông, lần đầu ra mắt vào năm 2008. Phim nói về quãng đời của Diệp Vấn (1893 - 1972), một trong những danh sư của võ phái Vịnh Xuân quyền. Bối cảnh của phim bắt đầu từ thập niên 30 của thế kỷ 20, khi Diệp Vấn đang sống ở Phật Sơn cùng gia đình, cho đến khi Chiến tranh Trung-Nhật nổ ra.
Đây là lần thứ tư ngôi sao võ thuật Chân Tử Đan đóng vai chính trong phim của Diệp Vĩ Tín đạo diễn. Hai con trai của Diệp Vấn là ông Diệp Chuẩn, Diệp Thành cùng nhiều môn sinh Vịnh Xuân quyền cũng xuất hiện trong phim. Dàn diễn viên phụ được giao cho những diễn viên gạo cội: Nhậm Đạt Hoa, Lâm Gia Đống, Thích Hành Vũ... Vai vợ của Diệp Vấn được giao cho Hùng Đại Lâm, một diễn viên mới từng rất nổi tiếng với vai trò người mẫu ở Hồng Kông.
Diệp Vấn là bộ phim đầu tiên được dàn dựng dựa trên cuộc đời của Diệp Vấn. Ý định đưa cuộc đời của Diệp sư phụ lên màn ảnh đã có từ năm 1998, song bị gác lại một thời gian do vấn đề bản quyền. Cho tới khi giám chế Hoàng Bách Minh nhận được sự hỗ trợ về kinh phí và tư vấn từ con trai cả của Diệp Vấn là Diệp Chuẩn, ông đã quyết định làm bộ phim này. Hoàng Bách Minh đã có một thời gian nghiên cứu về những ngày tại vùng đất Phật Sơn của Diệp Vấn, cũng như nghiên cứu về tiểu sử của vị danh sư. Chân Tử Đan, ngôi sao của dự án bỏ dở trước kia đã được mời vào vai chính trong phim, sau thành công lớn với Đảo hỏa tuyến ( Fash Point ) năm 2007, một phim cũng do Diệp Vĩ Tín đạo diễn.
Từ tháng 3 tới tháng 8 năm 2008, phim được bắt đầu quay ở Thượng Hải. Tên phim theo dự tính sẽ là Nhất đại tôn sư Diệp Vấn, khiến cho trong thời gian quay, đã có sự tranh chấp giữa nhà sản xuất và đạo diễn Vương Gia Vệ, vì đạo diễn này cũng có dự án làm phim Nhất đại tôn sư về Diệp Vấn từ cách đó 5 năm, nhưng chưa làm được vì chưa được phép. Để giải quyết tranh chấp, nhà sản xuất đã đổi tên thành Diệp Vấn.
Diệp Vấn ra mắt tại Hồng Kông vào ngày 18 tháng 12 năm 2008, nhận được sự hoan nghênh từ các nhà phê bình cho đến khán giả. Ngoài thành công về mặt thương mại với số tiền thu được trên 1 triệu nhân dân tệ, phim còn được đề cử cho 12 giải tại Kim Tượng 2009, bao gồm giải "Phim hay nhất", "Diễn viên xuất sắc nhất" và "Đạo diễn xuất sắc nhất". Sau thành công này, một phim nối tiếp có tựa đề Diệp Vấn 2 được Hoàng Bách Minh lên kế hoạch sản xuất.
Diệp Vấn (Ip Man) được sản xuất dựa trên câu chuyện thật về cuộc đời Diệp Vấn, một vị danh sư của võ phái Vịnh Xuân, ngoài ra còn là sư phụ của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Bộ phim kể về một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Diệp sư phụ.
Nội dung
Vào thập niên 1930, tại Phật Sơn, nơi được coi là một trong những cái nôi của võ thuật miền Nam Trung Quốc, võ thuật đang rất thịnh hành. Rất nhiều người đến đây để bái sư. Để thể hiện thực lực, các võ đường thường thách đấu với nhau. Diệp Vấn ở vùng đất đó, tuy võ công cao cường, song không mở lớp dạy học trò mà chỉ sống thầm lặng ở nhà với vợ con, tập luyện và nghiên cứu võ nghệ với bạn bè.
Liêu sư phụ, một thầy dạy võ đến thách đấu với Diệp Vấn, sau đó bị đánh bại. Hai người đã thỏa thuận sẽ không tiết lộ ra ngoài, song một cậu bé đã chứng kiến tất cả trong lúc trèo lên cây để lấy lại con diều bị vướng. Câu chuyện bị lộ ra ngay sau đó, khiến Liêu sư phụ giận dữ, cậu bé kể chuyện thì nhất định nói những gì mình đã chứng kiến, đến mức anh trai cậu phải làm cho cậu xấu hổ trước mặt mọi người, khiến cậu bỏ đi biệt xứ.
Một ngày kia, một vị võ sư nhà quê miền Bắc là Kim Sơn Trảo, tính tình lỗ mãng đến Phật Sơn. Do muốn tạo dựng sự nghiệp ở miền đất võ, y thách đấu và đánh bại hầu hết các cao thủ của vùng. Sau đó, để được người dân bản xứ công nhận là đệ nhất cao thủ, Kim Sơn Trảo quyết định đến khiêu chiến với Diệp Vấn. Được sự chấp thuận của vợ, Diệp Vấn đã ra tay đánh bại họ Kim bằng Vịnh Xuân. Chiến thắng này làm dấy lên lòng ham thích học võ Vịnh Xuân ở thành phố Phật Sơn. Diệp Vấn nhờ đó càng được mọi người kính trọng và yêu quý.
Năm 1937, quân Nhật tiến hành xâm lược Trung Quốc, một thành phố bình yên nhanh chóng bị biến thành bãi hoang tàn. Diệp Vấn và gia đình trở thành nghèo nàn như mọi người, phải cầm hết mọi thứ để đổi lấy gạo ăn. Đến một ngày nhà không còn gạo, Diệp Vấn quyết định đi xúc than thuê để kiếm sống. Tại mỏ than, anh gặp A Lâm, một người bạn ngày xưa rất quý trọng mình. Anh cũng gặp lại Lý Chiêu, cảnh sát trưởng của Phật Sơn trước kia, nay là phiên dịch viên của Nhật Bản.
Tướng Miura của Nhật là một người mê võ, y dùng gạo để treo thưởng cho người Trung Quốc nào đánh thắng võ sĩ Nhật, qua đó tìm hiểu thêm về võ thuật Trung Quốc.A Lâm quyết định đi đấu thử, khi đến nơi, anh căm phẫn khi thấy người Trung Quốc bị hạ thấp. Khi giao đấu với Miura, anh phun máu vào mặt y, khiến y tức giận, sau đó A Lâm bị đánh chết. Diệp Vấn tìm A Lâm không thấy, liền theo đoàn người Trung Quốc đến võ trường. Tại đây chứng kiến Liêu sư phụ, sau trận đấu kiếm cơm đã bị Sato, một sĩ quan dưới trướng Miura bắn chết một cách vô lý, Diệp Vấn quyết định vào thách đấu. Anh đã trút hết nỗi căm hận lên mười võ sĩ Nhật Bản, hạ gục cả 10 tên. Điều này khiến Miura rất vừa lòng, y tỏ ý muốn giao đấu với Diệp Vấn vào một ngày nào đó.
Miura yêu cầu Diệp Vấn dạy võ cho người Nhật. Diệp Vấn nhất định không chịu, anh đưa gia đình lẩn trốn dưới sự che chở của Lý Chiêu. Quân Nhật liền tìm đến phá hoại xưởng dệt bông của Châu Thanh Tuyền, vốn là bạn thân của Diệp Vấn để dụ Diệp Vấn ra mặt. Diệp Vấn ra tay cứu giúp sau đó bị bắt giữ. Miura đã dùng nhiều lời lẽ để chiêu dụ, song Diệp Vấn vẫn một mực. Anh muốn dùng nắm đấm để khơi dậy khối đoàn kết của người Trung Quốc nên đã khiêu chiến với Miura. Vài ngày sau, trận đấu đã được thực hiện. Để bảo đảm cho chiến thắng của Miura, Sato đã bí mật bố trí mai phục, Diệp Vấn không biết mình đang lâm vào tình cảnh nguy hiểm, vì nếu chiến thắng anh sẽ bị Sato bắn. Anh dùng Vịnh Xuân đấu với Không Thủ Đạo (Karatedo) của Miura trên võ đài, dưới sự chứng kiến của sĩ quan Nhật và nhiều người dân Phật Sơn, trong đó có vợ và bạn thân của Diệp Vấn.
Diệp Vấn đánh bại Miura và đã bị bắn ngã ngay trên võ đài, nhưng anh chỉ bị thương chứ chưa chết. Ở phần kết thúc phim, lời dẫn chuyện cho biết anh cùng với gia đình đã rời khỏi Phật Sơn và sau này đã sang Hồng Kông. Tại Hồng Kông, lần đầu tiên Diệp sư phụ mở một lớp dạy Vịnh Xuân quyền, đồ đệ theo học rất nhiều, nổi tiếng trong đó là Lý Tiểu Long.
Các màn giao đấu
Vai trò chỉ đạo võ thuật của phim này được giao cho Hồng Kim Bảo và nhà chỉ đạo kỳ cựu Lương Tiểu Hồng và Hồng Kim Bảo từng hợp tác với Chân Tử Đan và Diệp Vĩ Tín trong phim nổi tiếng Sát Phá Lang. Ông được chọn là người chỉ đạo chính vì kinh nghiệm thực hiện bộ Warriors Two năm 1978 và bộ Bại Gia Tử, trong đó có sử dụng các thế võ Vịnh Xuân. Ông hóm hỉnh nhận xét về việc hợp tác với Chân Tử Đan là: "Với cái miệng của tôi".
Với Chân Tử Đan, anh cho rằng đây là vai diễn nhọc nhằn trong đời của mình, cả về tinh thần lẫn thể chất. Anh đã dành một tháng để chuẩn bị cho vai diễn, bao gồm cả thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt gồm nhiều rau, và chỉ ăn một bữa trong ngày. Chân Tử Đan dành ra 8 tháng luyện Vịnh Xuân quyền dưới sự giúp đỡ từ những người con của Diệp Vấn còn sống, với hy vọng đưa lên màn ảnh một Diệp Vấn rõ nét nhất, về tính cách cũng như võ thuật, bên cạnh đó anh còn muốn quảng bá môn võ đặc biệt Vịnh Xuân Quyền. Sau bộ phim, Chân Tử Đan thậm chí đã bị nhân vật ám ảnh, anh thay đổi giọng nói và cả điệu đi dáng đứng trong một thời gian. Trong khi thực hiện một cảnh đấu võ, Chân Tử Đan đã bị thương khi một người đã lỡ đánh búa đụng vào mắt trái của anh.
Diệp Vấn vs Liêu sư phụ.
Diệp Vấn vs Kim Sơn Trảo
Diệp Vấn vs 10 võ sĩ Nhật
Diệp Vấn vs Tướng Nhật Miura
Diệp Vấn 3 hiện đang trình chiếu tại các rạp, xem lịch chiếu.
#huynhkhang