Phim Cám đã mở bán vé toàn quốc. Đặt mua vé phim Cám tại Moveek.
Tấm Cám là cái tên quá quen thuộc với khán giả Việt khi là câu chuyện cổ tích bất cứ ai cũng thuộc lòng từ thuở bé. Do đó, phim điện ảnh Cám gây chú ý với công chúng bởi là một dị bản kinh dị được lấy cảm hứng từ truyện cổ tích nổi tiếng Tấm Cám. Bên cạnh Tấm và Cám, bộ phim còn có nhiều nhân vật bí ẩn và chi tiết sáng tạo ma quái, gợi cảm giác vừa lạ vừa quen cho khán giả.
Phim điện ảnh Cám kể câu chuyện gì?
Cám là dự án điện ảnh được thực hiện bởi ê-kíp Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn, từ đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân. Nội dung chính của phim xoay quanh Cám (Lâm Thanh Mỹ) – em gái cùng cha khác mẹ của Tấm (Rima Thanh Vy). Cám sinh ra đã chịu một chứng bệnh khiến khuôn mặt biến dạng. Đối với ông Cả Hương (Mai Thế Hiệp) – ông nội Tấm Cám, gương mặt này chính là nỗi ô nhục của cả dòng họ.
Cám bị cha là ông Hai Hoàng (Quốc Cường), mẹ kế (Thúy Diễm) lẫn dân làng xa lánh. Dù cho người làng có ghét bỏ nhưng Tấm vẫn luôn là người che chở cho em mình. Bi kịch ập đến khi Cám bị nhóm người trói mang đi làm lễ tế trinh nữ. Quỷ đỏ ba mắt với câu hỏi "vì sao con khóc?" xuất hiện. Từ đó, Cám mang sức mạnh ma quỷ và bắt đầu tàn sát dân làng để trả thù.
Tác phẩm Cám cho thấy vẫn có những nhân vật Tấm, Cám, mẹ kế nhưng mọi chuyện không còn như cổ tích. Khán giả dễ dàng nhận ra điểm khác biệt lớn nhất so với bản gốc là chị em Tấm và Cám từ bé đã luôn đùm bọc, yêu thương nhau. Trailer còn đề cập đến mối tình chớm nở giữa Cám và Bờm – một nhân vật mới lạ của bản điện ảnh.
Đặc biệt, so với câu chuyện cổ tích mà chúng ta thường nghe kể thì nhân vật người cha của Tấm Cám thường không được mô tả chi tiết. Nhưng với tác phẩm Cám, nhân vật này có vai trò cũng khá quan trọng với hành tung bí ẩn. Đó chính là ông Hai Hoàng, người chủ trì cho buổi lể cầu bình an đầy ma mị, mở ra hàng loạt tình tiết tâm linh quỷ dị về sau.
Một vài chi tiết trong phim Cám có sự khác biệt khó đoán như cảnh cho cá bống ăn thì người cho bống ăn chính là Cám chứ không phải Tấm như nguyên tác. Hay cảnh thử hài đầy rùng rợn với hình ảnh bàn chân loang lổ máu, đang cố nhét vào chiếc hài trong một bối cảnh u ám khiến người xem không khỏi rợn người. Mọi biến cố dần dần ập đến nhà ông lý trưởng khiến câu chuyện trở nên quỷ dị, tàn khốc, khác xa câu chuyện cổ tích quen thuộc.
Dị bản Cám đậm chất kinh dị
Được gắn nhãn T18, phim điện ảnh Cám hứa hẹn mang lại câu chuyện kinh dị với nhiều hình ảnh máu me, rùng rợn. Mượn chất liệu dân gian, bộ phim khai thác những góc khuất đen tối về tà thuật quỷ dữ. Có thể kể đến loạt chi tiết quỷ dị như bộ móng quỷ, ác quỷ mặt đỏ ba mắt, gương mặt Cám bất ngờ đầy máu, xác người bị lột da, đôi tay rực máu ôm nắm cơm giòi, đàn tế lễ dâng cô gái… cho thấy mức độ đáng sợ của bản phim lấy chất liệu dân gian Việt.
Khán giả cũng lần lượt nhìn thấy những chi tiết quen thuộc trong phiên bản cổ tích Tấm Cám, nhưng nhuốm màu u tối như việc cha Cám gặp vong oán, hội thử giày diễn ra kỳ dị, hàng loạt cái chết bí ẩn. Đặc biệt, hình ảnh về lễ tế trinh nữ được chủ trì bởi ông Hai Hoàng – cha của Tấm Cám khiến khán giả không khỏi thắc mắc.
Ở hầu hết các dự án phim kinh dị do đạo diễn Trần Hữu Tấn thực hiện, anh luôn nhấn mạnh phần hóa trang để tạo ra cảm giác chân thực nhất cho các nhân vật. Qua những thước phim đã hé lộ ở trailer chính thức, khán giả có thể thấy tác phẩm có không ít cảnh rùng rợn cần đến kỹ thuật hóa trang, đặc biệt là gương mặt biến dị của Cám. Đảm nhận phần này trong dự án là chuyên gia hóa trang Chang Belevia.
Lý do khiến Cám đáng xem trong tháng 9
Bên cạnh đó, hai diễn viên Tấm Cám được đảm nhận bởi những gương mặt mới như Lâm Thanh Mỹ và Rima Thanh Vy, hứa hẹn sẽ đem đến những làn gió mới trong diễn xuất của màn ảnh rộng. Nhân vật Bờm của diễn viên trẻ Trần Doãn Hoàng cũng là một điểm mới ở phiên bản Tấm Cám này, Bờm được khắc hoạ với nét tinh ranh, đôi khi có phần ma mãnh.
Vốn là câu chuyện dân gian nên bối cảnh, trang phục, đạo cụ đều được đoàn phim tìm hiểu và tạo hình kỹ lưỡng. Phục trang của phim đa dạng theo hệ thống nhân vật, từ người dân đến gia đình lý trưởng, các quan, thái giám, cung nữ, cận vệ. Tạo hình trang phục được đầu tư bám sát và sáng tạo trên nền các cổ phục cùng thời từ áo Tứ thân, Ngũ thân, Giao lĩnh, Viên lĩnh, Đối khâm nhằm đem lại một cảm giác gần gũi, chân thực nhất với thời kỳ này.
Bối cảnh Làng Hương cũng được ekip dựng lên rất chỉn chu khi đã tái hiện chân thực nghề làm hương truyền thống. Nhiều đại cảnh quy tụ 200-300 diễn viên quần chúng, như đoạn tái hiện trò chơi cờ người, đấu vật, nghề làm hương, lễ thả thiên đăng. Những chi tiết văn hóa dân gian cũng được đưa vào rất chi tiết. Tất cả đã tạo nên một bức tranh dân gian mộc mạc, ẩn sau đó là sự rùng rợn, bí hiểm.
Phim điện ảnh Cám chính thức khởi chiếu tại các rạp từ ngày 20.09.2024 với dán nhãn độ tuổi 18+.