Sau một thời gian dài trì hoãn, Black Widow (2021) cuối cùng cũng được trình chiếu trên toàn cầu. Nhưng người viết tự hỏi liệu lựa chọn thời điểm hiện tại trong MCU để làm phim riêng cho nữ điệp viên Natasha Romanov (Scarlett Johansson) là không công bằng cho cô hay không?
Lấy mốc thời gian sau Captain America: Civil War, trước Infinity War, Natasha Romanov giờ là một kẻ đào ngũ, vi phạm Hiệp định Sokovia, đồng lõa với Captain America Steve Rogers. Không quê hương, đồng minh tản mác, Natasha lẫn trốn đến một vùng hẻo lánh của Na-uy. Những tưởng mọi chuyện sẽ yên ổn một thời gian, Natasha nhận được bức thư của em gái Yelena, đính kèm với những lọ thuốc bí ẩn. Từ đây, Natasha nhận ra bóng ma của quá khứ một lần nữa quay về, kéo theo đó là nỗi ám ảnh tội lỗi cô tưởng đã có thể vứt bỏ khi gia nhập Avengers. Không thể trốn chạy nữa, Góa Phụ Đen phải giải quyết những sai lầm trong quá khứ, bắt đầu với việc kết nối lại với em gái để chống lại nơi khai sinh ra cô – Red Room.
Từng có một lời nhận xét rằng kể từ khi Captain America: The Winter Soldier ra mắt, Marvel có tiềm năng và nên làm một phần phim nhấn mạnh khía cạnh phản gián của MCU. Black Widow là câu trả lời cho nhận xét ấy. Xoay quanh mối quan hệ giữa Natasha và Red Room, nơi đào tạo những nữ sát thủ/gián điệp điệu nghệ và nguy hiểm nhất trong vũ trụ Marvel, phần phim mới nhất của MCU mang âm hưởng của các tiền bối như Jason Bourne, James Bond….
Nửa đầu của bộ phim xoáy vào mạng lưới bí mật của các gián điệp Góa Phụ và nhấn mạnh nguồn gốc “nằm vùng” của Natasha. Black Widow đem đến cho người xem tuổi thơ của nữ anh hùng ngập sâu trong các âm mưu đánh cắp thông tin, đóng giả con gái nhỏ tuổi trong một gia đình hạt nhân thực chất là nội gián của Liên Xô trên đất Mỹ. Chi tiết ấy làm người xem nhớ lại cuộc đối thoại đầu tiên giữa cô và Bruce Banner, khi cô nói sự nghiệp điệp viên của bản thân bắt đầu khi cô còn nhỏ tuổi hơn đứa bé cô dùng để dụ anh ta đến địa điểm cần thiết.
Góc nhìn quá khứ này còn đóng vai trò thể hiện nỗi bi kịch mà Natasha phải chịu đựng, cũng như lý do thúc đẩy cô tham dự vào các trận chiến chính nghĩa hơn bên cạnh các thành viên Avengers, đồng thời truyền tải tiền đề cốt lõi của bộ phim đến với người xem: gia đình.
Theo nhiều góc độ, Black Widow là một drama gia đình mang hình hài của một phim siêu anh hùng, phản gián giật gân. Cái cốt “gia đình” cho phép phim mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, giúp mạch phim không trở nên quá khô cứng, vừa dễ dàng chèn vào khiếu hài hước đặc trưng của các phim MCU. Trên tinh thần tình thân đó, bên cạnh mối quan hệ giữa con gái và cha mẹ, giật “spotlight” vẫn là mối quan hệ chị em giữa Natasha và Yelena (Florence Pugh). Có vẻ như anh chị em là thế mạnh của Marvel Studio. Cả hai có mối tương tác tuyệt vời với hai tính cách vừa trái ngược vừa bổ xung cho nhau. Thế nhưng, đó là lúc vấn đề của phim xuất hiện.
Là một bộ phim kể về Natasha Romanov và quá trình sửa chữa lỗi lầm của chính cô, nhưng phim lại cố tình để Yelena cướp ánh hào quang đáng lẽ phải tập trung vào Góa Phụ Đen tóc đỏ. Không có gì là sai khi Marvel quyết định khai thác nguồn gốc xuất thân từ Red Room của cô cả, nhưng đi kèm với nó là nỗi bi kịch cá nhân nữa. Black Widow hầu như chẳng cho Natasha cơ hội để đối mặt với nỗi bi kịch ấy, mà để Yelena làm thay.
Trong đây, Yelena được cả cơ hội bộc lộ sự dễ tổn thương lẫn tính cách ngọt ngào, trẻ con theo cách tốt, lạc quan và khiếu hài hước duyên dáng trong trẻo dù bị tẩy não suốt cuộc đời. Nhưng cô chị Natasha, người trải đời dày dặn hơn, chịu nhiều tổn thương hơn và trải nghiệm sang chấn kinh khủng hơn từ các cuộc chiến của bản thân lại không có cơ hội giải bày. Sự trống vắng đó khiến phim mất cân bằng khi đứng giữa Natasha và Yelena.
Đó là điều không tốt chút nào. Black Widow là bộ phim bắt đầu một kỷ nguyên mới của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU), nơi mà thế hệ của Steve Rogers, Tony Stark đã qua, để chào đón thế hệ anh hùng trẻ hơn, mới hơn. Ví như Spider-Man được định là người thừa kế của Tony Stark, ít nhất là cho đến khi một Iron Man/Woman mới xuất hiện. Cảm giác xem Black Widow có thể được gói gọn trong khung cảnh chứng kiến Steve Rogers trao chiếc khiên cho Sam Wilson vậy, ngỡ ngàng, chút tiếc nuối, chút không cam lòng. Có điều, sự truyền thừa giữa Steve và Sam ít nhất mang đến tính kết thúc trọn vẹn tự nhiên, vì Steve đã có một hành trình hoàn chỉnh, trong khi bộ phim này lại có vẻ sống sượng hơn. Như thể Marvel chỉ làm Black Widow vì cần cô trao lại danh hiệu cho người kế vị, nhằm thúc đẩy một giai đoạn mới, chứ không phải vinh danh nữ thành viên duy nhất của Avengers đời đầu. Dĩ nhiên, điều này không có gì sai, nhưng thực sự không công bằng với Góa Phụ Đen Natasha Romanov.
Góa Phụ Đen ngay từ buổi đầu đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người hâm mộ MCU. Không có năng lực đặc biệt, Natasha hoàn toàn dựa vào võ thuật, các ngón nghề tình báo, óc quan sát sắc bén và tính linh hoạt. Cô không hề chịu thua kém khi đứng chung với đồng đội khác. Cô thông minh, tự lực, thực tế, nhiều lúc có phần tàn nhẫn, nhưng cũng có tâm hồn quả cảm đáng quý trọng.
Chính vì những ấn tượng đó mà Black Widow của hiện tại hiện lên như một bộ phim muộn màng. Marvel đã bỏ qua quá nhiều cơ hội để xây dựng một câu chuyện thật sự ý nghĩa cho Natasha. Lẽ ra họ nên cho cô một phim riêng từ lâu, như một spin-off về nhiệm vụ nổi tiếng nhất của cô trong MCU: đào ngũ từ Liên Xô sang Hoa Kỳ với sự giúp đỡ của Hawkeye Clint Barton. Tiền đề ấy đã có thể cho Marvel một phim phản gián thực thụ và đưa nữ anh hùng đến gần với người hâm mộ hơn, vì họ sẽ được chứng kiến hành trình làm nên Góa Phụ Đen họ yêu mến trong suốt một thập kỷ.
Nói đến các cơ hội bị bỏ lỡ, Black Widow cũng lỡ dở trong xây dựng một phản diện độc đáo hoặc ít nhất là tử tế. Điểm yếu này vốn là gót chân Asin của nhà Marvel, khi mà phần lớn phản diện của họ đều một màu đến ngớ ngẩn dù được chống lưng bởi các diễn viên thực lực.
Sai lầm ở Black Widow còn gây tiếc nuối hơn nữa khi phim đã có một Taskmaster ấn tượng nhưng lại chọn ưu ái cho tên độc tài Dreykov. Hắn là một phản diện cũ kỹ và chung chung với tính tham quyền lực, ái kỷ, thù ghét phụ nữ, thích nghe bản thân nói về sự siêu việt của mình hơn bao giờ hết. Không phải từ khởi đầu của MCU đến giờ, Natasha đã thành công “xử lý” những kẻ như thế này rồi sao? Trong khi đó, Taskmaster, là ví dụ tuyệt vời cho mâu thuẫn giữa nàng góa phụ của hiện giờ và của quá khứ lại, trở nên mờ nhạt.
Nhưng bất chấp các yếu điểm này, Black Widow không phải là một phim dở (nhưng cũng chẳng hay đâu). Chỉ là dến thời điểm này thì làm phim dở đến mức không xem được là điều không thể với tài nguyên của Marvel Studio. Vấn đề là nếu nói đây là một phim tôn vinh nàng góa phụ tóc đỏ, thì phim không đạt. Nhìn chung, đây là chẳng khác nào một phim được Marvel tạo ra để tiếp tục đóng góp vào một mục đích chung lớn lao hơn của thương hiệu, như Thor hay Captain Marvel trong quá khứ vậy. Như vậy, việc tri ân Natasha Romanov chẳng khác nào mánh khỏa PR. Và kết quả là chúng ta có Black Widow bình bình, không có nét riêng, mang tính giải trí và chẳng đọng lại được gì, trừ màn thể hiện của Yelena và làm phim đảo ngược mục đích hoàn toàn.
Thật may là Black Widow vẫn có một mặt nhỉnh hơn. Đó là khía cạnh hành động. Điệp viên đối đầu điệp viên, những pha đánh đấm của Black Widow nhịp nhàng, trau chuốt như một vũ điệu chết chóc đến từ các nữ sát thủ bậc thầy, dù màn cao trào cuối phim có hơi “ảo” một chút.
Dù sao đi nữa, Black Widow là một bộ phim khá tròn trịa về diễn xuất, về câu chuyện, về hành động, điều đến từ nỗ lực của các diễn viên khi phải làm việc với kịch bản mỏng như vậy. Thật đáng tiếc là đây không phải là một phim xứng với nhân vật Natasha Romanov sau một thập kỷ góp phần làm nên thành công cho MCU, nhất là sau khi cô đã hy sinh để Avengers có cơ hội sửa chữa thất bại trong Infinity War.