Đơn Hàng Từ Sát Nhân (Don’t Buy The Seller) nếu phải định nghĩa thì chỉ có thể được diễn giải bằng câu “họa từ miệng mà ra”. Tuy nhiên, bộ phim còn củng cố một nhận định thà chọc “cún” còn hơn chịu trận, như final-girl Soo Hyeon trong đây thể hiện.
Bộ phim có thể gặp vấn về logic, hơi lê thê ở một số chỗ, nhưng đến cuối cùng, phim vẫn mang tính hoàn thiện cao và đủ kịch tính để trở thành một lựa chọn tiềm năng cho các mọt phim.
Tai bay vạ gió mua hàng online
Cô nàng văn phòng Soo Hyeon (Hae Sun Shin) như bao nhiêu người làm công ăn lương khác, ngày hối hả đi làm, chạy deadline, đêm về tính hóa đơn, chốt đơn online. Tiền bạc là nỗi lo thường trực và mối quan hệ nơi công sở luôn là nỗi đau. Soo-hyeon xui xẻo hơn khi máy giặt nhà cô bị hư, nên phải lên mạng tìm đồ cũ để tiết kiệm tiền. Nhưng cô nàng lại gặp phải kẻ lừa đảo.
Trong cơn giận dữ, cô chửi mắng hắn trên diễn đàn và để lại tin nhắn cảnh báo trên nền tảng mua bán. Không ngờ, tên lừa đảo là kẻ điên khùng, thích tra tấn mục tiêu và cuối cùng là sát hại họ. Soo Hyeon bỗng chốc nhận ra bản thân không chỉ bị hành hạ tâm lý, mà còn phải chiến đấu cho tính mạng của mình.
Đơn Hàng Từ Sát Nhân gợi lại rất nhiều sự tương đồng với các bộ phim trước kia, đặc biệt là khía cạnh mạng xã hội và hiểm họa nó mang lại. Song, phim khá thông minh khi khai thác khía cạnh mua bán online và diễn đàn sôi nổi xung quanh nó. So với bạo lực mạng, tung ảnh nóng hoặc tống tiền, thương mại điện tử hiếm khi nào được diễn giải chết chóc như trong đây.
Câu chuyện lôi cuốn nhưng cần mài giũa vài điểm logic
Điện ảnh Hàn Quốc chắc chắn sở hữu những bộ phim hay ho và giật gân hơn, nhưng điều đó không nghĩa Đơn Hàng Từ Sát Nhân là một bộ phim dở. Đánh giá khách quan, bộ phim này là một dự án đúng chuẩn về kịch bản và diễn xuất. Các tình tiết được thêu dệt chặt chẽ để mở ra một câu chuyện giật gân về một tình huống chỉ có thể được mô tả là cơn bão hoàn hảo.
Có đến 8 tỷ người trên hành tinh và tỷ lệ bạn vấp phải một tên giết người hàng loạt trên mạng là vô cùng nhỏ. Đơn Hàng Từ Sát Nhân sắp xếp tình huống tự nhiên, khiến chúng ta cảm thấy mọi thứ diễn ra trong đời nữ chính như một tai nạn tai hại, tai bay vạ gió. Từ đó đem đến nhiều cung bậc cảm xúc chân thật.
Cái tài tình ở đây là phim đặt người xem vào tình thế vừa khó chịu vừa đồng cảm sâu sắc với Soo Hyeon. Trong thời buổi mua bán online trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, và theo đó là hình thành thói quen bóc phốt, không ai muốn chịu đựng cơn tức khi bị lừa.
Tuy nhiên, Đơn Hàng Từ Sát Nhân khiến người xem ngẫm nghĩ liệu có nên nuốt cục tức cho êm chuyện. Liệu mọi thứ có đáng để trải qua cuộc tra tấn tinh thần trong đây? Bộ phim dành phần lớn thời lượng diễn giải một màn hành hạ và quấy rối làm khán giả rùng mình, đồng thời nhấn mạnh những hiểm họa mà mạng xã hội mang lại.
Chúng củng cố bầu không khí ngột ngạt đang dần trở nên nặng nề hơn trong phim – đó là tín hiệu tốt cho một phim giật gân. Mặc dù người viết hiểu được ý tưởng đằng sau những phân đoạn này, bộ phim nhiều lúc quá tập trung vào nó mà trở nên đôi chút dông dài. Vô tình, bộ phim đã dồn nữ chính vào thế bị động lâu hơn mức cần thiết.
Nếu phải phê bình thêm một yếu tố nữa về Đơn Hàng Từ Sát Nhân, đó sẽ là tính logic. Có vẻ như phim đã dành nhiều thời lượng cho miếng đòn tâm lý mà bỏ quên tính logic của câu chuyện. Đôi khi phim bộc lộ những mắt xích yếu như nhân vật hành xử quá ngây thơ.
Và tên sát nhân có động cơ rõ ràng trong việc lựa chọn Soo Hyeon, trong khi lại để những nạn nhân khác sống sót. Màn đối đầu cuối cùng cũng không được thực hiện kỹ càng và trau chuốt với lỗi logic không thể bỏ qua.
Tóm lại, dù tính thám tử có thể không bằng được với Án Mạng Ở Venice, Đơn Hàng Từ Sát Nhân vẫn là một bộ phim giật gân đúng chuẩn. Nói chung là bộ phim sẽ không làm người xem thất vọng về chất lượng nó sở hữu.