Đánh giá phim

[REVIEW] The Batman (2022)

The Batman tập trung vào năm thứ 2 hành hiệp của Kỵ Sĩ Bóng Đêm Bruce Wayne/Batman (Người Dơi) ở Gotham. Ở nơi mà tội ác từ nhỏ nhặt như trộm cắp cho đến giết người tràn lan, Người Dơi được xem là sự phản kháng tuyệt vọng của thành phố trước một lực lượng cảnh sát đã rệu rã. Nhưng đó là một sự phản kháng đầy cực đoan. Người hùng của chúng ta bị xem như tội phạm, có xu hướng bạo lực, hận thù và giận dữ, ẩn nấp trong bóng tối và gieo rắc sợ hãi vào bè lũ tội phạm. Dù anh vẫn đang đấu tranh cho một lý tưởng cao đẹp, nhưng người thấp cổ bé họng mà anh bảo vệ cũng nhìn nhận và sợ hãi biểu tượng Người Dơi. Rồi đến một ngày,  Người Dơi cũng thu hút sự chú ý của một tên tội phạm nguy hiểm rải xác người khắp nơi nhằm để Batman lần mò sự thật đen tối của nơi đây.

The Guardian

Hầu hết các phim về Người Dơi trước đây đều xoáy vào khởi điểm của anh hoặc giai đoạn người hùng đã thành thục đến mức anh đã trở thành một huyền thoại thành thị của Gotham. Nhưng The Batman lại đánh vào điểm chuyển giao giữa hai giai đoạn này và điều đó đã cho bộ phim một điểm rất riêng. Ý tưởng không chưa đủ, cách thực hiện cũng trọng yếu không kém. Và The Batman có đủ yếu tố để trở thành một bộ phim xuất sắc.

Người Dơi là hình tượng anh hùng ra đời vào cuối thập niên 30, và được phát triển vào thập niên 40. Thời kỳ ấy cũng là thời hoàng kim của những băng đảng tội phạm có tổ chức. Nên không ngạc nhiên gì vào thời kỳ bình minh của mình, Người Dơi đều đối đầu với những gã trùm tội phạm nguy hiểm bậc nhất của Gotham, còn thành phố quê hương anh thì chìm trong tham nhũng, tệ nạn và tầm ảnh hưởng của mafia lan ra như mạng nhện, len lỏi vào những lổ hổng của pháp luật và nhân cách con người – một ánh phản chiếu của New York, Chicago trong bóng tối. Đây cũng là thời gian mà các tuyến truyện của anh trở nên ấn tượng nhất và đậm chất Người Dơi nhất phải kể đến những khoảnh khắc anh chống lại những tay tội phạm như Penguin, Carmine Falcone, Salvatore Maroni, Riddler…Nên không gì ngạc nhiên khi Matt Reeves đã tìm đến những đầu truyện neo-noir này để lấy cám hứng cho Người Dơi của ông. 

The Guardian

Vì lúc ấy, Người Dơi không chỉ là một chiến binh bạo lực. Trái ngược với hình ảnh chói lòa của Người Đàn Ông Thép – lý do mà Batman ra đời, Batman trong những trận chiến này là nhà chiến thuật, nhà điều tra, ứng biến và phản kháng những âm mưu phức tạp của bè lũ tội phạm với kim chỉ nam công lý bất di bất dịch – không giết người. Trong khi The Dark Knight Trilogy của Christopher Nolan đã cố cô đọng những phẩm chất này, phải đến The Batman, chúng ta mới được chứng kiến hành trình người hùng phải trải qua để xây dựng, để mài dũa chúng.

Bộ phim đã quay về bản chất cốt lõi của Người Dơi, trước khi anh đứng chung với những vị thần và chống lại các thực thể vũ trụ quyền năng đến mức mà anh, một người bình thường, chỉ có thể ngước nhìn trong bất lực chứ đừng nói đến là chiến thắng. Người Dơi, như một lời khẳng định của The Batman, trước hết và trên hết, là người hùng của Gotham. Nhưng để trở thành một người như vậy, anh ta phải đối đầu với một trận lột xác trước đã. Sau đó, Nguời Dơi trong đây mới chính thức trở thành một biểu tượng.

Đúng với tinh thần đó, The Batman mô tả một Người Dơi dù rắn rỏi nhưng chưa va vấp nhiều. Anh từng trải nhưng chưa trải qua hết. Không có một Bruce Wayne đào hoa hay lịch lãm nào ở đây. Batman của Robert Pattinson còn quá đau khổ và hằn học, cay đắng để thậm chí giả vờ làm một tỷ phú lập dị. Bruce Wayne ngày càng biến mất dần vào chiếc mũ trùm Người Dơi. Vậy mà anh vẫn còn níu giữ sự ngây thơ của mình khi liên hệ hình ảnh Gotham với người cha Thomas Wayne đáng kính. Anh chỉ nhìn thấy những gam màu đen trắng rõ ràng mà không để ý những vùng xám đầy rẫy ở Gotham, chưa đủ sắc bén để nhìn thấy sự thật và cũng không đủ điềm tĩnh để nhận ra cho dù anh có bắt hết những kẻ tội phạm, Gotham cũng không tự động trở nên tốt đẹp hơn.

Trong các khung hình đậm chất noir của The Batman, Người Dơi hiện rõ sự non tay của mình khi đương đầu với những kẻ thù xảo quyệt như Riddler (Paul Dano). Bản năng thám tử của anh bị thử thách, và anh đã nhiều lần đoán sai. Anh ta cũng dễ xúc động, sụp đổ tinh thần trước sự thật về cha mẹ mình. Trái ngược với hình ảnh khiến tội phạm khiếp sợ, bản thân Bruce lại vẫn mang trong mình nỗi sợ hãi mà anh tưởng đã chế ngự được. Người Dơi ở đây đầy khuyết điểm lẫn ưu điểm.

The Open Tape

Nhưng câu chuyện càng về sau càng đưa Người Dơi trưởng thành, nhìn nhận rõ con đường phía trước, cũng như đối mặt với nhiều thực tế nghiệt ngã hơn. Rằng Gotham đã suy đồi đến mức nào, chỉ đấm tội phạm thôi vẫn chưa đủ, mạng người phụ thuộc vào khả năng tư duy của anh nữa và báo thù chẳng đi đến đâu, rằng di sản trước mắt anh là một lời nói dối và kẻ thù nguy hiểm nhất là những kẻ đã tuyệt vọng. Thật trớ trêu là bản thân Người Dơi cũng là một kẻ tuyệt vọng. Từ đó, con đường anh hùng là một hành trình rõ ràng, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Và kết quả chúng ta nhận được rất xứng đáng.

Các chi tiết của câu đố trải ra trước mắt nhân vật. Những góc khuất dần được hé lộ. Câu trả lời cho câu đố lớn hơn của Riddler thì vẫn lẩn khuất khỏi khán giả lẫn người hùng. Điều thú vị là khi khán giả và người hùng nao núng, cả hai bên đều sẽ đoán sai. Có quá nhiều biến số ở đây có thể đánh lạc hướng cuộc điều tra. Liệu có phải Riddler đang nói đến ứng cử viên đang tranh chức thị trưởng? Là Falcone hay Maroni? Riddler có giống như truyện tranh? Hay Matt Reeves đã thay đổi tất cả. Những câu hỏi như vậy xuất hiện càng nhiều trong khán giả, trong Người Dơi, càng cho thấy Matt Reeves đã thành công trong việc xây dựng tính cuốn hút của một bí ẩn. Đã thế, sự từ tốn của nhịp phim trái ngược với không khí khẩn trương của tình huống. Mỗi một giờ qua đi là một mạng người bị sát hại. Tất cả cộng dồn lại thành một The Batman gây cấn, hồi hộp.

Nhưng câu chuyện về tổng thể rất dễ tiếp thu, nhất là về mặt ý nghĩa. Thời lượng gần 3 tiếng chắc chắn là điều kiện lý tưởng để The Batman truyền tải tầm nhìn của đạo diễn Matt Reeves một cách trọn vẹn, không một chi tiết nào bị thừa. Thời lượng cũng giúp The Batman để lại một ấn tượng rất khác. Đây không phải là một phim siêu anh hùng truyền thống đối với những ai định nghĩa dòng phim này bằng những màn chảy nổ hay các trận đánh CGI hoành tráng. Chủ nghĩa anh hùng của The Batman tế nhị, đã cũ nhưng vẫn mang tính trường tồn.

Có thể nói, The Batman đại diện cho một xu hướng phim siêu anh hùng nghiêng về tâm lý, đào sâu vào những mảng xám của xã hội – điều mà các phim siêu anh hùng thường chỉ đơn giản hóa hoặc chỉ nói đến qua loa để nhường chỗ cho các cảnh quang kỹ xảo. Reeves rõ là đã lấy cảm hứng không chỉ trong những trang truyện tranh kinh điển như The Long Halloween, Hush…mà còn cả trong những hình tượng Người Dơi của Nolan và Snyder trước đây.

The Batman cũng là một bộ phim hay và cuốn hút với một Người Dơi rất “người”, một Gotham có chiều sâu và độ phức tạp khiến cuộc chiến của anh với giới tội phạm mang ý nghĩa chuộc lỗi lẫn cao thượng. Đối lập với người hùng, những kẻ phản diện của anh ta trong đây không chê vào đâu được. Trên hết, The Batman cũng thách thức tâm trí của khán giả với một vụ án phức tạp tương đối và mời mọc các mọt phim đến với một phân khúc ít gặp của thể loại siêu anh hùng. Và đó là một nơi đầy những phim chất lượng. Dĩ nhiên, dù chưa hoàn hảo, diễn xuất chắc tay của dàn diễn viên trong đây đã trải đường cho một bộ phim tuyệt vời, bên cạnh kịch bản có bề dày lẫn chiều sâu đến từ Matt Reeves.