Thể loại Slasher (chặt chém) xuất hiện vào những năm 90 nhưng đến nay không còn gây được ấn tượng. Phim thường có những trò đùa mệt mỏi, cùng một công thức có thể đoán trước làm khán giả mệt mỏi. Tuy nhiên, Scream ra mắt và thay đổi hoàn toàn cục diện.
Scream tuân theo công thức “whodunit” cổ điển của những bộ phim về kẻ giết người, nhưng mạnh dạn chỉ ra vấn đề trong thể loại này. Dưới bàn tay của West Craven, series tái tạo lại kỳ vọng của thể loại Slasher qua bốn yếu tố logic kinh dị liên kết với nhau chặt chẽ để trở nên nổi bật trong thể loại của nó.
1. Logic ở phim kinh dị
Các bộ phim thuộc thể loại Slasher có thói quen lặp đi lặp lại những trò lố như những điều tồi tệ mới xảy ra với thanh thiếu niên, cô gái cuối cùng (final girl) là một trinh nữ và ai đó luôn chạy trên lầu và khán giả bắt đầu than vãn về mức độ dễ đoán của những kiểu câu chuyện này. Đối với Scream, nhà sản xuất tạo ra thứ gọi là "logic kinh dị" và người xem phần nào bị thuyết phục bởi với quyết định của các nhân vật.
Mọi hành động đều chính đáng, ngay cả khi nó có vẻ hơi ngớ ngẩn. Các nhân vật có thể làm gì khác? Nếu cánh cửa dành cho thú cưng là lối duy nhất để ra khỏi nhà để xe với một tên cầm dao lăm lăm giết bạn, bạn sẽ phải cố gắng lách qua nó nếu muốn sống. Nhân vật đó có thoát được không? Dĩ nhiên là không, nhưng hành động của cô xuất phát từ sự tuyệt vọng. Nên dù thế nào nó cũng có lý hơn là đứa bị sát nhân truy sát lại chạy lên lầu trong khi cửa nhà ngay trước mắt. Nhờ thứ logic này mà Scream đã có thể ra mắt nhiều phần phim sau đó và vẫn được đón nhận nồng nhiệt.
2. Động cơ của kẻ giết người
Sau khi có một dàn nạn nhân hợp lý rồi, bạn phải có một hoặc nhiều kẻ sát nhân hợp lý và động cơ là điều đầu tiên phải giải quyết. Động cơ hợp lý là thứ thúc đẩy hành động của những kẻ giết người trong Scream. Thế nào là động cơ hợp lý trong Scream? Đó là những lý do tại sao họ giết người vô cùng đơn giản nhưng đáng tin. Billy Loomis (Skeet Ulrich) đổ lỗi cho khuynh hướng thái nhân cách và người mẹ kiểm soát của anh ta (tương tự như Norman Bates của Psycho), trong khi lý do giết người của Stu Macher (Matthew Lillard) là… “áp lực từ bạn bè”. Cả hai lý do giết người đều nông cạn và không chính đáng, nhưng không phải là không thể tin được.
Đơn giản là bạn hãy nghĩ đến Hannibal. Hắn giết và ăn thịt người vì chấn thương tâm lý lúc nhỏ, nhưng nhắc đến Hannibal, người ta có xu hướng tranh luận động cơ giết người của hắn có tính "triết học". Không đơn giản là tâm thần, hắn thích giết và ăn những kẻ mà hắn coi là thô lỗ, vì hắn muốn làm thần thánh... Nói chung, đó là một cuộc tranh luận rất dài. Nhưng ở Scream, những kẻ giết người đi giết người vì những lý do rất đơn giản và cái lợi ở đây là dù bạn thấy nó ngớ ngẩn, bạn vẫn hiểu được động cơ của chúng, thay vì phải nghĩ đến những lý thuyết tâm lý phức tạp. Trên thực tế, tâm lý học đã chỉ ra rằng động cơ của những kẻ giết người hàng loạt thường không phức tạp như Hannibal đâu.
Chuyên gia phim kinh dị Randy Meeks (Jamie Kennedy) đơn giản hóa điều này khi nói, "Động cơ là thứ vô cùng ngẫu nhiên". Đối với những kẻ giết người trong thể loại slasher, những động cơ phức tạp sẽ làm mất đi khán giả. Hơn nữa, những động cơ của các Ghostface trong phim đều thường nhật và tin được . Khi động cơ không quá phức tạp, bất kỳ ai cũng có thể là kẻ giết người vì bất kỳ lý do gì (áp lực, muốn làm phim kinh dị thật, drama gia đình, ghen tỵ...). Nếu bộ phim tập trung quá nhiều vào logic của động cơ, thì tác phẩm sẽ khiến cho cái kết quá lộ liễu.
Theo logic phim, nhân vật càng bí hiểm, càng dễ trở thành tình nghi. Nhưng các Ghostface hầu như chẳng nổi bật, nói đúng hơn là hoàn toàn trà trộn với các nạn nhân. Đơn giản vì khi động cơ thôi thúc kẻ giết người là áp lực bạn bè hoặc phụ huynh quá kiểm soát. Như vậy, ai cũng có thể là nghi phạm. Vì vấn đề này xảy ra với phần lớn chúng ta, nên những kẻ giết người sẽ không biểu hiện những tính cách của kẻ phản xã hội hay có vấn đề tâm thần. Người xem sẽ phải ngồi sàng lọc một lượng nghi phạm khá lớn, biết được thì phim gần hết rồi.
3. Nhân tính hóa thay vì thần thánh hóa kẻ giết người của mình
Michael Meyers, Jason Voorhees và Freddy Krueger có điểm chung gì nào? Bọn chúng không thể chết được và luôn sống sau màn "bán hành" của nạn nhân, thậm chí là khi bị ngâm hóa chất ăn mòn độc hại (Jason đó mọi người!). Sau nhiều phần phim, những kẻ sát nhân này gần như bất khả chiến bại và hầu như chẳng thể chết được. Nhưng Scream có chiến thuật khác.
Craven thực hiện một cách khác đối với kẻ giết người bằng cách biến chúng thành những người bình thường. Ghostface là một kẻ giết người thực sự được nhân tính hóa, mắc rất nhiều sai lầm do ham muốn giết người của bản thân, và bộ phim liên tục cho chúng ta thấy rằng các nạn nhân có thể chiến đấu chống lại Ghostface.
Những kẻ giết người như Michael Meyers, Jason Voorhees và Freddy Krueger là hiện thân của cái ác, nên chúng không thể chết theo đúng nghĩa đen. Trong khi đó, Billy và Stu (Ghostface đầu tiên của thương hiệu), hai cậu bé tuổi teen, không hiểu rằng họ “không phải” trong một bộ phim kinh dị và phải đối mặt với hậu quả thật khi bị bắt hoặc bị các nạn nhân chống trả.
Một lợi thế khác là những kẻ giết người được nhân hóa đáng sợ hơn nhiều so với ma quỷ bởi chúng cũng giống như chúng ta, cho đến thời điểm chúng cởi bỏ lớp mặt nạ để lộ bản chất thật. Và chúng cũng không khiến khán giả ức chế mỗi lần phải vắt óc nghĩ tại sao chúng sống được. Ở Halloween, câu trả lời chỉ có thể là sự can thiệp siêu nhiên, nhưng ở Scream, đáp án có lý hơn nhiều.
4. Sự hợp lý của thời gian và không gian
Khi bạn bất khả chiến bại như Jason, thời điểm và thời gian không quan trọng. Nhưng nếu bạn phải lẩn trốn giữa các nạn nhân để che dấu danh tính, hai điều này trở thành điểm chí mạng để tạo plot-twist. Ở cao trào của bộ phim, Ghostface ra ngoài để giết những nạn nhân còn lại trong nhà và thời điểm của những hành động này rất nổi bật. Thời gian và sự hiểu biết về không gian trong ngôi nhà là hoàn hảo, điều này tạo ra một dòng chuyển động trông dễ dàng và mượt mà với người xem.
Sự hiểu biết của Craven về vị trí địa lý và thời gian cho phép thương hiệu sản sinh những kẻ giết người thông minh (dù chỉ ở lúc đầu) và cốt truyện khó đoán hơn nhiều. Việc Billy xuất hiện ngay khi Ghostface từ bỏ việc theo đuổi Sidney đã làm thay đổi nghi ngờ của khán giả về việc Billy là kẻ giết người. Họ chỉ đơn giản tin rằng sự xuất hiện của Billy khiến Ghostface bỏ cuộc vì giờ hắn đã bị áp đảo về số người. Hãy nhớ, Ghostface là người thường và dễ bị tổn thương. Nếu các nạn nhân hợp sức lại, chúng chỉ có thể chịu trận và các phim của thương hiệu Scream đã chứng minh điều đó vào phút chót.
Một khoảnh khắc tương tự khiến khán giả tập trung vào Dewey Riley (David Arquette) khi cuộc điện thoại giữa Sidney và Ghostface kết thúc ngay trước khi Dewey chạy ra khỏi phòng của mình. Điều đó đã đánh lừa khán giả rằng Dewey chính là Ghostface, nhưng đó hoàn toàn là sai lầm. Và sai lầm này đã thành công chuyển hướng dư luận (người xem) khỏi hung thủ thật sự.
Thời gian cũng được điều khiển để Ghostface tạo ra cú giết người bất ngờ tại xe đưa tin và được chứng minh bằng độ trễ 30 giây trên camera bên trong khiến danh tính của hắn khó đoán hơn nữa. Không có một khoảnh khắc nào mà thời gian bị mất hoặc lãng phí trong phim, điều này củng cố lý do tại sao và làm thế nào mọi thứ xảy ra mà vẫn giữ người xem quay cuồng trong câu hỏi Ghostface là ai.
Craven và Kevin Williamson hiểu tầm quan trọng của vị trí và thời gian và trao kỹ năng đó cho những kẻ giết người, điều này khiến Billy và Stu, hoặc bất cứ Ghostface nào tiếp theo trông như thể họ đang kiểm soát tình hình.
Ngày nay, hiếm có bộ phim nào kéo khán giả khỏi những gì chúng ta mong đợi từ những bộ phim sát nhân trong khi vẫn mang lại cảm giác thỏa mãn khi sợ hãi như The Cabin in the Woods và Happy Death Day. Bằng cách áp dụng logic kinh dị, động lực, cách thể hiện và logic thời gian và nhân tính hóa kẻ sát nhân, Scream đã tạo nên một thương hiệu slasher độc đáo - một điều hầu như không thể với công thức chung của thể loại này.
Ảnh: Screen Rant
Tham khảo: nofilmschool, Screen Rant, CBR, Vox