Nghe đến cảnh khoả thân thì dù nghe có vẻ thú vị, nhưng những cảnh trần trụi này xuất hiện trong phim không phải lúc nào cũng là về quan hệ giữa 2 nhân vật nào đó. Thật ra thì cảnh khoả thân có thể rất đáng sợ với khán giả cũng như chính diễn viên đó, chẳng hạn như trong The Shining, hoặc buồn cười (Forgetting Sarah Marshall), tuyệt vọng (Requiem for a Dream), mang mục đích chính trị (Salò), vô nghĩa (Showgirls), đau đớn (Blue Velvet) hay đơn giản là lạ lùng (Antichrist).
Thêm vào đó còn phải xét đến giới tính của nhân vật và thực tế là phụ nữ thường “được chọn" để cởi hết trên phim, trong khi đàn ông khoả thân trên phim, dù là vì bất kỳ lý do gì cũng khiến người ta nháo nhào hết cả lên. Minh chứng điển hình trong danh sách này hẳn là các cảnh của Jason Segel trong Forgetting Sarah Marshall khoảng ⅓ đầu phim. Nếu các cảnh khoả thân của nam giới có gì “bất thường" thì scandal chắc chắn sẽ nổ ra. Đó là lý do tại sao trong các phim thương mại, bạn sẽ không bao giờ thấy một anh chàng khoả thân trong phim nhãn R.
Nhưng bất kể nguồn gốc, tranh cãi như thế nào thì chủ nghĩa khoả thân (naturism) luôn có khả năng độc nhất vô nhị là khiến người ta mở miệng hoặc gõ phím, dù cho là vì giận dữ đi chăng nữa, khi nhìn qua con mắt của đạo diễn. Khoả thân trên phim vốn cũng là một phần của nền công nghiệp phim ảnh và có lịch sử rất lâu đời, trải qua việc bị phản đối, đi đến ngấm ngầm ủng hộ và gây tranh cãi cho đến ngày nay.
Dưới đây là 25 cảnh khoả thân quan trọng từng xuất hiện trong điện ảnh (phần 1).
25. M*A*S*H (1970) (IMDb: 8.4/10)
Thanh thoát và chân thật là 2 điều làm nên bối cảnh trong phim của Robert Altman (thường được gọi là A Robert Altman Set), ngay cả diễn viên cũng không biết là đến lúc nào mình thật sự bị quay phim. Và đương nhiên, điều đó cũng có nghĩa là họ phải luôn luôn cảnh giác. Sally Kellerman đã học được bài học đó khi không nhập tâm mấy vào cảnh quay đặc biệt này trong M*A*S*H. Đây là bộ phim nói về các nhân viên và bác sĩ của một bệnh viện quân y phát hiện tiếng cười chính là liều thuốc tốt nhất để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại của họ.
Ở một cảnh phim, đồng nghiệp của Houlihan “Hot Lips" quyết định nhìn trộm cô đang tắm và cô phải bày ra thái độ sửng sốt khi tấm rèm che bất ngờ kéo lên. Nghe có vẻ dễ, nhưng biểu hiện của Kellerman không làm hài lòng đạo diễn. Vì vậy mà trong cảnh quay cuối cùng, đạo diễn và Gary Burghoff (đóng vai Radar O' Reilly) bất ngờ kéo quần họ xuống trước khi rèm che được kéo lên, làm Kellerman chết trân, vừa đủ để Altman quay được hiệu quả mong muốn.
24. Last Tango in Paris (1973) (IMDb: 7.0/10)
Một điều thú vị diễn ra ở Hollywood vào thập niên 1960 và đầu 1970 đấy là đạo diễn trở thành ông hoàng của bộ phim. Theo sau thành công của những phim như Bonnie & Clyde, The Graduate, Easy Rider, và M*A*S*H, một thế hệ các đạo diễn mới sau này (được biết đến với cái tên The New Hollywood), nắm vị trí quyền lực mà trước đó do các nhân vật cấp cao của studio quản lý.
Họ tạo ra luật lệ, biên tập và không ai có thể ý kiến gì, thậm chí là ý kiến về việc có quá nhiều cảnh trần trụi không cần thiết.
Tương tự như Tropic of Cancer trước đó, Last Tango in Paris là bộ phim về cuộc gặp gỡ lạ thường của một quan phu người Mỹ (Marlon Brando) và một phụ nữ đã đính ước người Pháp (Maria Schneider), do đạo diễn Bernado Bertolucci chỉ đạo. Phim là minh chứng cho quyền lực mà các nhà làm phim nắm giữ vào những năm thập niên 70, nhiều đến độ họ có thể phát hành rộng rãi một bộ phim nhãn X.
Dù nhiều người cho rằng bộ phim này chẳng có gì ngoài những cảnh trần trụi loại A đi chăng nữa, thì tình dục trong Last Tango in Paris thực chất vẫn mang nhiều ý nghĩa, tuy những ý nghĩa đó mang màu sắc của chủ nghĩa hư vô. Được lấy cảm hứng từ chính trí tưởng tượng của Bertolucci, phim cho thấy hậu quả xảy ra khi tấm rèm xa lạ được dỡ bỏ và một mối quan hệ thể xác bỗng có sự góp mặt của những xúc cảm chân thật. Lúc tình yêu xuất hiện, thì chỉ có kết cục đen tối đang chờ đợi. Ít nhất, nếu bạn là Brando trong phim.
23. Salò (1975) (IMDb: 5.9/10)
Vẫn còn bị cấm ở một số nơi trên thế giới, khi nói đến bóng tối trong mỗi con người thì kể cả The Human Centipde cũng chẳng là gì so với Salò. Dựa trên cuốn 120 Days of Sodom của Marquis de Sade, Salò sử dụng các cảnh khoả thân để khai thác các yếu tố liên quan đến sự biến chất, biến thái và chủ nghĩa phát xít.
Do Pier Paolo Pasolini đạo diễn, bộ phim xoay quanh 4 người đàn ông quyền lực là The Duke, The Bishop, The Magistrate, và The President, bắt cóc 18 người cả nam lẫn nữ và biến họ thành đối tượng tra tấn về thể xác, tinh thần, tình dục.
Dù không được xếp vào thể loại kinh dị, điều đó cũng không ngăn Hiệp hội Phê bình Phim Chicago (Chicago Film Critics Association) xếp bộ phim này vào hạng 65 trong danh sách 100 phim đáng sợ nhất của họ. Bạo lực trong phim đi kèm các cảnh khoả thân cho thấy quyền lực và sự biến chất luôn đi kèm, một tuyên ngôn vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay. Cho tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là bộ phim gây sốc.
22. Carrie (1976) (IMDb: 7.4/10)
Trước khi thực hiện đống rác rưởi như Snake Eyes hay Mission to Mars, Brian De Palma là bậc thầy của yếu tố giật gân, hồi hộp khi tạo ra những tông phim khó chịu nhưng đáng nhớ trong các tác phẩm như Sisters và Carrie - bộ phim đầu tiên chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị của Stephen King.
Trước khi phòng thay đồ nữ trở thành nơi để nam sinh nhìn lén nữ sinh trong phim (bắt đầu bằng phim Porky's), De Palma đã biến nơi này thành nơi mang đến những trải nghiệm nhớ đời cho các nhân vật cả chính lẫn phụ. Nhạc nền nhẹ nhàng và ánh sáng bất ngờ nhường chỗ cho thảm hoạ khi Carrie White (Sissy Spacek thủ vai, đây là vai đầu tiên trong số 6 vai được đề cử Oscar của nữ diễn viên) nhầm máu khi đến kỳ của cô là một căn bệnh khiến cô sắp chết và trở nên hoảng loạn. Cũng như nhiều phim teen khác, Carrie sau đó bị các cô bạn xấu tính bắt nạt và sỉ nhục, những người chẳng hề nhận ra phẫn nộ chính là thứ kích thích sức mạnh của Carrie.
21. American Gigolo (1980) (IMDb: 6.3/10)
Đâu chỉ có nữ mới khoả thân mà ngay cả nam cũng có “cơ hội" trong phim American Gigolo của đạo diễn Paul Schrader. Đây là bộ phim biểu tượng của thập niên 80 về trai bao tên Julian Kaye (Richard Gere) và những mối quan hệ xoay quanh những người vợ cô đơn. Julian là người đàn ông nông cạn sống trong một thế giới vô nghĩa, khi quần áo lượt là và những chiếc xe bóng lộn thu hút mọi ánh nhìn. Nhưng khi anh trở thành đối tượng tình nghi của một vụ án mạng, theo sau đó là liên hệ kỳ dị với một cặp vợ chồng, Julian phải cởi hết mọi vỏ bọc hào nhoáng của mình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, để tìm lại thanh danh.
Dù được biết đến nhiều nhất với tư cách là một bộ phim có sự góp mặt của một diễn viên nổi tiếng đóng cảnh khoả thân, đấy không phải là ý định ban đầu của tác phẩm. Chính Gere là người chủ động quyết định việc khoả thân trần trụi và anh khẳng định ý nghĩ này xuất hiện tự nhiên hoàn toàn trong quá trình quay phim. “Theo tôi nhớ thì trong kịch bản không có [yếu tố khoả thân],” Gere nói với Entertainment Weekly. “Nó diễn ra hoàn toàn tự nhiên trong quá trình quay phim.”
20. The Shining (1980) (IMDb: 8.4/10)
Stanley Kubrick chưa bao giờ là người ngại ngùng với các cảnh khoả thân. Và nếu không có con mắt nghệ thuật của ông thì vài bộ phim của vị đạo diễn có thể được xếp vào thể loại khiêu dâm (như A Clockwork Orange). Trong khi The Shining có tiết chế một chút, nhưng đạo diễn vẫn không quên quay cảnh khoả thân của 2 người phụ nữ, cho thấy phụ nữ khoả thân vừa hấp dẫn, nhưng cũng cực kỳ đáng sợ.
Cảnh này diễn ra khi con trai của Jack Torrance (Jack Nicholson) nói cậu bị một người phụ nữ trong phòng 237 tấn công tại khách sạn The Overlook, Jack muốn tận mắt nhìn thấy cô ta. Thay vào đó, anh ta thấy một người phụ nữ tóc vàng nóng bỏng, nhưng người phụ nữ đó đã nhanh chóng biến thành một cái xác chết già khi hai người hôn nhau. Jack hẳn là đã có một nụ hôn cực kỳ "đáng nhớ".
19. Cannibal Holocaust (1980) (IMDb: 5.9/10)
Điều đầu tiên phải nói là: Bạn sẽ không thể có một bộ phim về chủ đề ăn thịt người nếu không thấy có chút da thịt. Nói đến bộ phim có khả năng chứng minh các cảnh khoả thân chẳng hề quyến rũ như người ta tưởng thì Cannibal Holocaust sẽ khẳng định hùng hồn được điều đó. Cannibal Holocaust của Ruggero Deodato cực kỳ khó chịu và mang cảm giác rất sai trái. Các cảnh khoả thân của phim cho thấy sự vật lộn giữa xã hội "văn minh" và "nguyên sơ".
Bộ phim giả tài liệu (cảm hứng của The Blair Witch Project) của Deodato có lẽ đã hơi quá đà khi đem các diễn viên chuyên nghiệp kết hợp với người dân của bộ tộc Amazon thực sự ngoài đời. Vị đạo diễn đã bị bắt giam 10 ngày sau khi bộ phim ra mắt. Thành phẩm cuối cùng trên màn ảnh được cho là một bộ phim snuff (phim có các cảnh giết người thật), còn có tin đồn một số cái chết xuất hiện trên camera là án mạng thật (vị đạo diễn phải tìm các diễn viên đã đóng, đưa họ đến toà để làm chứng họ vẫn còn sống).
Nhưng có một khía cạnh đã được kiểm chứng là cái chết của một số loài động vật do mã tấu gây ra. Cáo buộc khiêu dâm đối với đạo diễn vẫn có hiệu lực và thành công trong việc ngăn chặn bộ phim được phát hành rộng rãi, đưa Cannibal Holocaust trở thành một trong những bộ phim gây tranh cãi nhất mọi thời đại.
18. Porky's (1982) (IMDb: 6.2/10)
Trước khi American Pie xuất hiện thì Porky's, bộ phim về một nhóm học sinh nam quyết định “phá thân", đã định ra tiêu chuẩn mới cho điện ảnh: tất cả các cảnh liên quan đến nhà tắm, phòng thay đồ nữ… sẽ trở thành nơi mà ảo mộng thân xác của nam giới trở thành sự thật.
Phòng thay đồ này là nơi mà cảnh khoả thân thực sự diễn ra, và đám nam sinh thay nhau nhìn lén. Nếu bạn tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc cho các cảnh này thì nó đánh dấu bước ngoặt của yếu tố tục tĩu trong phim hài teen. Vậy nên nếu bạn thích American Pie thì Porky's xứng đáng nhận được 1 lời cảm ơn của bạn đấy.
17. Blue Velvet (1986) (IMDb: 7.8/10)
Giả sử Salvador Dalí (hoạ sĩ siêu thực nổi tiếng người Tây Ban Nha) đạo diễn một bộ phim noir thì hẳn nó sẽ là phim gần giống với Blue Velvet, tác phẩm lạ lùng của đạo diễn David Lynch. Phim xoay quanh một thám tử nghiệp dư (Kyle MacLachlan) đi tìm chủ nhân của một cái tai người mà anh ta vô tình phát hiện được. Với Laura Dern là người bạn mà anh tin tưởng, cả 2 bước vào một thế giới mà kẻ tội phạm tâm thần và cô ca sĩ quyến rũ chơi trò chơi SM với nhau.
Trước khi xuất hiện trong Blue Velvet thì Isabella Rossellini được biết đến với vai trò là người mẫu, con gái của vị đạo diễn nổi tiếng Roberto Rossellini và nữ diễn viên huyền thoại Ingrid Bergman. Nhưng cô đã tự thách thức giới hạn bản thân khi hoá thân thành Dorothy Vallens, một nữ ca sĩ bí ẩn và nô lệ tình dục của một tên tội phạm tâm thần là Frank Booth (Dennis Hopper), kẻ đã bắt cóc chồng và con cô. Có lẽ dự cảm được tình cảnh này sẽ không có kết thúc tốt đẹp, cô đã chấp nhận số phận không còn gì để mất của mình và để mặc Booth tra tấn hành hạ.
16. Bad Lieutenant (1992) (IMDb: 7.1/10)
Được giao nhiệm vụ điều tra vụ cưỡng bức của một nữ tu, không có nghĩa là nhân vật cảnh sát biến chất LT của Harvey Keitel không có thời gian để hút cỏ, hút cần, cờ bạc, mây mưa hay "tự xử" trước mặt một đám nhóc. Và đương nhiên, vài cảnh trong số này khiến nam diễn viên phải trần trụi cho cả thế giới xem.
Có hơi quá không? Tất nhiên rồi. Thậm chí là còn hơi gớm ghiếc. Nhưng ẩn sâu trong tất cả những yếu tố gây gốc đã định hình nên sự nghiệp của đạo diễn Abel Ferrara, thì thông điệp của nó cũng quá rõ ràng: Chỉ có tôn giáo mới có thể giết chết con quỷ bên trong mỗi người.
Đương nhiên, hành trình chuộc tội không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ở trường hợp của Bad Lieutenant thì việc nữ tu không tìm kiếm sự trả thù đã dần đưa LT trở về con đường đúng đắn. Nhưng anh vẫn còn con đường dài để leo ra khỏi cái hố mà anh ta tự đào cho mình.
(Còn tiếp)
Xem phần 2 tại đây.
Nguồn: Complex