[Tổng Hợp] 25 cảnh khoả thân quan trọng từng xuất hiện trên màn ảnh (Phần 2)
Tin điện ảnh · Maii ·
25 cảnh khoả thân này đều đóng một vai trò gì đó trong phim. Có những diễn viên từ chối, nhưng cũng có những gương mặt không ngại "cởi".
Sau phần 1, mời độc giả tiếp tục với 15 phim còn lại trong danh sách.
Xem phần đầu tiên tại đây.
15. Basic Instinct (1992) (IMDb: 7.0/10)
Hình ảnh người phụ nữ quyền lực đã dần gắn liền với Sharon Stone trong Basic Instinct. Cô thống trị những năm thập niên 1990 với sự lạnh lùng quyến rũ và khí chất bất cần và những cảnh khoả thân nổi tiếng nhất trong phim. Khoảnh khắc bắt chéo chân khi ngồi trước mặt cảnh sát của Stone đã trở thành cảnh phim biểu tượng của điện ảnh, sự hấp dẫn về thể xác đôi khi cũng đi đôi với quyền lực.
Bộ phim do Paul Verhoeven đạo diễn, kịch bản do Joe Eszterhas chấp bút đã trở thành bom tấn của năm đó, đưa Stone một bước trở thành diễn viên hạng A của Hollywood.
14. Schindler's List (1993) (IMDb: 8.9/10)
Steven Spielberg chiến thắng giải Oscar đầu tiên (không tính giải Thalberg Award) vì đã tạo nên một bộ phim mang lại giá trị còn hơn cả một bộ phim đơn thuần. Vốn là người kỹ lưỡng, Steven Spielberg đã tỉ mỉ phân tích từng quyết định để kể câu chuyện về Oskar Schindler (Liam Neeson) theo cách có ảnh hưởng nhất. Schindler là một thương nhân người Đức, đã trở thành anh hùng trong nạn diệt chủng khi cứu sống 1000 người Do Thái bằng cách để họ làm việc trong nhà máy của mình.
Với các cảnh khoả thân được liệt kê trong danh sách này thì cảnh trong Schindler's List là một trong những cảnh gây ra tranh cãi nhiều nhất. Nó tồn tại vì mục đích nghệ thuật khi cho thấy sự tuyệt vọng và trần trụi của những người Do Thái bị giết trong Thế Chiến thứ II. Nhưng Spielberg vẫn đối mặt với chỉ trích không đáng có khi bản không che theo yêu cầu của đạo diễn được chiếu trên TV lần đầu tiên vào năm 1997.
Thượng nghị sĩ Tom Coburn khẳng định đài NBC đã đạp truyền hình xuống một mức độ thấp hèn nhất mọi thời đại khi trình chiếu các cảnh khoả thân không che, bạo lực và báng bổ. Tranh cãi không chấm dứt tại đó khi Coburn phải bảo vệ bình luận của mình vì bị các chính trị gia từ 2 phe công kích. Ông sau đó bào chữa rằng bản thân cảm thấy bộ phim nên được chiếu vào buổi tối, khi trẻ con đa phần đã đi ngủ hoặc có người lớn trông nom. Các nhà đài khác sau đó đều chiếu bản không che.
13. Short Cuts (1993) (IMDb: 7.7/10)
Nếu Viện Hàn Lâm trao tượng vàng cho các cảnh quay dưới háng thì Julianne Moore chắc sẽ trở thành Meryl Streep thứ 2. Nữ diễn viên không hề ngại cởi, dù là trong Body of Evidence hay The Big Lebowski.
Và cô cũng vì nghệ thuật mà làm điều đó trong Short Cuts của Robert Altman. Trong phim, cô vào vai một hoạ sĩ dành 202 giây lên hình để cãi nhau với chồng (Matthew Modine) lúc không mặc quần.
12. Showgirls (1995) (IMDb: 4.9/10)
Mối hợp tác giữa Paul Verhoeven và Joe Eszterhas có ý nghĩa gì nếu không phơi bày vài cảnh hạ bộ của phụ nữ, nhất là một bộ phim về vũ nữ như Showgirls? Elizabeth Berkley là người khoả thân trong phim và cảnh này cũng không đóng mục đích quan trọng gì. Showgirls - bộ phim xoay quanh cuộc sống khó khăn và nỗ lực vượt qua hoàn cảnh của một vũ công ở Vegas, là bộ phim nhãn NC-17 đầu tiên được phát hành rộng rãi tại rạp. Dù phim không gây ấn tượng tại phòng vé, nhưng lại thu được một lượng fan cult lớn khi cho thuê tại gia, thu về $100 triệu, trở thành phim kiếm lời nhiều nhất của studio.
11. Boogie Nights (1997) (IMDb: 7.9/10)
Việc khoả thân trở nên khá hợp lý khi làm một phim nói về ngành công nghiệp khiêu dâm như Boogie Nights. Và trông khá lạ lùng khi Amber Waves (do nữ diễn viên thường khoả thân trên màn ảnh là Julianne Moore thủ vai) lại là người thường mặc nhiều quần áo nhất trên phim. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, Boogie Nights vẫn hay và đáng xem.
10. Velvet Goldmine (1998) (IMDb: 7.0/10)
Có những diễn viên đề ra điều khoản trong hợp đồng là sẽ không bao giờ khoả thân trên màn ảnh, Ewan McGregor lại không phải là một trong các diễn viên đó. Từ Trainspotting cho đến The Pillow Book to Young Adam, McGregor quả thật chẳng ngại ngần gì với trò cởi hết. Và anh đã áp dụng “kỹ năng” này trong Velvet Goldmine của đạo diễn Todd Haynes - bộ phim về thời đại không hào nhoáng lắm của glam rock vào những năm thập niên 70. Đối với McGregor thì khoả thân chỉ là một công cụ trong sự nghiệp diễn xuất của anh, cũng giống như khi họ nghiêng đầu hay nhướn mày, McGregor khiến người ta cảm mến vì dám cởi bỏ địa vị người nổi tiếng của mình vì một bộ phim.
9. Eyes Wide Shut (1999) (IMDb: 7.4/10)
Cũng giống như Salò trước đó, các nhân vật nữ trong bộ phim cuối cùng của Stanley Kubrick dường như chỉ tồn tại nhằm mục đích thoả mãn những gã đàn ông có tiền và có quyền.
Dựa trên cuốn tiểu thuyết Dream Story của Arthur Schnitzler, Eyes Wide Shut đã nhanh chóng làm người ta nhức mắt với các cảnh khoả thân dày đặc trong thời gian ngắn. Từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, các cảnh này cứ tăng lên dần dần đến độ trong 144 phút chiếu phim, bạn cũng từ từ quên mất các diễn viên này đang chẳng mặc gì trong phim vì họ đã hoà cả vào bối cảnh, như một loại giấy dán tường vậy.
8. Requiem for a Dream (2000) (IMDb: 8.3/10)
Khi Calvin Klein và giới thời trang đang bận tạo trend với “heroin chic" (phong cách thời trang rất phổ biến giữa thập niên 90 với đặc trưng thân hình gầy ốm, nhợt nhạt, xương góc cạnh, tóc bù xù… trông như con nghiện) và đang tìm kiếm vài hình mẫu làm cảm hứng thì Darren Aronofsky đã phơi bày hậu quả thực sự của việc nghiện ngập, dù là nghiện heroin hay nghiện giảm cân đối với con người.
Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Hubert Selby, Jr., cũng chính là biên kịch, Requiem for a Dream là bức chân dung đáng buồn của 4 con nghiện với mơ ước khác nhau, nhưng cùng kết thúc trong tuyệt vọng. Một trong số các nhân vật là Connelly còn phải bán thân và cảnh nóng của cô chắc chắn đã đưa bộ phim lên nhãn NC-17, Aronofsky lại từ chối cắt, khiến bộ phim không được phát hành rộng rãi tại rạp.
7. Monster's Ball (2001) (IMDb: 7.0/10)
Angela Bassett trước đó được định sẽ đóng vai chính trong phim độc lập này của Marc Forster, nhưng sau đó từ chối vì cảm thấy kịch bản quá gợi dục. Halle Berry là người thay thế cô và đã đoạt giải Oscar với vai này.
Nội dung của kịch bản bao gồm một trong những cảnh nóng đáng nhớ nhất của điện ảnh, khi hai nhân vật Leticia (Halle Berry), và Hank (Billy Bob Thornton đóng, đây là một trong những vai hay nhất của anh), cùng chìm đắm trong nỗi buồn cùng nhau. Đây là cảnh mà tình dục đại diện cho sự thân mật khi hai tâm hồn cô đơn và mất mát cùng đồng điệu. Nóng bỏng, có phần hơi tục và nhuốm màu tuyệt vọng, nhưng lại rất khó quên.
6. The Dreamers (2004) (IMDb: 7.2/10)
Trước khi trở thành người tình Vesper Lynd của James Bond trong Casino Royal, Eva Green từng chè chén say sưa cùng anh trai (Louis Garrel) và một sinh viên người Mỹ (Michael Pitt) tại Paris trong The Dreamers - bộ phim gợi cảm của Bernardo Bertolucci. Phim như một lá thư tình điện ảnh tái hiện lại Last Tango in Paris cho một thế hệ khán giả mới.
Dù phim gây tranh cãi với thái độ thẳng thừng của nó với tình dục và những cảnh khoả thân trần trụi (trong phim, 3 nhân vật cùng yêu điện ảnh, và các cảnh khoả thân này là sản phẩm trong thế giới ảo tưởng mà họ đang sống), khán giả càng hiện đại lại càng khó bị gây sốc hơn. Phim thu về $15 triệu tại phòng vé, không tệ với một bộ phim NC-17 nhưng lại không bị sỉ vả nhiều bằng bộ phim “tiền bối" vào thập niên 1970.
5. Borat: Cultural Learnings of America for Make Benefit Glorious Nation of Kazakhstan (2006) (IMDb: 7.3/10)
Chỉ có một cảnh khoả thân duy nhất trong Borat của Sacha Baron Cohen, nhưng cũng đủ làm người ta đỏ mặt. Đây là khi phóng viên Kazakhstani chia sẻ vài tấm hình gia đình với huấn luyện viên phép tắc (etiquette coach) mà anh ta thuê… sau đó lại rất lịch sự khoe ra vài tấm hình khoả thân của con trai tuổi teen của mình (nam diễn viên trong hình, Stonie là diễn viên khiêu dâm chuyên nghiệp và đã đủ tuổi).
Dù cảnh phim Borat và nhà sản xuất của mình (Ken Davitian) không mặc gì mà đánh nhau lại nổi tiếng hơn (cuộc ẩu đả bắt đầu tại một phòng khách sạn, tiếp tục ra ngoài hành lang và thang máy, sau đó làm loạn cả sảnh), cảnh này đã được che bộ phận nhạy cảm bằng đạo cụ và sắp xếp bố cục trong phim. Tạ ơn nghệ thuật làm phim.
4. Eastern Promises (2007) (IMDb: 7.6/10)
Eastern Promises là bộ phim về băng đảng Nga do David Cronenberg đạo diễn. Viggo Mortensen trong một cảnh bị lầm là con trai của ông trùm (Vincent Cassel) ở một nhà tắm công cộng và buộc phải hạ hết những kẻ cầm dao trong lúc… không mặc gì.
Là biểu tượng của sức mạnh và nam tính, Roger Ebert khẳng định cảnh phim đã đặt ra một chuẩn mực tương tự như The French Connection đã đặt ra chuẩn mực cho các cảnh rượt đuổi. Nhiều năm sau này, cảnh này trong phim vẫn sẽ là một ví dụ điển hình cho việc làm thế nào để có một cảnh phim vừa khoả thân, không tục mà lại cực ngầu.
3. Forgetting Sarah Marshall (2008) (IMDb: 7.1/10)
Đàn ông bị "đá" khá nhiều lần trên màn ảnh, nhưng chưa thấy ai thảm thương như Peter Bretter (Jason Segel), bạn trai trong phim của Kristen Bell, chưa kể còn bị chia tay trong hoàn cảnh trần như nhộng.
Segel, biên kịch của Forgetting Sarah Marshall cho biết cảnh phim này được lấy cảm hứng từ trải nghiệm có thật ngoài đời. Có vẻ đau đớn đấy!
2. Antichrist (2009) (IMDb: 6.6/10)
Thật khó để bắt đầu nói hết về các cảnh khoả thân trong Antichrist, từ cảnh nóng quay chậm của He (Willem Dafoe) và She (Charlotte Gainsbourg) trong khi con trai họ leo ra ngoài cửa sổ và ngã chết, cho đến quay cận cảnh bộ phận nhạy cảm hay cảnh mây mưa giữa cánh rừng với những cánh tay kỳ lạ. Mọi thứ trong phim dần trở nên càng lúc càng dị thường, càng đen tối và gớm ghiếc, đủ để khiến những trái tim yếu đối phải phát nôn.
Tình dục trở thành vũ khí huỷ diệt trong tay của đạo diễn Lars von Trier, người thừa nhận mình trải qua trầm cảm nặng nề khi viết kịch bản và sản xuất phim. Có lẽ chính cảm giác này đã khiến bộ phim chứa đựng những hình ảnh kinh dị đến ám ảnh và báng bổ. Khi bạn nghĩ mình đã đoán được hướng đi của nó, bộ phim lại rẽ sang một hướng đau đớn khác. Antichrist là bộ phim không dành cho tất cả mọi người đúng nghĩa.
1. Shame (2011) (IMDb: 7.2/10)
Michael Fassbender nhận được 1 đề cử Quả Cầu Vàng và sự tôn trọng từ các đồng nghiệp với cảnh khoả thân trong Shame, bộ phim xoay quanh Brandon, một anh chàng nghiện sex 30 tuổi với những cuộc tình một đêm khắp New York, cho đến khi em gái anh Sissy (Carey Mulligan) xuất hiện và thách thức lối sống như con thiêu thân của Brandon.
Chỉ đứng sau Showgirls với độ gợi dục, Shame của Steve McQueen lại không hấp dẫn theo kiểu của Showgirls, mà một bộ phim chính kịch được xây dựng cẩn thận, tình dục lại đối nghịch với tình cảm thân mật, nó chỉ đơn thuần là một cách trốn tránh sang chấn tâm lý cá nhân. Đàn ông, đàn bà, 1 người, hay nhiều người, tình dục là cơn nghiện của Brandon và là một thói quen sẽ dần phá huỷ bản thân anh. Fassbender cũng cho thấy sự nghiêm túc của bản thân đối với vai diễn, khi có một cảnh khoả thân khác với thân thể gầy trơ xương vì tuyệt thực trong Hunger, một bộ phim rất hay khác của đạo diễn McQueen.
Nguồn: Complex