MCU là một trong những thương hiệu điện ảnh sinh lời nhất cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng là một gã khổng lồ không đồng nghĩa với việc bất bại và tránh được các chỉ trích. Một trong số đó có lời nhận xét thẳng thừng của đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese – “(Phim Marvel) không phải điện ảnh”. Thay vào đó, ông so sánh chúng với công viên giải trí có chủ đề. Vào thời điểm của lời bình này, ngay cả người viết cũng phải nhíu mày trước nhận định đó, đơn giản vì nhiều người sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về “điện ảnh”. Tuy nhiên, tại thời điểm này, lời nhận xét của Scrosese trông giống một lời tiên tri đã thành sự thật.
Marvel đã từng rất hay, cho đến khi…
Nếu so sánh MCU với các dự án nghệ thuật từng dự Oscar, Cannes, TIFF…thì quả là không công bằng, nếu không muốn nói là khập khiễng. Tính đại chúng là yếu tố nổi trội ở đây. MCU vốn dành cho mọi đối tượng khán giả như một thế mạnh cạnh tranh trong cuộc chiến lợi nhuận. Và xét đến khởi đầu của MCU, Marvel cần hết những lợi thế mà họ có thể tận dụng. Về chất lượng, phim MCU đời đầu (phase 1-2-3) chắc chắn chất lượng và đáng xem. Chúng ta không nói đến tiêu chuẩn điện ảnh mơ hồ, mà nói đến nội dung, câu chuyện, nhân vật, world-building…
Xem phim Marvel từng rất vui và hào hứng. Chúng ta thích Iron-Man vì hành trình anh ta đã trải qua, Đội trưởng Mỹ vì tính cách ngay thẳng, anh hùng, Black Widow cho tính phức tạp của cô, Thor là một vị thần đang học làm người, Bruce Banner đấu tranh với bản chất bạo lực của mình, ngay cả Hawkeye cũng có điểm đáng nhớ dù chẳng có phim riêng nào. Đó là màn kỹ xảo của MCU. Những phản diện đáng nhớ (bên cạnh phần nhiều những cái tên đáng quên). Thông điệp cũng dễ thấm. Đến với MCU là một cách người xem tạm thời quên đi thế giới thực đầy rẫy phức tạp, cũng như sự xấu xí của nó. Ở MCU, anh hùng luôn chiến thắng và lẽ phải đơn giản hơn.
Vũ trụ điện ảnh này có nhiều điểm sáng, nhưng khi MCU trở nên lớn mạnh, thế giới của họ mở rộng hơn, MCU dường như mất đi phép màu. MCU từng rất tiềm năng, cho đến khi họ trở nên “quá lớn để gục ngã”.
...thành công viên giải trí
Nhận xét một cách công bằng, một bộ phim hay thương hiệu phim ảnh thuần giải trí, dành cho việc thoát ly chẳng phải là điều khiến nó bị gọi là phi điện ảnh. Các phim MCU đã dành hẳn một thập kỷ để vực dậy cái tên xém phá sản. Không ai có thể nói MCU không có cái hay riêng.
Làm sao để định nghĩa một bộ phim hay, chỉ hay thôi, chưa đến tiêu chuẩn xuất sắc? Nó phải có một câu chuyện, nhân vật và hành trình của anh ta/cô ta thật sự khiến bạn thích thú, ý nghĩa, thông điệp, diễn xuất, kỹ thuật (góc quay, dựng cảnh, hình ảnh, âm thanh, biên tập). Dù chưa bao giờ dự Oscar, phim MCU đều đáp ứng những tiêu chí này.
Từng có một thời mà Marvel Studio đầu tư vào các dự án của họ với cái nhìn nghiêm túc hơn hiện nay. Các phim của Phase 1 là minh chứng rõ ràng nhất. Các câu chuyện trong đây tất nhiên không thể bì được với Bố Già, nhưng chúng có động lực. Nói đúng hơn, chúng làm chúng ta có động lực chân chính để xem – làm chúng ta yêu mến nhân vật của chúng.
Iron-Man là phim chúng ta biết đến một người hùng xuất thân tỷ phú công nghệ, mồ côi, nhiều người thường liên tưởng 2 yếu tố này đến Batman, nhưng đến cuối phim, chúng ta có một Iron-Man khác biệt, cho đến Avengers đầu tiên, Iron-Man đã biết thế nào là làm anh hùng đích thực. Bộ phim đầu tiên của MCU khiến chúng ta tò mò, mong mỏi điều gì tiếp theo sẽ đến với Iron-Man và Avengers đã đáp ứng điều đó, đồng thời tiếp tục giữ sức hút của Iron-Man.
Captain America hoàn toàn lạ mặt với người xem điện ảnh nói chung. MCU đã thay đổi điều này khi giới thiệu một cựu binh Thế Chiến II lạc lõng giữa thời hiện đại sau một thời hy sinh cho nhân loại. Là người mang tư tưởng hoàn toàn đối lập với Iron-Man, Steve Rogers mang trọng lượng cảm xúc đến với MCU. Trong khi Thor có một hành trình kinh điển như bước ra từ một vở kịch Shakespeare, Goá Phụ Đen Natasha gợi nhắc có một khía cạnh phản gián tồn tại trong MCU và đem đến một nữ anh hùng thực sự thú vị, lớp lang luôn là điều đáng mừng.
Dù không phải dự án solo nào cũng thành công, Phase 1 cho thấy MCU hoàn toàn biết cách làm nên các bộ phim khiến khán giả hào hứng. Dù chúng không hoàn hảo, phản diện một màu, các nhân vật chính thì không. Câu chuyện có ở đó, phát triển nhân vật ở đó, nền tảng đã được xây dựng rõ ràng. Từng chút, từng chút một, Iron-Man, Captain American, Thor, Hulk…đều ngầm kết nối một thế giới mới được thai nghén, chỉ đến khi Avengers (2012) ra đời, ai cũng trầm trồ cho màn hội tụ của các nhân vật được yêu mến.
Mọi thứ đã đi xuống từ Phase 2. Bước kế tiếp của MCU đáng lẽ phải các cho câu chuyện đã được sáng tạo trước đó thêm chiều sâu. Các phim của Phase 2 vẫn gặp vấn đề của Phase 1. Nhưng quy mô đã được mở rộng hơn. Không chỉ dừng lại ở phản diện đáng quên, MCU dường như không muốn phát triển thêm. Công thức đã được vạch ra và mọi rủi ro, sáng tạo hay nỗ lực vượt qua cái mác PG13 của mình.
Phase 4 vừa qua, như hầu hết chúng ta đều chứng kiến, chỉ có thể nói là tồi tệ hơn với các câu chuyện tẻ nhạt, nhồi nhét thông điệp và những màn hài hước vô duyên không làm gì ngoài pha loãng cốt truyện. Còn tiềm năng hoàn toàn bị bỏ phí để ưu ái một công thức ngày càng quá sức chịu đựng.
Các bộ phim chỉ quay quanh ai sẽ làm cameo, ai sẽ xuất hiện, những gì sẽ được nhắc tới, after-credit trong đây có những gì, trận chiến kỹ xảo cuối phim sẽ kết thúc phim. Phim vẫn dễ đoán như buổi đầu nhưng đâu rồi những màn nhân vật chính bị lột trần trước khán giả, những nỗi bấp bênh của họ, các mối nghi ngờ của họ, những đấu tranh nội tâm của họ trước những câu hỏi khó nhằn? Đâu rồi những người sẵn sàng đem đầu đạn hạt nhân lên vũ trụ, người tự lột trần quá khứ đẫm máu của mình? Đâu rồi những nhân vật nữ không sợ bày tỏ cảm xúc, có thể nâng tầm giá trị của chính mình mà không cần hạ bệ những đồng nghiệp nam.
Phase 4 chính thức khiến chúng ta nhìn lại MCU và nhận ra vị đạo diễn năm nào đã đúng, ít nhất là một phần. MCU đúng là điện ảnh, nhưng nó cũng là một công viên giải trí. Chúng ta đến, tham quan rồi bước đi mà chẳng có gì tốt đẹp đọng lại.
Marvel hạ thấp tiêu chuẩn
Nhiều người lập luận rằng không nên đòi hỏi quá nhiều ở những phim thuần giải trí. Nhưng một phim dùng để giải trí không đồng nghĩa nó phải dở và một phim nghệ thuật không nhất thiết không thể dùng để giải trí. Chất lượng và việc giải trí không phải hai vế đánh đấm lẫn nhau. Giá mà Marvel hiểu được điều này. Marvel đã có lựa chọn, nhân vật và những thứ khác. Thật đáng buồn là họ chọn những thứ khác.
Chúng ta hoàn toàn có thể tận hưởng một phim giải trí hay ho không cần đạt tiêu chuẩn Oscar. Một phim mà chúng ta thực sự say mê với nhân vật của nó. Nữ quyền và thông điệp bình đẳng chẳng sao cả, nhưng đó phải được làm có tâm. MCU không thể dùng một “marry-sue” một màu như Ms. Marvel để truyền tải nữ quyền. Nhân vật hoàn hảo này không có khía cạnh nào để người xem liên hệ cả. Cô ta không có câu chuyện để kể. Anh hùng đồng tính chẳng sao cả, miễn đó không phải là điều đặc biệt duy nhất về họ. Họ có thể dũng cảm, thông minh, hào hiệp, thậm chí đen tối. Ở đây, Marvel lại sử dụng các thông điệp như một cách để kéo người xem đến với phim. Chất lượng phải là điều làm điều đó.
Các anh hùng trong đây sẽ phải trải qua những gì, họ sẽ vấp ngã, họ sẽ phạm sai lầm, họ sẽ học được gì đó, họ sẽ trưởng thành – các phim của Phase 1 như đã nói trên có hết những yếu tố này và hơn thế nữa.
Phase 1 có thể diễn giải những phân đoạn sâu lắng rất tốt, không bị cản trở bởi những câu đùa vô duyên hay các exposition phim hoàn toàn có thể “nói” bằng ngôn ngữ điện ảnh thay vì để nhân vật độc thoại. Ngày nay, MCU chỉ quan tâm đến sự hoành tráng trống rỗng và fan-service. Lấy màn cameo của Illuminati trong Doctor Strange in the Multiverse of Madness làm ví dụ. Ngày nay, MCU chỉ quan tâm đến giới thiệu những nhân vật mới trong khi bỏ rơi những cá nhân đã được thiết lập mạnh mẽ. Ngày nay, đi xem phim MCU là một nghĩa vụ thay cho sở thích. Nguyên tác không còn quan trọng nữa. Họ chỉ cần làm những gì fan muốn là được.
Hiện tại, sự hời hợt của kịch bản đang khiến MCU ngày càng què quặt. Sau màn thể hiện của Thor: Love and Thunder, ngay cả MCU cũng không muốn nghiêm túc với các phim của nó khi sản sinh ra thứ phim như một trò đùa với IQ hầu như bằng không và phí hoài tiềm năng của Thor. Vậy tại sao khán giả cần quan tâm đến họ nữa? Vì after-credit?
Tóm lại là MCU giờ đây chỉ được níu kéo bằng một cảm giác hoài niệm và lượng fan đã lớn lên cùng nó từ năm 2008. Thật đáng giận khi MCU vẫn có thể sản sinh ra các phim chất lượng nhưng lại chọn con đường dễ dàng như dựa vào lượng fan hùng hậu tích cóp theo năm tháng. Một chút nghiêm túc chẳng giết ai cả và thách thức nhận định người xem sẽ chẳng thể khiến MCU lụn bại. Thứ có thể làm nó lụn bại là cách nó đối xử với nhân vật với thói chèn thông điệp vô tội vạ mà không cân nhắc ý nghĩa đằng sau nó. Tóm lại, Martin Scorsese đã đúng về MCU – một công viên giải trí giỏi tạo trend, điều mà người viết sẽ đào sâu trong bài sau.