Thor: Love and Thunder (Thor: Tình Yêu Và Sấm Sét) - Một phần phim nữa không đưa Thor đi đến đâu

Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Thor: Love and Thunder đã trả lời được cho câu hỏi vì sao phần phim này nên là dấu chấm hết cho hành trình solo của Thor.

Thor: Love and Thunder (Thor: Tình Yêu Và Sấm Sét) là bộ phim tiếp theo về Thor. Kể từ phần 3 Ragnarok, Thor – nhân vật Avenger gốc còn lại của Biệt đội Báo thù, đã trải qua nhiều mất mát lớn. Sau khi đánh bại Thanos, Thor ra đi với các Vệ binh Dải ngân hà để chiến đấu bảo vệ những người yếu thế. Nhưng anh vẫn đau đáu không biết mình là ai nên đã dành nhiều thời gian đi tìm. Cho đến khi một kẻ thù đã đưa Thor trở lại Trái Đất, nơi anh đoàn tụ với bạn gái cũ Jane Foster – người bây giờ được gọi là Mighty Thor. Vấn đề là phần phim này chẳng đưa hành trình của Thor về đâu cả, tương tự như những phim trước đó vậy.

Thor: Love and Thunder đặt ra vấn đề là Thần Sấm sau bao nhiêu năm vẫn không tìm ra được bản thân, tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống, nên phần phim này nhất mới để anh ta đi tìm miệt mài như vậy, nhất là sau biến cố lớn từ lần đối đầu Thanos. Tuy nhiên, đến cuối cùng, Thor: Love and Thunder hầu như không giải quyết đươc vấn đề nó đặt ra. Trên thực tế, nhìn lại 4 phần phim, Thor đang dần trở thành một nhân vật bị lãng phí ở MCU.  Đây cũng là một trường hợp khó hiểu ở MCU. Marvel Studio đã cho Captain America Steve Rogers một trilogy tuyệt vời cùng một cái kết xứng đáng, cho Iron Man Tony Stark 3 cuộc phiêu lưu làm giàu nhân vật của anh để rồi sau đó Endgame đem đến viên gạch cuối cùng hoàn thành di sản mang tên Iron Man. Nhưng đến lượt Thor, người đã có đến 4 bộ phim, Marvel có vẻ đang bối rối trước nhân vật này, chẳng hạn như làm thế nào cho anh ta một tuyến truyện nhất quán.

Chúng ta phải đặt Thần Sấm vào vị trí của 2 người đồng đội của anh ta để nhìn lại hành trình mà Thor đã trải qua. Steve là người đàn ông không hợp thời. Anh dành cả tuổi trẻ cho Thế Chiến II và coi đó là điều mình phải làm để ngăn cản những kẻ “bắt nạt”. Steve đã hi sinh thanh xuân, người bạn thân nhất của mình, cơ hội được hạnh phúc bên Peggy và cuối cùng là mạng sống để chấm dứt kỷ nguyên kinh hoàng. Đó là phần phim đầu tiên. Đến phần phim thứ 2, Steve nhận ra hi sinh của mình là vô ích vì Hydra vẫn tồn tại, người bạn của anh quay về và anh ngày càng trở nên mệt mỏi với tình hình chính trị của thế giới quanh mình. Civil War, phần phim thứ 3 về Đội trưởng Mỹ, chính thức đánh dấu sự lựa chọn của Steve trong thế kỷ anh không thuộc về, lựa chọn tự do và quyền tự quyết trong một thế giới đang bị chia cắt. Endgame cuối cùng đã cho anh một cái kết xứng đáng – để anh sống đúng thời đại và hạnh phúc mà lẽ ra anh phải được hưởng.

Iron Man lần đầu được xây dựng là một người hùng chưa hoàn hảo. Anh ta có khả năng, có công nghệ, có tài nguyên, thứ duy nhất thiếu là một tinh thần xả thân vì người khác. Phải đến khi được một người lạ hi sinh cho trong hang ổ của bọn khủng bố, Tony mới hiểu được thế nào là một người hùng chân chính. Nhưng anh phải học nhiều hơn nữa, ví như tính khiêm nhường và đặc biệt hơn là bài học mọi hành động đều có hậu quả của nó. 3 phần phim Iron Man đều là màn chuộc tội của Tony khi những phản diện nguy hiểm đều từ quá khứ của anh mà ra. Đến khi đối đầu với Thanos, Tony cũng có dịp hi sinh vì người khác đúng nghĩa, hoàn thành câu chuyện của mình với tư cách là một người hùng thật thụ.

Steve và Tony khởi đầu và kết thúc câu chuyện của mình với tính nhất quán như vậy. Những gì họ thiếu ở điểm A đã được đáp ứng ở điểm B. Nhưng Thor lại bị bỏ lại phía sau. Là một trong những trụ cột đầu của Avengers, Thor dường như không nhận được sự quan tâm của Marvel hay tính chăm chút họ dành cho 2 người đồng đội trên.  

Sự bối rối Marvel Studio khi tiếp cận Thor có thể thấy rõ trong những phần phim của anh. Trong phần đầu tiên, chúng ta được chứng kiến một Thor phải học cách khiêm nhường và phải chứng tỏ anh ta đủ xứng đáng với chiếc búa – thứ đại diện cho sức mạnh của Thor, cũng như là vị vua mà Asgard có thể trông cậy sau này. Và cuối phần 1, Thor đã làm được. Nhưng đến phần 2, Thor: The Dark World “được” xưng tụng là phần phim Thor dở nhất, Thor lại từ chối ngai vàng vì tình yêu và nghĩa vụ ở Trái Đất. Vấn đề là tình yêu đó chẳng bền lâu do nữ diễn viên Natalie Portman từ chối góp mặt vào MCU sau phần 2. Sang đến phần 3 Ragnarok, Thor đã chia tay Jane, mất búa, nhận ra sức mạnh của mình đã luôn có sẵn bên trong, rồi sau đó mất cả hành tinh. Lúc này, con dân Asgard đang rất cần một nhà lãnh đạo và họ nhìn về Thor – người đã những cuộc phiêu lưu để trưởng thành. Anh đúng là trở thành vua nhưng sau khi chiến thắng Thanos, Thor…lại nhường ngôi cho Valkyrie để đi chu du??? Đến phần 4 mới nhất, Thor vẫn đau đáu tự hỏi mình là ai, chỉ để ngay cả việc tìm câu trả lời này cũng bị lãng quên trong mớ hỗn độn tình yêu và sấm sét.

Marvel đang làm gì Thor vậy? Thì họ đang đi lòng vòng trong triền miên câu hỏi họ sẽ làm gì với nhân vật này. Đây là vấn đề mà người viết gọi là “Superman problem”. Superman từng được coi là một nhân vật nhàm chán vì biểu tượng nhà DC quá toàn năng và quá thánh thiện để có thể kết nối với khán giả - những người bình thường và khiếm khuyết. Trên thực tế, mục tiêu từ đầu được đặt ra cho Thor là anh ấy phải ngồi lên ngai vàng. Nhưng khán giả khó mà cảm thấy kết nối được với một Thor làm vua và làm thần. Thật trớ trêu là khi Marvel đoán trước việc này và để tránh cho Thor đi vào con đường đó, họ đã cho người hùng Bắc Âu có những tuyến truyện gian truân hơn nhằm nhấn mạnh thông điệp mà ai cũng có thể thấu hiểu - những mất mát làm Thor mạnh mẽ, trưởng thành hơn.

Taika Waititi đã có nước đi đúng đắn khi làm mới Thor, cho nhân vật một tuyến truyện bi kịch gia đình đúng nghĩa. Thành thật mà nói thì chỉ có yếu tố gia đình là yếu tố người xem có thể thấu hiểu về Thor. Drama gia đình hoàng tộc và thường dân giống nhau ở chỗ máu mủ quay sang đối đầu nhau thì lúc nào cũng là một nỗi đau cả, dù Taika đã sử dụng hài kịch để nói lên bi kịch này. Nhưng ông đã quên gạt mục đích “làm vua” ra khỏi tuyến truyện của Thor, cũng như phản lại tiền đề “xứng đáng với sức mạnh của Thor” khi để Jane sử dụng Mjolnir chỉ vì Thor thì thầm với món thần khí này là nó phải bảo vệ cả Jane trong Thor: Love and Thunder. Mjolnir không chỉ là thần khí, nó được MCU ban đầu giao trọng trách là bằng chứng Thor là một chiến binh cao quý, cũng như đại diện cho quá trình trưởng thành của Thor. Có thể Taika để Thor nhận ra anh không cần búa để trở nên xứng đáng, nhưng điều này đã không thành công khi Thor một lần nữa cần Mjolnir để sốc lại tinh thần trong Endgame, một chi tiết rất khiên cưỡng trong một tuyến truyện đã rất miễn cưỡng ngay từ đầu của Thor trong Endgame. Đây là hậu quả của việc nhân vật không có định hướng nhất định.

Taika có công vực dậy chất lượng cho các phim Thor, nhưng ông cũng bỏ quên những tuyến truyện trước đó của nhân vật. Không có một con đường nhất quán trong việc phát triển Thor khiến nhân vật này càng bị mâu thuẫn trong MCU. Các phần phim MCU đều do các đạo diễn khác nhau đảm nhận. Taika không tham gia Endgame Infinity War, và chúng ta được chứng kiến một Thor rất khác. Mất đi Loki, cộng thêm những thân như cha mẹ, cả hành tinh và một nửa dân tộc, nếu 2 tuyến truyện ở Thor The Dark World vẫn còn ý nghĩa, chúng ta đáng lẽ phải được chứng kiến một vị vua Thor mà nửa dân tộc còn lại của anh cần trong thời điểm đen tối như vậy trỗi dậy.

Fandom Wire
Fandom Wire

Điều đó đã không xảy ra khiến mọi người tự hỏi anh đã thực sự học được gì trong suốt từ đầu MCU đến giờ. Hóa ra mọi thứ Odin chuẩn bị cho anh đều vô ích và Loki đã đúng khi nhận xét Thor không có tố chất lãnh đạo. Chúng ta đều yêu thích Loki nhưng nếu nhận định của Thần Xảo Quyệt được ngầm chứng minh như thế này thì tuyến anh hùng từ đầu đến giờ của Thor đã trở nên vô nghĩa.

Hoàng hôn của các chư thần (Ragnarok) là một tuyến truyện rất bi tráng trong Marvel Comics. Nếu được chuyển thể một cách chân thật, có lẽ chúng ta đã có một Thor rất khác. Nhưng tính nghiêm túc của Thor trong 2 phần phim đã chứng tỏ nó không hiệu quả, nên việc thay đổi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Endgame là một tuyến truyện vốn cần sự nghiêm túc và có sẵn sự đau khổ rồi, nó không cần một Thor để tấu hài, mà cần một Thor từ đầu MCU đã thiết lập – mạnh mẽ trong những mất mát và vươn mình trong nghịch cảnh, có thể thêm một chút đen tối. Trên thực tế chúng ta đã có một Thor như vậy…trong chưa đầy 15 phút đầu của Endgame.

Ba phần phim vẫn liên quan đến nghi vấn liệu Thor đã sẵn sàng cho việc dẫn dắt Asgard vào thế giới hậu Odin? Và mục tiêu này nhanh chóng bị gạt qua bên lề bởi vài câu “tôi cần đi tìm tôi”. Đến phần phim mới nhất Thor: Tình Yêu Và Sấm Sét câu hỏi này cũng không được câu trả lời. Thor cần bao nhiêu phần phim chính phụ nữa để đi tìm anh ta chứ? Đã vậy, Thor: Tình Yêu Và Sấm Sét cũng không “tình” là mấy. Sau 4 phần phim, Thor không những không có một tuyến nhân vật ổn định và rõ ràng, mà còn không thể phát triển hơn nữa, mãi dậm chân làm cây hài của MCU. Nhưng vốn dĩ anh là một nhân vật vĩ đại cơ mà!

The Washington Post
The Washington Post

Thor giờ đây là một ông bố. Như vậy, coi như anh ta không nghĩ đến ngai vàng nữa? Nhưng như thế thì các tuyến truyện trước đây chẳng ý nghĩa gì nữa. Nói nôm na là Thor đi từ điểm A sang B với đường gãy khúc, đường cong và và không thể hạ cánh vững vàng với câu chuyện không thể thêm cho nhân vật của anh được sự sâu sắc hay hoàn thiện nào. Điều nên mong chờ lúc này là Thor: Tình Yêu Và Sấm Sét sẽ là phần phim độc lập cuối cùng của Thor. Anh ấy không cần đi tìm mình nữa đâu, tìm nữa chắc cũng chẳng tới đâu. Tốt nhất là nên để Thor xuất hiện trong các phần Avengers tiếp theo hoặc nếu có một phim solo nữa, nó nên đặt một mục tiêu có khả năng phát triển nhân vật trong tương lai.