[REVIEW] Thor: Tình Yêu Và Sấm Sét (Thor: Love And Thunder)
Phim Siêu Anh Hùng · Đánh giá phim · miduynph ·
Tấu hài là chính để cứu vớt kịch bản đơn giản!
Thor – vị thần Sấm hùng mạnh của Asgard, một trong những siêu anh hùng đầu tiên của MCU nhưng cũng đồng thời là một người hùng có số phận bi thảm nhất. Lần lượt qua các tập phim, anh mất đi cha mẹ, đồng đội, anh em cũng như thần dân của mình. Khi câu chuyện về những siêu anh hùng của thế hệ Avenger đầu tiên hầu đã đi đến hồi kết, Thor vẫn rong ruổi trong các chuyến phiêu lưu của mình. Và một câu chuyện mới về chàng Viking Không Gian được kể lại trong Thor: Tình Yêu Và Sấm Sét (Thor: Love and Thunder).
Trước khi ra mắt, thời lượng phim chỉ 1 giờ 59 phút khiến khá nhiều khán giả quan ngại về việc bộ phim quá ngắn để phát triển một cách trọn vẹn và thực tế đã chứng minh điều đó là chính xác. Đạo diễn Waika Tatiti trong vai Korg đóng vai trò là người kể chuyện, đã tiết chế đến mức tối đa các tình tiết để mạch phim có thể phát triển. Mọi thứ diễn bị buộc diễn ra quá nhanh, khiến cho các tuyến nhân vật chưa được phát triển một cách triệt để. Korg cứ kể và mọi người cứ phải lắng nghe, cái nhịp điệu ấy khiến cho các nhân vật cứ như thoáng qua, chưa có một sự phát triển tự nhiên, và người xem cũng khó có sự đồng cảm với họ.
Tựa đề Tình Yêu và Sấm Sét thể hiện rõ tinh thần của bộ phim. Marvel đã cố gắng đưa Jane trở lại, hoàn thiện phần tình yêu vốn dĩ đã bị bỏ quên trong hành trình của thần Sấm từ sau Thor: The Dark World như một sự bù đắp cho cuộc đời đã quá nhiều mất mát của Thor, tuy nhiên khi bộ phim phát triển quá nhanh và những đoạn hồi tưởng của cả hai cũng bị lướt qua gấp gáp khiến phần Tình Yêu của bộ phim có phần khá cụt.
Trong khi đó phần Sấm Sét của bộ phim rất tốt, kỹ xảo và sự sáng tạo của các trận đánh rất bắt mắt, hiệu ứng ánh sáng khi các vũ khí chạm nhau tạo sự tương phản tốt giữa chất đen tối của Necrosword và ánh sáng chói lóa của Stormbreaker, Mjolnir và Thunderbolt. Mjolnir khắc nhập/ khắc xuất đem đến sự linh hoạt hơn cho các trận chiến vốn dĩ khá đơn giản trong các phần phim trước khi Thor chỉ cần đập búa rồi xoay rìu.
Waika Taititi vẫn giữ chất dị trong cách kể chuyện của ông, tiếp nối từ sự thành công của Thor: Ragnarok, nhưng việc kịch bản có phần an toàn và nhiều tình tiết tấu hài mang nặng tính cá nhân của ông khiến các khán giả không hợp gu sẽ thấy tổng thể bộ phim khá là nhạt. Nhưng phần âm nhạc thì đáng được ghi nhận với những bản rock tuyệt vời, khiến cho các trận đánh trở nên hype rất nhiều, Sweet Child O' Mine mãi đỉnh.
Hầu hết các diễn viên chính đều ở mức tròn vai do đã quá quen thuộc với các nhân vật, thì sự xuất hiện của Christian Bale thật sự đem đến nhiều trải nghiệm thú vị. Tài năng và thần thái của Bale trong từng ánh mắt, giọng nói và biểu cảm cơ mặt khiến Gorr trở nên cực kì đen tối, cực kì ám ảnh. Từng có những luồng dư luận cho rằng tạo hình Gorr không giống với nguyên tác, tuy nhiên khi có sự thể hiện của một diễn viên quá đẳng cấp như Bale, việc đắp lên hàng tá CGI hóa trang là thừa thải.
Thor: Tình Yêu Và Sấm Sét (Thor: Love and Thunder) sẽ là bộ phim gây tranh cãi lớn cho cả khán giả và giới phê bình, khi phong cách của Taika vốn dĩ là dị và kịch bản bộ phim lại chọn hướng đi quá an toàn, dễ đoán. Nhưng có một vấn đề với Marvel Studio là Phase 4 của họ đang có vẻ trở nên rất rời rạc so với bức tranh lớn mà Infinity Saga đã đem đến cho khán giả. Khi kì vọng fan lên cao thì họ sẽ dễ thất vọng với những tác phẩm như Thor 4. Còn khi đặt dưới góc nhìn riêng lẻ, Thor: Tình Yêu Và Sấm Sét là một bộ phim giải trí vừa đủ.