Không có gì mà hai anh em Joel và Ethan Coen không thể làm được. Họ có thể khéo léo mang lại một câu chuyện báo thù đầy bạo lực, một bộ phim hài kịch vui vẻ hay kể cả những chuyến phiêu lưu đầy màu sắc âm nhạc. Họ có đôi mắt vô cùng nghệ thuật, thính giác của một người biết thưởng thức âm nhạc, yêu thích những sự kì quái và có một đôi tay vàng trong làng lựa chọn diễn viên. Sau đây là xếp hạng 18 bộ phim của anh em nhà Coen, từ tệ nhất đến hay nhất.
18. Intolerable Cruelty (2003)
Đâu một ai là hoàn hảo, và anh em nhà Coen cũng vậy. Có thể ta chưa thấy một bộ phim nào tệ hại thật sự trong danh sách những tác phẩm của họ, nhưng chắc chắn phải có những phim kém sắc hơn những phim còn lại, và Intolerable Cruelty thuộc vào phạm trù đó. Chuyện phim kể về một công tố viên kiêu căng vừa mới ly dị (George Clooney), phải lòng một người người vợ đầy mưu mô của khách hàng mình.
Mặc dù lời thoại trong phim có mang nét “tưng tửng” đặc trưng của hai người, dàn diễn viên tròn vai, những cú twist khá hay ở hồi ba của phim, nhưng phim lại không hòa hợp được những yếu tố đó, đơn giản vì thiếu sự liên kết giữa hai diễn viên chính. Tên luật sư ngốc nghếch mà Clooney hóa thân quá tự mãn để có thể trở thành một anh chàng si tình, làm bộ phim trông như một màn thử nghiệm cho thể loại hài-lãng mạn của hai anh em vậy. Nhưng mà, giống như xem một người chơi bóng rổ khởi động bằng mấy quả ném banh vậy, từ từ rồi cũng hay lên.
17. The Ladykillers (2004)
Anh em nhà Coen đã mang bối cảnh nước Anh của bộ phim heist (phim về đề tài những tên trộm hay những kế hoạch đánh cắp thứ gì đó của một nhóm người) cùng tên nổi tiếng năm 1955, về vùng phía nam nắng cháy da của Mississippi mà vẫn hợp lý vô cùng. Phim kể về cuộc đụng độ trớ trêu và hài hước của một nhóm những tên trộm, đứng đầu là một vị giáo sự chuyên nói giọng mũi Goldthwaite Higginson Dorr do Tom Hanks thủ vai, với bà lão tội nghiệp Irma Hall (Marva Munson) - một người sùng đạo có tâm hồn luôn hướng thiện.
Đây là một phiên bản "ngược" của Ocean Eleven, thay vì tập trung vào diễn biến của vụ cướp và trót lọt tới cuối cùng, thì vụ cướp ở phim diễn ra khá dễ dàng và nhanh gọn ban đầu mà tập trung những tình huống trớ trêu mà chúng lâm vào sau đó. Mặc dù vẫn mang đầy đủ các yếu tố làm nên tên tuổi của nhà Coen, nhưng đây là bản remake, và cũng không đặc sắc hay tiến bộ hơn bản gốc, nên phim chỉ nằm ở mức tạm được chứ không đọng lại được gì nhiều.
16. The Ballad Of Buster Scruggs (2018)
The Ballad Of Buster Scruggs là tuyển tập những phim ngắn về những câu chuyện ngụ ngôn miền viễn tây cổ điển được phát hành bởi Netflix. Nhà Coen đóng vai trò chính là sản xuất và là đạo diễn của tập đầu tiên cho loạt phim. Không có phim nào trong tuyển tập đó là tệ cả, có một vài tập hay hơn những tập còn lại, làm trải nghiệm khi xem có hơi không đồng bộ.
Đương nhiên là dàn diễn viên thì lúc nào cũng chất lượng, Tim Blake Nelson trong vai tên cao bồi Buster Scruggs, Tom Waits thủ vai một thợ săn vàng, Liam Neeson là một kẻ mua vui rong ruổi, Zoe Kazan với vai diễn một nhà du hành ngây thơ. Có lẽ điều hay nhất của phim này là cách những nhân vật ngước nhìn lên bầu trời xanh, suy nghĩ tươi sáng về cái chết của mình, ai cũng có một ảo tưởng riêng của họ và hài lòng về điều đó, vì họ biết sớm muộn gì họ cũng sẽ từ giã cõi đời này.
15. O Brother, Where Are Thou? (2000)
Bộ phim nhóm lại ngọn lửa đam mê nhạc đồng quê bluegrass (kết hợp giữa nhạc bản địa người Scotland-Irish Appalachia, nhạc blue và nhạc jazz) của nhiều người, kết hợp cùng một câu chuyện hài hước mang màu sắc thần tiên.
Dựa theo bài thơ The Odyssey của nhà thơ Hy Lạp cổ Homer, phim kết hợp với những truyền thuyết mang đậm tinh thần của miền nam nước Mỹ, theo chân 3 tên tội phạm kì lạ Ulysses Everett McGill (George Clooney), Pete Hogwallop (John Turturro) và Delmar O’Donnell (Tim Blake Nelson), gặp gỡ những điều kỳ quái trong suốt chuyến tẩu thoát đầy gian nan của họ. Sự “tưng tửng” của bộ ba khiến khán giả nơm nớp lo sợ cho họ suốt cả bộ phim, đồng thời hào hứng không biết họ sẽ đối mặt với điều gì.
Thế nhưng chính nhà soạn nhạc T Bone Burnett (Soạn nhạc và thu âm cho những bài nhạc trong phim) cùng với đạo diễn hình ảnh Roger Deakin (Người đã dùng kỹ thuật hình ảnh hiện đại để mang tới cho bộ phim một sắc nâu vàng cổ điển, cũ kỹ) mới chính là người thổi hồn cho bộ phim. Dĩ nhiên nhà Coen vẫn là vai trò chính ở đây, nhưng suy cho cùng, hai yếu tố kể trên mới đem tới cho bộ phim một sự thành công nhất định.
14. True Grit (2010)
Định mệnh của hai anh em nhà Coen là phải làm phim về miền viễn Tây. Họ có hứng thú với đề tài này từ khi thực hiện No Country For Old Men và Raising Arizona, nên cũng hợp lý khi họ lại tiếp tục “lên yên ngựa” và thực hiện một bộ phim dựa trên tác phẩm True Grit của nhà văn Charles Portis, mà trước đó đã được chuyển thể vào năm 1969 và giúp John Wayne thắng một giải Oscar.
Phim thay thế vai diễn huyền thoại của John Wayne bằng “The Dude” Jeff Bridges, báo hiệu một bộ phim cao bồi mang nét đặc trưng của hai vị đạo diễn này, chứa đầy những câu đùa đen tối, và sự u uất sâu thẳm trong mỗi con người. Cùng với màn trình diễn duyên dáng của Matt Damon và ngôi sao mới nổi Hailee Steinfeld, bộ phim đã đem cho chúng ta những trải nghiệm về miền tây hoang dã xưa cũ, cũng như những màn đấu súng căng thẳng là thứ sẽ giữ chân bạn lại ghế ngồi.
13. The Man Who Wasn’t There
Khán giả khó mà thấy cuộc phiêu lưu của một anh thợ cắt tóc thì có gì thú vị. Thế nhưng trong The Man Who Wasn’t There, Billy Bob Thornton còn mang đến nhiều hơn vậy khi đem sự nét diễn đa chiều vào một anh thợ cắt tóc nghiện thuốc.
Được quay dưới dạng trắng đen, phim là tác phẩm thuộc thể loại noir kiểu cũ và có phần hơi kì dị. Cùng với chủ đề mang hơi hướm siêu thực, sử dụng một số yếu tố trong bộ phim Double Indemnity, và kết thúc bằng việc liên quan tới UFO, phim có thể có tiết tấu hơi chậm và kỳ cục với một số người. Nhưng cũng như những tác phẩm khác của hai anh em, phim có nhiều tầng lớp ý nghĩa, lật mở từ từ qua nhiều lần xem đi xem lại.
12. Inside Llewyn Davis (2013)
Nếu không muốn nhìn một chú mèo mướp gặp nguy hiểm và ghét phải nghe nhạc Bob Dylan thời kỳ đầu, thì đây không phải là bộ phim dành cho bạn. Phim mở ra nhiều khía cạnh làm nhạc của một nghệ sĩ, từ những thất bại cho tới những điều làm cảm hứng để họ sáng tác, tất cả được khám phá qua những thăng âm trầm bổng, tha thiết mà bộ đôi đạo diễn truyền đạt qua bộ phim. Oscar Isaac có màn trình diễn nổi bật trong vai một ca sĩ hát dạo mang tên Llewyn Davis (Lấy cảm hứng từ Dave Van Rock) rong ruổi trên một hành trình đầy mê hoặc qua những con đường phủ tuyết của New York. Nhân vật Llewyn ghét người lạ, nhưng từ từ thân quen với họ, rồi lại tiếp tục bị chối bỏ bởi mọi người. Những bản nhạc ballad mê đắm lòng người kết hợp với không khí ảm đạm càng khiến phim mê hoặc khán giả hơn.
11. Burn After Reading (2008)
Bộ phim tiếp theo của nhà Coen sau No Country For Old Men chuyển 180 độ từ thể loại tâm lý giật gân sang hài hước. Burn After Reading ngớ ngẩn và sâu cay, kể về một vòng xoáy chính trị được nổ ra liên quan tới một McGuffin (một vật trong sách hoặc phim ảnh, dùng để kích hoạt những tình tiết quan trọng, bước ngoặt thật sự trong phim) - chiếc CD chứa bí mật chính phủ. Tập hợp dàn diễn viên có thực lực, nổi bật là Brad Pitt, Tilda Swinton, John Malkovich và Frances McDormand cùng với George Clooney, tất cả hòa hợp trong một thế giới đầy đảo điên, máu đổ khắp mọi nơi cùng với nhiều tình huống trớ trêu diễn ra chỉ trong thành phố Washington DC.
10. Blood Simple (1984)
Lời thoại buồn cười, một chút yếu tố từ phim noir, những cú bẻ ngoặt không ai ngờ tới trong kịch bản, bạo lực diễn ra thường xuyên, và tất nhiên là Frances McDormand - đó là những yếu tố của bộ phim đầu tay Blood Simple mà sau này trở nên không thể thiếu trong sự nghiệp đạo diễn của hai anh em Coen.
Hiếm khi nào mà một tác phẩm đầu tay lại có được sự tự tin như vậy, kỳ diệu thay chính tác phẩm này đã định hình thế giới quan của hai vị đạo diễn của chúng ta, mà họ sẽ đem nó vào những tác phẩm tuyệt vời khác sau này. Chuyện kể về một ông chủ quán bar (Dan Hedaya) thuê một thám tử giết vợ mình (McDormand) và người tình cô ta (John Getz). Từ đây, mọi chuyện bắt đầu xoay như chong chóng và mất kiểm soát, chắc chắn là sẽ không kết thúc một cách êm đẹp. Một sự hoàn hảo, thu hút hiếm có từ thể loại phim chính kịch giật gân, nhất là với những tác phẩm đầu tay như vậy.
9. Hail, Caesar!
Ngụy trang dưới lớp vỏ của một bộ phim về truy tìm thủ phạm pha chút điên điên của hai anh em. Khán giả có thể coi đây là một phiên bản cải tiến của phim Barton Fink (cũng do hai anh em đạo diễn), nhưng mà ở thời điểm 25 năm sau đó.
Thời điểm này, anh em nhà Coen đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, hợp tác với rất nhiều ngôi sao lớn, các studio đình đám, và những biên kịch xuất chúng. Hail, Caesar! kể về Eddie Mannix (Josh Brolin) trong công cuộc tìm kiếm một diễn viên hạng A - Baird Whitlock (George Clooney) bị bắt cóc một cách bí ẩn trong quá trình quay vở diễn Hail, Caesar! Kéo theo hàng loạt âm mưu đằng sau đó. Tuy chỉ là cuộc dạo chơi của hai đạo diễn, nhưng họ đã làm rất tốt trong việc đem lại không khí của một Hollywood thời kỳ năm 1950. Nếu bạn tò mò về những bí mật phía sau tấm màn nhung và thích thú với lối kể chuyện của nhà Coen, thì đây chính là bộ phim dành cho bạn.
8. A Serious Man (2009)
Một hướng đi khác biệt của thể loại mà hai anh em thường làm - A Serious Man, một câu chuyện vô cùng cá nhân về giáo sư vật lý người Do Thái (Michael Stuhlbarg), bị vây quanh bởi hàng loạt những vấn đề cá nhân, cho tới những khủng hoảng tuổi trung niên của mình vào thập niên 60 tại một vùng ngoại ô phía trung tây. Một loạt các biến cố xảy ra với ông, người vợ bên cạnh bấy lâu rời bỏ mình, rồi bị tống tiền bởi học sinh... A Serious Man là một miêu tả hoàn hảo về cuộc đời của một người Do Thái hậu chiến tranh. Một góc nhìn mới lạ về đề tài tôn giáo, đức tin mà khán giả sẽ thích thú khi xem.
7. Barton Fink (1991)
Bối cảnh phim diễn ra tại một khách sạn rùng rợn, John Goodman trong vai một tên sát nhân hàng loạt, cùng vai diễn được đo ni đóng giày cho John Turturro - Barton Fink, một nhà văn lần đầu đảm nhận công việc viết kịch bản cho phim Hollywood, nhưng lại gặp vấn đề về ý tưởng. Một bộ phim tri ân tới thời kỳ vàng son của Hollywood, pha trộn với nét đẹp siêu thực của trường phái nghệ thuật Art Deco (trường phái nghệ thuật có bắt nguồn từ Paris, kết hợp phong cách hiện đại với các công trình kiến trúc mang nét Hy Lạp, Viễn Đông, văn hóa Châu Phi, người Maya và Aztec cổ đại), kết hợp với một kịch bản đầy chiều sâu về đề tài truy tìm hung thủ, tạo nên một tác phẩm đầy hấp dẫn và kỳ bí từ nhà Coen.
6. The Big Lebowski (1998)
Kể từ lúc ra mắt, The Big Lebowski dần nổi tiếng một cách chóng mặt, từ một phim có đánh giá không cao và doanh thu kém ở phòng vé, trở thành một hiện tượng của dòng phim cult kinh điển. Chuyện phim được lấy cảm hứng từ những tác phẩm noir của nhà văn Raymond Chandler. Nhà Coen sử dụng lối kể chuyện đầy logic của tác phẩm đó nhưng lại không để điều đó làm giảm sự hài hước cho phim của họ, tạo ra một bộ phim đầy những nút thắt, có giá trị xem lại cực nhiều. Ngoài ra, phim còn được nhớ đến với những câu thoại đi vào lịch sử, cùng với những khoảnh khắc hài hước trớ trêu nhưng vô cùng duyên dáng mà chỉ có nhà Coen mới đem lại được cho người xem.
5. The Hudsucker Proxy (1994)
Sự nghi ngờ, sợ hãi và lòng căm phẫn với cuộc đời là những thử thách mà hầu hết nhân vật trong phim nhà Coen gặp phải. Nhiều lúc, họ không thể vượt qua được. Nhưng The Hudsucker Proxy thì khác, một bộ phim tỏa sáng với niềm tin hy vọng. Kết hợp giữa bối cảnh gothic, những câu chuyện đầy tính khích lệ và màn trình diễn xuất sắc của Tim Robbin, tạo thành một câu chuyện thần tiên về một giấc mơ Mỹ. Đồng biên kịch với người bạn của họ - Sam Raimi, phim là một thử thách thật sự cho hai anh em để làm sao họ có thể đưa được hết tất cả những điều tưởng tượng và lố bịch vào trong một câu chuyện phim mạch lạc như vậy được.
4. No Country For Old Men (2007)
Như một tiếng nổ từ họng súng của Anton Chigurh, No Country For Old Men từ đâu xuất hiện. Năm 2007, sau hai bộ phim tàm tạm Intolerable Cruelty và The Ladykiller, có vẻ như nhà Coen đang đuối sức, chìm vào thời kỳ níu kéo hào quang như bao người khác. Bộ phim thể loại viễn tây mới này có sự góp mặt của Josh Brolin lại thay đổi suy nghĩ đó của chúng ta.
Chuyển thể từ bộ tiểu thuyết tàn bạo, giật gân cùng tên của Cormac McCarthy, hai anh em đã tạo ra một tác phẩm kinh hoàng và hồi hộp nhất mà khán giả từng xem. Tung đồng xu, xe lật và kiểu tóc dị hợm của Javier Bardem là những dấu ấn đáng nhớ nhất của văn hóa đại chúng cho tới thời điểm hiện tại, sinh ra vô số phim nhái lại và những câu đùa trên mạng. Sự đe dọa của bầu không khí chết chóc đó cộng hưởng với phần hình ảnh u ám của Roger Deakin khiến chúng ta khó lòng mà quên được. Nó đáng sợ và hiện hữu như cách mà Anton đang tìm tới nhà từng nạn nhân vậy.
3. Miller’s Crossing (1990)
Có rất nhiều hình ảnh đáng nhớ trong phim: khu rừng, những tán lá, chiếc mũ, súng tommy, khăn choàng, râu ria nhẵn nhụi và những cánh tay giơ lên đầu để tự vệ. Bằng những khung cảnh gợi hình đó, Miller’s Crossing đã vẽ nên một bức tranh hoa mỹ về chủ đề gangster, đây cũng là bộ phim sau cùng mà hai anh em cộng tác với đạo diễn hình ảnh Barry Sonnenfeld trước khi ông rời đi để thực hiện The Addams Family.
Một thứ còn tuyệt vời hơn hình ảnh là phần thoại của phim. Gabriel Byrne trong vai Tom Reagan, sử dụng ngôn từ như một thứ vũ khí và công cụ vậy, chơi đùa với nhiều phe phái xã hội đen trong thành phố, khiến thành phố dần chìm vào hỗn loạn. Miller’s Crossing là một bằng chứng cho khả năng viết kịch bản thông minh, pha trộn nhiều yếu tố phức tạp, pha trộn với dàn nhân vật đầy bí ẩn của hai anh em, khiến khán giả không biết phải tin nhân vật nào.
2. Raising Arizona (1987)
“Đêm đó, tôi mơ rằng…” là câu nói của đoạn kết Raising Arizona, dấy lên một câu hỏi triết lý sâu thẳm: Điều gì xảy ra nếu chúng ta còn một bản thể, sống một cuộc sống hoàn toàn khác biệt? Là phim thứ hai vừa sau Blood Simples, sẽ thật là dễ dàng nếu họ tiếp tục đào sâu vào thế giới u ám của thể loại noir mà họ đã làm trước đó.
Thay vào đó, họ đem cho khán giả một bộ phim hài hước, tươi sáng với những phân đoạn rượt đuổi hoạt hình, lời thoại đậm chất vùng quê, còn phải kể đến một nhân vật có cái tên kỳ lạ nữa - The Lone Biker of the Apocalypse, ấy vậy mà lại hòa hợp được với nhau một cách kinh ngạc. Có thể phim thành công nhờ vào sự mùi mẫn và ăn ý của hai diễn viên Nicolas Cage và Holly Hunter, cặp đôi có mối quan hệ tươi sáng và tích cực nhất trong tất cả các phim của hai anh em. Ngắm nhìn Hi và Ed cùng nhau nuôi nấng đứa bé mà họ bắt cóc dần khiến người xem muốn trở thành một phần của gia đình kỳ lạ này. Như một giấc mơ mà bạn không bao giờ muốn tỉnh dậy.
1. Fargo (1996)
Tốt xấu lẫn lộn, máu đổ đầu rơi, như mọi phim khác của anh em Coen, phim bắt đầu bằng một khung cảnh trắng xóa tuyết rơi cùng một quyết định ngu ngốc: Jerry Lundegaard (William H.Macy) thuê hai sát thủ, Carl (Steve Buscemi) và Gaear (Peter Stormare) bắt cóc vợ mình. Cảnh sát trưởng Marge Gunderson (Frances McDormand) theo đuổi vụ án, tất cả cuốn vào một mớ hỗn độn mà không ai biết làm sao để mọi chuyện lại đi xa tới nhường này.
Bản truyền hình của FX có thể làm khán giả quên đi vẻ đẹp đơn giản mà Fargo từng mang lại. Những chi tiết giả tưởng được lật mở qua những bài phỏng vấn thật (Dựa trên vụ án có thật, nhưng những nhân vật và tình tiết đều được phóng tác và làm khác đi) và nhìn sâu hơn vào tâm can của con người hơn bất kỳ bộ phim nào của nhà Coen. Kết hợp với Carter Burwell soạn nhạc cho phim, pha trộn những bản nhạc guitar và nét hoang dã của miền trung tây, nên không lạ gì nếu nói Fargo là một bộ phim hoàn hảo, trường tồn với thời gian.
Nguồn: Thrillist