Đế chế hùng mạnh Walt Disney và tác phẩm minh chứng cho giấc mơ thành hiện thực tại “vùng đất hứa Disneyland”

Góc Nghệ Thuật · SarahTran ·

Tuy phim chưa được ra mắt nhưng qua trailer khán giả có thể thấy hình ảnh và hiệu ứng của phim vô cùng ấn tượng. Đây được xem là một trong những phim có hình ảnh đẹp nhất và sẽ là cú hit lớn trong năm 2018.

Từ một xưởng ảnh động nhỏ được thành lập vào năm 1923, Walt Disney đã dần dần phát triển và trở thành studio lớn nhất Hollywood. Quả thật không ngoa khi gọi Walt Disney là “đế chế”, chứ không đơn thuần là một studio nữa. Bởi tập đoàn này hiện tại đang sở hữu khối tài sản khổng lồ và nội dung phong phú, sản xuất và phát hành hàng tá phim bom tấn và chiến thắng hàng loạt giải Oscar. Hơn thế nữa, Disney còn góp phần tạo ra các cuộc cách mạng tại thế giới Hollywood vốn đã tồn tại quá nhiều điều bất công.

Thống lĩnh doanh thu toàn cầu trong 2 năm trở lại đây bằng các phim bom tấn

Nếu nhìn vào bảng xếp hạng 10 phim bom tấn có doanh thu cao nhất năm 2016 và 2017 thì có thể thấy, trong 2 năm vừa qua, trong số 10 phim đã có tới 5 phim là của Walt Disney. Năm 2016, Captain America: Civil War đã vượt mặt Rogue One: A Star Wars Story ($1,056.1 triệu) trở thành phim có doanh thu khủng nhất trên thế giới với $1,153.3 triệu. 3 bom tấn còn lại của Disney cũng lần lượt chễm chệ ở vị trí thứ 3, 4, 5 là Finding Dory ($1,028.6 triệu), Zootopia ($1,023.8 triệu) và The Jungle Book ($966.6 triệu). Đây mới chỉ là những bom tấn nằm trong top 10, chưa kể những phim khác cũng có doanh thu khá cao như Doctor Strange ($677.7 triệu) và Moana ($643.3 triệu).

Năm 2017 chỉ có 4 phim của Disney nằm trong danh sách 10 phim có doanh thu cao nhất toàn cầu là Star Wars: The Last Jedi ở vị trí quán quân với $1,329.4 triệu, tiếp đến là Beauty and the Beast với $1,263.5. Guardians of the Galaxy Vol. 2 ($863.8 triệu) và Thor: Ragnarok ($853.6 triệu) lần lượt đứng ở vị trí thứ 8 và 9. Tuy vậy, Disney vẫn còn thu được một khoản lợi nhuận khổng lồ từ Spider-Man: Homecoming – bộ phim của Sony Pictures có sự tham gia sản xuất của Marvel Studios – công ty con của Disney. Mặc dù tiền bán vé về tay của Sony nhưng Disney vẫn được chia lợi nhuận từ các sản phẩm thương mại ăn theo franchise này như đồ chơi, phụ kiện và game.

2017 còn là một năm thắng đậm đối với Disney khi thu mua được 20th Century Fox, đồng nghĩa với việc hàng tá thương hiệu nổi tiếng như X-Men, Avatar, Deadpool, Ice Age, Planet of Apes, các phim Star Wars đầu tiên và các series ăn khách như The Simpsons, Homeland, This Is UsModern Family sẽ về Nhà Chuột. Bên cạnh đó, Disney còn lấy được các kênh FX, National Geographic, 22 kênh truyền hình cáp liên quan đến thể thao và 30% cổ phần của Fox trong Hulu – đơn vị phát hành phim trực tuyến đang phát triển mạnh gần đây, tạo điều kiện cho Disney cạnh tranh với Netflix và Amazon.

Tất cả những điều này cho thấy, đúng như lời của chuyên gia Steven Cahall của RBC Capital Markets viết “Disney từ một người khổng lồ đầy quyền lực biến thành một siêu khổng lồ đầy quyền lực”.

“Một mình một ngựa” cân cả thế giới ở lĩnh vực phim hoạt hình

Không chỉ thống trị phòng vé thế giới với các phim bom tấn hạng nặng, Disney còn đơn phương độc mã thách thức cả thế giới trong cuộc đua Oscar ở hãng mục Phim hoạt hình hay nhất. 5 năm qua, tượng vàng Oscar ở hạng mục này đều liên tiếp thuộc về 5 phim hoạt hình của Disney: Brave (2013), Frozen (2014), Big Hero 6 (2015), Inside Out (2016)Zootopia (2017). Đến nỗi khán giả và giới phê bình không còn ngạc nhiên gì khi những cái tên này được xướng lên trong các đêm trao giải. Và mới đây nhất, Coco dễ dàng đem về thêm một tượng vàng Oscar nữa cho Disney.

Năm 2017 vừa qua cũng có khá nhiều phim hoạt hình xuất sắc từ các hãng phim khác như Mary and the Witch’s Flower của hãng Ponoc, The Breadwinner của Cartoon Saloon, Loving Vincent của Breakthru Films và Trademark Films, The LEGO Batman Movie của Warner Bros., Ferdinand của Blue Sky Studio hợp tác sản xuất với 20th Century Fox và Davis Entertainment, hay Despicable Me 3 của Illumination Entertainment và Universal Pictures… Tuy nhiên, những phim hoạt hình này lại không tạo được tiếng vang và ít được khán giả đại chúng trên toàn thế giới biết đến như Coco. Bởi khi nhắc đến phim hoạt hình, người ta luôn nghĩ đến Walt Disney đầu tiên. Ra đời từ năm 1923 và ăn nên làm ra nhờ phim hoạt hình và các sản phẩm ăn theo các nhân vật nổi tiếng như chuột Mickey hay vịt Donald, phim hoạt hình đã trở thành “món đặc sản” của Disney. Dù hay dù dở thì các phim do Disney làm ra vẫn có được lượng fan trung thành đông đảo có sẵn và lòng tin ở khán giả. Việc Coco giành được tượng vàng trong đêm trao giải Oscar là lần thứ 2 Disney lập cú đúp chiến thắng Quả Cầu Vàng lẫn Oscar sau Zootopia, bởi Coco đã đánh bại Loving Vincent để giành được giải Phim hoạt hình hay nhất trong đêm trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 75 vừa qua.

Góp phần tạo ra cuộc cách mạng về sắc tộc và văn hóa tại Hollywood

Thế giới Hollywood từ lâu đã luôn đầy rẫy những bất công liên quan đến sắc tộc và giới tính, và dĩ nhiên Walt Disney cũng đã mắc phải khá nhiều sai lầm liên quan đến vấn đề này. Điển hình là phim hoạt hình Aladdin với hai nhân vật chính là công chúa Jasmine và Aladdin là người Ả Rập nhưng lại có những đường nét giống với người Mỹ. Hay như vụ việc chọn diễn viên để hóa thân thành các nhân vật này cho phiên bản live action không phải là người Ả Rập giống với bản nguyên tác mà chỉ là người Anh - Ấn, Ấn Độ. Điều khó hiểu hơn là, có thông tin còn cho rằng phiên bản live action của Aladdin còn có thêm một nhân vật mới là hoàng tử người da trắng. Việc làm này càng thể hiện rõ bản tính phân biệt chủng tộc của các nhà làm phim Mỹ.

Tuy vậy, Disney cũng góp phần không nhỏ vào công cuộc tạo ra bình đẳng giới và sắc tộc tại Hollywood. Từ lâu, các nàng công chúa của Disney không còn là người Mỹ da trắng, chờ đợi hoàng tử đến cứu mà ngày càng trở nên độc lập và đa sắc tộc, như Pocahontas, Elsa hay Moana. Disney cũng đi tiên phong trong phong trào xóa bỏ nạn “tẩy trắng” bằng cách chọn nữ diễn viên Lưu Diệc Phi vào vai Hoa Mộc Lan trong dự án chuyển thể Mulan thành phiên bản live action lên màn ảnh rộng. Không chỉ dừng lại ở đó, Disney còn giúp cho phong trào này ngày càng lớn mạnh hơn bằng bộ phim A Wrinkle In Time sắp tới.

A Wrinkle in Time – Giấc mơ thành hiện thực của nhà sản xuất Catherine Hand

A Wrinkle in Time là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Madeline L’Engle được xuất bản vào năm 1963. Phim kể về cô bé Meg Murry (Storm Reid) và anh trai Charles Wallace du hành thời gian để tìm người bố Alexander Murray (Chris Pine) – nhà khoa học nghiên cứu những bí ẩn của vũ trụ bị mất tích. Hai anh em được sự giúp đỡ của 3 bà tiên là Bà Which (Oprah Winfrey), Bà Who (Mindy Kaling) và Bà Whatsit (Reese Witherspoon) để chinh phục các chiều không gian và cứu lấy tiến sĩ Murry thoát khỏi bóng tối sâu thẳm.

Mặc dù nội dung của A Wrinkle in Time là dành cho thiếu nhi nhưng lại chứa đựng thông điệp sâu sắc và ý nghĩa về gia đình và hành trình khám phá sức mạnh của bản thân mỗi người. Hơn thế nữa, dưới sự cầm trịch của đội ngũ nhà sản xuất đến từ Nhà Chuột, chắc chắn bộ phim sẽ thừa sức hấp dẫn đối với cả người lớn. Tuy phim chưa được ra mắt nhưng qua trailer khán giả có thể thấy hình ảnh và hiệu ứng của phim vô cùng ấn tượng. Đây được xem là một trong những phim có hình ảnh đẹp nhất và sẽ là cú hit lớn trong năm 2018.

A Wrinkle in Time là tác phẩm có kinh phí lớn thứ 2 ($100 triệu) sau Wonder Woman do một nữ đạo diễn đảm nhận. Ava Duvernay – đạo diễn của phim, là nữ đạo diễn gốc Phi đầu tiên được thực hiện dự án có kinh phí cao như thế này. Bên cạnh đó, dàn diễn viên chính trong phim có sự tham gia của khá nhiều người da màu, điều này khác hẳn so với các phim điện ảnh trước đó của Disney (ngoại trừ Black Panther mới được ra mắt gần đây). A Wrinkle in Time còn là minh chứng cho “giấc mơ thành hiện thực” tại vùng đất hứa Disneyland, bởi nhà sản xuất đứng sau dự án này – Catherine Hand, là người đã ấp ủ mong ước A Wrinkle in Time được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh ngay từ lúc bà chỉ mới là đứa trẻ 10 tuổi.

Năm 1963, sau khi đọc xong quyển sách A Wrinkle In Time, Catherine đã có ý định gửi bức thư đến Walt Disney với mong muốn tác phẩm này được chuyển thể thành phim, thế nhưng cuối cùng Catherine lại bỏ ý định đó qua một bên và 3 năm sau thì Walt Disney qua đời vì ung thư phổi. 54 năm sau, cuối cùng thì giấc mơ của Catherine đã trở thành hiện thực sau nhiều trắc trở. A Wrinkle in Time đã từng được chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 2003 trên một nhà đài của Canada, nhưng không gây được nhiều chú ý và thất bại. Tác phẩm này gần như đã bị bỏ xó, cho đến khi phó chủ tịch Tendo Nagenda của Disney quyết định trao thêm cho nó một cơ hội vào năm 2013.

Với đội ngũ sản xuất đầy tài năng (biên kịch Jennifer Lee là người đã chấp bút cho kịch bản của Frozen) và dàn diễn viên sáng giá, cùng với tâm huyết và nỗ lực của nhà sản xuất Catherine Hand, A Wrinkle in Time chắc chắn sẽ là một trong những bộ phim đáng mong đợi nhất trong năm 2018. Hãy cùng chờ đợi xem tác phẩm được xem là thế hệ tiếp theo của The Wizard of Oz này sẽ mang lại chiến thắng gì cho Disney trong thời gian tới.

Phim sẽ ra rạp vào ngày 09.03.2018.