hoanghunghtv
hoanghunghtv

Hoàng Hưng

Biên tập tại HTV

Hoạt động gần đây

hoanghunghtv hoanghunghtv đã đánh giá 6 cho Joker (2019)

Joker là phản diện nổi tiếng nhất của DC Comics bởi y là đối thủ nguy hiểm nhất của Batman. Nếu nhân vật Batman bắt đầu nổi tiếng trở lại với phần phim Batman Begin thì phim Joker 2019 này có thể được xem là một dạng của Joker Begin.

Chỉ mất 5 phút xem phim là tôi đã lờ mờ thấy được Oscar nam chính của năm nay khó thoát khỏi tay Joaquin Phoenix. Nếu Joker huyền thoại của Heath Ledger nổi tiếng với nụ cười man rợ khó lí giải thì Joker phiên bản 2019 của Joaquin lạj ám ảnh người xem bởi nụ cười đẫm lệ.

Bạn sẽ dễ thấy kiểu nụ cười quái gở đó bởi nó xuất hiện rải rác trong phim, dưới nhiều hình dạng nhưng hay nhất là người ta có thể cảm nhận được Joker đang khóc dù y không đổ một giọt nước mắt nào trên màn ảnh. Đó là giọt lệ vô hình ngay cảnh đầu tiên Joker cố banh miệng mình ra để tạo ra một nụ cười thằng hề, nhưng y kéo môi lên quá cao và nó vô tình biến cái vệt dài trang điểm trên mặt trông như một giọt lệ... Đó có thể là những giọt nước sâu thẳm bên trong của Joker mỗi khi y phát ra tiếng cười kì quái khi bị căng thẳng, khi bị uy hiếm, một triệu chứng kì lạ được miêu tả trong phim về nhân vật này khi y bị khó biểu đạt cảm xúc, y chỉ có thể cười trong khi lòng dạ đang rối bời hoặc chìm sâu đâu đó trong nỗi thất vọng...

Biểu cảm vô cùng phức tạp khó có thể xuất hiện nếu vai này không được giao cho Joaquin Phoenix, người thậm chí đã làm tôi thấy được biểu cảm thứ ba của nhân vật Joker khi tràng cười quái gở đó kết thúc. Khi đôi môi được vẽ nghuệ ngoạc đó im bặt, thì người ta có thể thấy loáng thoáng đàng sau đôi mắt ấy là một con quái vật chỉ chực chờ được thoát ra... Cho nên xem phim thấy thương Joker đó nhưng cứ như không thể không thôi cảnh giác bởi y cứ thấp thoáng đáng thương nhưng rồi lại có gì đó rất nguy hiểm, biến tướng theo cảm xúc lên xuống bất thường của tâm trí điên loạn... Và cứ như thế, kẻ thù lớn nhất của Batman được tạo ra, vươn lên thành một biểu tượng của thành phố Gotham vốn đã rất hỗn loạn...

Hóa trang cũng là một điểm sáng của phần phim này, bởi chỉ với một gương mặt chú hề quen thuộc, bằng góc quay, ánh sáng và biểu hiện tuyệt vời của Joaquin, người ta dường như có thể thấy được mỗi giai đoạn phát triển của nhân vật Joker thông qua từng gương mặt hề mà y vẽ lên mặt. Khởi đầu bằng nỗi thống khổ, bi thương ở gương mặt đầu tiên, tiến dần đến hoang mang và lần đầu nếm được vị của tội ác ở chiếc mặt nạ thứ hai, chạm ngưỡng của cái ác ở gương mặt thứ ba, và ở phiên bản thứ tư gần như là hoàn thiện của ác nhân số 1 của thế giới DC comics. Điểm hay nhất là ở chiếc mặt thứ ba chỉ với một lớp phấn trắng vừa trét vội lên mặt, bằng thân hình gầy guộc với điệu bộ kì quái và đặc biệt là đôi mắt của ác quỷ, Joker vẫn có thể khiến bạn lạnh sống lưng với chỉ một ánh nhìn.

Khen diễn xuất Joaquin Phoenix bây giờ có vẻ quá là quá thừa, chỉ tiếc, đó cũng là điểm sáng duy nhất của phim này. Đạo diễn Todd Phillips có lẽ đã quá mê mẩn trong việc khắc họa chứng điên loạn của Joker nên ông tạo ra một mạch phim lề mề, dằn vặt mà nói một cách bình dân là khá buồn ngủ đối với khán giả không phải fan, không biết nhiều về nhân vật này. Joker 2019 là phim kể về sự hình thành của một con quái vật, không có cảnh hành động nào ngoạn mục, có chăng nó là cuộc đấu tranh dữ dội về nội tâm, là thông điệp ngầm về bất bình đẳng xã hội nhưng nó chưa đủ xuất sắc như lời ca tụng của cộng đồng fan và đội ngũ marketing.

Phim thật sự thỏa mãn fan về mặt hình ảnh, còn nội dung và mạch phim khó làm người ta cảm thấy như bùng nổ được. Tóm lại, nếu không phải fan ruột của nhân vật này thì bạn đừng nên đi xem.

Xem xong phim này thì cái tôi thắc mắc nhất chính là việc một bộ phim có khá nhiều thông điệp, nhiều điểm nhấn, nói chung là có rất nhiều cái để khoe mà lại làm ra một cái trailer dở như vậy?

Nếu không phải thích phim trước của ekip là Nhắm mắt thấy mùa hè, chưa chắc tôi đã xem phim này. Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi là bộ phim về những người trẻ, có nội dung rất trẻ, cách kể chuyện rất trẻ và đó là một giai đoạn tuổi trẻ rất mông lung và chênh vênh...

Phim là một chuyến hành trình kì diệu giữa Vĩnh Tâm - một chàng ca sĩ tự do vừa thất bại với album nhạc thứ ba, đồng hành với Giang Thanh - một cô gái chạy Grab bike cực kì cá tính và duyên dáng. Họ gặp nhau ở một cuốc xe sớm, một món đồ thất lạc đã tạo nhân duyên cho 2 cá tính rất duyên mà cũng rất dở hơi gặp nhau và trải qua một hành trình 25 giờ lạ kì, không nhạt nhưng cũng không quá lãng mạn, không mặn nồng nhưng cũng chẳng hời hợt, dở dở ương ương như chính tuổi trẻ một thời của chúng ta...

Đây là phim về tuổi trẻ mà tôi cho rằng đã thể hiện đúng cái chất "khùng khùng" mà rất thật của tuổi trẻ.

Thường khi nói về tuổi trẻ, các nhà làm phim Việt Nam trước hay có thói quen đào bới 2 giai đoạn: một là thời học sinh, hai là thời sinh viên mà ở vế thứ hai, người ta làm phim về tuổi trẻ theo kiểu dạy đời, răn đe về những tệ nạn, những lầm lỡ trong đời sống và thường nội dung phản ánh rất nặng nề. Người trẻ ở phim này lại khác

Đó là cái tuổi trẻ hoang mang giữa việc chọn học theo định hướng của gia đình hay lao đầu vào con đường đam mê, là cái tuổi trẻ ngây ngất của chốn phồn vinh thị thành để rồi sau đó vỡ mộng và hờn dỗi nơi chốn mình từng yêu thương, một giai đoạn trẻ trung thích triết lý những điều cao xa về sự sống và cái chết nhưng không có đủ can đảm để gọi điện về cho mẹ mình trong những lúc thất bại... Đó là cái tuổi trẻ mà thế hệ chúng tôi đã trải qua, có hoài bão mà cũng có bất lực, nó không phải là cái tuổi trẻ mà các phim giáo điều ngày trước hay miêu tả chỉ có học hành, tệ nạn, bầu bì các kiểu v.v... như mấy ekip già đời ngày xưa hay nhìn về tuổi trẻ theo cái nhìn phiến diện của họ.

"Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" không nói nhiều về những điều cao siêu, nó là những mảnh ghép vụn vặn trong giai đoạn này mà chúng ta có thể thấy chính mình đâu đó trong chuyến hành trình của Tâm và Thanh. Một mạch phim kể liên tục từ khuya đến sáng, lang thang qua từng góc phố dịu dàng nhất của Sài Gòn, trăn trở qua từng đoạn thoại và những giấc mơ thả hồn theo những bài hát đậm chất tự sự.

Vậy thì phim này có hay không? Nếu bạn là người thích tìm tòi những thông điệp, thích theo dõi những đoạn thoại dài, nghe nhạc chú ý kĩ từ giai điệu đến ca từ để rồi liên kết tất cả lại mà ngẫm ra thông điệp của phim, bạn chắc chắn sẽ thích phim này. Nói nôm na, nếu bạn là người biết cảm nhận sự sảng khoái của không khí mát lạnh ban sáng, biết vui khi thấy một giọt sương tròn trịa còn đọng lại trên lá thì bạn sẽ thích phim này. Còn các trường hợp còn lại, tốt nhất đừng xem.

Trở lại ý đầu, phim có rất nhiều đoạn khá thú vị như cách mà Vĩnh Tâm triết lý kiểu ông cụ non như: anh thích chơi với cây đàn hơn con người. Vì đàn có bị lạc tông thì mình chỉnh lại được, con người thì không. Hoặc như đoạn Thanh chỉnh Tâm sau khi xưng tội trong nhà thờ, rồi bóc mẽ Tâm trên xe buýt vụ tiền bạc, hoặc đoạn thả thính tại quán ăn kiểu "húp hết tô bún rồi, còn muốn húp gì nữa không?", hoặc đoạn Thanh hướng dẫn Tâm dùng Tinder theo kiểu hơi tục tục mà rất trẻ ấy...

Nói chung có rất nhiều đoạn đáng để đem vào trailer, thậm chí là theo nhiều phong cách: tình cảm có, triết lí có, hài hài tục tục cũng có ấy vậy mà cái trailer chính thức lại an toàn đến mức nhàm chán. Có thể nhà sản xuất muốn ém hàng, nhưng không nhá một ít thứ độc độc thì khó kéo khán giả đến rạp lắm. Dù vậy, cũng như Song Lang trước đây, tôi hy vọng phim sẽ hòa vốn hoặc lời chút đỉnh để ekip có động lực làm tiếp, chứ gu của thị trường VN vẫn chưa đến giai đoạn chuộng những phim nghệ thuật, phải dùng não khi xem phim như vầy đâu.

hoanghunghtv hoanghunghtv đã thích và đánh giá 8 cho Ne Zha

Nếu có gì khiến cho một bộ phim bình thường này vụt sáng trở thành bộ phim ăn khách nhất năm 2019 tại thị trường Trung Quốc thì đó chắc chắn là hình ảnh tuyệt mỹ. Natra hiện đã thu về 800 triệu USD doanh thu, là một bộ phim có đầy đủ mọi yếu tố mà người ta hay thấy ở phim hoạt hình của Pixar, Disney, Dreamworks... từ hình ảnh, kĩ xảo, nhạc phim đến nội dung hoàn toàn có thể sánh ngang với những tên tuổi lớn của Hollywood.

Tôi đi xem phim này vì hình ảnh, nhưng thích nó ở cách biến tấu về nội dung và những thông điệp truyền tải. Chuyện về Na Tra vốn là câu chuyện quen thuộc về đứa con tinh nghịch, gân rồng, nước ngập Trần Đường Quan, róc thịt trả cha róc xương trả mẹ... nhưng cách mà đạo diễn Giao Tử làm mới những chi tiết kinh điển thật nhẹ nhàng, giảm hẳn yếu tố bạo lực mà đề cao được những giá trị về tình cảm khiến người ta dễ chấp nhận về phiên bản biến tấu này.

Ví dụ như chi tiết cái gân rồng của Ngao Bính vốn ở bản gốc là đậm mùi ngỗ ngược và là khởi đầu của một cơn đại họa cho người dân ở Trần Đường Quan, thì ở phim này, nó đã biến thành một buổi chiều tà ấm ấp mà hình ảnh trái cầu bay qua bay lại trên những cơn sóng dập dìu đã trở thành một khung cảnh rất đỗi dịu dàng, thư thả. Nước ngập Trần Đường Quan trở thành hậu quả của những cái gọi là kì vọng của gia đình và cũng là lời khẳng định cho cái thiêng liêng nhất của tình bằng hữu. Và trên hết, thay vì phân đoạn róc thịt xương trả cha mẹ trong cay cú, phân đoạn trần tình của Lý Tịnh làm hiện ngay lên trong đầu tôi 2 câu :

Con dù lớn đến đâu vẫn là con của cha mẹ
Đi đến suốt cuộc đời cha mẹ vẫn thương con.

Bạn sẽ thấy đâu đó trong câu chuyện thấp thoáng những thông điệp mà Disney đã thành danh với những phim hoạt hình của mình mà ở đó Na Tra là một câu chuyện Trung Quốc được kể bằng tư duy của người trẻ, rất trẻ, kể rất nhẹ mà thấm chứ không giáo điều, kẻ cả. Với việc biến tấu câu chuyện gốc thật khéo léo, Na Tra - Ma đồng giáng thế thật sự là một phim gia đình hoàn hảo.

P/s: Học theo Marvel phim có 2 đoạn phim after credit, khả năng là vũ trụ của Phong thần diễn nghĩa sắp diễn ra trên màn ảnh rộng.

hoanghunghtv hoanghunghtv đã thích và đánh giá 8 cho Once Upon a Time in Hollywood

Có 3 lí do để bạn nên đi xem phim này : Leonardo Dicaprio, Brad Pitt và Quentin Tarantino.

Quentin là đạo diễn đã có 2 giải Oscar, nổi tiếng với dạng kể chuyện phi tuyến tính, các đề tài châm biếm và sự thẩm mỹ hoá/ tôn vinh bạo lực. Kiểu kể chuyện của tay này là kiểu rất đặc trưng, là kiểu: bố mày nổi tiếng rồi nên bố thích làm phim thế nào thì làm, khán giả thích hay không thì kệ khán giản. Vì vậy mà khán giả chia luôn làm 2 loại: một không ưa nổi phim của Quentin và một thì cực kì thích. Và nếu bạn là người thích Quentin thì nên nhớ là Quentin từng tuyên bố cả đời ông chỉ làm 10 phim và Once Upon A Time in Hollywood là phim thứ 9 mà ổng chọn làm trong suốt cuộc đời của mình.

Brad Pitt đã là nam thần ở Hollywood trong vài chục năm qua, và sau khi mở hãng phim riêng anh ít khi nhận vai chính. Lần này anh trở lại với nhân vật Cliff Both, một anh diễn viên đóng thế hết thời đang tìm cách sống nốt phần đời còn lại với cái danh "kẻ giết vợ". Xem phim này bạn sẽ thấy những dấu vết của tuổi tác trên gương mặt của Brad Pitt, nhưng phong cách lãng tử, u sầu đầy thu hút vẫn còn thể hiện rất rõ ở vai diễn này. Nhưng cả 2 cái tên trên đều không là gì so với màn thể hiện không tưởng của Leonardo Dicaprio.

Trước giờ tôi thích xem phim Leo nhưng chưa bao giờ đánh giá cao khả năng diễn xuất của ảnh. Trừ phim Django (một phim Oscar khác của Quentin Tarantino), hầu hết các vai diễn của Leo từ thời Titanic tới giờ vẫn là một nét diễn cũ kỹ dù người ta thấy rõ sự cố gắng thay đổi của anh. Tôi thích Leo, một là vì ảnh đẹp, hay là ảnh yêu nghề. Sau khi nổi tiếng, thay vì chọn con đường dễ đi, đóng các vai dễ ăn dễ kiếm tiền thì Leo lại ném mình vào con đường của một diễn viên chân chính, thử biến mình ở đủ loại vai như kẻ lừa đảo, điệp viên hai mang, gangster v.v... Ở mỗi phim, Leo lại cố biến hóa thành nhân vật đúng nghĩa chứ không thích đóng khung mình trong hình tượng một anh chàng đẹp mã. Có lẽ vì vậy mà Leo vật vã mãi đến năm 2015 mới giành được tượng vàng Oscar, vì vậy mà tôi mới thích ảnh, thích vì nỗ lực chứ cái vai trong phim Revenant chỉ được cái chịu cực chịu khổ khi đóng phim, chứ diễn xuất vẫn là loại đều đều như mấy chục phim trước. Nhưng vai Rick Dalton trong Once Upon A Time lại là một câu chuyện khác.

Bạn sẽ thấy một Leo ở thời kỳ đỉnh cao của cả danh vọng lẫn kinh nghiệm, kĩ năng diễn xuất trong phim này. Vào vai Rick Dalton, một chàng diễn viên cao bồi miền viễn Tây hết thời đang vật lộn để trở lại thời hoàng kim của mình, Leo thực sự đã làm tôi thấy được một Rick Dalton lúc đáng thương, lúc đáng cười, lúc đáng sợ chứ không phải anh chàng Leo đẹp mã đang đóng phim nào đó.

Bạn sẽ thấy rất nhiều bộ mặt của nhân vật Rick Dalton lúc thì lịch lãm khi gặp fan hâm mộ, lúc thì mít ướt, khóc ngon lành trước mặt bạn thân, lúc lại mang vẻ cô hồn, đáng khinh khi vào vai phản diện, đặc biệt nhất là phân đoạn đang diễn một kẻ tâm thần điên loạn. Nhân vật mới vừa mang ánh mắt của một kẻ khát máu đáng sợ đó vậy mà chỉ một tiếng "cắt" của đạo diễn, Rick Dalton của Leo trở lại là một kẻ tầm thường, dễ mến, rưng rưng nước mắt khi những cố gắng của mình được ghi nhận.

Với tôi, Leo lúc này mới thực sự ở đỉnh cao của kĩ năng diễn xuất của mình, lúc nhân vật Rick rưng rưng nước mắt vì được công nhận thì Leo chắc cũng ít nhiều xúc động trong lòng. Sau bao năm nỗ lực rèn luyện, cuối cùng Leo đã có thể hóa thân hoàn toàn vào vai diễn, làm người ta quên đi được ảnh là ai mà chỉ có thể trầm trồ tận hưởng khả năng biến thân từ nhân vật này sang nhân vật khác chỉ trong một cái chớp mắt.

Once Upon A Time in Hollywood cũng tái hiện rất nhiều về cuộc sống, các vấn đề của xã hội Mỹ ở năm 1969, và xem xong hẳn bạn sẽ hiểu vì sao Quentin lại đặt tên phim như vậy. Nếu ai đã quen với phong cách của ông này thì sẽ dễ thắc mắc: Quái? Máu me, bạo lực đâu hết rồi? Thì bạn yên tâm, ổng chỉ để dành đến gần cuối phim mới bung hết ra cho fan thỏa mãn thôi. Mà màn thỏa mãn đó thực sự hợp với tựa phim, cụm "Ngày xửa ngày xưa..." nó vừa thể hiện độ xưa của câu chuyện lẫn một mong muốn của người kể với những gì đã xảy ra... Với Quentin, phân đoạn mà ông bùng nổ ra thì hẳn đó là điều ông mong ước khi viết nên câu chuyện này...

À với những ai chưa quen với phim của Quentin thì nên kiên nhẫn bởi ổng vẫn thích kiểu kể chuyện dài dòng, lê thê kinh điển, chỉ có theo đến cùng mới nhận được sự bùng nổ đúng lúc. Em chó mà tôi lựa hình đăng lên tên là Brandy, một nhân vật nổi bật của phim nhé. Ẻm chính là minh chứng cho câu: "Người yêu có thể không có chứ chó nhất định phải có một con", vì sao lại vậy thì xem phim sẽ rõ nhé.

Phần mới nhất của loạt phim đua xe siêu xạo Fast & Furious vừa trình làng, tiếp tục khuấy đảo các phòng vé và nhiều khả năng đây sẽ là phần phim đánh dấu một bước chuyển khá lớn cả thương hiệu dù chưa biết tốt hay xấu.

Như chính tựa phim: Hobbs & Shaw, đây là phần phim riêng về 2 nhân vật này, tách biệt gần như hoàn toàn với đội đua xe của anh Dom. Đây cũng là lần thứ hai trong cả 9 phần của thương hiệu vắng bóng cả bộ đôi nhân vật : Dominic Toretto và Brain Connor, lần cuối cùng vắng bóng cả hai nhân vật này, thương hiệu Fast & Furious suýt phá sản.

Trong phần này, Hobbs và Shaw được CIA mời riêng nhằm truy tìm một thứ virus nguy hiểm, thứ mà Hattie - em gái của Shaw - đã tiêm vào người hòng ngăn một kẻ xấu nửa người nửa máy đoạt được virus này. Với sự tham gia của 2 anh trọc từng hành cả đội đua xe thiện chiến của Dom ra bã, nhà sản xuất kỳ này cho 2 anh đối đầu với Brxiton - một ác nhân nửa người nửa máy cực mạnh, vừa đánh đấm vừa đua xe và không bao giờ quên...cà khịa nhau.

Phim về cơ bản như tinh thần chung cả cả series, là thể loại phim...vứt não đi xem vẫn ổn. Phim cũng chống chỉ định với các khán giả nghiêm túc, tôn trọng các định luật vật lý và tính logic vì phim xạo banh nóc... Dù vậy, đây là phần gần như mất chất hoàn toàn những thứ đã làm nên thương hiệu của Fast & Furious khi hành động theo đội ngũ đã biến mất, những màn dùng xe đua để chiến đấu cũng chìm nghỉm trong phần lớn thời lượng dù có le lói một tí ở cuối phim. Nhưng cái làm mình không thích nhất ở phim này chính là việc những pha đấu trí giữa 2 phe thiện ác hoàn toàn mất dấu để rồi cả phim chỉ là 2 anh siêu nhân đi phăng phăng vào giữa một tổ chức tội phạm, quậy banh cả hội nhà người ta và ra về không mất một cọng tóc, chấm hết !

Cũng may là giữa 2 anh trọc cục súc, còn có em Hat (Vanessa Kirby đóng) để ngắm. Người đâu mà mặc đồ MI6 cũng đẹp, ẩn thân cũng đẹp, cái kiểu đẹp vừa gợi đòn vừa nguy hiểm, lúc bướng lúc dễ thương nhìn thích ơi là thích. Còn lại thì phim cứ đua xe đì đùng, chéo chéo trôi tụt qua nhanh chóng hầu như không để lại gì nhiều trong tâm trí mình, tóm lại là chán.

Phim có vẻ như một bước thử liều lĩnh của nhà sản xuất khi mà 2 ngôi sao chính của series là The Rock và Vindiesel bất hòa, thề không đóng phim chung với nhau nữa và kết quả là ta có phần phim này. Việc tách riêng Hobbs & Shaw có vẻ là một thí nghiệm của hãng Universal khi mà trong phim tiết lộ kha khá về lịch sử trộm cắp của gia đình Shaw, dòng họ đông đúc và nguy hiểm của Hobbs như để mở đường cho phim khai thác thêm nếu như phần riêng của hai nhân vật này thành công. Dù vậy, fan của dòng Fast & Furious chắc sẽ không thích phần này vì những gì làm nên tên tuổi của thương hiệu này gần như không có, nó chỉ là một bản ráp hỗn độn không có chất riêng mà thôi.

Đây là phần phim nối tiếp mạch truyện của Avengers: End game, là cuộc sống mới khi một nửa số lượng sinh vật của vũ trụ đã trở lại sau cú "búng tay ngược" của Hulk và họ phải tập làm quen với một thế giới mới không có Iron man. Spiderman có lẽ là người hụt hẫng nhất sau sự ra đi của Ironman và cùng lúc phải chịu áp lực mới của câu hỏi: Who is next Iron man?

Với cái tứ đó, phim lẽ ra có thể đi theo hướng có chiều sâu hơn về trách nhiệm của một người hùng hay chuyện mâu thuẫn giữa mong muốn của cha mẹ và ý kiến riêng của con cái, nhưng không, Marvel vốn không thích cái gì quá nặng nề nên cuối cùng phần này vẫn đậm chất teen.

Nỗi buồn vì cái chết của Iron man trong tâm trí Người Nhện nhanh chóng qua đi khi người trong mộng của ẻm lướt qua trước mặt. Sau đó là một chuỗi tình đơn phương, dỗi hờn, những ánh mắt lén lút và những tình tiết đậm mùi phim tình cảm học trò. Được cái phim vẫn hài rất duyên theo kiểu của Marvel xen lẫn những pha hành động đậm chất kĩ xảo (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) đủ để giải trí trong gần 2 giờ đồng hồ thời lượng.

Ở phần này ai có đọc cốt truyện rồi thì sẽ biết trước ai là phản diện chính, mình tạm không spoil ở đây để ai chưa xem có thể tự khám phá. Riêng nhân vật phản diện lần này là nhân vật mình thích nhất của phần phim này, đặc biệt là "siêu năng lực" của hắn. Cách mà hắn quay Người Nhện như dế, đập siêu anh hùng này lên bờ xuống ruộng làm mình nhớ đến cách mà con người trở thành kẻ thống trị hành tinh này dù thua xa các loài động vật khác về tốc độ, sức mạnh, vũ khí tự nhiên... Nói chung Marvel cũng khá khôn ngoan khi quyết định cho Người Nhện đối đầu với phản diện này sau một thời gian dài khán giả đã no nê, bội thực với một loạt siêu anh hùng lẫn siêu năng lực.

Phim có 2 đoạn after credit với nội dung khá quan trọng, một đoạn gắn liền với mối nguy hiểm mà Người Nhện phải đối mặt ở phần phim tới, hai là đoạn lí giải vì sao Người Nhện là siêu anh hùng duy nhất phải đứng ra giải cứu thế giới lần này chứ không phải là thành viên nào khác của Avengers. Đoạn thứ hai cũng tiết lộ nhẹ về quy mô và hình thái mới của tổ chức Avengers hậu thời kì Iron man.

Tóm lại phim giải trí tốt, xem hành động sướng mắt, cười sướng mồm, còn đòi hỏi gì hơn thì phải chờ Joker của DC vậy.

hoanghunghtv hoanghunghtv đã đánh giá 6 cho Us

Nếu đã từng xem qua siêu phẩm Get Out của Jordan Peele trước đó, hẳn bạn sẽ không bất ngờ khi cả thế giới lại háo hức chờ đợi Us đến như thế. Sau khi khiến khán giả toàn cầu - trong đó có tôi - đứng ngồi không yên với đoạn trailer kinh dị dài chừng 3 phút, Us khi lộ diện hoàn toàn, lại là một bộ phim với muôn vàn câu đố, ẩn dụ rải rác dày đặc khắp thời lượng của phim.

Us là câu chuyện về chuyến đi nghỉ kinh dị của gia đình Wilson đến bãi biển Santa Cruz. Tại đây, họ bất ngờ bị một gia đình có nhân dạng y hệt họ tấn công, khủng bố về cả tinh thần lẫn thể xác và nó cũng vô tình làm lộ ra bí mật câu chuyện đã xảy ra với bà Wilson cũng tại bãi biển này hơn 30 năm trước...

Nếu Us diễn ra đúng với tinh thần mà trailer của nó thể hiện, có lẽ tôi đã thỏa mãn với vài chục phút giật mình, la hét... Đáng tiếc, Us lại thích nhấn chìm người xem với một biển trời ẩn dụ, hàng loạt hình ảnh biểu tượng đánh đố người ta hơn là cái vẻ ngoài mang dáng dấp của thể thriler hoặc slasher nhiều hơn.

Us là tiêu đề chính của bộ phim, vừa mang ý nghĩa ám chỉ những kẻ sát nhân giống hệt "chúng ta" (us), vừa đại diện cho phần xấu xa, độc ác của mỗi con người. Đó là những gì tôi đã nghĩ trước khi xem phim, nhưng không, "us" ở đây với chữ U viết hoa trên poster có lẽ nó ám chỉ Us - United State - Nước Mỹ nhiều hơn.

Trong phim, bạn sẽ bắt gặp các thể loại thông điệp bất bình đẳng xã hội qua câu than vãn của bản sao "sống ở dưới ánh sáng mặt trời thật hạnh phúc biết bao", rất nhiều phân đoạn kiểu kể khổ : nhà giàu đứt tay bằng nhà nghèo đổ ruột, rồi thông điệp về môi trường sống tốt hơn sẽ thay đổi một cuộc đời theo hướng tốt hơn, rồi ẩn dụ về "bức tường Mexico" mà Donald Trump đang quyết tâm xây dựng v.v..

Đặc biệt là một thông điệp nào đó về chiến tranh Việt Nam khi một nhân vật mang chiếc áo ghi chữ "thỏ" rõ to chạy tới chạy lui suốt bộ phim. Hình tượng "thỏ" cũng xuất hiện dày đặc với nhiều ẩn ý cài cắm (nhưng mà tui không quan tâm !), rồi một vài ẩn ý về tôn giáo như hình ảnh một nhân vật cầm cái bảng: Jeremiah 11:11 chắc chắn là ám chỉ một đoạn nào đó trong kinh thánh (nhưng mà tui cũng không quan tâm nốt !). Tui tìm đến Us là vì tui cần cái không khí kinh dị, để xua tan một tí cái nhàn nhạt và stress hàng ngày chứ không phải xem để giải câu đố, giải mã thông điệp các loại !

Có lẽ sau một Get Out thành công ngoài mong đợi với lối kể chuyện kinh dị nhẹ nhàng mà rợn người, thì đạo diễn Jordan Peele đã có đủ tiền và ảo tưởng cho phép mình "đẻ" ra những bộ phim mang tầm vóc cao hơn, hại não nhiều hơn, nhưng cũng vì thế mà Us trở thành một nồi thập cẩm, nhồi nhét quá nhiều thông điệp về những rắc rối của nước Mỹ hiện đại, để rồi cái vị cần đậm đà nhất là vị "kinh dị" thì rất nhạt...

Tóm lại, nếu bạn thích phim cài cắm, đánh đố thì Us là một lựa chọn tốt, nhưng bạn chỉ cần một buổi tối kinh dị một tí, la hét tí rồi thôi thì không nên kì vọng gì nhiều ở phim này.

Nói không phải khen chứ anh Lý Hải đúng là một trường hợp lạ trong làng showbiz Việt. Hồi ảnh nổi tiếng dưới tư cách một ca sĩ với bộ mặt già khằn thì cũng đã là của hiếm trong cái giới chuộng xem mặt hơn nghe tiếng rồi. Hồi phổ thông có gặp mặt ảnh mấy lần ở hội chợ tỉnh lẻ. Con nít thì thôi đứa leo rào, đứa chui dưới gầm sân khấu, đứa chen nhau ở cánh gà làm muốn sập cái rạp dã chiến dựng ở sân banh. Mấy đứa ngồi ghế đàng hoàng thì vừa coi vừa đề phòng bịt nước, cát, đá ở đằng sau ném tới bởi mấy đứa đến trễ và không có ghế ngồi. Nó loạn như đại hội cái bang í, vậy mà khi Lý Hải xuất hiện, nói mấy câu nhè nhẹ là tự dưng cả đám trật tự, ngồi coi ảnh hát.

Sức hút của Lý Hải ở miền Tây hồi đó còn mạnh hơn cả Đan Trường, Phương Thanh...Anh có thể nói là trùm chạy show hội chợ các tỉnh miền Tây cho đến khi cơn sốt Làn Sóng Xanh nổi lên và thay đổi tất cả bộ mặt của làng nhạc Việt... Cái hay của Lý Hải là anh biết mình là ai, biết làm gì để tận dụng cái duyên thành công "lúc lớn tuổi" của mình, trước là ca sĩ, sau là phim ảnh.

Hồi ảnh làm Lật Mặt phần 1 mình không có cảm tình lẫn niềm tin bởi trước đó, series phim ca nhạc Trọn đời bên em nổi đình nổi đám của ảnh là một mớ hổ lốn, nhạc đi đường nhạc, phim đi đường phim vốn chỉ hợp với thị hiếu phổ thông của dân miền Tây. Ấy mà hôm nay trong cơn đói phim, đi xem Lật Mặt phần 4 của ảnh mới thấy vì sao phim mới chiếu có 1 tuần đã kịp thu về 60 tỷ...

Phim là câu chuyện về một nhóm bạn trẻ làm dịch vụ chụp ảnh cưới, kéo nhau về quê của một thành viên trong nhóm để tìm cảnh đẹp chụp hình. Tại đây, họ dần phát hiện sự kì lạ trong căn nhà tối tăm bị láng giềng xa lánh, những cánh cửa tự động đóng mở trong một căn nhà...không có điện. Đó là một sự kết hợp vừa phải giữa các yếu tố kinh dị, hài, tình cảm đem lại cảm xúc thỏa mãn vừa phải cho khán giả.

Nếu ai đã xem siêu phẩm Tình người duyên ma của Thái Lan hẳn sẽ nhận ra điểm tương đồng giữa 2 phim này. Trong vai trò đạo diễn lẫn biên kịch, Lý Hải mượn cảm hứng từ mô tuýp này để triển khai thành một tác phẩm sợ đó mà cười đó, cười đó mà khóc đó rất duyên...Phim không có diễn viên nào quá nổi bật bởi vai trò của họ hoặc trình độ diễn xuất quá ẹ (nữ chính), nhưng trong cái nền chung chung đó làm nổi bật lên được cái duyên hài của Mạc Văn Khoa và thông điệp dễ đoán, mà ý nghĩa ở cuối phim...

Nhớ hồi đó Lý Hải từng tâm sự : ảnh cầm kịch bản Lật Mặt 1 đi chào thì cũng có nhà sản xuất ok, nhưng nghe đạo diễn là Lý Hải thì họ từ chối hết. Thậm chí có diễn viên cũng từ chối anh vì sợ phim dở làm ảnh hưởng đến tên tuổi của họ. Hồi đó nếu không có vợ ảnh động viên, có lẽ Lý Hải đã không có can đảm để bán nhà tự làm phim, để rồi tạo nên một series ăn khách như bây giờ...Người ta hay bảo phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng chứ mình thấy đàn ông ăn nhau cũng ở một người vợ. Có một người vợ tốt, đàn ông làm gì mà chả thành đạt.

Series Lật Mặt của ảnh thì mình thấy có tiến bộ qua từng phần, cái nào cũng tằng tằng 70, 80 tỷ ăn lên dù có phần mình cũng không thích, âu cũng là cái tài của ảnh khi biết đánh trúng cái thích của số đông, để thành danh ở một mặt trận mới toanh của ảnh. Tới phần 4 này thì mình hoàn toàn thích, không quá xuất sắc nhưng quá đủ cho nhu cầu giải trí. Chờ anh ở Lật Mặt phần 5 vậy ???

hoanghunghtv hoanghunghtv đã đánh giá 8 cho Avengers: Endgame

iống như tựa phim, Avengers Endgame chính là phần khép lại một chặng đường vinh quang mà vũ trụ Marvel đã đi hơn 10 năm qua. Vì là phần kết, Endgame có nhiều phân đoạn hồi tưởng đặc biệt về những trận chiến, những khung cảnh đầy hoài niệm của quá khứ thông qua con đường của tìm nhặt từng viên đá vô cực của mỗi thành viên Avengers.

Marvel thật sự đã tạo ra một phần phim chiều chuộng fan hết mức khi hầu hết những khung cảnh làm nên tên tuổi của vũ trụ siêu anh hùng Avengers đều xuất hiện trở lại với một góc nhìn khác, những diễn biến khác giống như một phần bonus thêm những diễn biến đặc biệt mà những fan trung thành của họ hơn 10 năm chưa được xem.

Endgame tiếp tục câu chuyện não nề của phần Infinity War sau khi Thanos hủy diệt một nửa sự sống nhân loại, với diễn biến trầm buồn đầu phim để rồi dồn hết tất cả vào trận chiến cuối cùng. Đây có thể xem là trận chiến quy mô lớn nhất của Avengers khi full team đồng loạt ra trận trong một cuộc chiến mà phép thuật, năng lượng nguyên tử, sức mạnh vũ trụ đều được đem ra để bảo vệ Trái Đất trước nguy cơ tận diệt từ kẻ thù.

Fan ruột có thể thích thú khi thấy được những thay đổi đáng kể của các siêu anh hùng sau cú sốc thua trận, những sự bù đắp ngọt ngào cho những day dứt của quá khứ, giải đáp được thắc mắc ai là người xứng đáng nhấc được búa thần của Thor, tạm biệt một vài nhân vật và với diễn biến chính của phần này, Marvel có lẽ sẽ khởi động khái niệm đa vũ trụ đến khán giả của họ.

Một phần phim hấp dẫn, với rải rác những thông điệp ý nghĩa được tóm gọn qua câu nói của Tony:

"Giàu có đến mấy cũng không thể mua lại thời gian đã qua"

Phim là món quà tri ân tuyệt đẹp cho fan của họ. 3 giờ đồng hồ trôi qua nhanh như 10 năm thanh xuân của những fan trung thành, những người có thể thấy lại râm ran những cảm giác tuyệt vời xưa cũ mà vũ trụ Avengers đã tạo ra cho họ trong hơn 10 năm qua, để rồi kết phim có thể gật gù, nở nụ cười cám ơn và tạm biệt.

hoanghunghtv hoanghunghtv đã đánh giá 6 cho The Hustle

Trước sự bao phủ rạp của Avengers : End Game, sau đó là Detective Pikachu, thì The Hustle thật sự là một món ngon cho những người ghiền rạp phim như mình sau khi đã xem chán chê 2 bom tấn kể trên.

The Hustle là dạng phim lừa đảo mà chúng ta có thể thấy giông giống kiểu series Ocean Eleven của 2 anh đẹp trai George Clooney – Brad Pitt, nhưng có điều lần này là 2 cô, một gầy, một béo. Điều khác với series Ocean là 2 nhân vật không đẹp đều, cũng không team up với nhau mà gần như là đối nghịch nhau về ngoại hình lẫn cách thức cạnh tranh nhau trên “thị trường lừa đảo”. Dĩ nhiên, một rừng không thể có 2 cọp, nên chị đẹp gầy (Anne Hathaway) và chị đẹp béo (Rebel Wilson) bị lôi vào một cuộc tỉ thí bất đắc dĩ giành quyền kiểm soát lừa đảo của khu nhà giàu.

Xem phim này nó làm mình nhớ tới chuyện con chuột và nhà bác học. Chuyện kể rằng: một nhà bác học bỏ rất nhiều công sức ra để huấn luyện một con chuột biết cách nhấn cái nút bấm mà ông gắn trên tường. Cứ mỗi lần con chuột nhấn cái nút, ông sẽ thưởng cho nó một miếng pho mát, thế là con chuột quen dần. Nhà bác học hân hoan công bố trước báo chí rằng: mình đã huấn luyện thành công một con chuột biết nhấn nút khi đói. Trong buổi tiệc mừng công trình của nhà bác học, con chuột nói với chuột hàng xóm rằng:
-Cuối cùng thì tao cũng đã huấn luyện thằng già ấy thành công. Cứ mỗi lần tao nhấn chuông là lão sẽ tự động mang ra cho tao một phần ăn…

Thế đấy, ở đời này đôi khi bạn không bao giờ biết được lúc nào mình là chuột, lúc nào là nhà bác học đâu… Cả hai nhân vật nữ chính của The Hustle cũng vậy, đó là chưa kể, trong lúc họ đang say sưa ra đòn với nhau thì đâu biết rằng, từ xa xa, một gã “thợ săn” đáng gờm, hậu duệ của Medusa – huyền thoại của giới lừa đảo cũng đang quan sát vào bắt đầu ra chiêu với họ…

Ngoài sự kết hợp tréo ngoe giữa một cô gầy và một cô béo, bạn có lẽ sẽ thích trước các mánh lừa đảo của họ, giống như châm ngôn mà nhân vật của Anne Hathaway đã nói:

“Cô biết vì sao phụ nữ thường thích hợp để đi lừa đảo hơn không? Vì thường đàn ông không nghĩ rằng phụ nữ thông minh hơn họ.”

Anne vẫn đẹp rạng ngời nhưng vẻ đẹp chỉ là lớp vỏ hoàn hảo để che đậy cho sự nguy hiểm của cô. Trong khi đó, vẻ ngoài ụt ịt tươngt chừng như bất lợi của Rebel Wilson hóa ra lại tạo ra lợi thế cho cô trong việc lừa ngọt những gã nhà giàu hợm hĩnh. 2 trường phái đối chọi với nhau tạo nên những màn đối chọi dở khóc dở cười, nhưng điểm thú vị nhất có lẽ nằm ở phần kết với sự tham gia của một cao thủ lừa đảo khác.

Rốt cuộc thì đàn ông vẫn yêu bằng mắt, đàn bà vẫn yêu bằng tai, những kẻ chủ quan, tự cho là mình giỏi cũng là những kẻ dễ lộ điểm yếu của mình ra nhất. Rốt cuộc thì đàn ông quá kiêu ngạo hay phụ nữ quá yếu nhược, không dám vùng lên trong cuộc đấu trí tuệ? Xem đi rồi biết ?
Xem thêm
Loading...

End of content

No more pages to load