7 Lý do James Bond là một điệp viên tồi nếu anh ta không sống trong vũ trụ Bond

Không nghi ngờ gì nữa, James Bond là điệp viên nổi tiếng nhất thế giới. Anh ta là điệp viên được xem là khuôn mẫu mẫu mực cho các điệp viên khác. Tuy nhiên, khi chúng ta thực sự xem xét lịch sử làm việc và phương pháp “hành nghề” của anh ấy, chúng tôi phải tự hỏi liệu anh ấy có thực sự tuyệt vời như mọi người nghĩ hay không.

Vì vậy chúng ta có rất nhiều câu chuyện cơ bản để khám phá khi xem xét chi tiết công việc của Bond. Mọi người đều nhận được đánh giá hiệu suất từ công việc của họ và giờ đã đến lượt 007. Với tinh thần đó, đây là 7 lý do chứng tỏ James Bond là điệp viên khá tệ.

1. Bị bắt khá nhiều

Screen Rant

Thành thật mà nói đây là lý do khá…hoàn cảnh. Như một điều không thể thiếu trong phim phản gián, phe chính diện - ở đây là điệp viên chính ấy – thường phải bị phản diện bắt giữ, như một gia vị làm câu chuyện thú vị hơn. Một sự thật là Ethan Hunt, Napoleon Solo, Jason Bourne, Jack Ryan…từng bị bắt ít nhất một lần trong số các phim của họ. Nhưng James Bond lại là điệp viên có “tuổi thọ” lên đến 58 năm với 24 bộ phim mang tên mình, nên việc James Bond trung bình bị bắt mỗi phim một lần cũng quá đủ để vượt qua các điệp viên hậu bối.

Nhưng điều đó không có nghĩa là khán giả chưa từng nghĩ đến việc với danh tiếng vĩ đại như Bond, lẽ ra anh ấy không nên bị bắt dễ dàng như thế. Nói đi cũng phải nói lại, nếu không có những lần bị bắt như thế này, chúng ta sẽ không thấy được màn trốn thoát khi bạo lực khi điệu nghệ của Bond.

2. Có xu hướng nghiện rượu

British GQ

Bond uống khá nhiều rượu, không chỉ trong lúc rảnh mà còn cả trong lúc làm việc, nhất là trong lúc thi hành nhiệm vụ - một điều khá cấm kỵ. Mật vụ Anh đã không còn xa lạ với các loại đồ uống khác, bao gồm rượu sâm panh và thậm chí cả bia. Trên thực tế, trong hơn hai chục bộ phim trong hơn sáu thập kỷ qua, người ta thấy Bond - James Bond đã nhấm nháp rượu chính xác tới 109 lần, theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Medical Journal of Australia. Người ta cũng ước tính trung bình James Bond tiêu thụ 1 ngày hơn 50 alcohol intake (đơn vị đo lượng rượu một người nên uống), trong khi mức an toàn là không quá con số 14 trong 1 tuần. Thức uống có cồn Bond ưa thích gồm gin, vodka và Kina Lillet. Cả ba sẽ tạo nên cocktail mang tên Vesper. Nếu không, Bond thường gọi Martini, không khuấy, lắc, có vỏ chanh.

Sức uống của Bond trong các bộ phim không phản ánh anh có tửu lượng cao, mà có cho thấy xu hướng nghiện rượu nhiều hơn. Chưa kể đến việc anh có thói quen hút thuốc và uống đồ có cồn trước khi lên xe rượt đuổi kẻ thù. James Bond là hình mẫu mà chúng ta sẽ gọi là “người nghiện rượu có chức năng hoặt động cao” (high-functioning alcoholic).

3. Bất tuân mệnh lệnh

Screen Rant

Một điệp viên thường tuân thủ mệnh lệnh từ cấp trên, trừ khi họ thấy phải làm khác đi để hoàn thành nhiệm vụ. Các tổ chức gián điệp vẫn cho các điệp viên của mình chỗ để “sáng tạo” với mục tiêu, nhưng đến cuối họ vẫn không làm trái mệnh lệnh trừ khi bất khả kháng. Nhưng Bond luôn phá luật như thể đó là sở thích riêng vậy.

Điều đó thường không dẫn đến kết quả tốt đẹp, như trong Casino Royale đã chứng minh. Bond có một người sếp thông thái và nghiêm nghị là M (Judy Dench), người đã đưa ra các mệnh lệnh hợp lý lẫn các lời khuyên chân thành dành cho Bond, dù đôi khi chúng phũ phàng và đau đớn. Có lý do mà Bond luôn dành sự tôn trọng cho M mà. Tuy nhiên, Bond lại quay về thói quen bất tuân mệnh lệnh của mình không lâu sau đó. Đối với một tổ chức tình báo, một điệp viên không thể tuân thủ mệnh lệnh là một gánh nặng, chứ không phải là tài sản quý giá. Có vẻ MI6 khá dễ dãi với nhân viên của mình.

4. Cứ làm việc một mình

DW

Mặc dù được hậu thuẫn bởi một trong những cơ quan tình báo hùng mạnh và tiên tiến nhất trên thế giới, James Bond thường cảm thấy mình hiểu biết hơn tất cả những người khác. Khi M đưa ra những lý do dễ hiểu tại sao anh ta không nên thực hiện một hành động nào đó, anh ta hầu như luôn làm theo ý mình. Trên thực tế thì các điệp viên rất ít khi hoạt động một mình. Điều đó quá nguy hiểm và giảm mức độ thành công của nhiệm vụ. 

Đôi khi anh ấy đúng, nhưng khi anh ấy sai, hậu quả thật tồi tệ. Nhiều vụ đổ vỡ đã không để lại hậu quả khủng khiếp nếu Bond có một nhóm hỗ trợ đắc lực, ví như một thành viên bảo vệ các Bond Girl hay một người đi thu thập thông tin khi anh đang bận đánh lạc hướng kẻ thù chẳng hạn. Nhưng không, Bond vẫn thích hành động một mình. Thật trớ trêu là 007 là một người Anh đúng nghĩa, trong khi chủ nghĩa anh hùng đơn độc là một ý tưởng rất Mỹ.

Thật may là No Time to Die cuối cùng cũng sửa chữa điều này, theo một mức độ nào đó. Nhưng có vẻ như hơi muộn.

5. Dựa dẫm công nghệ

Một điều thú vị ở phim điệp viên là chúng ta được chiêm ngưỡng khá nhiều món thiết bị kỳ dị. Điều duy nhất nổi tiếng hơn Bond trong các bộ phim là các thiết bị của anh ấy. Điều điên rồ là, khi Dr. No ra mắt vào năm 1962, tất cả chúng đều có vẻ quá viễn vông và bất khả thi. Tất nhiên, bây giờ, theo dõi GPS, commlinks và thiết bị giám sát siêu nhỏ là những vật dụng hàng ngày.

Nhưng năm 80 và 90, khi anh ấy dựa vào chúng quá nhiều, chất lượng của phim Bond và chính Bond trở nên nhàm chán. Chúng ta không thể nhìn thấy tài năng của Bond, vì anh ấy đang bận rộn với việc sử dụng bút phát nổ và ô tô điều khiển từ xa. Rất may, những bộ phim gần đây đã quay trở lại với công nghệ thực tế hơn, tuần suất ít hơn để Bond phô diễn khía cạnh dã man hơn của nghề điệp viên. Trừ chiếc xe của Bond. Aston Martin là ngoại lệ mà người viết không ngại xuất hiện mãi đâu!

6. Yếu lòng trước các bóng hồng

Vough

Không khó để nhận ra điểm yếu của James Bond là các bóng hồng diễm lệ. Nếu cô ấy là đang gặp nạn thì Bond sẽ lơ là cảnh giác ngay. Họ cũng là mục tiêu đầu tiên Bond tiếp cận để lấy thông tin và tận hưởng một số niềm vui nho nhỏ trong nhiệm vụ của anh, với vũ khí là vẻ điển trai và tài ăn nói tán tỉnh không ai bằng. Thật không may là những phụ nữ tiếp cận Bond thường mang đến các rắc rối lớn nhất cho điệp viên này. Họ nếu không có liên hệ với kẻ thù thì cũng là mồi nhử để bẫy 007. Số phận của những bóng hồng quanh Bond cũng không có kết cục tốt đẹp.

James Bond Wiki

Đã không biết bao lần khán giả phải vỡ tim vì những cái chết của các Bond Girl như Corine Dufour, người bị Hugo Drax sát hại bằng bầy chó săn vì thu thập thông tin cho Bond trong Moonraker (1979), Paula Caplan tự vẫn để không phải tiết lộ thông tin cho kẻ thù trong Thunderball, Strawberry Fields bị nhúng dầu đến chết trong Quantum of Solace…và đau lòng nhất vẫn là cái tên Vesper Lynd, người thực sự yêu và được yêu bởi Bond, chấp nhận chết để Bond được sống.

Hiện tại, James Bond của Daniel Craig không sát gái vô tội vạ như các phiên bản trước của anh, nhưng chúng ta phải tự hỏi liệu những cái chết trên có tránh khỏi nếu Bond không công tư nhập nhằng ngay từ đầu.

7. Tên anh ấy là gì á nhỉ?

Trong mỗi nhiệm vụ qua tay Bond, điều đầu tiên anh ta làm là giới thiệu bản thân. Nếu ý tưởng là bí mật khám phá ra kế hoạch của nhân vật phản diện, anh ta liên tục thất bại. Anh ta bước vào một quán bar, gọi món đồ uống đặc trưng của mình, sau đó thông báo sự hiện diện của mình với thế giới. Giờ đây, tất cả những kẻ xấu ở nơi này đều biết anh ta đang theo đuổi họ. Vì mỗi lần Bond đều xưng tên thật của mình trước những tên tội phạm không chỉ có đầu óc mà còn có tài nguyên để điều tra thân thế thực sự của anh.

Nếu James Bond lén lút hơn, cuối cùng anh ta có thể không bị trói vào một chiếc ghế, thường xuyên phải chờ đợi một cái chết mà đường đi đến nó quá phức tạp. Chỉ có một lần duy nhất trong các bộ phim dài hơi của mình Bond quyết định nằm vùng với tư cách người gác cổng/lao công, bí mật lấy thông tin, sau đó bí mật thoát ra. Tất nhiên, đó sẽ là một bộ phim thực sự ngắn và nhàm chán.

Câu nói: “Bond…James Bond” quả là rất ngầu và phong cách khi Bond nói điều đó với chất giọng trầm, gương mặt nghiêm nghị nhưng ánh mắt phong tình, nhưng nếu đây không phải là một phim Bond, chắc 007 của chúng ta đã “về với tổ tiên từ lâu” (ngay cả Napoleon Solo của loạt phim The Man from U.N.C.L.E. nổi tiếng với tay nghề tán tỉnh bậc thầy cũng không mạo hiểm đem tên thật ra sử dụng). Thế mới thấy plot-armor của Bond cũng thượng hạng lắm.