Tuần vừa rồi chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt giữa Batman và Superman trong siêu phẩm Batman v Superman: Dawn of Justice. Và fan page của Moveek, như thường lệ, chứng kiến một cuộc tranh cãi khác của fan Marvel và DC về bài viết Batman v Superman - Đi ngược lại mọi công thức bình thường.
Rất may là các comment cũng chưa đến mức quá khích, miệt thị thậm tệ hay đụng chạm chính trị.
Bản thân là một Admin của Moveek, tôi rất hoan nghênh sự đóng góp này của các viewer. Và sự kiện này đã gợi cho tôi về một chủ đề lớn mà nhiều tác phẩm nghệ thuật đã theo đuổi: sự khác biệt của mỗi cá nhân và sự tôn trọng khác biệt đó.
Một thế giới bị sự khác biệt chia rẽ
Trước khi đi vào tác phẩm mà tôi muốn lấy ra bàn luận, chúng ta hãy nhìn qua thế giới tinh thần của con người.
Những comment tranh luận giống như trên Moveek không hiếm. Và độc giả của page Moveek, may thay là những người hiền hòa, và có lẽ chủ đề “Marvel vs DC” là loại chủ đề “nhẹ đô” nên cuộc tranh cãi của họ không “khốc liệt”.
Nếu đi thêm một bước nữa chúng ta sẽ có cuộc tranh cãi giữa “Dota 2 và LOL (League of Legends)”, hai game MOBA đình đám nhất thế giới hiện tại.
Nhìn chung, cách chơi của Dota phức tạp và nhiều tiểu tiết hay cùng đồ họa tỉ mỉ, còn LOL đi theo hướng tối giản cách chơi và đồ họa tươi tắn, phù hợp với nhiều nhóm người chơi.
Tuy nhiên, việc xem phim là một hành động thuần giải trí, nên cái cách hai nhóm khán giả xung đột dưới 2 cái tên Marvel và DC cũng không quá nghiêm trọng. Nhưng chơi game, là một hành động quyết định thắng thua. Nó gợi sự háo thắng của người chơi. Vì vậy mà nhóm người chơi Dota 2 thường có xu hướng “dè bỉu” LOL là dành cho “những đứa trẻ” còn nhóm người chơi LOL thì cười chê việc Dota 2 không đủ khả năng hấp dẫn số đông. Cuộc đấu khẩu của họ quyết liệt đến nỗi ở những cộng đồng mạng, khi nhắc đến 1 trong 2 game người ta có cụm từ:
“Dota > LOL :grab popcorn”
(Dota hay hơn LOL, và tôi sẽ chờ xem fan của 2 game cãi nhau như chờ xem film).
Chơi game để tranh đấu nên người ta hạ nhục trí tuệ của nhau qua game.
Ở mức cao hơn, người ta đấu tố nhau, hạ thấp phẩm hạnh nhau vì miếng ăn. Đó là câu chuyện thịt chó ở VIệt Nam
Khác với “phóng viên”, “nhà báo” là người tìm kiếm những câu chuyện có tính xây dựng, những “phóng tinh viên”, “lều báo” là nhóm tìm kiếm những câu chuyện gây tranh cãi để tăng view cho page tin tức của họ.
Và khi cạn kiệt ý tưởng, họ nặn ra 1 bài viết liên quan đến việc ăn thịt chó và chờ đợi nhóm “không ăn thịt chó” và xúc phạm nhóm “ăn thịt chó” là “vô nhân đạo”, cũng như chờ đợi nhóm “ăn thịt chó” chửi rủa nhóm “không ăn thịt chó” là “đạo đức giả”.
Thực tế, ăn hay không là một lựa chọn về cảm tính. Thế nhưng, người ta quy chụp những lựa chọn cảm tính thành lựa chọn về nhân đạo, đạo đức v.v... rồi gây ra xung đột. Người lợi nhất dĩ nhiên là những “lều báo” , người lợi nhì là quán thịt chó và người lợi thứ ba là các tay trộm chó.
Bước thêm một bước xa hơn, lựa chọn cảm tính của một số người biến họ thành công cụ giết chóc.
Những cuộc Thập Tự Chinh kéo dài trong lịch sử chính là phiên bản tối cao của “Marvel vs DC” hay “Dota vs LOL” khi người thường thì muốn chứng minh niềm tin còn những kẻ giật dây cần một cái cớ.
Anh khác hay tôi khác?
Những cuộc chiến vừa kể trên khác nhau về qui mô, nhưng lại có cùng nguyên nhân.
Đó phải chăng là vì giữa Mavel và DC, có một bên dở hơn và bên kia không chịu thừa nhận?
Đó phải chăng là vì giữa Dota và LOL có một bên kém cỏi và bên kia không chịu thừa nhận?
Đó phải chăng là vì Jesus và Allah, có một kẻ mạo danh thần linh?
KHÔNG!
Tất cả là vì những con người không chịu thừa nhận sự khác biệt của nhau.
Điều đó làm tôi nhớ đến câu nói của mẹ Forrest Gump trong bộ phim cùng tên.
Khi Forrest Gump chán nản vì đôi chân dị tật, bà đã nói:
“Đừng để bất kì ai nói rằng họ tốt hơn con,Forrest.
Nếu Chúa định tạo ra mọi người như nhau, ông ta đã khiến tất cả chúng ta phải mang kiềng chân.”
Đúng vậy, tất cả chúng ta đều khác biệt. Chúng ta lấy quyền gì phán xét kẻ khác? Chúng ta lấy quyền gì bắt người khác phải giống mình?
Vậy điều gì xóa nhòa ranh giới?
Lấy một bộ phim khác làm ví dụ, Watchmen (2009). Bộ phim kể về kế hoạch ngăn cản chiến tranh của Ozymandias (Matthew Goode đóng). Kế hoạch rất đơn giản: Tạo ra một kẻ thù chung cho nhân loại bằng cách vu oan Dr. Manhattan đã tạo ra vụ nổ giết chết 200 triệu người ở Mỹ.
Ozymandias đã thành công!
Y thành công vì y nhìn ra sự tương đồng duy nhất giữa hai chính quyền Mĩ và Liên Xô thời bấy giờ: nỗi sợ hãi nguyên thủy của con người. Họ sợ hãi trước quyền năng của Dr. Manhattan nên đã phải liên minh lại.
Nhưng liệu đó có phải là hòa bình?
Trong bộ phim Watchmen, nhân vật Nite Owl đã nói với Ozymandias:
_ Peace based on a lie. (Hòa bình dựa trên dối trá)
Và Ozymandias đã thú nhận:
_ But peace! Nonetheless. (Nhưng đó là hòa bình! Dù thế nào đi nữa.)
Buồn thay, kẻ thông minh nhất thế giới cũng chỉ có thể lừa lọc con người, chứ không có khả năng gỡ bỏ sự phân biệt, thù ghét.
Nếu một ngày nào đó bí mật bị lộ ra, thì những vũ khí mà Mỹ và Liên Xô nghiên cứu để chống lại Dr. Manhattan, không nghi ngờ gì, sẽ tiếp tục chĩa vào lãnh thổ của hai quốc gia này.
Vậy đâu là giải pháp tốt nhất cho con người?
Câu trả lời từng được 2 con người vĩ đại thốt lên : Mục sư Martin Luther King Jr. và John Lennon.
Cả cuộc đời đấu tranh cho tự do của người da đen, vị mục sư Luther King chưa từng thù ghét người da trắng hay bất kì ai. Ông đã nói:
“Tình yêu là sức mạnh duy nhất có khả năng chuyển đổi một kẻ thù thành một người bạn.”
Còn John Lennon đã dùng giai điệu bất hủ của “Imagine” để gợi ý cho con người:
Imagine no possessions
I wonder if you can
No need for greed or hunger
A brotherhood of man
Imagine all the people
Sharing all the world...
Hãy hình dung rằng không còn chiếm hữu
Liệu bạn có thể làm thế không?
Khi đó sẽ không cần phải tham lam và thèm khát
Chỉ còn tình huynh đệ giữa con người
Hãy hình dung tất cả chúng ta
Cùng chia sẻ thế giới này.
Chính vì lẽ đó, mà khi thế giới rung động vì khủng bố do các giáo phái cực đoan, người ta lại cùng cầu nguyện trong giai điệu của “Imagine”:
Thật bình thản, giai điệu “Imagine” như an ủi kẻ chết, và gợi lại chút tính thiện của những kẻ khủng bố giấu mặt.
Còn tôi thì sao? Còn bạn thì sao?
Tôi cho rằng bước đầu đơn giản chỉ là chấp nhận. Cũng giống như chú mèo Meowth trong Pokemon đã nói:
“Chúng ta có nhiều điểm chung. Cùng Trái Đất, cùng khí quyển, cùng bầu trời.
Có lẽ nếu chúng ta bắt đầu nhìn vào những điểm chung thay vì điểm khác biệt…
Ừ thì, ai biết được.”
Vậy chấp nhận điều gì? Chấp nhận sự khác biệt trong nhận thức! Và bằng cách nào?
Bằng cách nhắc nhở bản thân mình tranh luận chính xác, khách quan chứ không phải công kích cá nhân.
Bằng cách tôn trọng kẻ khác trong những vấn đề thuộc về sở thích và không làm hại đến ai.
Hành động?
Tôi sẽ để hashtag #nhanthuckhac (nhận thức khác) khi nói đến những vấn đề có liên quan đến người khác trên mạng xã hội. Và tôi cũng sẽ ghi nhớ điều này trong đầu khi tranh luận ngoài đời thực.
Đến đây thì bạn hẳn đã hiểu mục đích viết bài của tôi rồi nhỉ?
Việc tạo ra và sử dụng hashtag #nhanthuckhac (nhận thức khác) của chúng tôi cũng tương tự như vậy. Chúng ta là những cả nhân “thấp cổ bé họng” nhưng social network đã xuất hiện và phóng đại tiếng nói của chúng ta. Vậy tại sao chúng ta không dùng “chiếc loa” này để ngăn chặn những thóa mạ, miệt thị?
Vâng, xin kết lại bài viết bằng câu hát “You may say I'm a dreamer. But I'm not the only one. I hope someday you'll join us. And the world will be as one.”
(Bạn có thể nói tôi là kẻ mơ mộng. Nhưng tôi không phải người duy nhất. Tôi hi vọng một ngày bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi. Và thế giới sẽ liền lại làm một.”)
Cám ơn các bạn đã đọc đến đây. Tôi hi vọng được thầy những comment khách quan, bình tĩnh trên Moveek khi bàn về Captain America: Civil War sắp tới!