Kim Hye Soo, một trong những "chị đại" của màn ảnh Hàn Quốc lần đầu tiên hợp tác với Netflix sản xuất bộ phim gốc với độ dài 10 tập có tên Juvenile Justice (Tòa Án Vị Thành Niên). Đây cũng là bước chuyển mình đáng chú ý của Netflix Hàn Quốc khi Juvenile Justice có nội dung khá giống với Move to Heaven thay vì những câu chuyện khoa học viễn tưởng có kinh phí lớn như The Silent Sea hay Hellbound.
Phim xoay quanh thẩm phán ưu tú Shim Eun Seok (Kim Hye Soo) được giao đảm nhận công việc xét xử tại tòa án vị thành niên ở quận Yeonhwa. Ở đó, cô phá vỡ thông lệ và áp dụng các cách riêng của mình để đưa ra những hình phạt dành cho kẻ sa ngã nhưng chưa đủ tuổi thụ án. Shim Eun Seok làm bật sức mạnh của công lý qua những bản án mà người khác có lẽ sẽ xem là quá nặng với người nhận.
Thoạt nhìn, Juvenile Justice có tông màu tối u ám và trang trọng xuyên suốt câu chuyện vì phim đề cập đến luật dành cho người vị thành niên vốn không phải tuân theo các luật lệ giống như người lớn, có thể dẫn đến những hình phạt gây tranh cãi. Đáng nói, chúng lại phạm tội ác ghê tởm không thể tưởng tượng nổi. Câu nói cửa miệng của Shim Eun Seok: "Tôi ghê tởm những kẻ phạm tội trẻ tuổi" giúp khán giả phần nào hiểu được mức độ nghiêm trọng của câu chuyện.
Thẩm phán họ Shim tin chắc rằng đám trẻ này nên bị trừng phạt nghiêm khắc vì những hành vi sai trái nên thường sẽ đưa ra mức án tối đa cho kẻ phạm tội. Cô không nhẹ tay với chúng chỉ vì còn trẻ và “ngây thơ” mà áp dụng bản án nặng nề để giúp chúng rút ra được bài học từ những sai lầm đồng thời hiểu được hậu quả của hành động của mình.
Mặc dù có vẻ ngoài lạnh lùng và nghiêm khắc, Shim Eun Seok lại sở hữu một mong muốn mạnh mẽ kỳ lạ là giúp đỡ các nạn nhân, như thể mang một mối hận thù cá nhân nào đó đối với những tên tội phạm vị thành niên. Làm việc xuyên đêm, không ngừng tìm kiếm bằng chứng, và thậm chí tích cực tìm cách bắt kẻ tình nghi dường như là một phần công việc thường ngày của vị thẩm phán bất thường này.
Kim Hye Soo - cây đa cây đề của màn ảnh Hàn Quốc, đã có một màn trình diễn đầy thuyết phục trong Juvenile Justice. Qua thời gian, khán giả nhận ra Shim Eun Seok có một bí mật đau đớn khiến cô tình nguyện trở thành thẩm phán của tòa án vị thành niên, bất chấp các bằng cấp hay kinh nghiệm của bản thân và vị trí này thiếu cơ hội thăng tiến. Đối lập với Shim Eun Seok là Cha Tae Ju (Kim Moo Yeol) - một thẩm phán khác quan tâm sâu sắc đến những đứa trẻ sa ngã. Anh tin rằng nghĩa vụ của mình vẫn tiếp tục sau khi tuyên án và cung cấp lời khuyên và hỗ trợ tinh thần cho những thanh thiếu niên đó.
Eun Seok và Tae Ju cũng có sự khác biệt trong tương tác của họ với Chánh án Kang Won Jung (Lee Sung Min), người dành nhiều thời gian lo lắng về hình ảnh của mình với mục tiêu chính trị. Ngoài ba thẩm phán này và những câu chuyện cá nhân của họ, Juvenile Justice gây ấn tượng với nhiều vụ án được tái hiện từ đời thực với mỗi vụ việc kéo dài một hoặc hai tập.
Để gây ấn tượng ngay từ đầu, Juvenile Justice chọn cách kể vụ án đặc biệt khủng khiếp sau khi cậu bé thiếu niên Baek Seong U thú nhận đã bóp cổ và phân xác một cậu bé 8 tuổi sống trong tòa nhà của mình. Đây trở thành vụ án đầu tiên của Eun Seok trên cương vị mới, thu hút sự chú ý của cả nước vì tính chất man rợ của tội phạm, nhưng cũng vì theo luật vị thành niên Hàn Quốc, bất kỳ trẻ em nào dưới 14 tuổi bị kết án chỉ có thể nhận tối đa hai tội danh.
Khác với All of Us Are Dead, Juvenile Justice lại mang đến cho khán giả sự thực đau lòng hơn rất nhiều lần. Những kẻ phạm tội lầm lạc như vậy là có lý do và bộ phim khám phá cách các bậc cha mẹ bạo lực và nghiện rượu và một xã hội thờ ơ có thể dẫn đến việc con người biến chất trầm trọng. Một số có thể nhận ra chân lý nhưng không phải ai cũng được như vậy.
Juvenile Justice dù có chất lượng khá vẫn vấp phải một số thiếu sót đáng tiếc. Một trong những thiếu sót ấy phải kể đến việc có vẻ như Juvenile Justice đã o bế nhân vật chính khá nhiều. Đối với một bộ phim xây dựng trên nền tảng của một vấn đề còn gây tranh cãi như trách nhiệm hình sự của các tội phạm vị thành niên, phim tỏ ra nhẹ tay khi không thực sự thách thức góc nhìn và quan điểm của nữ thẩm phán Eun Seok. Phim đã để đàn em của nữ thẩm phán là thẩm phán Chae trở thành một thái cực đối lập nhằm làm đa dạng hóa góc nhìn của phim, nhưng anh ta không thực sự nổi bật và sau này hầu như đều đồng ý với Eun Seok.
Đây là một điểm khá đáng tiếc. Tội phạm vị thành niên không phải là một mảng màu trắng đen trong xã hội. Trên thực tế, đây là một vấn đề gây tranh cãi rất nhiều ngay cả ở những quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ. Trong khi Juvenile Justice đáng khen trong việc sử dụng các vụ án có thật để làm cảm hứng, phim chưa làm nổi bật khía cạnh màu xám của vấn đề này. Rốt cuộc, là tình thương hay kỷ luật hà khắc mới cảm hóa được một đứa trẻ lạc lối?
Bên cạnh đó, Eun Seok đúng là một nhân vật có chiều sâu, nhưng phim đã trải đường cho cô trở thành một anh hùng hơi quá tay. Trong đây, ngay từ đầu phim, nữ thẩm phán đã phải làm cả việc điều tra của cảnh sát. Khoan hãy nói đến việc này có được quy định trong luật pháp Hàn Quốc hay không - đa phần ở các quốc gia phát triển, đây là việc của công tố viên và họ chỉ làm thế ở những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhưng việc để cô phát hiện điểm bất thường của vụ án bằng cách xem video có chút bất hợp lý. Vì khi điều tra, cảnh sát hoàn toàn có thể và chắc chắn phải tiếp cận những video như vậy để truy dấu quá trình di chuyển của nạn nhân, những người họ đã gặp...Việc cảnh sát bỏ sót một video như vậy dẫn đến sự gãy gọng của mạch logic.
Là một tác phẩm thương mại, Juvenile Justice có xu hướng xem xét nội tâm của nhân vật nhiều hơn. Mặc dù bộ phim không thực sự dung hòa được sự khoa trương và xung đột xã hội - những nguyên nhân chính dẫn đến sự sa ngã của các thiếu niên trong đây, nhưng sự ly kỳ về mặt pháp lý và dàn diễn viên hùng hậu sẽ bù đắp cho mọi thiếu sót, thu hút khán giả thưởng thức tác phẩm có Kim Hye Soo đóng chính.
Ảnh: Soompi