Netflix, gã khổng lồ streaming đầu tiên, đã hầu như thay đổi cuộc chơi trình chiếu phim ảnh và đặt nền móng cho một nền công nghiệp mới trong lòng Hollywood. Sự xuất hiện của Netflix và theo đó là những kênh streaming mới ra đời đã khiến rạp phim không còn là nơi mà khán giả có thể theo dõi những phim nóng và mới nhất nữa. Bên cạnh đó, lợi thế lớn nhất mà những gã khổng lồ này mang lại còn là những vùng đất mới cho việc sản xuất phim và trả lại phần nào thế chủ động lại cho người dùng (hãy nghĩ đến việc không phải chờ từng tập phim ra mắt trên sóng truyền hình cáp).
Tuy nhiên, việc có phim gì để xem vẫn là việc của kênh streaming này. Và nói đến Netflix, họ có một thói quen rất khó chịu – “đem con bỏ chợ” những phim hay, trong khi đầu tư cho những series tầm thường, thậm chí là dở. Sau đây là những series/movie bị xử trảm nên được tiếp tục trên Netflix, và những thứ nhà đài tốt nhất nên nhấn “stop” cho rồi! (Để đỡ khiến người xem đập đầu vào tàu hủ).
Nên tiếp tục: Sense8
Nếu phải chọn những series không nên bị khai tử và nhất định phải tiếp tục đến nơi đến chốn, Sense8 chắc chắc phải có mặt trong danh sách này. Xoay quanh 8 người hoàn toàn xa lạ có khả năng kết nối, chia sẻ cảm xúc, góc nhìn và kỹ năng trong một trận chiến chống lại những kẻ mang tư tưởng cực đoan muốn tiêu diệt chủng loài này. Bên cạnh đó, những cá nhân này cũng có những mối xung đột riêng. Thông qua khả năng này, họ nương tựa nhau, dìu dắt nhau qua các biến cố.
Sense8 nói đến rất nhiều vấn đề vì phim có đến 8 nhân vật chính. Dù vậy, đây là một series tung hứng và kết hợp chúng rất cân bằng từ những mảnh nhỏ đến bức tranh toàn diện. Các nhân vật trong đây cứ theo mạch phim mà ngày càng hiện lên rõ rệt, với chiều sâu và lớp lang khiến họ không chỉ đáng quan tâm mà còn thú vị để theo dõi.
Nói đến Sense8 mà không nhắc đến tính tiến bộ của nó thì quả là thiếu sót. 8 con người với 8 cá tính, đến từ các nền văn hóa, hoàn cảnh khác nhau, và không thể thiếu là các bảng màu khác nhau của cầu vồng xu hướng tính dục. Tuy nhiên, Sens8 không nhồi nhét thông điệp tân tiến xuống họng người xem, mà kết hợp nó vào cốt truyện lớn hơn để làm rõ một điều không phải việc có xu hướng tính dục hay văn hóa khiến họ đặc biệt, mà đó đơn thuần chỉ là một phần của họ mà thôi. Còn lại, sự dũng cảm và hành động của họ trong nghịch cảnh mới làm họ đặc biệt.
Khỏi phải nói những điểm này khiến Sense8 đáng xem đến cỡ nào. Tiếc là Netflix lại chấm dứt series chỉ trong 2 mùa phim, khiến cốt truyện trở nên vội vã và kết thúc trong sự hụt hẫng của người xem. Có quá nhiều thứ để làm với series mang tính viễn tưởng này. Nhưng với kinh phí $9 triệu một tập so với số lượt view mà theo Netflix là không đáng với số tiền này, Sense8 đã chấm dứt ở mùa 2. Đến nay, việc phục hồi series vẫn thu hút nhiều người dùng của Netflix, chứng tỏ nó vẫn nên được trao cơ hội thứ 2.
Không nên tiếp tục nữa: Emily in Paris
Thôi nào! Bạn nghĩ rằng cái tên này sẽ không xuất hiện trong đây à? Bạn sai rồi nha! Emily in Paris (Emily Ở Paris) là bằng chứng cho những bất ổn ở Netflix. Với hệ thống đếm view đến nay vẫn không ai hình dung được và sự lan tỏa trên mạng xã hội, Emily in Paris là một trong những series ăn khách và nổi tiếng nhất của Netflix. Nhưng lý do nổi tiếng thì thật sự không chịu nổi.
Kể về chuyến công du của Emily đến Paris như tên phim, cái phim làm xấu mặt Gen Z này phơi bày hết những thói xấu của nữ chính từ tự phụ, nông cạn, lăng nhăng, không tôn trọng văn hóa nước sở tại, thêm vào đó là sự phi logic của cốt truyện, cùng gu thời trang “thấy ghê” đã đủ biến series này thành một cái gì đó để ghét. Nhưng trong thời đại mà việc “xem để ghét” trở thành xu hướng, Emily in Paris vô tình được lợi và trở thành “trend” trên các trang mạng xã hội. Điều đó đã khiến Netflix quyết định làm tiếp cho series này vài mùa phim nữa mà đến nay vẫn chưa thấy cải thiện gì.
Việc Netflix bỏ kinh phí cho series này thật không công bằng với những series có cốt truyện tốt hơn nhưng phải bị khai tử để tiết kiệm kinh phí cho Netflix khiến người xem khó chịu lắm. Netflix không nên làm cái phim tầm thường này nữa có được không?
Nên: I Am Not Okay With This
Cốt truyện nhân vật chính “làm khùng, làm điên” mà vẫn có duyên, hài hước, với điểm nhấn mang hơi thở của yếu tố siêu nhiên làm quá trình khám phá bản thân mang mức độ khó khăn mới, đó là những dòng tóm tắt ngắn gọn của I Am Not Okay With This.
Được xem là đứa con hoàn hảo giữa The End of the Fucking World và Carrie (thật là trùng hợp là hai diễn viên trong series là Sophia Lillis và Wyatt Oleff cũng từng góp mặt trong một dự án điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King), I Am Not Okay With This gây ấn tượng với cách thể hiện mới lạ một chủ đề đã được xem là món ăn thường nhật trên phim ảnh. Đã thế, các nhân vật chính trong đây còn có lối diễn tự nhiên và nhân vật của họ được coi là nét chấm phá mới lạ với các trope phim quen thuộc của thể loại Teen-drama. Kịch bản vững chắc, biết bồi đắp bí ẩn và sự gay cấn, vậy mà phim không thể giúp phim vượt qua cái búng tay của COVID-19.
Do đại dịch, Netflix không còn điều kiện để làm tiếp mùa sau của series nữa. Đến nay, sức hút của I Am Not Okay With This vẫn còn và với những tiềm năng như vậy, series nên được tiếp tục và nên được tiếp tục ngay đi.
Không nên: Elite
Đã từng bao giờ bạn trải nghiệm cảm giác chứng kiến một thứ ban đầu khá tuyệt nhưng dần trở nên buồn chán chưa? Elite chính là series như vậy. Kể về nhóm học sinh giàu-nghèo gắn kết với nhau sau một bi kịch đã làm thay đổi cuộc đời họ, Elite ban đầu là một series hứa hẹn với cốt truyện quanh co, dàn nhân vật trẻ trung và dàn diễn viên chất lượng. Nhưng nó đã không thể “gừng càng già càng cay” mà trở thành thứ chúng ta gọi “càng dai càng dở”. Với mùa mới nhất dạo gần đây đã chứng minh, câu chuyện của nhóm học sinh ở Elite đã không còn sức hút ban đầu nữa, với cái cốt dần bị pha loãng bằng những cảnh sắc dục và lối kể lặp đi lặp lại.
Đối với Elite, con số 5 đã là quá dài, trong khi số 3 là vừa đủ. Tốt nhất là Netflix nên ngừng lại đi thôi!
Nên: The Society
Câu nói "Chúng ta sống trong một xã hội" có thể được áp dụng trong bộ phim này, theo đúng nghĩa đen. Một thị trấn trong một ngày mưa bão bỗng phát hiện họ đã bị cô lập khỏi thế giới còn lại, còn những người lớn thì biến mất tiêu. Sau vài ngày tận hưởng tự do khỏi những bậc phụ huynh, toán trẻ này bắt đầu thấy không ổn. Họ phải tìm cách biến thị trấn trở lại bình thường. Nhưng phàm là sinh vật chính trị bẩm sinh, ai chẳng mơ giấc mộng đứng đầu, nắm quyền sinh sát trong tay? Đứng trước quyền lực sở hữu tài nguyên sắp cạn kiệt, toán người trẻ bắt đầu chia phe và “choảng nhau” để sống sót trong sự biệt lập.
Được coi là một minh chứng của một thí nghiệm xã hội về hành vi con người khi nhân tố cân bằng quyền lực (người lớn) bị loại khỏi cuộc chơi, The Society thu hút vì pha trộn hài hòa yếu tố trên và những drama của những đứa thiếu niên. Nói cách khác, bộ phim này là một hình thức cao hơn của thể loại teen-drama. Cốt truyện bí ẩn, lôi cuốn và phần nào trần trụi, The Society không đáng bị bỏ quên lưng chừng như vậy.
Người viết khá đắn đo khi lựa chọn giữa The Society hay OA. Nhưng so với OA, The Society vẫn có nhiều chỗ để khai thác hơn. Hãy thêm vài mùa nữa đi Netflix ơi!
Không nên: Warrior Nun
Bạn đã nghe đến series này chưa? Nếu chưa cũng không sao, chẳng bỏ lỡ gì thú vị đâu. Phim kể về cuộc chiến siêu nhiên giữa thiện và ác trong kinh thành với phe thiện là một lực lượng các sơ rất chiến sở hữu siêu năng lực. Các sơ chào đón lính mới là Ava, người vừa trở lại từ cõi chết. Từ đây, cô nàng phải trầy trật luyện tập để tham gia cuộc chiến ngàn năm phía trước.
Warrior Nun mùa 1 có một khởi đầu khá khẩm lắm! Với câu chuyện pha trộn siêu nhiên và hài hước, phim đã khiến người xem tò mò. Nhưng lâu dần, series đã không còn giữ được sự hào hứng này nữa. Cốt là vì hóa ra phim cũng hề mới lạ hay độc đáo gì, vẫn công thức người được chọn, nữ chính làm anh hùng bất đắc dĩ các kiểu. Câu chuyện cũng trở nên dễ đoán hơn. Nói chung là khi xem, phim cứ trôi đi mà chẳng đọng lại gì cả.
Series mới đây đã được Netflix bật đèn xanh cho mùa thứ 2, nhưng nếu phải chọn hy sinh series nào để các bộ phim hay ho khác được tiếp tục, người viết sẽ không đắn đo mà chọn Warrior Nun.
Nên: Santa Clarita Diet
Đến giờ, người viết vẫn còn hụt hẫng khi Netflix cho Santa Clarita Diet “ra chuồng gà” giữa lúc mùa 3 kết thúc với nhiều chi tiết gay cấn mới. May mắn đã không đến với series này khi Netflix nhìn qua số lượt view mà phim mang lại. Không có lý do gì để níu kéo series khi nó không đáp ứng được mức lợi nhuận phù hợp với số ngân sách nhà đài rót cho phim. Và thế là bộ phim về người vợ hóa zombie, thích cosplay Dexter, cùng chồng chèo chống cuộc sống drama này bị hoãn.
Tuy nhiên, lượng fan của Santa Clarita Diet vẫn còn nhiều và trong thời buổi Netflix toàn đánh hụt mấy cái series không đến đâu, series với câu chuyện độc đáo này vẫn là lựa chọn hoàn hảo để tiếp tục.
Không nên: Squid Game
Squid Game có hay không? Có chứ! Nhưng có hay đến mức nên trở thành một series dài? “Hông bé ơi!”. Tận dụng yếu tố sinh tồn và vẽ nên những tình huống buộc người chơi phải bộc lộ những góc cạnh méo mó nhất, nhưng đồng thời cũng điểm những tia sáng nhân tính lên bức chân dung một con người, Squid Game đã có một mùa 1 có thể gọi là thành công.
Tuy nhiên, việc thể hiện một chủ đề quen thuộc thành công cũng là điểm yếu của phim. Trên thực tế, phim rất dễ lặp lại một công thức nếu phát triển thêm. Đó cũng là mối lo ngại của các phim sinh tồn, nhất là trong thời điểm đã có những phim sinh tồn tốt hơn Squid Game tồn tại (ví dụ: Alice in Borderland). Dù series đã được bật đèn xanh thêm mùa 2, Netflix cần thận trọng và kết thúc câu chuyện đúng lúc. Nếu phần 2 không thể để lại dấu ấn nào tốt nữa, tốt nhất mùa 3 nên là mùa kết thúc cho series này.
Nên: Marianne
Hiếm có series nói tiếng nước ngoài nào để lại ấn tượng như Marianne. Series này lại là phim kinh dị nữa chứ! Kể về một tiểu thuyết gia bị đeo bám bởi vong hồn tà ác mang tên Marianne, series có thể để lại ấn tượng sâu đậm cho bất cứ người xem nào với lối hành văn bồi đắp sự hồi hợp và bí ẩn. Cái thu hút ở Marianne không chỉ là quá trình chứng minh Marianne thực sự tồn tại, mà còn ở cách series xây dựng và phát triển nhân vật chính, phụ trong đây.
Mùa đầu tiên của Marianne kết thúc trong sự dang dở với dấu chấm hỏi to đùng, nhưng tiếc thay Netflix đã không còn mặn mà với series với lý do không đủ hấp dẫn. Nhưng phản ứng của phim nhận được hoàn toàn trái ngược. Tốt nhất là Netflix nên chấm dứt sớm Elite để tiếp tục series này thì hơn.
Không nên: 365 Days
Thường thì cái cuối “bá đạo” nhất để sau cùng, nên cái tên tai tiếng này được gọi tên đây. 365 Days là loạt phim được xây dựng trên loạt tiểu thuyết người lớn cùng tên đến từ Ba Lan, kể về một cô nàng “may mắn” rớt vô tầm mắt của một tay mafia Ý. Hắn trở nên ám ảnh với cô nên bắt cô về nhà và hứa sẽ làm cô yêu hắn trong vòng 365 ngày.
Tràn ngập yếu tố sắc dục vô tội vạ, tính độc hại và những nhân vật trời ơi đất hỡi, mỏng như tờ giấy, hành động không não, đã vậy còn chọn diễn viên không hề chất lượng, 365 Days là phiên bản rẻ tiền từ nghĩa bóng đến nghĩa đen của 50 Shades of Grey. Có bộ phim này tồn tại thì bản chính chủ bỗng tốt hơn hẳn. 365 Days đã được làm hai phần mà phần nào phần nấy cứ như một video ca nhạc 18+ kéo dài hơn 1 tiếng rưỡi với các ca khúc gánh còng lưng cả nội dung. Đừng nói là để lại ấn tượng nào, đây là bộ phim dở tới mức có thể khiến bạn tổn thương tinh thần.
Đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là loạt phim này đã được Netflix bật đèn xanh cho phần 3. Đáng lẽ ra nó đã phải được khai tử từ phần đầu tiên với những review tồi tệ. Nhưng lượt view cao và trở thành hiện tượng "viral" đã khiến Netflix có động lực tiếp tục phần thứ 2 và giờ đây là phần thứ 3 sắp ra mắt. Rõ ràng là Netflix có vấn đề trong thuật toán quyết định phim nào được làm tiếp, phim nào bị cất kho. Hoặc là cái gu của Netflix nó lạ lắm. Nói chung là nhà đài này nên an tử cho 365 Days để trả lại bình yên cho các mọt phim.