10 sequel với nội dung sao chép y nguyên phần đầu

Tin điện ảnh · Never ·

Chúng tôi đã quyết định đưa ra danh sách 10 bộ phim về cơ bản là bản sao chép của tác phẩm gốc.

Một nhà phê bình phim thế hệ mới tên Roger Ebert đã phổ biến hóa một từ để miêu tả hiện tượng phim ngày nay, requel. Là sự kết hợp của remake sequel, một requel chính xác là phần sequel sao chép y nguyên kịch bản của phần phim đầu, dù đang kể về những câu chuyện xảy ra sau đó. Ở đây, ta cũng cần công nhận là: khi bạn đã có một công thức nắm chắc phần thắng, việc liều lĩnh thử một điều khác biệt có thể là rất khó với nhiều người. Điều này đặc biệt phổ biến đối với những phần sequel của các phim bom tấn, khi các bộ óc sáng tạo đứng sau rõ ràng tin tưởng rằng làm ra một thứ tương tự sẽ thành công hấp dẫn đối tượng khán giả mục tiêu.

Trong một vài trường hợp có thể có tác dụng, nhưng đa phần lại ngược lại, và ở đây chúng ta sẽ đến với danh sách những bộ phim như vậy.

1. The Sandlot 2

Phần đầu của Sandlot có mô típ khá cũ, nhưng nó vẫn là câu chuyện đáng xem kể về một cậu bé học được cách trưởng thành qua việc chơi bóng chày. Đây không phải một bộ phim thể thao nhạt nhẽo như Remember the Titans, Rocky hay thậm chí Rudy. Phim nói về khoảng thời gian tuổi trẻ của mỗi con người khi ta mới bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phát triển nhận thức của bản thân sau khi phải đối mặt với bao chướng ngại. Theo lời Ebert, bộ phim như phiên bản mùa hè của tác phẩm cổ điển A Christmas Story năm 1993.

The Sandlot 2, phần tiếp nối ra mắt sau 15 năm, đã quyết định sẽ thu hút sự chú ý của khán giả bằng cách làm lại y hệt những gì có trong phần một. Để nhân vật chính là một người cô đơn? Duyệt. Để anh ta kết bạn với một nhóm cầu thủ bóng chày? Duyệt. Để cả nhóm đánh mất một thứ gì đó đáng quý sau hàng rào nhà ông Mertle, được bảo vệ bởi một con chó có vẻ vô cùng dữ tợn? Duyệt duyệt.

Điểm khác biệt duy nhất đó là lần này trong nhóm có cả con gái, được cho vào trong nỗ lực muốn giải quyết vấn đề phân biệt giới tính.

2. Jaws 2

Việc mà đội ngũ sản xuất đi quá xa so với kịch bản gốc, tới nỗi đạo diễn phim tin rằng  đoàn phim thực sự rất muốn ám sát ông ta là một việc hiếm hoi. Nhưng đó là trường hợp của Steven Spielberg khi sản xuất Jaws, tác phẩm không chỉ được coi là một bộ phim kinh dị tuyệt vời mà còn là một bom tấn mùa hè. Sản xuất với ngân sách vỏn vẹn $9 triệu, sự đáng sợ của nó đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người tới rạp phim, giúp bộ phim đạt kết quả thành công không tưởng và trở thành một cột mốc văn hóa.

Nhưng bản gốc đó là thứ thú vị duy nhất Universal Pictures có thể làm ra, sau khi hãng quyết định phần sequel cần phải được cho ra mắt thật nhanh để tranh thủ tận dụng sức hút của phần phim đầu đối với khán giả. Kết quả của sự vội vã này là phần phim với tiêu đề không-có-tí-sức-hút Jaws 2 chỉ 3 năm sau.

Mặc dù đem đến sự trở lại của Roy Scheider và John Williams, Jaws 2 đã gặp phải một hạn chế vô cùng lớn – làm thế nào để một lần nữa khiến một sinh vật được mệnh danh là sát thủ như cá mập thấy sợ hãi? Câu trả lời là không còn cách nào khác. Nhưng điều này không thể ngăn các nhà làm phim lặp lại mọi tình tiết từ phần phim đầu: một con cá mập đơn độc bắt đầu nhắm tới những vị khách vô tội, khiến một cảnh sát địa phương phải bắt tay vào điều tra, và bị nghi ngờ bởi gần như tất cả mọi người cho tới sau cuộc đối đầu đỉnh cao của anh với con quái vật.

Tốt nhất chỉ nên xem phần 1 thôi.

3. Home Alone 2: Lost in New York

Mặc dù diễn viên nhí Macaulay Culkin đã ra mắt trong bộ phim kinh điển Uncle Buck của John Hughes/John Candy vào năm 1989, nhưng phải tới bộ phim hài Giáng sinh Home Alone được ra mắt năm sau đó, sự nghiệp của cậu mới có điểm đột phá. Cũng như hầu hết các phim hài nổi tiếng khác, Home Alone được xây dựng dựa trên một ý tưởng đơn giản: một đứa trẻ bị bỏ lại ở nhà một mình phải chống lại những tên trộm xấu xa luôn cố gắng cướp nhà cậu khi cả gia đình đi vắng.

Bộ phim đã gây ấn tượng mạnh với khán giả, trở thành một tác phẩm bom tấn, và đồng nghĩa với đó là chắc chắn sẽ có bản sequel. Trừ một điều, cũng như với Jaws, nếu muốn làm phần tiếp theo, các nhà làm phim không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục sử dụng cốt truyện cũ. Như đã biết, các sự kiện của Home Alone 2: Lost in New York xảy ra tại một khách sạn ở New York chứ không phải một căn nhà nhỏ ở Chicago, nhưng bộ phim vẫn xoay quanh cấu trúc cũ khi Kevin bị tách ra khỏi bố mẹ sau sự cố về đồng hồ báo thức và phải một lần nữa đối phó với hai tên trộm ngốc nghếch (lại) do Joe Pesci và Daniel Stern đảm nhận.

May mà họ đủ khôn ngoan để không làm tiếp phần ba…

4. Final Destination 2

Trong các lý thuyết về du hành thời gian, có một nguyên tắc bất biến có tên Novikov, do nhà vật lý người Nga Dmitriyevich Novikov phát hiện ra, giả định về những vấn đề có thể xảy ra do sự du hành ngược thời gian, như nghịch lý ông nội (Grandfather paradox). Nó cho rằng thời không có cách riêng của nó để chắc chắn rằng không nhà du hành thời gian nào có thể thay đổi tương lai, dù là cố tình hay vô ý.

Thử tưởng tượng nguyên tắc đó được đưa vào trong một bộ phim kinh dị, và rồi ta có Final Destination. Theo chân một nhóm người cố gắng thoát khỏi một vụ rơi máy bay chết người sau khi được một trong số đó báo trước cho biết, Final Destination diễn giải quá trình những người này lần lượt bị Thần Chết săn đuổi để đảm bảo họ đều chết theo đúng kế hoạch ban đầu. Mặc dù khá thú vị nhưng trên thực tế, bộ phim không có câu chuyện sâu xa gì khác để phát triển, ngoài việc sáng tạo ra các thể trạng chết khác nhau cho dàn diễn viên trai xinh gái đẹp của họ.

Đến với Final Destination 2, các nhà làm phim đã có cố gắng trong việc thay đổi công thức bằng cách tập trung hơn vào các nhân vật chính, nhưng nó không thể ngăn cản việc cốt truyện bị lặp lại y hệt: con người tìm cách đánh lừa Thần Chết, kết quả là Thần Chết lại tìm ra cách giết họ bằng những cách thê thảm hơn nữa.

5. Transformers: Revenge of the Fallen

Phần đầu tiên của Transformers do Michael Bay đảm nhiệm đã cho khán giả chiêm ngưỡng những hiệu ứng hình ảnh mãn nhãn, góp phần giúp phim thành công bất chấp cốt truyện đã trở nên bão hòa. Tuy nhiên, ở phần 2, không chỉ tên tuổi này đã trở nên bớt mới lạ, mà cốt truyện cũng trở nên vô cùng nhạt nhẽo.

Tệ nhất là gì? Cốt truyện hoàn toàn không thay đổi so với phần đầu. Thay cho việc để Sam Witwicky và nhóm Autobots cố gắng tìm kiếm khối AllSpark để bảo vệ Trái Đất khỏi Megatron, họ để anh tìm kiếm chiếc Matrix of Leadership để bảo vệ Trái Đất khỏi The Fallen.

6. Paranormal Activity 2

Phần phim đầu tiên của Paranormal Activity được xây dựng vô cùng thông minh: lấy những thứ con người thực sự lấy làm sợ hãi ngoài đời (những tiếng động lạ trong nhà) và biến chúng thành một thực thể bí ẩn. Với ngân sách vô cùng khiêm tốn, đoàn phim đã thu lại không chỉ một phần lợi nhuận, mà là siêu, siêu, siêu lợi nhuận.

Thật không may, hai phần sequel tiếp theo lại không được thành công như vậy, khi bộ phim được lồng thêm những cảnh hù dọa gây giật mình và khá dễ đoán.

7. Death Wish II

Đôi khi chúng ta đi xem phim là để tạm thời thoát khỏi thế giới thực đầy thực dụng, đổi lại ta có thể chiêm ngưỡng những ảo tưởng tăm tối nhất của ta trở thành hiện thực. Dù đó có là sự tò mò đối với BDSM trong Fifty Shades of Grey hay lối sống vô độ của những tên lừa đảo tài chính trong The Wolf of Wall Street, chúng ta đều có mong ước nhất định muốn khám phá những điều này, đơn giản chỉ vì ta không thể trải nghiệm chúng trong thời đại kinh tế xã hội hiện giờ.

Death Wish chính là một ví dụ cho tình huống này, theo một cách nào đó. Với Charles Bronson đảm nhận vai chính, bộ phim diễn tả quá trình thay đổi của ông ta từ một người đàn ông của gia đình với cuộc sống hạnh phúc thành một kẻ cực đoan sau bi kịch người vợ bị sát hại và cô con gái bị cưỡng hiếp. Một mặt nào đó, bộ phim đã thành công lột tả bộ mặt thành thị phương Tây: một vùng đất hỗn loạn nơi những con người bình thường cần tự đi tìm công lý cho chính mình.

Thay vì tiếp tục phát triển nội dung theo hướng đi đầy hứa hẹn này, Death Wish II lại có cốt truyện gần như giống hệt phần đầu. Nhân vật của Bronson, tên Paul Kersey đã vượt qua cú sốc và một lần nữa trở thành người đàn ông của gia đình cho tới khi cô hầu bị giết và cô con gái lại bị cưỡng hiếp bởi một nhóm côn đồ, khiến ông lại biến thành một kẻ cực đoan buôn súng để trả thù. Nếu bạn muốn một thứ gì đó mới, hẳn là bạn sẽ không đủ kiên nhẫn ngồi xem hết bộ phim này đâu.

8. Friday the 13th Part 2

Thành thực mà nói, khi liệt kê ra một danh sách như thế này, việc đưa vào những cái tên phim kinh dị là vô cùng dễ dàng. Như đã nói ở trên, sự khác biệt đến từ cách xây dựng cốt truyện, và phim kinh dị thì thường hay bị đi theo lối mòn của phần phim trước.

Thể loại phim giết người lại càng dễ rơi vào tình thế này bởi không có nhiều lựa chọn sáng tạo có thể được đưa ra cho lắm: tạo ra một tên sát nhân cuồng loạn, cho hắn một chiếc mặt nạ đáng sợ, và để hắn truy lùng những người trẻ tuổi vô tội gần như không có khả năng chống lại hắn.

Friday the 13th là một trong những bộ phim như vậy, và bộ phim đã có thể thu hút được rất nhiều sự chú ý của khán giả. Tập trung vào một nhóm cố vấn bị săn đuổi bởi bà mẹ đau khổ Jason Voorhees, phần đầu tiên trong số rất nhiều các sequel được ra mắt vào ngay năm tiếp theo với cốt truyện vô cùng tương tự: những nhà cố vấn ở gần Crystal Lake Camp đã bị sát hại bởi tên Jason đeo-mặt-nạ hockey, người đã có được những khả năng siêu nhiên sau sự cố chết đuối.

Nói một cách lạc quan thì, để một con zombie săn đuổi mấy đứa nhóc ngốc nghếch thay vì một bà mẹ “bình thường” cũng là một trải nghiệm mới… nhỉ?

9. The Madea

Điều đầu tiên khi nhắc tới cái tên Madea chính là việc nó được đảm bảo bởi những tên tuổi nổi tiếng trong ngành điện ảnh như Spike Lee. Nó là sự mở rộng cho đế chế của Tyler Perry, nhưng lại không thành công trong việc kể ra một câu chuyện nghe hợp lý. Họ có ý tốt khi muốn thêm yếu tố tâm linh vào tình trạng gia đình không hạnh phúc, nhưng rồi lại đi chệch hướng đến những trò đùa nhạt nhẽo và tình tiết cũ mèm.

Về mặt ngoài, mỗi phần phim có vẻ đều cố gắng đưa ra một chủ đề mới để thể hiện rằng lần này sẽ khác, nhưng khiếu hài hước cũ rích của Tyler Perry lại liên tục xuất hiện, khiến chúng ta biết rằng điều đó sẽ không đời nào xảy ra. Perry đã tạo ra một cốt truyện hấp dẫn trong Madea’s Family Reunion và từ đó tới giờ vẫn luôn lặp đi lặp lại một nội dung trong mỗi phần sequel của Madea.

10. Escape from L.A.

Sáng tạo của John Carpenter, Snake Plissken có lẽ là một trong những nhân vật bị đánh giá thấp và không được coi trọng nhất trong những bộ phim viễn tưởng, một sai làm nghiêm trọng. Kurt Russell đã diễn tả được một nhân vật phản anh hùng miệng đầy lời lẽ thô tục, chỉ thích làm theo ý mình, khiến ta dễ dàng liên tưởng đến những vai diễn nổi tiếng như the Man with No Name nhưng đồng thời vẫn trở thành một tồn tại đặc sắc.

Với những pha hành động chất lượng cao và những kĩ xảo điện ảnh khoa học viễn tưởng của những năm 80, Escape from New York là phần phim đầu tiên khi Plissken xuất hiện, bị chính phủ ép phải xâm nhập vào New York, nơi đã trở thành một nhà tù bị canh phòng nghiêm ngặt, để giải cứu tổng thống, người đã bị bắt cóc bởi một nhóm người ở trong. Đó từng là một bộ phim với số lượng vừa phải những câu thoại cun ngầu và những cảnh quay đặc sắc.

Thay vì ngay lập tức đưa ra phần tiếp theo, Carpenter đã ngừng lại một thời gian để tập trung vào những dự án khác, rồi cuối cùng trở lại với nhân vật Plissken vào giữa những năm 90 với Escape from Los Angeles. Thật không may, nền điện ảnh đã thay đổi một cách đáng kể trong khoảng thời gian 15 năm giữa hai phần phim. Đối với những khán giả mới biết đến bộ phim, họ muốn một câu chuyện có chiều sâu hơn là những thứ tầm phào như kiểu Cobra Commando.

Carpenter, mặt khác, dường như tin rằng khán giả muốn một câu chuyện y hệt, và ý nghĩ đó được thể hiện rõ ràng trong Escape from Los Angeles. Thay vì New York, lần này Los Angeles đã trở thành thành phố bị cô lập, nhưng ngoài sự thay đổi về địa điểm này, toàn bộ cốt truyện đều lặp lại y nguyên phần đầu. Một lần nữa, Plissken bị buộc phải xâm nhập vào trong thành phố và giải cứu MacGuffin, người hiện đang ở đó sau khi ra khỏi chiếc túi cứu hộ của Air Force One. Sự việc trở nên càng nghiêm trọng hơn khi nhân vật chính bị tiêm vào người một chất sẽ giết chết anh trừ khi hoàn thành nhiệm vụ giải cứu này. Một tác phẩm đáng thất vọng sau những gì Carpenter cho ta thấy về trí tưởng tượng đáng kinh ngạc của mình.

Nguồn: Taste of Cinema