10 tuyệt tác châu Á mà mọt điện ảnh cần phải xem

Góc Nghệ Thuật · Never ·

Trong giai đoạn đầu những năm 1950, Nhật Bản và Ấn Độ đã làm ra những bộ phim được công nhận trên trường quốc tế và giúp đưa những nền văn hóa cũng như ngôn ngữ khác biệt đến với miền Tây.

Điện ảnh châu Á xưa nay vẫn luôn được công nhận trên toàn thế giới. Trong giai đoạn đầu những năm 1950, Nhật Bản và Ấn Độ đã làm ra những bộ phim được công nhận trên trường quốc tế và giúp đưa những nền văn hóa cũng như ngôn ngữ khác biệt đến với miền Tây. Giữa những năm 1960 và 1980, các nhà làm phim tới từ Nhật Bản, Iran và Hong Kong đều được truyền cảm hứng để làm ra những bộ phim phong cách New Wave, dòng phim mới từng đem lại thử thách rất lớn cho những quy chuẩn làm phim cũ.

Điện ảnh Trung Quốc Đại Lục đã phát triển rất thịnh vượng vào cuối những năm 1980 và vẫn tiếp tục duy trì phong độ đó vào những năm 1990. Sang thế kỷ 21, điện ảnh Hàn Quốc cuối cùng cũng trở nên nổi tiếng và các đạo diễn từ Đài Loan, Thái Lan và Philippines đã cho cả thế giới thấy một nền điện ảnh phong cách hoàn toàn mới, điện ảnh chậm.

Mặc dù điện ảnh châu Á phần lớn nổi tiếng về những nhân vật samurai và các bộ phim kinh dị của Nhật Bản, dòng phim hành động của Hong Kong và thriller của Hàn Quốc cũng có những yếu tố nghệ thuật đáng chú ý. Bị ảnh hưởng bởi tôn giáo và triết học phương Đông, các nhà làm phim nghệ thuật châu Á đã để lại dấu ấn của riêng mình trong 50 năm trở lại đây và vì vậy, giờ đây các đạo diễn người Á như Hong Sang Soo, Jia Zhangke và Hirokazu Koreeda đã trở thành ba cái tên thường xuyên xuất hiện trong những liên hoan phim lớn nhất của châu Âu.

Sau đây là 10 bộ phim kinh điển của châu Á mà các fan điện ảnh nên xem:

1. Rashomon (1950, Akira Kurosawa)

Akira Kurosawa hẳn là đạo diễn nổi tiếng nhất châu Á. Tác phẩm kinh điển này đã giúp ông thắng giải Golden Lion tại Liên hoan Phim Venice và khiến thế giới biết đến nền điện ảnh Nhật Bản.

Rashomon không phải bộ phim đầu tiên sử dụng cách kể chuyện phi tuyến tính nhưng rõ ràng là bộ phim có sức ảnh hưởng lớn nhất. Cốt truyện được kể lại bằng bốn góc nhìn khác nhau qua các cảnh hồi tưởng và ta không thể biết được trích dẫn nào là đúng. Chúng ta, với tư cách là khán giả, chỉ biết được những điều các nhân vật kể lại và rằng không có một vị thẩm phán chính thức nào ở đây cả.

Cụm từ “the Rashomon effect” dùng để diễn tả tính tương đối của sự thật và sự không đáng tin của trí nhớ, đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Một minh chứng dễ thấy nhất là trong ngành luật, khi các nhân chứng đưa ra những lời khai khác nhau trước quan tòa về điều đã xảy ra tại hiện trường phạm tội.

Rashomon không đơn giản chỉ là một câu chuyện tường thuật cấp tiến và phức tạp. Phong cách hình ảnh rực rỡ của bộ phim cũng là một điều đáng chú ý Đây là bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh được quay trực tiếp dưới ánh mặt trời. Phân cảnh đặc sắc nhất của bộ phim diễn ra khi máy quay theo chân người tiều phu đưa chúng ta đến với “thế giới nơi trái tim con người lạc lối”. Vào thời đó, cách quay phim này đã được coi là vô cùng mượt, tinh tế và đáng nhớ.

Kurosawa đã làm ra bộ phim này khi ông 40 tuổi, và sau nó ông cũng có thêm cả tá kiệt tác khác, nhưng Rashomon vẫn sẽ mãi là di sản xuất sắc nhất mà bậc thầy người Nhật Bản này để lại cho chúng ta.

2. Tokyo Story (1953, Yasujiro Ozu)

Trong bảng bình chọn mới nhất về “Những bộ phim Xuất sắc nhất từ trước tới nay” của Sight & Sound, Vertigo của Hitchock đã đứng ở vị trí đầu bảng một cách xứng đáng từ Citizen Kane. Điều mà hầu hết các fan điện ảnh không để ý là bộ phim kinh điển vượt thời gian Tokyo Story của đạo diễn người Nhật Bản Yasujiro Ozu cũng xếp No. 1 trên bảng xếp hạng dành cho đạo diễn, minh chứng cho việc ông là đạo diễn phim tạo cảm hứng nhất trong lịch sử nền công nghiệp điện ảnh. Các nhà làm phim hiện đại như Win Wenders, Hou Hsiao Hsien, Aki Kaurismaki và Claire Denis, tất cả bọn họ đều từng học hỏi được rất nhiều điều từ các bộ phim của ông.

Trong khi những người cùng thời ông như Kurosawa và Mizoguchi đã có bước đột phá từ những năm 1950, Ozu lại vẫn là một người vô danh đối với thế giới phương Tây. Ông ấy là người đến sau nếu tính đến việc nổi danh, nhưng phong cách làm phim nhất quán và có net riêng của ông đã giúp ông định vị mình thành một trong những biểu tượng của nền điện ảnh châu Á.

Ông luôn luôn đặt máy quay ngang tầm mắt của một người đang ngồi; ông không thích sử dụng bất kỳ loại kỹ thuật hào nhoáng nào; ông cũng gần như không bao giờ di chuyển máy quay và khi quay hai người đang nói chuyện với nhau, ông sử dụng những cảnh cắt 180 độ. Ông là một minh chứng hoàn hảo cho việc “luôn luôn học hỏi chứ đừng bao giờ bắt chước” trong điện ảnh.

Ozu không thích những chi tiết quá “drama” trong phim của mình, hay đúng hơn là những chi tiết “drama” theo kiểu truyền thống. Nhưng Tokyo Story lại là “bộ phim drama nhất của ông”, theo chính người đạo diễn này thừa nhận, vậy nên nó là một điểm khác biệt hoàn hảo trong danh sách các tác phẩm dài dằng dặc của ông. Đây là bộ phim kể về sự tan rã của một gia đình Nhật Bản sau Thế Chiến II, nhưng câu chuyện về sự già đi và khoảng cách giữa các thế hệ được miêu tả trong phim lại là hiện tượng mang tính toàn cầu. Nó vừa mang tính triết lý, vừa châm biếm nhưng lại cực kỳ cảm động, xứng đáng là một kiệt tác mà những người tự nhận là mê phim phải xem.

3. Sansho The Bailiff (1954, Kenji Mizoguchi)

Kenji Mizoguchi, cùng với Akira Kurosawa và Yasujiro Ozu, thường được gọi là “ba ông lớn” của nền điện ảnh Nhật bản. Cả hai kiệt tác của ông là Ugetsu và Sansho the Bailiff đều thắng giải Silver Bear tại Liên hoan Phim Venice vào đầu những năm 1950. Hai bộ phim này lần lượt giúp ông trở thành một trong những đạo diễn được đánh giá cao nhất trên thị trường quốc tế ở Nhật Bản vào thời điểm đó.

Mizoguchi nổi tiếng với những cảnh quay dài. Ông thích miêu tả vị trí của người phụ nữ trong xã hội trong các bộ phim về từng thời kỳ (được biết đến với cái tên jidai-geki tại Nhật Bản). Điều này cũng khiến các bộ phim của ông đẹp nhưng man mác buồn.

Sansho The Bailiff, một trong những bộ phim buồn nhất ông từng làm ra, thực sự là một tác phẩm lấy nước mắt. Jim Emerson từ rogerebert.com miêu tả trải nghiệm của mình khi xem bộ phim này như sau: “Tôi không tin có một bộ phim nào có thể tuyệt vời hơn bộ phim này, bất kể ngôn ngữ. Nó nhìn nhận cuộc sống và ký ức như một dòng suối chảy vào hồ rồi ra biển lớn.” Câu nói này đã tổng kết toàn bộ nội dung phim một cách hoàn hảo. Sansho The Bailiff là chính là tinh hoa của nền điện ảnh châu Á.

4. A Moment of Innocence (1996, Mohsen Makhmalbaf)

Mohsen Makhmalbaf là một nhà làm phim nổi loạn và là một trong những biểu tượng quan trọng nhất trong nền điện ảnh Iran. Ông đã bị phán tù chung thân sau khi đâm một sĩ quan cảnh sát ở tuổi 17 và được phóng thích trong cuộc nổi dậy của người Iran. Một vài bộ phim của ông đã bị cấm chiếu vì những luận điểm mang tính chính trị. Bởi chủ đề nhạy cảm mà các tác phẩm của ông không được trình chiếu rộng rãi như các tác phẩm của người đồng nghiệp đồng thời là bạn ông, Abbas Kiarostami. Ở một mức độ nào đó, những thành tựu ông đạt được cũng đã bị làm lu mờ bởi chính Kiarostami.

Những tác phẩm của Makhmalbaf quan tâm tới tầng sâu hơn của xã hội Iran và đó là lý do vì sao ông chiếm được trái tim của nhiều khán giả Iran đến như vậy. Ông đã thành lập Makhmalbaf Film House vào năm 1996 để đào tạo các học viên trong việc làm phim. Các thành viên trong gia đình ông đã trở thành những người hưởng lợi trực tiếp từ học viện này, bằng chứng là vợ ông Marziyeh Meshkini (The Day I Became a Woman) cũng như hai người con gái Samir (The Apple, Blackboards) và Hannah (Buddha Collaped out of Shame) tất cả đều đã làm ra những bộ phim mang tính biểu tượng dưới sự dẫn dắt của ông.

Makhmalbaf sản xuất A Moment of Innocence dựa trên sự kiện đâm-cảnh-sát của chính mình vào 22 năm trước. Đây không phải một bộ phim tài liệu hay phim giả tưởng cố gắng diễn tả lại toàn bộ sự kiện khi ấy, thay vào đó, đây là một bộ phim tả thực về quá trình khi ông tái dựng lại toàn bộ sự kiện năm ấy. Với bộ phim này, người đạo diễn không có ý chuộc lỗi khi đưa sự kiện này vào phim. Ông chỉ muốn cho mọi người thấy việc tái hiện lại lịch sử trong một bộ phim là việc khó khăn tới cỡ nào.

Ranh giới giữa nhân vật ngoài đời thực và trong phim luôn luôn vô cùng mờ ảo. Những tai nạn xảy đến với bạn mỗi lần bạn nghĩ mọi thứ đều đã được giàn xếp xong xuôi và cho rằng buổi quay phim sẽ diễn ra suôn sẻ. Thông điệp cuối cùng ông muốn gửi cho chúng ta là thực ra cái chúng ta cần là bánh mỳ và lọ hoa, chứ không phải những khẩu súng hay con dao nào cả.

5. Close-Up (1990, Abbas Kiarostami)

Nhà làm phim huyền thoại người Pháp Jean-Luc Godard từng nói rằng “Điện ảnh bắt đầu vời D.W.Griffith và kết thúc với Abbas Kiarostami”. Có vẻ phát ngôn này là hơi kiêu ngạo nhưng Kiarostami chắc chắn xứng đáng được vinh danh cho những cải tiến ông đem lại cho ngôn ngữ điện ảnh. Khi đưa ông vào danh sách này, chúng tôi có thể đã chọn Taste of Cherry, tác phẩm thắng giải palme d’Or của ông hay bất kỳ bộ phim nào từ Koker Trilogy, nhưng cuối cùng chúng tôi đã chọn Close-Up vì sự kết nối của nó với tác phẩm cuối cùng.

Mùa thu năm 1989, một người đàn ông nghèo khổ đã bị bắt vì đã giả mạo thành nhà làm phim nổi tiếng người Iran Mohsen Makhmalbaf. Kiarostami, trong khi đang sản xuất một bộ phim khác, đã tạm thời để dự án sang một bên và quyết định sẽ làm một bộ phim về việc này vì ông tin rằng sự kiện có liên quan tới nền điện ảnh này sẽ là một cơ hội hoàn hảo để thử nghiệm những ngôn ngữ phim cải tiến của ông. Và thí nghiệm lần này là một bộ phim tài liệu giả tưởng chiêu mộ chính những người tham gia trong sự kiện đó tới làm các diễn viên trong phim.

Nhà đạo diễn tài ba này đầu tiên đã thuyết phục quan tòa để được ghi âm lại toàn bộ buổi xử án và sắp xếp các cuộc trò chuyện dựa theo kịch bản của mình, sau đó ông tái kết cấu lại toàn bộ sự kiện trước buổi xử án, chia chúng thành những cảnh nhỏ và trộn lẫn mọi thứ lại bằng phong cách phi tuyến tính. Toàn bộ bộ phim trông như một phim tài liệu nhưng những lời thoại và kết cấu của nó lại được tạo dựng hoàn toàn ngẫu hứng bởi đạo diễn. Đây không phải lần đầu phương pháp này được sử dụng trong lịch sử điện ảnh, nhưng Kiarostami đã hoàn thành mọi việc theo một cách hoàn toàn khác và mới mẻ.

Bộ phim đã không có cơ hội được tham gia vào các liên hoan phim lớn tại phương Tây, nhưng nó vẫn gây ấn tượng với các nhà phê bình và những người mê điện ảnh, đủ để mở đường cho sự thành công tầm cỡ quốc tế của các tác phẩm trong tương lai của ông. Nó đánh dấu sự xuất hiện trên trường quốc tế của nền điện ảnh Iran sau cách mạng và được bình chọn là bộ phim Iran hay nhất trước giờ bởi tạp chí Film International.

6. In The Mood for Love (2000, Vương Gia Vệ)

Kể từ đầu những năm 1990, nhà làm phim thiên tài người Hong Kong Vương Gia Vệ đã làm ra series những bộ phim với kĩ xảo hình ảnh ấn tượng đến nỗi biến ông trở thành một trong những nhà làm phim nổi tiếng nhất châu Á còn hoạt động tới ngày nay. In The Mood for Love (Tâm Trạng Khi Yêu), một bộ phim tình cảm nói về tình yêu không yêu cầu hồi đáp, chắc chắn là bộ phim gây tranh cãi và nổi tiếng nhất của ông cho tới hiện tại.

Một người đàn ông và một người phụ nữ, cả hai đều đã có gia đình, đã yêu nhau nhưng buộc phải buông bỏ mối tình này bởi những rào cản về giá trị đạo đức truyền thống. Đây là cốt truyện ta đã quen thuộc trong Spring in a Small Town (Tểu Thành Chi Xuân), một trong những bộ phim xuất sắc nhất của Trung Quốc, và về cơ bản thì nó đã được xào xáo lại bởi Wong trong tác phẩm này. Ông đã bỏ đi những phông nền về xã hội và thay thế bởi những chi tiết mang cá tính riêng của ông. Christopher Doyle, người quay phim, đã sử dụng tông màu đỏ và vàng để nhấn mạnh sự thân mật giữa hai người yêu nhau.

Phần nhạc phim mang đầy tính gợi nhớ, đặc biệt là bản nhạc nền Huan Yang De Nian Hua, một bài hát tiếng Trung nổi tiếng vào những năm 1940 và là nguồn cảm hứng cho tiêu đề tiếng Trung của bộ phim. Bài hát Quizas, Quizas, Quizas cũng đem lại cảm giác hoàn toàn phù hợp khi nhân vật nữ chính đi xuống cầu thang.

Cả hai siêu sao người Hong Kong là Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc đều đem đến cho khán giả những pha diễn xuất xuất sắc nhất sự nghiệp và bộ trang phục xường xám của Trương Mạn Ngọc trong bộ phim đã khiến xường xám trở thành một hiện tượng thời trang thời bấy giờ. Không nghi ngờ giữa nữa, In The Mood for Love là một sự khởi đầu hoàn hảo cho ông để tiến quân vào thế giới điện ảnh đầy mê hoặc này.

7. The World (2004, Giả Chương Kha)

Làm thế nào để bạn đi vòng quanh thế giới chỉ trong một ngày? Câu trả lời có thể được tìm ra trong bộ phim The World (Thế Giới) của Giả Chương Kha. Lấy cảm hứng từ chuyến đi tới công viên giải trí tại Bắc Kinh với đầy những phiên bản thu nhỏ của các kỳ quan trên toàn thế giới, Giả Chương Kha đã rất ngạc nhiên khi thấy sự thỏa mãn giản đơn của những khách du lịch khi nhìn thấy tháp Eiffel và các kim tự tháp Ai Cập chỉ trong vòng một ngày và quyết định sẽ làm ra một bộ phim lột tả những con người đang sống ngày qua ngày trong một thế giới với đầy những phiên bản nhân tạo thu nhỏ.

Giả Chương Kha là người tiên phong trong “Thế hệ thứ sáu” của các đạo diễn Trung Quốc. Những bộ phim của ông diễn tả cuộc sống của người dân Trung Quốc bình thường trong quá trình phát triển nhanh chóng của đất nước này trong vài thập niên vừa qua. Trong The World, đạo diễn cố gắng phanh phui khía cạnh nguy hiểm, xáo trộn và đầy cám dỗ của việc toàn cầu hóa.

Con người lạc lối trong những chiếc lồng do chính bản thân dựng nên, họ sống trong ảo giác về một thế giới đang trở nên nhỏ bé hơn trong khi không nhận ra khoảng cách không thể xóa nhòa giữa những phong cách sống, những nền văn hóa và những con người khác biệt. Các công nhân ở công viên mô phỏng một thế giới thu nhỏ đều đang phải chịu đựng những nỗi bất hạnh khác nhau và làm đi làm lại những công việc y hệt ngày qua ngày.

Giả Chương Kha bắt đầu làm phim ở quê hương anh, và sau đó là các địa điểm khác tại Trung Quốc. The World cho ta thấy một cái nhìn lớn hơn, góc nhìn toàn cảnh từ một người nghệ sĩ thực  thụ. Jia đang trở thành một hiện tượng không thể chặn đứng của Điện ảnh Thế giới và The World là một kiệt tác không thể bỏ qua của nhà làm phim này.

8. Yi Yi (2000, Dương Đức Xương)

Yi Yi (Nhất Nhất), tác phẩm xuất sắc của Dương Đức Xương về đề tài gia đình, là một bộ phim Trung Hoa cổ điển ngập tràn những triết lý uyên thâm. Tựa đề của bộ phim được dịch ra là Cái thứ Nhất và Cái thứ Hai, diễn tả vòng quay cuộc đời không bao giờ ngừng trong cảm tưởng của người theo chủ nghĩa Duy tân.

Dương Đức Xương là một trong ba nhà làm phim có ảnh hưởng nhất của Điện ảnh Đài Loan Mới (hai người còn lại là Hầu Hiếu Hiền và Thái Minh Lượng). Những tác phẩm phong cách hậu hiện đại của ông luôn ngập tràn những phê phán xã hội và những hình ảnh đậm chất thơ phong cách Antonioni.

Cũng như Hầu Hiếu Hiền và Thái Minh Lượng, Dương Đức Xương là một nhà làm phim thành thị xuất sắc. Bạn có thể thấy rất nhiều hình ảnh toàn thành phố được phản chiếu qua các ô cửa sổ, tương tự như cảnh mở đầu của Antonioni’s La Notte. Trong các bộ phim của mình, Dương luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi cho những con người thời hiện đại, những câu hỏi cần phải được trả lời bởi cả nhân vật trong phim và các khán giả.

Các bộ phim của ông còn đưa ra một công thức hoàn hảo cho các bộ phim gia đình phương Đông trong tương lai. Mỗi thành viên trong gia đình đều có những mối lo riêng; mỗi người đều cảm thấy cô đơn và lạc lõng ngay cả khi đang cùng chung sống dưới một mái nhà. Không cần biết bạn cố gắng bao nhiêu, cuộc sống, về bản chất đều là những khó khăn không bao giờ hết. Yang đã cho chúng ta thấy triết lý về cuộc sống của ông trong Yi Yi, và đương nhiên, cả những cái nhìn bi quan của ông về cuộc đời.

Trong Yi Yi, ta bắt gặp rất nhiều các nghi lễ. Bộ phim bắt đầu với một đám cưới và kết thúc bằng một đám tang. Lời thoại kết phim “Tôi thấy mình cũng đã già rồi” được thốt ra bởi một bé trai nhỏ tuổi là một lời tổng kết hoàn hảo cho một chặng đường dài có tên cuộc sống.

9. The Housemaid (1960, Kim Ki Young)

Bạn chắc hẳn không biết đến cái tên Kim Ki Young trừ khi là một fan cứng của điện ảnh Hàn Quốc. Trong khi những cái tên như Park Chan Wook, Bong Joon Ho và Kim Jee Woon đều quen thuộc với những người mê phim trẻ tuổi thì Kim Ki Young được đánh giá như cha đỡ đầu về mặt tinh thần cho những nhà làm phim kể tên vậy. Và The Housemaid là bộ phim đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ các nhà làm phim Hàn Quốc.

Kim, cùng với các đạo diễn tầm cỡ khác ở Hàn Quốc thời đó như Shin Sang Ok và Yi Man Hee đã tạo nên Thời kì Hoàng Kim đầu tiên của nền điện ảnh nước này vào cuối những năm 1960 và đầu 1970, thời đại khi Nam Hàn là đất nước có nền công nghiệp sản xuất phim lớn nhất châu Á. Ông đã làm ra một vài bộ phim chủ nghĩa hiện thực mới trước khi rời bỏ phong cách này và tạo ra kiệt tác đầu tiên của mình là The Housemaid.

Hầu hết các cảnh quay trong bộ phim đều được thực hiện ở nhà của nhân vật chính. Chiếc máy quay không bao giờ ngừng chuyển động đã thành công cho khán giả thấy toàn bộ nội thất của căn nhà, bạn có thể thấy rất nhiều cảnh quay thay đổi giữa căn phòng của Nữ hầu gái và căn phòng có chiếc đàn piano, hay những cảnh quay lên xuống cầu thang. Bạn luôn có thể cảm nhận được sự sâu sắc của những cảnh quay với con người xuất hiện ở cả phía chính diện hay làm nền, khi họ đặc tả khuôn mặt của nữ hầu gái, đó luôn là thứ ám ảnh nhất trong cả bộ phim.

The Housemaid là một bộ phim tình cảm vừa gợi dục lại vừa tâm lý. Đạo diễn chưa bao giờ cho thấy điều gì quá rõ ràng về mối quan hệ giữa người đàn ông và nữ hầu gái của mình, nhưng các cảnh quay khi cô hầu gái cố gắng quyến rũ chủ nhân lại cực kỳ gợi dục. Không chỉ vậy, các cảnh cao trào trong phim còn mang những yếu tố nặng về tâm lý.

Đạo diễn đã dùng bả chuột như một Mcguffin và luôn luôn đặt máy quay bên trong nhà bếp để tìm kiếm chỗ đặt thứ thuốc độc này. Tất cả các nhân vật trong phim đều hoặc đang cố đầu độc ai đó, hoặc đang cố ngăn chặn không để bản thân bị đầu độc.

Kim cực kỳ yêu thích cốt truyện này, tới nỗi ông đã tái hiện lại nó hai lần trong Fire Woman (1971) Fire Woman ’82 (1982). Các tác phẩm của ông vẫn chưa được biết đến ở phương Tây cho tới tận cuối những năm 1990. Không may là nhà làm phim xuất sắc này đã qua đời trước màn hồi ký đầu tiên của mình tại Berlin vào năm 1998. Nhờ có Hiệp hội Điện ảnh Thế giới và công ty Criterion Collection mà kiệt tác của châu Á này đã có thể chạm tới nhiều khán giả hơn nữa.

10. Pather Panchali (1955, Satyajit Ray)

Đây chắc chắn là bộ phim quan trọng nhất đối với lịch sử điện ảnh Ấn Độ. Tác phẩm ra mắt này của Satyajit đã giúp đưa tên tuổi của ông và cả điện ảnh Ấn Độ tới trường quốc tế vào giữa những năm 50. Đây cũng là chương mở đầu cho The Apu Trilogy lừng danh của ông, những tác phẩm được đánh giá là bộ ba phim xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh.

Satyajit Ray là một tượng đài trong nền điện ảnh Ấn Độ. Ông từng làm việc tại một công ty quảng cáo trong vai trò người thiết kế trong những năm tháng trẻ tuổi, nhưng sau khi xem những bộ phim của Jean Renoir và các bộ phim trường phái hiện thực mới của Ý, ông đã quyết định chuyển sang làm phim. Ray là một bậc thầy phim ảnh, cả nghĩa đen và nghĩa bóng: ông đào sâu tìm hiểu về mọi khía cạnh của việc làm phim và thậm chí còn sáng tác nhạc cũng như thiết kế poster cho những bộ phim của mình. Phim của ông nói về mọi mặt và thời kì của xã hội Ấn Độ. Xem phim ông, ta cảm giác như đang đọc một cuốn sách về lịch sử và văn hóa Ấn Độ vậy.

The Apu Trilogy là một trong những câu chuyện lâu đời và xuất sắc nhất từng xuất hiện trên diễn đàn phim ảnh. Nó ra mắt 5 năm trước series Antoine của Truffaut, gần một thập kỷ trước series Up của Michael Apted, và hơn nửa thế kỷ trước Boyhood của Richard Linklater.

Ở Pather Panchali có những dấu hiệu rõ ràng về một thiên tài điện ảnh – phong cách xây dựng hình ảnh vừa tự nhiên vừa đầy chất thơ, cách kể chuyện đầy tính người dù là những câu chuyện đơn giản đến đâu v.v… Những đặc điểm này đã trở thành dấu ấn riêng cho phim của Ray. Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim Ấn Độ, vậy đây chính là tác phẩm dành cho bạn.

Nguồn: Taste of Cinema