15 sự thật thú vị tại hậu trường làm phim Inception
Tin điện ảnh · Never ·
Đối với việc đạo diễn, ông luôn có cách tiếp cận là “đã làm thì làm thật lớn, không thì thôi”, và có lẽ quan niệm này được thể hiện rõ nhất trong bộ phim khoa học giả tưởng gây xoắn não Inception vào năm 2010.
Christopher Nolan chưa bao giờ được biết đến là một nhà làm phim ở quy mô nhỏ, dù là với The Dark Knight hay Dunkirk. Đối với việc đạo diễn, ông luôn có cách tiếp cận là “đã làm thì làm thật lớn, không thì thôi”, và có lẽ quan niệm này được thể hiện rõ nhất trong bộ phim khoa học giả tưởng gây xoắn não Inception vào năm 2010. Trong đó, ông đưa người xem đến với một cuộc hành trình phi thường với tên trộm giấc mơ Cobb (Leonardo DiCaprio) khi hắn và đồng bọn cùng du hành trong thế giới siêu thực và đôi khi là trong tâm thức của những đối tượng mục tiêu, những thế giới ta không thể chạm tới bằng xác thịt thông thường. Việc mô tả quá trình xâm nhập vào giấc mơ của người khác là một thách thức đối với các nhà làm phim, buộc họ phải biến những thứ vô thực thành có thực và những việc không thể thành có thể.
Mặc dù cách tiếp cận đầy tham vọng này của Nolan giúp tạo ra những thước phim với hiệu ứng hình ảnh xuất sắc, nhưng nó cũng có thể đem lại rất nhiều khó khăn cho cả diễn viên và các nhân viên đoàn phim, bởi nó yêu cầu những cách thức tiếp cận độc đáo, sáng tạo và đôi khi tưởng như không thể để bắt được những hiệu ứng ông muốn có cho phim. Christopher Nolan không phải kiểu người sẽ để những khó khăn về mặt hậu cần như vậy ngăn cản mình làm ra những thước phim đầy tính nghệ thuật.
Và sau đây là 15 sự thật thú vị về hậu trường phim Inception.
15. Cảnh nổ quán café ở Paris là một cảnh quay thực
Mặc dù ý tưởng cho nổ mặt tiền cửa hàng trong khi hai diễn viên chính của phim đang ngồi giữa đống hỗn độn ấy nghe có vẻ điên rồ nhưng đó lại chính là điều các nhà làm phim của Inception đã làm đối với cảnh quay quán café ở Paris.
Khi Leonardo DiCaprio và Ellen Page đang ngồi quanh một cái bàn trong một cảnh trong mơ thì đột nhiên giấc mơ trở nên mất ổn định và các tòa nhà cũng như các đồ vật gần đó bắt đầu phát nổ xung quanh họ. Vì Nolan muốn các diễn viên thực sự tham gia vào phân cảnh này nên nhà giám chế hiệu ứng đặc biệt Chris Corbould đã đặt một hệ thống pháo không khí để bắn các mảnh vụn tới xung quanh các diễn viên một cách an toàn, mô phỏng hình ảnh tòa nhà phía sau lưng họ đang phát nổ.
Sau đó CGI cũng được sử dụng để hoàn thiện thêm phần hình ảnh và thêm vào những hiệu ứng cháy nổ khác, nhưng phần lớn những gì chúng ta thấy trong cảnh phát nổ đó đều được quay bằng chính máy quay trong thực tế.
14. Họ thực sự đã dựng một hành lang xoay tròn và Joseph Gordon-Levitt đã tự quay hầu hết các cảnh hành động
Ở một trong những cảnh hành động khó nhằn của phim, Joseph Gordon-Levitt đã phải đánh nhau với hai tên villain trong khi dãy hành lang liên tục lật ngược, xoay chiều và trở nên không trọng lực.
Trong khi những hiệu ứng hình ảnh này có thể được tái hiện một cách dễ dàng sử dụng CGI, nhưng cách thực hiện của Nolan lại phức tạp hơn rất nhiều. Nhân viên đoàn phim đã dựng lên dãy hành lang bên trong một máy ly tâm khổng lồ có thể xoay tròn 360 độ. Các diễn viên phải thực hiện cảnh hành động bên trong một cấu trúc đang chuyển động, cho phép họ chạy trên tường và trên trần nhà mỗi khi cấu trúc này quay tròn. Các máy quay phải được đặt thật vững bên trên nền cấu trúc đó để đem lại cảm giác trọng lực đang bị bẻ cong.
Gordon-Levitt chia sẻ rằng đây chính là cảnh quay có yêu cầu về thể xác lớn nhất toàn bộ phim và anh đã mất hai tuần luyện tập hành động trên cấu trúc này để làm quen với sự chuyển động của nó và cách dây cáp vận hành để có thể tự mình quay hầu hết các phân cảnh hành động.
13. Đoàn làm phim đã dựng một pháo không khí để lật tung cả một chiếc xe thùng
Trong một cảnh ở phần cuối phim, Cobb và đội của anh ta bị kẹt trong phần đuôi một chiếc xe thùng khi nó rơi khỏi cây cầu xuống dòng nước bên dưới. Để tái tạo lại hiệu ứng này trong nhiều lần quay, đoàn làm phim không thể chỉ đơn giản thả chiếc xe xuống nước được; họ cần kiểm soát được sự chuyển động và tốc độ rơi của chiếc xe sao cho chúng y hệt nhau.
Cuối cùng họ đã nghĩ ra một giải pháp vô cùng khéo léo nhưng đơn giản: dựng một chiếc pháo không khí thật lớn để có thể lật tung chiếc xe thùng và giúp giữ nguyên tốc độ cũng như lực đẩy trong mỗi lần quay.
Nam diễn viên Dileep Rao, người vào vai nhân vật ở đằng sau bánh xe, nói rằng cảnh này đã tiêu tốn của họ cả tháng trời để hoàn thành, và các diễn viên cũng như nhân viên đoàn phim phải đi quay các cảnh khác trước rồi mới quay lại xử lý cảnh quay này. Họ đã quay đi quay lại hết lần này tới lần khác cho tới tận khi mọi thứ trở nên chính xác.
12. Nolan đã làm việc với kịch bản trong cả một thập kỷ
Việc Nolan phải tốn một thời gian dài để nghĩ ra một cốt truyện chặt chẽ, đầy hấp dẫn như này không phải việc gì đáng ngạc nhiên. Nhà đạo diễn kiêm biên kịch này từng nói ông đã thai nghén ý tưởng cho kịch bản này trong suốt một thập kỷ trước khi ông cảm giác nó đã sẵn sàng để được đưa lên màn ảnh.
Ông chia sẻ rằng đầu tiên, ông đã lập ra những luật lệ của thế giới này và cả cách để nhân vật chính đi cướp giấc mơ, nhưng việc tạo ra mối liên kết về mặt tình cảm giữa Cobb và khán giả lại là điều ngăn cản khiến ông không thể hoàn thành kịch bản sớm.
Nolan cũng nói phải mãi tới khi ông thiết đặt mục đích cho những cuộc hành trình của Cobb là để tái hợp lại với người vợ và những đứa con giờ đã trở nên xa lạ, ông mới có cảm giác kịch bản này đã sẵn sàng, và những mối liên kết đó chính là những mảnh ghép cuối cùng cho trò chơi xếp hình mang tên Inception.
11. Bản thân bộ phim là một phép ẩn dụ cho quá trình làm phim
Mặc dù những pha hành động mãn nhãn có lẽ là điểm nổi bật nhất trong siêu phẩm của Nolan nhưng ngoài ra bộ phim vẫn còn rất nhiều khía cạnh ấn tượng khác. Một bậc thầy điện ảnh thực sự, Nolan đã viết ra rất nhiều nhiệm vụ mà nhóm người của Cobb phải thực hiện để đi vào giấc mơ của người khác mà trên thực tế đều là những phép ẩn dụ cho chính những việc mà nhân viên đoàn phim đã phải thực hiện ở hậu trường trong quá trình sản xuất.
Nhân vật Ariadne của Ellen Page đã phải xây dựng lên những thế giới trong giấc mơ, tương tự như công việc của một nhà thiết kế tác phẩm ngoài đời thực. Eames của Tom Hardy là một diễn viên có thể giả mạo danh tính của những người trong giấc mơ. Cillian Murphy trong vai Fischer là mục tiêu của tổ chức này và là đại diện cho người xem. Kẻ chỉ điểm Arthur của Joseph Gordon-Levitt có vai trò như một giám đốc điều hành. Và Cobb, người giám sát toàn bộ quá trình và là kẻ giật giây đằng sau, chính là đạo diễn của cả đoàn phim.
10. Quá trình tuyển diễn viên đều xoay quanh DiCaprio
Tận từ trước khi bắt đầu quá trình sản xuất tiền kì cho phim, Nolan đã biết ông muốn có Leonardo DiCaprio đảm nhận vai nam chính cho bộ phim. Chính bởi lí do này, ông đã bỏ rất nhiều công sức để tuyển chọn các diễn viên phụ, nhằm đảo bảo họ sẽ có thể phụ tá cho Leo nhiều nhất có thể.
Nolan từng nói ông rất ngưỡng mộ tác phẩm trước đó của DiCaprio và cảm thấy ở anh có sự nghiêm túc, tận tâm và khả năng đồng cảm, tất cả những yếu tố cần thiết để khán giả có thể kết nối với nhân vật chính trong phim của mình.
Thay vì tuyển diễn viên dựa vào danh tiếng cá nhân, Nolan đã chọn những người có thể phụ tá và hợp tác tốt với DiCaprio trong vai Cobb.
Dàn diễn viên cuối cùng có sự xuất hiện của nhiều cái tên từng dành được Giải thưởng của Viện Hàn lâm và cả những người từng được đề cử, trong đó có những cái tên như Michael Caine, Tom Hardy và Cillian Murphy đều là những người từng xuất hiện trong những dự án khác của Nolan cả trước và sau Inception.
9. Trận đánh trong tuyết được quay trong một trận bão tuyết thực sự
Trong quá trình chuẩn bị để quay trận đánh giữa thiên nhiên lấy bối cảnh trên một đỉnh núi tuyết phủ, đoàn làm phim đã phải đối mặt với một vấn đề lớn khi ngày quay phim đang đến gần: Đỉnh núi không hề có tuyết.
Nhà quay phim Wally Pfister nhớ lại vài tháng căng thẳng trước ngày quay cảnh phim có vai trò then chốt, khi đoàn phim đều hi vọng rằng bối cảnh tại đỉnh núi Calgary sẽ giúp họ có được đủ lượng tuyết để phục vụ cho cảnh quay. Bất chất những hi vọng của họ, phòng phụ trách hình ảnh lại gửi đến những bức hình cho thấy bề mặt núi dính toàn bùn thay vì lớp tuyết phủ mà họ cần.
Đoàn phim đã phải lên kế hoạch chuẩn bị tuyết nhân tạo và sử dụng CGI để nâng cao hiệu ứng hình ảnh, nhưng cuối cùng việc này đã thành không cần thiết, bởi sau đó họ đã có thậm chí còn nhiều tuyết hơn những gì mong đợi. Một tuần trước khi quay, Calgary bắt đầu chìm trong trận bão tuyết lớn nhất trong cả thập kỷ đó, dẫn đến các nhân viên và cả diễn viên đã phải trải qua những ngày quay phim cực kỳ rét lạnh.
8. Tom Hardy đã phải tự học cách trượt tuyết
Với việc cả đỉnh núi đều bị tuyết phủ trắng xóa, một trong những diễn viên của bộ phim là Tom Hardy đã phải đối mặt với một vấn đề khác của riêng cá nhân anh khi ngày quay phim càng đến gần. Nhân vật của anh trong kịch bản sẽ phải tham gia vào một cuộc rượt đuổi trên dụng cụ trượt tuyết với một nhóm sát thủ vô danh. Vấn đề duy nhất lúc này là Hardy không hề biết cách trượt tuyết.
Hardy lúc đó rất sợ việc anh không có kĩ năng trượt tuyết sẽ làm vuột vai diễn này khỏi tay mình, và trong một thời gian cực kỳ ngắn, anh đã cố gắng tự học cách trượt tuyết.
Nolan để Hardy ngồi lên phía sau chiếc xe trượt tuyết và để anh trượt xuống núi với tốc độ 40 dặm/giờ. Kết quả là cả Nolan cũng bị ấn tượng với nam diễn viên và tốc độ học hỏi của anh.
7. Một vài trận lở tuyết thực sự đã được tạo ra cho trận đánh trong tuyết
Đối với cảnh rượt đuổi trong tuyết, Nolan đã lấy cảm hứng từ những bộ phim kinh điển của Bond như On Her Majesty’s Secret Service và muốn cảnh phim này càng thêm ấn tượng với những trận tuyết lở lớn. Theo như nhà đồng sản xuất Jordan Goldberg, để đạt được hiệu ứng mong muốn qua máy quay, các nhà làm phim đã nhờ đến sự giúp đỡ của những người làm tuyết lở chuyên nghiệp.
Những chuyên gia này sẽ bay xung quanh đỉnh núi và thả hững quả bom hẹn giờ xuống những địa điểm trọng yếu để gây ra những trận tuyết lở vào đúng lúc cần thiết.
Một vài quả bom hẹn giờ đã phát nổ trước khi các nhà làm phim kịp quay được khung cảnh họ cần cho bộ phim.
Goldberg từng chia sẻ về cảnh phim giữa thiên nhiên này như sau: “Chúng tôi đã cố gắng quay được nhiều thứ trên máy quay nhất có thể. Việc này trở nên đặc biệt khó khăn khi chúng tôi quay phim ở Calgary, nơi có thời tiết cực kỳ lạnh giá với nhiệt độ và điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt.”
6. Chiếc tàu hỏa thực chất là một xe bán tải được bọc trong khung vỏ bằng thép
Một trong những khoảnh khắc quan trọng của Inception là cảnh một chiếc tàu trượt bánh và lao nhanh trên đường phố đô thị. Tuy nhiên, bởi con đường nơi họ quay cảnh phim này không có một đường ray tàu hỏa thực sự nào và Nolan đã cố sử dụng nhiều hiệu ứng để tạo ra hình ảnh trông thật nhất có thể, vậy nên các nhà làm phim đã phải tự tưởng tượng ra mọi thứ để hoàn thành hiệu ứng cho cảnh phim này.
Nolan cảm thấy ông cần cho khán giả thấy được tiềm thức của Cobb có thể đem đến những yếu tố thực sự nguy hiểm vào trong những giấc mơ và chiếc tàu hỏa cần đạt được một trọng lượng cụ thể để làm được điều đó. Vậy nên nhóm người phụ trách hiệu ứng cho phim đã chọn ra một chiếc bán tải và mở rộng khung thép ra lớn hơn.
Họ xây một cái khung làm bằng ván ép, Plexiglas và thép có kích cỡ vừa đủ bao quanh chiếc bán tải để làm giả ra một đầu tàu hỏa.
Phần đầu của kết cấu này được làm từ khoảng 1.5 tấn thép để có thể đâm và đẩy toàn bộ xe ô tô chắn đường mà không hề bị suy suyển chút nào.
5. Bộ phim được quay tại 6 quốc gia trên khắp 4 lục địa
Các cảnh quay xuyên suốt bộ phim đã cho ta thấy rất nhiều bối cảnh đa dạng tại những địa điểm khác nhau khi các nhân vật chính của chúng ta du hành tới nhiều nơi trên thế giới để lên kế hoạch thực hiện cho các nhiệm vụ của mình. Và các nhân vật không chỉ du hành trong phim mà quá trình quay chụp cho bộ phim cũng thực sự diễn ra tại 6 quốc gia trên 4 lục địa khác nhau.
Mặc dù phần lớn các cảnh quay đều được hoàn thành bên trong và ở các khu vực xung quanh Los Angeles, nhưng cũng có những cảnh được thực hiện Nhật Bản, Morocco, Pháp, Anh và Canada.
Một vài địa điểm trong đó thậm chí còn là những chỗ quay phim quen thuộc của Nolan. Dãy hành lang khổng lồ xoay tròn 360 độ xuất hiện trong cảnh đánh nhau trong điều kiện môi trường không trọng lực đã được dựng ở Bedfordshire, Anh, nơi trước đó Nolan từng tới để thực hiện các cảnh quay cho cả Batman Begins và The Dark Knight. Còn những cảnh quay bên trong tòa lâu đài của Nhật ở phần đầu bộ phim thực ra lại được thực hiện ở hội trường âm thanh của Warner Bros. tại LA.
4. Nhạc phim là phiên bản tua chậm bài hát của Edith Piaf
Ý tưởng chủ đạo xuyên suốt Inception đó là diễn tả sự gãy khúc của thời gian khi các nhân vật trải qua nhiều mức độ khác nhau của những giấc mơ.
Ý tưởng về việc lợi dụng thời gian đóng vai trò chủ đạo trong cốt truyện của phim và thậm chí còn ảnh hưởng tới cả phần âm nhạc của phim.
Bài hát của Edith Piaf có tựa Non, je ne Regrette Rien (Không, tôi không hối hận về bất cứ thứ gì) đã được sử dụng như một tín hiệu cho các nhân vật mỗi khi họ vượt qua một mức độ của giấc mơ và có thể tiếp tục đến với mức độ mới. Nhà soạn nhạc Hans Zimmer đã sử dụng bài hát như phần nhạc cho toàn bộ phim.
Zimmer đã cắt xuất những nốt quan trọng của bài hát và tận dụng chúng để tạo ra một bản nhạc phim diễn tả cách thời giant hay đổi trong những giấc mơ. Ông chia sẻ rằng “Tất cả các bản nhạc trong phim đều là kết quả từ sự phân chia và kết hợp từ các nốt nhạc trong những bài hát của Edith Piaf.”
3. Cả dàn diễn viên và nhân viên đoàn phim đã bị nhốt lại trong một căn phòng chỉ để đọc kịch bản
Nolan rất coi trọng việc giữ bí mật cho các chi tiết trong phim của mình trước khi phim được công chiếu và ông đã làm ra những hành động quyết liệt để bảo đảm không một thông tin nào của dự án bị lộ ra với công chúng trước khi ông sẵn sàng cho phim ra mắt.
Khi DiCaprio quyết định ký hợp đồng trở thành diễn viên chính chop him, số lượng người được đọc hết toàn bộ kịch bản là rất ít, và toàn bộ dàn diễn viên cũng như nhân viên đoàn phim đã bị nhốt riêng vào một căn phòng để đọc kịch bản trước khi tham dự vào xây dựng dự án.
Nhà giám chế hiệu ứng đặc biệt Chris Corbould, người đã từng hợp tác với vị đạo diễn này trong Batman Begins và The Dark Knight từng tiết lộ về những cách thức bảo mật thông tin đã được thực hiện:
Không ai được phép mang kịch bản ra khỏi phòng. Bạn đi vào trong, rồi họ khóa cửa và nói “Gọi cho chúng tôi khi đã đọc xong”.
2. Quán bar trong khách sạn đã được xây dựng để có thể nghiêng một góc 25 độ
Khi nhân vật Robert Fischer của Cillian Murphy lần đầu tiên nhận ra anh đang ở trong một giấc mơ thì đã là phần cuối của bộ phim. Quán bar nơi anh đang ngồi tại thời điểm đó bắt đầu vặn vẹo và đổ nghiêng ở những góc độ kì lạ trong khi bản thân anh và những người khác hầu như không bị ảnh hưởng.
Để tạo ra hiệu ứng siêu thực, Nolan cần phải đảm bảo rằng các đồ vật trong phòng sẽ không bị dịch chuyển trong cảnh quay, nhưng những vật như chất lỏng trong các cốc thủy tinh hay ánh sáng sẽ bị đổ nghiêng và lắc lư như thể lực hút của không gian đã thay đổi.
Để làm được việc này, cả quán bar đã được xây dựng trên một nền đất có thể nghiêng một góc 25 độ về tất cả các phía tính từ điểm trung tâm. Các máy quay đã được gia cố để giữ nguyên vị trí khi căn phòng bị nghiêng.
Cảnh quay này cần có thêm một số diễn viên quần chúng, và có đến 1/3 số người dự tuyển không thể giữ thăng bẳng khi sàn nhà dưới chân họ bắt đầu rung lắc và đổ nghiêng ở nhiều góc độ khác nhau.
1. Nolan đã hoàn thành bộ phim trước deadline với ngân sách ít hơn dự tính
Bất chất những cảnh quay có độ khó cao và yêu cầu những kỹ thuật phức tạp trong quá trình quay Inception, Christopher Nolan vẫn có thể thành công hoàn thành bộ phim trước thời hạn với ít chi phí hơn ngân sách dự định là $160 triệu.
Nolan từng nói ở buổi họp báo rằng: “Chúng tôi đã có thể hoàn thành mọi thứ trước thời hạn với ngân sách ít hơn dự tính, vậy nên mọi thứ đều được quay chụp vô cùng thuận lợi, và đây là một điều tuyệt vời… Tôi thích chịu áp lực về mặt thời gian và tiền bạc và thực sự luôn cố gắng hoàn thành mọi thứ trong những hạn mức được giao.”
Nolan vẫn luôn là người nổi tiếng với những cảnh quay phi thường có hiệu quả. Bên cạnh Inception, ông còn có ít nhất 3 bộ phim khác cũng được hoàn thành trước thời hạn với ngân sách ít hơn dự tính là The Prestige, The Dark Knight và The Dark Knight Rises.
Ngoài 15 điều kể trên, các bạn có biết thêm điều gì thú vị về Inception muốn chia sẻ không? Nếu có, hãy để lại bình luận cho mọi người cùng được biết nhé.
Nguồn: Screen Rant