Bạn có biết thật ra Nhật cũng làm lại rất nhiều phim Hàn không?

Tin điện ảnh · hotakky ·

Có rất nhiều phim Hàn được làm lại từ kịch bản phim Nhật hoặc manga, đa phần đều bị đánh giá là không hay như nguyên tác, bởi nó đã được Hàn hóa quá mức cho phù hợp với thị hiếu khán giả xứ kim chi. Ấy thế nhưng cũng không hiếm phim Nhật được làm lại từ Hàn đâu đấy.

Có rất nhiều phim Hàn được làm lại từ kịch bản phim Nhật hoặc manga, đa phần đều bị đánh giá là không hay như nguyên tác, bởi nó đã được Hàn hóa quá mức cho phù hợp với thị hiếu khán giả xứ kim chi. Ấy thế nhưng cũng không hiếm phim Nhật được làm lại từ Hàn đâu đấy. Thử phân tích xem chúng có thành công không nhé.

1. Maou (Ma Vương)

Maou được đài TBS làm lại năm 2008 từ phim Hàn The Devil ra đời một năm trước. Trong phiên bản mới này, Ohno Satoshi thủ vai một luật sư hai mặt, kẻ luôn dùng cái đầu thông minh để tìm cách báo thâm thù. Còn Ikuta Toma đóng vai thám tử có quá khứ đen tối khát khao chống lại cái ác. Họ đối đầu nhau trong trò chơi sinh tử của những ván bài tarot thần bí.

Vẫn đảm bảo cốt truyện và tình tiết nhưng Maou vẫn có những thay đổi phù hợp với phong cách Nhật. Bộ phim có độ dài gói gọn 11 tập, ngắn hơn so với bản gốc và hai nam chính được xây dựng trạc tuổi nhau. Hơn thế, Maou còn hợp lý hóa hoàn cảnh nhân vật của Satoshi là một luật sự trẻ với văn phòng làm việc nghèo nàn chứ không đẹp như ở bản Hàn. Diễn xuất của bộ đôi vai chính do hai JE’s boys đảm nhận cũng tạo được nhiều ấn tượng với người xem qua tính cách, nội tâm phức tạp, gai góc. Nếu The Devil lọt top 4 phim truyền hình Hàn được yêu thích nhất năm thì Maou cũng đạt được nhiều hạng mục giải thưởng trong Nikkan Sports Drama Grand Prix lần thứ 12.

2. Ikemen Desu ne (Cô nàng đẹp trai)

Bộ phim được remake năm 2011 từ You’re Beautiful đình đám năm 2009 có nội dung kể về những tình huống dở khóc dở cười xảy ra suốt thời gian cô nữ tu trẻ thay anh trai song sinh đảm nhận vị trí ca sĩ trong một nhóm nhạc nam nổi tiếng mang tên A.N.JELL.

Ba chàng trai A.N.JELL là ba ca sĩ chung một mái nhà lớn JE. Tamamori Yuta của Kis-My-Ft2 từng được biết đến qua loạt phim Gokusen, Fujigaya Taisuke đã có kinh nghiệm diễn xuất, “Jeremy” Nhật do Hikaru của Hey!Say!JUMP đảm nhận. Takimoto Miori, cựu thành viên SweetS thể hiện vai trai giả Miko. Và “ác nữ” duy nhất phim do nhan sắc nổi bật AKB48 Kojima Haruna thủ diễn. Hội tụ dàn trai xinh nổi tiếng, diễn viên khách mời đông fan, thừa hưởng cốt truyện ăn khách, nhạc phim được viết lại lời Nhật… hứa hẹn những thành công mới mẻ ngay từ khi rục rịch bấm máy nhưng phiên bản Nhật lại nhận vô vàn ý kiến trái chiều khi bị cân đo gắt gao. Bởi bộ phim là một phiên bản rất-khác với bản gốc. Phim gồm 11 tập với tổng thời lượng giảm chỉ còn một nữa so với bản gốc. Ngoài tập đầu tiên ấn tượng bởi câu chuyện được thêm vào khá xúc động thì các tập còn lại đều bình thường, không gây hứng thú cho cả fan Nhật. Cũng bởi vì cắt giảm quá mạnh tay những tình tiết lê thê, dư thừa kèm luôn những cảnh lãng mạn, dễ thương nên phim bị fan Hàn chê tả tơi vì khô cạn những cảnh thần tượng ngọt ngào dù chúng rõ ràng vô lí, phô trương. Ngoại hình, diễn xuất của các diễn viên Nhật cũng như nội dung “mất teen” bị fan bản gốc ném đá không thương tiếc.

3. My Boss My Hero (Đại ca tôi đi học)

Được remake từ bộ phim cùng tên ra đời năm 2001, My Boss My Hero gồm 10 tập và phát sóng vào mùa hè năm 2006. Bộ phim kể về một chàng “trai hư” chính hiệu vì bảo đảm vị trí thừa kế sự nghiệp của cha đã quyết tâm “cưa sừng” xuống 10 tuổi thành học sinh. Làm đại ca thì oai phong lừng lẫy nhưng học hành thì dốt đặc, anh chàng gangster tính khí cộc cằn Makio liệu có thể tố lấy được tấm bằng tốt nghiệp chăng?

Hầu hết fan Nhật đều chưa từng xem bản Hàn nên khi đến với bộ phim thì đánh giá bản Nhật khá hay như một phim độc lập. Còn nếu phải so sánh với bản gốc thì bộ phim thật sự hài hước, duyên dáng không kém cạnh. Ngôi sao Jung Joon Ho với vai diễn để đời đại ca học dốt đã nhận được vô vàn yêu mến của khán giả Hàn Quốc. Diễn lại vai ấy trong phiên bản mới, Nagase Tomoya cũng rất thành công. Khoác lên mình bộ đồng phục trung học, Tomoya đưa người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về khả năng biến hóa hình ảnh chớp nhoáng của mình.

4. Monsters (Quái vật)

Monsters 2014 được làm lại từ phim điện ảnh Haunters của Hàn Quốc ra mắt năm 2010. Nam diễn viên Fujirawa Tatsuya thủ vai một kẻ cô độc có quá khứ khắc khổ và sở hữu năng lực kiểm soát tâm trí người khác chỉ bằng ánh mắt. Yamada Takayuki vào vai một người bơ vơ, nghèo khó nhưng nhìn đời một cách lạc quan. Định mệnh cho họ gặp nhau trong một tình cảnh không gì vui vẻ. Tên ác nhân hiểu ra hắn ta không thể sử dụng năng lực của mình với người đó – kẻ có thể miễn nhiễm với sức mạnh tâm linh từ mình. Và cuộc chiến giữa họ bắt đầu.

Hai ngôi sao điển trai của điện ảnh xứ kim chi là tài tử Kang Dong Won và  Go Soo thể hiện hai nhân vật chính của bản gốc. Về phía bản remake, quả thật không có gì phải chê ở diễn xuất của bộ đôi nam chính nổi bật trong dòng phim điện ảnh hành động tâm lý Nhật là Fujiwara và Yamada. Tuy nhiên, Monsters có cách triển khai nội dung không tạo được dấu ấn kịch tính như phiên bản Hàn. Vì thế, bộ phim cũng kém đi tính hấp dẫn so với Haunters.

5. Ryokiteki na Kanojo (Cô nàng ngổ ngáo)

Đây là phim truyền hình dài phát sóng năm 2008 dựa theo bản điện ảnh lập doanh thu kỉ lục năm 2001 phòng vé Hàn Quốc My Sassy Girl.

Từ một bộ phim điện ảnh dài hơn 2 tiếng chuyển thể thành phim truyền hình 11 tập là một áp lực không nhỏ với ekip. Họ phải đưa những tình tiết thêm thắt hợp lí vào bản truyền hình sao cho không làm loãng cốt truyện cô đọng của bản điện ảnh. Đó là chưa kể đến tác phẩm gốc có sức ảnh hưởng rộng khắp châu Á, đặc biệt là vai diễn huyền thoại của “mợ chảnh quốc dân” Jun Ji Hyun. Có lẽ vì vị thế, tuổi tác mang vẻ trưởng thành hơn nên nhân vật của bản Nhật đã “đánh mất” sự ngây thơ với diễn xuất của Kusanagi Tsuyoshi (SMAP) và Tanaka Rena. Bộ phim vấp phải nhiều ý kiến chê bai nên hiệu ứng khán giả cũng không tốt.

6. Hope: Kitai Zero no Shinnyu Shain (Cuộc đời dang dở)

Hope được làm lại từ bộ phim Misaeng của Hàn Quốc năm 2014 dựa trên nguyên tác là bộ truyện tranh nổi tiếng được rất nhiều yêu thích của tác giả Yoon Tae Ho.

Thủ vai chính Ayumu trong phim là Nakajima Yuto, thành viên của Hey!Say!JUMP!. Ayumu đã bỏ dở giấc mơ kì thủ và “làm lại” ở tuổi 22 trong vị trí nhân viên thử việc. Từ người hoàn toàn không biết gì, anh đã cố gắng để được trở thành nhân viên chính thức. Trên chặng đường đó, anh đã vượt qua những dè bĩu, xem thường và chiến thắng cả bản thân mình.

Misaeng bản Hàn nhận được nhiều giải thưởng truyền hình và khán giả đã hết lời khen ngợi. Ngay từ khi Trung và Nhật mua lại bản quyền phim, nhiều fan Hàn lo âu liệu phiên bản khác có thể tái hiện chân thực được cảnh công sở khắc nghiệt như đất nước họ hay không. Và phiên bản Nhật ra đời để trả lời thắc mắc đó. Nhân vật của Hope được xây dựng mang nét tính cách “chuẩn mực” cho một tập thể nhân viên văn phòng thường thấy: có người dẻo miệng, người khù khờ, kẻ ma lanh, người cố chấp… Dù biết bao áp lực, khó khăn, những con người ngày ngày ra vào khối cao ốc ấy vẫn không ngừng nỗ lực, có thể vì tập thể, cũng có thể vì chính bản thân mình.

Bộ phim vừa lên sóng mùa hè 2016 này, hứa hẹn thu hút một lượng lớn các fangirl yêu thích vẻ đẹp sáng sủa của Yuto. Tuy nhiên, Hope khởi đầu khá èo uột với rating 6,5% và cật lực gồng gánh suốt nửa chặng đường phim hè.

 

Nguồn: Đồng Mây