Bản danh sách của Schindler - Cả nhân loại phải rơi nước mắt
Đánh giá phim · Moveek ·
Một kiệt tác khiến nhân loại phải rơi nước mắt về cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Một câu chuyện cảm động về Schindler’s List (Bản danh sách của Schindler) - bộ phim không thể bỏ qua, một kiệt tác khiến nhân loại phải rơi nước mắt về cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Steven Spielberg bắt đầu thực hiện Schindler’s List tại Ba Lan trong khi bộ phim “bom tấn” Jurassic Park (1993) của ông đang trong giai đoạn cao điểm làm hậu kỳ, khiến Spielberg đồng thời phải kiểm soát bộ phim đó qua vệ tinh, với sự trợ giúp hết lòng của người bạn thân George Lucas.
Chính phủ và nhân dân Ba Lan tuy dành cho đoàn phim rất nhiều thiện cảm, nhưng bộ phim lại không được phép quay tại 2 địa điểm thật, bối cảnh quan trọng chính của phim, là Trại lao động cưỡng bức ở Plaszów và trại tử thần Auschwitz. Hai bản sao mô phỏng như thật đã được xây dựng là một trong những bối cảnh lớn nhất được dựng ở Ba Lan. Bối cảnh này được xây dựng theo sơ đồ của trại nguyên gốc. Đoàn phim đã xây dựng 34 tòa nhà, 7 tháp canh và tái tạo con đường dẫn vào trại được lát bằng những tấm bia mộ của người Do Thái. Để thu thập các trang phục cho 20.000 diễn viên phụ, các nhà thiết kế trang phục đã đăng quảng cáo trên cả nước Ba Lan để mua lại những bộ quần áo cũ từ những thập niên 1930 và 1940. Rất nhiều người Ba Lan đã hăm hở bán lại quần áo mà họ vẫn còn sở hữu cho đoàn phim.
Ban đầu Spielberg tính sử dụng tiếng Đức và Ba Lan trong những cảnh tái tạo cảm giác thật như trong quá khứ, và sử dụng tiếng Anh để nhấn mạnh những điểm kịch tính. Nhưng sau đó ông lại đổi ý dùng tiếng Anh hầu như toàn bộ vì e rằng mình sẽ không thể đánh giá chính xác sự diễn xuất của các diễn viên bằng những ngôn ngữ xa lạ, đồng thời đó sẽ là nguyên do khiến khán giả có thể đưa mắt ra khỏi màn ảnh và nhìn cái khác!
Schindler’s List được khởi quay vào ngày 01/03/1993 tại Kraków, Ba Lan. Thời gian quay bộ phim là khoảng thời gian vô cùng xúc động đối với cá nhân Spielberg, vì chủ đề của bộ phim buộc ông đương đầu với những ám ảnh thời thơ ấu. Chẳng hạn như chủ nghĩa bài Do Thái mà ông đã từng phải đối mặt, hay những câu chuyện về Holocaust mà ông nghe các nhân chứng sống kể lại… khiến Spielberg hầu như khóc suốt thời gian quay. Tuy ngồi ghế đạo diễn, nhưng ông không dám đứng xem lúc quay cảnh những người Do Thái lớn tuổi bị bọn Đức lột trần truồng thả chạy rông, để những gã bác sĩ phát xít lựa chọn đưa tới lò thiêu sống Auschwitz!
Diễn biến trong cảnh bọn phát xít thanh trừng khu Do Thái ở Krakow chỉ dài một trang trong kịch bản, nhưng Spielberg đã biến thành 20 trang và ông chắc chắn rằng 20 phút đau thương trên màn ảnh này có thể làm thắt lòng bất cứ ai đã từng xem qua. Nó hoàn toàn dựa theo lời kể của các nhân chứng còn sống.
Một vài nữ diễn viên đã nghẹn ngào khi quay cảnh tắm vòi sen, trong đó có một người đã từng được sinh ra tại một trại tập trung. Còn diễn viên Ben Kingsley (đóng vai thư ký Itzhak Stern), trong lúc quay lúc nào cũng giữ trong túi áo khoác của mình một bức ảnh của Anne Frank – người thiếu nữ chết trong một trại tập trung Do Thái, và là tác giả của cuốn Nhật ký Anne Frank nổi tiếng, viết về nạn diệt chủng Holocaust.
Vợ Spielberg, diễn viên Kate Capshaw và 5 đứa con luôn luôn sát cánh bên ông trên trường quay, và sau này ông đã cám ơn vợ mình “đã giải cứu tôi trong 92 ngày liên tiếp… khi mọi thứ đã trở nên quá đau khổ!”. Cha mẹ của Spielberg cùng với một người giáo sĩ Do Thái cũng thường xuyên đến phim trường thăm ông. Thậm chí, do không khí quá căng thẳng, cứ hai tuần một lần, bạn Spielberg là diễn viên hài Robin Williams lại gọi điện để lên dây cót tinh thần cho ông bằng nhiều câu chuyện đùa dí dỏm!
Spielberg cầm chắc bộ phim sẽ thất bại về doanh thu nên ông kiên quyết không nhận thù lao. Ông cho rằng đồng tiền kiếm được trên thảm kịch của người Do Thái là “những đồng tiền máu”.
Thật ngạc nhiên khi Spielberg quyết định không lên kế hoạch cho bộ phim bằng kịch bản hình (storyboard) – một điều gần như là quy định bất thành văn ở Hollywood và trên thế giới. Sau khi xem hai bộ phim tài liệu về đề tài Holocaust The Twisted Cross (1956) và Shoah (1985), Spielberg quyết định chọn phong cách tài liệu cho Schindler’s List. Ông cũng gây bất ngờ khi chọn Janusz Kaminski – một nhà quay phim trẻ người Ba Lan lúc ấy còn rất vô danh, đảm trách phần hình ảnh (Từ sau Schindler’s List, Janusz đã trở thành nhà quay phim “ruột” trong tất cả những bộ phim của Steven Spielberg sau này).
40% bộ phim được quay bằng camera cầm tay, Spielberg cảm thấy rằng điều này sẽ tạo cho bộ phim tính tự nhiên, sắc bén, và hợp với chủ đề của bộ phim. Trong phim này, phong cách quay hoàn toàn là của chính ông. Ông tự hào khoe rằng đây là một trong những bộ phim hiếm hoi, không có cảnh nào sử dụng cần cẩu, không steadicam (hệ thống giảm xóc), vứt bỏ ống kính zoom, và tống khứ gần như tất cả những thiết bị hiện đại thường hay sử dụng trong các bộ phim lớn.
Quyết định quay bộ phim chủ yếu bằng trắng đen là một sự táo bạo đầy rủi ro, nhưng nó làm nổi bật thêm phong cách tài liệu của kỹ thuật quay phim được so sánh với phong cách điện ảnh trước đây như Chủ nghĩa Biểu hiện của Đức và Chủ nghĩa Tân hiện thực của Ý. Kaminski nói rằng mình muốn đưa vào bộ phim một cảm giác vượt thời gian, để khán giả sẽ “không cảm nhận được nó đã được thực hiện vào khi nào. Đó là tất cả những gì mà tôi đã thấy và hình dung về Holocaust… chúng là những hình ảnh trắng đen ảm đạm toàn diện!”.
Chủ tịch của Hãng Universal, Tom Pollock, yêu cầu Spielberg quay bộ phim bằng âm bản màu, để sau này khi phát hành băng đĩa sẽ dễ bán hơn, nhưng Spielberg không muốn “tô điểm cho các sự kiện đẫm máu”. Quay trắng đen mở ra nhiều thách thức cho ê kíp quen làm phim màu. Allan Starski, nhà thiết kế sản xuất, phải làm cho các bối cảnh tối hơn hoặc sáng hơn diễn viên trong cảnh quay, để người và cảnh không lẫn lộn vào nhau. Trang phục phải có sự khác biệt với nước da hay màu da của diễn viên được sử dụng trong bối cảnh.
Spielberg tiếp tục mời John Williams - người nhạc sĩ quen thuộc trong tất cả các phim của ông – soạn nhạc nền cho Schindler’s List. Nhưng chủ đề của bộ phim khiến cho nhà soạn nhạc danh tiếng này phải bối rối, vì ông cảm nó quá khó. Ông bảo với Spielberg: “Anh cần phải có một nhà soạn nhạc giỏi hơn tôi để viết nhạc cho phim này”. Spielberg đáp lại: “Tôi biết. Nhưng họ đều chết hết cả rồi!”. Câu nói đó là một sự khích lệ rất lớn với Williams, giúp ông cho ra đời một trong những giai điệu hay nhất trong lịch sử điện ảnh. Williams đã chơi bản nhạc chủ đề chính bằng piano, và theo sự gợi ý của Spielberg, ông mời danh cầm người Do Thái Itzhak Perlman biểu diễn với cây violin. Tiếng đàn day dứt của Perlman đã làm “sởn gai ốc” cho bất cứ ai và trở thành giai điệu chính của phim. Sau này chính Itzhak Perlman đã nói rằng, sự đóng góp của ông trong Schindler’s List là một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của mình.
Schindler’s List được hoàn tất trong thời gian 72 ngày. Với kinh phí 22 triệu USD, đây là bộ phim đen trắng tốn kém nhất từng được thực hiện từ trước tới nay. Schindler’s List cũng là bộ phim đầu tiên bị xếp loại R (dưới 17 tuổi phải có cha mẹ hoặc người lớn đi kèm) của Steven Spielberg.
Bộ phim được công chiếu đầu tiên tại New York, Los Angles và Toronto vào ngày 15/12/1993. Mùa Hè năm đó cả thế giới đã rồng rắn kéo nhau đi xem những con khủng long gầm thét trong “quả bom tấn” Jurassic Park của Spielberg, tạo nên doanh thu khổng lồ 914,7 triệu USD. Nay người ta tò mò đi xem thử bộ phim “nghệ thuật phi thương mại” đầu tiên của Steven Spielberg như thế nào.
Trái với dự đoán, Schindler’s List đã thu hút khán giả một cách bất ngờ. Chưa bao giờ khán giả Mỹ lại đổ xô đi xem một bộ phim chiến tranh đen trắng, dài 3 giờ 15 phút với câu chuyện hoàn toàn đen tối và quá bi tráng như vậy. Bộ phim thu được 96,1 triệu USD tại Mỹ và hơn 321,2 triệu USD trên khắp thế giới. Vào thời điểm đó, báo chí thế giới hầu như chỉ nói về Schindler’s List. Hàng loạt phóng sự, những cuộc điều tra đã hé mở cuộc đời bí ẩn và kết cuộc buồn thảm của người hùng thầm lặng Oskar Schindler.
Đặc biệt tại Đức, bộ phim có đông người xem nhất trên thị trường quốc tế với hơn 5,8 triệu vé đã được bán ra. Đa số là khán giả trẻ đã vào rạp xem và những gì hiện ra trên màn ảnh khiến cho họ bàng hoàng. Họ bước ra khỏi phòng chiếu với gương mặt giàn giụa nước mắt và bước chân nặng trĩu. Họ không thể tin được cha ông của mình có thể phạm những tội ác tày đình như thế đối với loài người. Một số khán giả Đức khi gặp người Do Thái xa lạ đã không ngần ngại ôm lấy họ khóc nức nở, hoặc lạy rạp trước mặt họ như để cầu xin một sự tha thứ cho những lỗi lầm của ông cha ở quá khứ. Tất nhiên Schindler’s List được đón nhận nồng nhiệt tại Israel, nơi nó được phát sóng trên truyền hình công cộng hàng năm vào ngày tưởng niệm Holocaust, không bị lược bỏ, không bị kiểm duyệt và không bị cắt ngang bởi quảng cáo.
Schindler’s List là bộ phim được giới phê bình ca ngợi nhiều nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của Steven Spielberg. Nó giành 7 giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Sau phim này, cả hai diễn viên Liam Neeson và Ralph Fiennes đều nổi tiếng. Schindler’s List luôn có mặt trong Top 10 – các danh sách bình chọn những phim hay nhất mọi thời đại ở bất cứ quốc gia nào.
Giữ đúng lời hứa, toàn bộ lợi nhuận mà Steven Spielberg được hưởng theo sau sự thành công của bộ phim, đã được ông thành lập Quỹ tài trợ Survivors of the Shoah Visual History Foundation (Hình ảnh lịch sử của những nạn nhân sống sót sau nạn Diệt chủng Do Thái), một tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu là lưu trữ những chứng cớ được quay thành phim của nạn nhân sống sót Holocaust.
Nguồn: Ba Vu - Kinh Điển