Biên kịch Việt tài giỏi - Khó tìm?

Tin điện ảnh · MarsLe ·

Sau khi đọc một kịch bản phim thương mại của nước nhà người ta thì đã minh bạch một điều: Khoảng cách trình độ chuyên môn cũng như nền tảng văn hoá xã hội là quá lớn. Còn nói chuyện tháp ngà nghệ thuật gì chứ!

Sau khi đọc một kịch bản phim thương mại của nước nhà người ta thì đã minh bạch một điều: Khoảng cách trình độ chuyên môn cũng như nền tảng văn hoá xã hội là quá lớn. Còn nói chuyện tháp ngà nghệ thuật gì chứ!

Mấy bữa trước, tôi có nhắc đến trường hợp một phim nhà nước nọ với anh bạn, rằng những người sản xuất bộ phim ấy đã có một quyết định cực kỳ ngu xuẩn và lãng phí: quay bằng phim nhựa 35mm đắt tiền nhưng không scan phim mà hậu kỳ bằng bản telecine rồi cứ thế đem ra rạp chiếu. Tôi nghĩ những người thợ của Kodak hay Fuji có thể coi đó như một tội ác tương đương với việc giết một con tê giác chỉ để lấy cái sừng. Hiển nhiên là người Việt Nam thì chúng ta đều hiểu là vì cái gì mà chuyện đó lại xảy ra. Phim nhà nước thì như vậy nhưng phim tư nhân thì sao? Cũng không thiếu những bộ phim không được chỉnh màu hay làm âm thanh cho đàng hoàng. Cũng không thiếu những bộ phim tiền tấn cũng những tham vọng nghệ thuật cao xa nhưng cuối cùng chỉ là rỗng tuếch. Nguyên nhân không phải là tham nhũng nữa rồi mà là một cái sai sâu xa hơn nhiều.

Tôi mới phải đi sửa điện thoại, mà phải quay lại tiệm sửa 3-4 lần vì những lỗi vặt vãnh phát sinh từ sự bất cẩn của người thợ. Tôi nhớ đến nhạc sĩ Guillaume Vétu bạn tôi cái hồi anh còn ở Hà Nội và phải xắn tay làm thay người thợ anh thuê về sửa ống nước. Khi tôi gặp Franck Démoulins, tôi ngay lập tức thấy việc tôi trả số tiền hậu kỳ gấp rưỡi kinh phí quay Dành Cho Tháng Sáu, gấp đôi số tiền người ta đang trả cho Franck bây giờ, là một việc hoàn toàn đúng và phải làm. Nếu như khán giả không thích phim tôi làm, lương tâm nghề nghiệp của tôi cũng đỡ day dứt vì tiêu chuẩn kỹ thuật đẳng cấp quốc tế dành cho những người xem nó trong rạp. Guillaume kết luận người Việt không tìm thấy tình yêu công việc. Và tôi cũng tin người ta chỉ có thể tạm đặt sự được mất sang một bên, hay nói cách khác là hi sinh, trong tình yêu.

Người ta vẫn nói tiền công kịch bản điện ảnh đang quá thấp thì làm sao mà có kịch bản hay. Đó là một sự thật đáng suy nghĩ cho các nhà sản xuất phim. Đúng, nhưng nếu một người biên kịch nào đó đang tin rằng tiền công cao hơn có thể giúp họ viết hay hơn thì nó lại hoàn toàn sai, một sự báng bổ nghề nghiệp khủng khiếp. Sáng tác là một công việc mà sự thôi thúc nó đến từ sâu thẳm bên trong. Một kịch bản có thể không hoàn hảo vì sự đòi hỏi đến từ dự án (phim để kiếm tiền chẳng hạn) nhưng nó vẫn có thể làm rung động người ta khi nó chân thành và chân thật. Những kịch bản tồi tệ nhất luôn là những kịch bản mà người biên kịch chỉ đóng vai kẻ quan sát khách quan vo ve xa cách bên ngoài. Làm sao viết được sự chân thật nếu chỉ phán xét nhân vật bằng con mắt chủ quan cá nhân và ý thức xã hội máy móc, nếu không bước đi những bước đi của nhân vật từ quá khứ đến hiện tại, nếu không cảm nhận những thiếu sót trong tâm hồn cũng như những nỗi đau khổ của nhân vật? Làm sao có thể nói yêu ai đó nếu nhưng chẳng chịu thấu hiểu hết tâm can đối phương? Chỉ có sự thấu hiểu ấy mới cho ta cái dũng khí để cất bước trong cuộc hành trình khó khăn này. Nghe tưởng chừng như hờ hững dễ dàng như thể ai cũng làm được thế thôi, nhưng đó là điểm mấu chốt mà biến việc sáng tác thành việc không phải ai cũng làm được.

Nguồn: Huu Tuan Nguyen