Brooklyn – Phim ảnh bước ra từ truyện trung thành nhất

Tin điện ảnh · Moveek ·

Tin chắc rằng bộ phim sẽ khiến khán giả không rơi lệ cũng sẽ cảm thương cho người sống xa quê hương.

Bộ phim tái hiện lại bối cảnh những năm 50 của thế kỉ 20, người con gái chân quê gốc xứ Ireland quyết tâm rời bỏ cuộc sống bình thường, đơn điệu của mình để đến vùng đất mới mang tên “Giấc mơ Mĩ”. Đây là kịch bản chuyển thể được đánh giá là trung thành nhất so với tác phẩm cùng tên được ra đời dưới bàn tay của đạo diễn John Crowley một cách cẩn trọng và khéo léo. Dù được đề cử ở ba hạng mục lớn tại giải Oscar 2016, nhưng dường như Brooklyn lại khá trầm so với các ưng cử viên khác, tuy nhiên bộ phim ắt hẳn sẽ không làm thất vọng người xem ở từng giây phút.

Xuất thân là một cô bé ngây ngô, tinh khiết và ít nở nụ cười trên môi, Eilis cảm thấy rối bời sau khi bước qua cánh cửa hải quan với một lỗ hỏng kinh nghiệm về giao tiếp khách hàng, cách che giấu cảm xúc của mình khi đối diện với chuyện buồn cũng như nỗi nhớ nhà như-đến-chết của cô. Ở đoạn đầu, tâm lí nhận vật được nữ diễn viên Saoirse Ronan thể hiện một cách mượt mà, rồi mày đậm môi son từ từ lột xác hẳn khiến Eilis dần tự tin để có thể “nghĩ theo người Mĩ” đúng nghĩa ở đoạn kết. Kịch bản được đầu tư theo nhịp phim chậm rãi, hợp lí: những bộ trang phục và cách trang điểm dần dần thay đổi phong cách qua năm tháng, cũng như phản ứng của một cô gái rụt rè trước lúc hòa nhập với cộng đồng “sống thoáng” của Mĩ đều được khắc họa tỉ mĩ qua vết son, qua ánh mắt lẫn dáng vẻ, bước đi. Tất tần tật đều phải được học qua từng bước, từng câu chuyện của đời người sống xa nhà.

Eilis được xem là đại diện cho những ai phải khăn gói đi làm xa nhà, xa ở đây không còn là khoảng cách trong vùng đất bản xứ, mà xa tít nghìn dặm đường dài. Nỗi lòng của những người như nhân vật chính được miêu tả rất chân thật, rất sống động, đến nỗi có thể lấy đi nước mắt của dân đang tha hương vì “khi ai đi xa rồi cũng sẽ cảm thấy thế” nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ trôi đi như một cơn gió. Cũng như Eilis ở cuối phim căn dặn một cô bé Ireland trong sáng chập chững bước đến Brooklyn như mình năm nào: “Em sẽ nhớ nhà đến mức em muốn chết đi, nhưng em chẳng thể làm gì ngoài chịu đựng. Nhưng em sẽ chịu đựng, và nó sẽ không giết chết em”

Vào khoảnh khắc chân trời mới thật sự rộng mở trước mắt của cô gái trẻ - tình yêu, kiến thức, công việc, thì cũng là lúc bi kịch của sự chọn lựa xuất hiện khi đứng giữa Trách nhiệm gia đình và tương lai tươi sáng. Eilis quay về quê hương để dự đám tang của chị mình trong niềm hy vọng của mọi người là cô có thể lấp được vị trí của chị mình. Lúc bấy giờ Eilis đã quá hoàn hảo và cấp tiến so với người ở thị trấn nhỏ bé này. Trở lại đây, Eilis vô tình nhận được những điều nhưng-trong-mơ mà trước đây cô từng mong muốn và những chữ “Giá mà” bắt đầu xuất hiện trong cô. Ở phân đoạn hai này, câu chuyện lại tinh tế dẫn dắt chúng ta thoát ra khỏi những vấn đề về tâm trạng của người xuất khẩu lao động, song, lại đề cập đến việc những ước-mơ-đến-trễ và lựa-chọn-cuối-cùng. Tất nhiên đoạn kết bộ phim khẳng định được rằng “Không ai sống giùm cuộc đời của ai”, Eilis quyết định trở về hạnh phúc của mình ở phía kia bờ biển dẫu biết sau lưng là những lời oán trách tàn nhẫn cùng giọt lệ của mẹ già. Mà nói sao được khi “Con người đâu có mấy chọn lựa, sao lại phải chọn lựa điều mình không mong muốn?”

“Và rồi một ngày, mặt trời sẽ hé lộ.Em sẽ không để ý ngay bởi ánh dương mờ lắm. Nhưng rồi em chợt nhận ra mình đang nghĩ tới một ai hay một điều gì đó không liên hệ gì đến quá khứ của em, một người chỉ của riêng em. Và em sẽ nhận ra, cuộn sống của em là ở đây” – Eilis đã kết như thế

Eilis là đại diện cho những giấc mơ không chỉ ở Mĩ, mà giấc mơ vươn cánh bay xa ra khỏi vùng đất nhỏ bé của mình để tìm hiểu những điều mới lạ khác ở những nơi mình không thể nào biết nếu không bước chân đến đó. Đây là bộ phim mang đầy chất sống, chất nhân văn và là nguồn cảm hứng thúc đẩy những ai đang muốn thoát ra khỏi cuộc sống đơn điệu của mình mà vẫn còn đang phân vân giữa đi và ở. Đâu có gì là tuyệt đối nên hãy nghĩ tương đối, nỗi buồn cũng sẽ vơi dần, tủi thân cũng sẽ như gió cuốn trôi, nhưng kinh nghiệm và trải nghiệm sẽ là những câu chuyện được kể đi kể lại trong suốt cuộc đời của chúng ta. Nên vì thế hãy tự tin để chọn những bước ngoặc của đời mình như nữ nhân vật chính.

Về phương diện nghệ thuật, góc máy và phối nhạc là điểm đắt giá vô cùng được đạo diễn đầu tư kỹ lưỡng không chút khinh suất, cộng hưởng thêm màu sắc mang vẻ cổ điển cùng phong cảnh trữ tình lại khiến cho khán giả như được sống lại ở thập niên 50 thêm một lần nữa, ồn ào, hối hả nhưng lại rất bình yên, giản dị.

Tin chắc rằng bộ phim sẽ khiến khán giả không rơi lệ cũng sẽ cảm thương cho người sống xa quê hương.

Nguồn: Kiến Lương