Câu chuyện kịch bản - Phần 4: Trỗi dậy cùng phim chuyển thể

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Rõ ràng nhất, đó chính là với 1 nền văn hóa èo uột hiện tại, nơi mà các bản sao của ca sĩ Hàn Quốc cổ xúy cho các thiếu niên Việt gào khóc vì sao Hàn, hay những tác phẩm ngôn tình khiến cho người trẻ trở nên sướt mướt, thì chúng ta thiếu một sự thay đổi toàn diện trên mọi lĩnh vực văn hóa.

Với một nền văn hóa đương đại nghèo nàn và yếu ớt, thì phim chuyển thể là cánh cổng để văn hóa Việt “lột xác”.

Trong những bài trước, Moveek đã đề cập đến những tác phẩm văn học viết lẫn văn học dân gian có thể tạo thành những bộ phim hay. Trong kì cuối này, tôi muốn chia sẻ thêm với các bạn về những gì mà một bộ phim chuyển thể có thể làm được.

1. Trông người mà ngẫm đến ta.

Chúng ta hãy đi từ 1 ví dụ có tính đại chúng trước nhé.

5 năm trước, khi mà Harry Potter and the Deathly Hallows - Part 2 thu về 1,3 tỉ USD trên toàn cầu, người ta nghĩ rằng một thời đại của các thanh niên lớn lên cùng Harry Potter đã kết thúc.

Tuy nhiên, ngoài khoản doanh thu hơn 7 tỉ USD cho cả 7 phần trên toàn cầu, thì cái mà Harry Potter đem lại là cả một nền văn hóa với các tác phẩm cùng khai thác chủ đề này như: game, nhạc kịch, và tiểu thuyết phần tiếp theo.

Không thể không công nhận tài năng của J.K. Rowlings khi viết bộ truyện này. Nhưng rõ ràng là nhờ có sức mạnh của hình ảnh và âm thanh, mà câu chuyện về cậu bé phù thủy này trở nên hấp dẫn và chân thực hơn. Những khán giả lớn tuổi thì có thêm 1 công cụ tốt để “dụ dỗ” những đứa con của mình tiếp thu với văn hóa đọc.

Vậy những người làm văn hóa Việt Nam có thể rút ra bài học gì?

Rõ ràng nhất, đó chính là với 1 nền văn hóa èo uột hiện tại, nơi mà các bản sao của ca sĩ Hàn Quốc cổ xúy cho các thiếu niên Việt gào khóc vì sao Hàn, hay những tác phẩm ngôn tình khiến cho người trẻ trở nên sướt mướt, thì chúng ta thiếu một sự thay đổi toàn diện trên mọi lĩnh vực văn hóa.

Tôi không nghĩ người Việt nghèo sáng tạo, tôi chỉ cho rằng chúng ta chưa thể tận dụng hết sự sáng tạo đó mà thôi.

Hãy nghĩ xem, nếu một ngày nào đó các nhà làm phim của Việt Nam làm ra một bộ phim “Lá cờ thêu sáu chữ Vàng” (đã có giới thiệu trong bài 2), với những ca khúc được đầu tư kĩ lưỡng, mang đậm tính hùng tráng và sự lãng mạn của người Việt, cùng ra mắt với một game dàn trận thời gian thực kể về thời nhà Trần chống quân Nguyên. Sau khi phim phát hành, lại có một bộ truyện tranh ngắn kể về những giai thoại liên quan đến các nhân vật trong game hoặc phim.

Đó sẽ là 1 cú huých lớn với nền văn hóa nước nhà, và dĩ nhiên hứa hẹn một khoản thu khổng lồ “do người Việt và vì người Việt”. Và ngay cả khi chưa thể ra mắt những sản phẩm liên quan như film, game v.v. thì một bộ phim chuyển thể (vốn chưa thể khai thác hết được cốt truyện) cũng sẽ là tiền đề rất tốt cho những phần sau (sequel) hoặc những series phim truyền hình ăn theo (spin off).

Một ví dụ kinh điển đó là loạt phim Bố Già (Godfather) dựa theo tác phẩm của Mario Puzzo. Chỉ có phần 1 là dựa trên tác phẩm “The Godfather” của Mario Puzzo, còn 2 phần sau được tác giả tiếp tục viết kịch bản vì thành công quá lớn của nó.

Có thể nói, nếu các nhà làm phim Việt Nam muốn “vắt sữa” như cách người Mĩ “vắt sữa” các thương hiệu phim, thì việc đầu tiên là phải tìm ra một tác phẩm có khả năng “cho sữa” như “Bố Già” vậy. Tuy nhiên,  ngay cả khi bạn là một nhà làm phim muốn đi theo con đường “săn” giải thưởng,  thì một tác phẩm văn học hay cũng là 1 lợi khí cho bạn.

Năm 2010, sau khi thu về 269 triệu yên (~2.5 triệu USD) trên 266 rạp chiếu, Confession - bộ phim dựa trên tiểu thuyết của Kanae Minato đã được đề cử đại diện Nhật Bản tham gia giải Oscar với đề mục “Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất” cũng như giành giải trong các liên hoan phim như: Liên hoan phim Châu Á lần 5,  Giải thưởng phim Hong Kong v.v.

Sở dĩ chúng tôi chọn nói về Confession, đơn giản là vì bộ phim dựa trên 1 tiểu thuyết khai thác một vấn đề “rất Nhật Bản”: nạn bắt nạt trong học đường, căn bệnh “không đến trường” (不登校) của các em học sinh … Bộ phim sử dụng các diễn viên Nhật Bản và nói về những góc khuất trong tinh thần người Nhật, cộng với một cốt truyện li kì, tạo nên sức ám ảnh cực mạnh. Như vậy, những tác phẩm văn học đậm chất địa phương chính là nguồn nội lực to lớn khi muốn “đem chuông đi đánh xứ người”.

2. Bước đầu tiên của hành trình vạn dặm

Moveek đã dành kì 1 và kì cuối để nói về “viễn cảnh” mà phim chuyển thể có thể vẽ ra.

Nhưng để đi từ nền điện ảnh hiện tại đến 1 nền công nghiệp điện ảnh đủ mạnh để làm trục cho game, truyện tranh… thì đó là cả 1 quá trình dài. Những bước đầu của quá trình này có thể tóm tắt như sau.

a.Tăng cường sự chỉn chu trong làm phim

Với những bộ phim chuyển thể từ các tiểu thuyết lịch sử thì yếu tố quan trọng nhất là phục trang bối cảnh. Năm 2012, chúng ta có Thiên Mệnh Anh Hùng kể về thời Hậu Lê. Tuy là thời Hậu Lê nhưng nhân vật nữ trong phim mặc áo yếm. Điều này là 1 nhược điểm có thể khắc phục nếu các nhà làm phim nghiên cứu kĩ hơn về phục trang (Nhất là khi đã bắt đầu có những nghiên cứu về văn hóa dân tộc, điển hình là cuốn “Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức, phục dựng lại các mẫu y phục của ông cha ta).

Bên cạnh đó, các bộ phim sử Việt cũng thường bị mắc lỗi khi dựng cảnh. Chẳng hạn như phim Khát Vọng Thăng Long làm năm 2010 có cảnh đồng quê khá ổn, nhưng có một phân cảnh chiến đấu trong ngự hoa viên mà thoạt nhìn không khác gì công viên thời hiện đại (vì bãi cỏ được cắt xén đều như máy). Về điểm này, chúng ta có thể học tập ở người láng giềng Trung Quốc: họ sẵn sàng xây các khu ngoại cảnh cổ đại với lầu đài, đường phố để quay phim. Khi không có quay phim, thì đây là nơi du lịch lý tưởng.

Trường quay Cửu Trại Câu, nơi quay bộ phim “Thần Điêu Đại Hiệp 2006” với Huỳnh Hiểu Minh, Lưu Diệc Phi.
Trường quay Cửu Trại Câu, nơi quay bộ phim “Thần Điêu Đại Hiệp 2006” với Huỳnh Hiểu Minh, Lưu Diệc Phi.

Dĩ nhiên là chưa có công ti điện ảnh nào ở Việt Nam đủ tài lực để làm như vậy. Cho nên đề xuất này nhắm đến các hãng phim nhà nước có sự hỗ trợ của các Bộ và số vốn khổng lồ.

b. Sự can đảm chuyển thể thành phim

Làm một bộ phim chuyển thể hay, tức là truyền tải được cả cái thần của tác phẩm lẫn dấu ấn cá nhân của nhà dựng phim vào trong đó. Nếu chỉ chăm chăm chuyển tải cốt truyện của tác phẩm văn học thì phim trở thành một “slideshow minh họa truyện”. Nếu quá đề cao cái tôi và chạy theo thị hiếu thì sẽ “phá nát” tinh thần của tác phẩm (Loạt phim kiếm hiệp do Vu Chính chuyển thể từ tác phẩm Kim Dung là một ví dụ).

Nếu các nhà đạo diễn đủ lực và đủ can đảm, thì tác phẩm của họ sẽ ở đẳng cấp của Sherlock do BBC sáng tạo.

Bởi vì Sherlock Holmes mà BBC dựng nên đã đáp ứng được yêu cầu có “thần” của nguyên tác khi giải thích rất trực quan, sinh động trí tuệ của Sherlock Holmes, và tạo nên “sắc thái riêng” khi xây dựng nhân cách của Sherlock Holmes là 1 kẻ lập dị, chống đối xã hội mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trong thời đại Internet này.

Và nếu cao tay hơn nữa, các nhà làm phim của chúng ta sẽ đạt đến cấp độ của film The Mist năm 2007.

Đây là một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn lừng danh Stephen King của Mĩ.

The Mist không phải là bộ phim đầu tiên được chuyển thể từ truyện của nhà văn này. Trước đó chúng ta có The Green Mile sản xuất năm 1999 do Tom Hanks thủ vai chính. Tuy nhiên, thành công của The Mist chính là đã có 1 cái kết khác hoàn toàn bất ngờ và hấp dẫn hơn so với cái kết mở ban đầu của tiểu thuyết.

Nói về cái kết này, Stephen King chỉ có thể nhận định:

Frank wrote a new ending that I loved. It is the most shocking ending ever and there should be a law passed stating that anybody who reveals the last 5 minutes of this film should be hung from their neck until dead.

Frank (biên kịch) đã viết 1 kết cục mới khiến tôi yêu thích. Đó là một kết thúc gây shock nhất từng có. Và nên thông qua 1 đạo luật rằng bất kì ai tiết lộ 5 phút cuối phim sẽ bị treo cổ đến chết.)

Loạt chuyên đề về phim chuyển thể xin được kết tại đây. Moveek, nói cho cùng cũng chỉ là một cộng đồng yêu thích phim ảnh. Thế nên mong sao những nhà làm phim Việt luôn đủ can đảm và sáng tạo để đi đầu trong công cuộc vực dậy văn hóa đương đại của chúng ta.

Bài 1: Câu chuyện kịch bản - Phần 1: Tìm “hồn” cho phim Việt

Bài 2: Câu chuyện kịch bản - Phần 2: Những kịch bản đảm bảo hay

Bài 3: Câu chuyện kịch bản - Phần 3: Cổ nhưng không Cũ