Certified Copy, Abbas Kirostami - Cuộc trò chuyện của những phiên bản khác

Tin điện ảnh · BaVu ·

Biết là hôm nay trễ ngày rồi, nhưng mà cũng viết, vì cảm xúc cũ trôi đi hết rồi, trải nghiệm mới ở một nơi thanh bình và những cuộc trò chuyện mới làm tôi nghiệm ra thêm nhiều điều từ phim này.

Biết là hôm nay trễ ngày rồi, nhưng mà cũng viết, vì cảm xúc cũ trôi đi hết rồi, trải nghiệm mới ở một nơi thanh bình và những cuộc trò chuyện mới làm tôi nghiệm ra thêm nhiều điều từ phim này. Xin cho tôi tạm dịch tên phim - Certified Copy, theo cách của tôi là “Phiên bản được chấp nhận” chứ không phải là “Sao y bản chính”.

Vì sao lại như vậy? Thật ra tôi tôn trọng tên gốc tiếng Anh của phim hơn, vì nó bao hàm được hết các tầng ý nghĩa của phim, do bản thân hai chữ “Certified” và “Copy” bản thân đã có nghĩa bao hàm biết bao nhiêu từ ngữ trong tiếng việt của ta rồi. Riêng tôi sau khi xem phim, bản thân tự thấy sự “sao chép” được nhắc tới rất mơ hồ... mà rõ hơn phải là sự tồn tại và được chấp nhận giữa các phiên bản khác nhau, dựa trên văn hóa, tiếng nói, và những thứ đẹp đẽ bao hàm dưới đó nữa... Nên tôi có nhận xét chung là chúng ta đều có rất nhiều phiên bản, và quan trọng là phiên bản nào của ta được chấp nhận mà thôi.

Tôi may mắn được lớn lên trong một gia đình trung lưu, khá giả nên được tiếp xúc nhiều với ngoại ngữ từ nhỏ. Ông nội tôi làm thông dịch cho Air France, các anh chị cũng du học nhiều, nên từ nhỏ tôi đã được học tiếng Anh, và lên Đại Học tôi cũng tự xung phong đi học tiếng Pháp... nên khi xem phim, tôi có đôi chỗ hơi giật mình khi mạch phim mình vẫn theo kịp, nhưng để ý một hồi mới nhớ hình như là người ta vừa chuyển ngôn ngữ... và thật sự, sự chuyển ấy, nó có cái mục đích của nó, chứ không phải là vô ý. Đây chính là thứ phụ đề về đồng ngữ tiếng Việt chúng ta không thể truyền tải hết. Và tôi gọi đó là “sự duyên dáng của ngôn ngữ”

Tôi nhận ra điều này khi nói chuyện với người tôi yêu... mà chắc là các bạn cũng vậy... “Good morning my love” hay “bonjour ma cherie”chắc sẽ dễ nghe hơn “Chào buổi sáng - Tình yêu của anh” nhỉ? - Ngoại ngữ nó ngộ lắm, nó sẽ khoát lên câu nói của ta một tấm mạng che mặt kiêu sa, và giấu đi cái sự bẽn lẽn của mình, để mình dám nói ra những điều mình nghĩ một cách tự nhiên và duyên dáng nhất.

Trong tiếng Pháp, “Je t’aime” và “beaucoup” có nghĩa là “anh yêu em” và “rất nhiều”, nhưng khi ghép lại “Je t’aime beaucoup” lại có nghĩa diễn dịch dài dòng ra là... “tớ yêu cậu rất nhiều, NHƯNG mà... chúng ta chỉ là bạn tốt.” - “Je t’aime beaucoup” có nghĩa là yêu/ thích trong tất cả các tình cảm, ngoại trừ tình yêu nam nữ... chỉ một câu nói, nhưng đặt vào một nền văn hóa khác, nó có thể hàm chứa cả một hàm ý ý nhị hơn nhiều.

[Nói chuyện ngoài lề: Hay trong hoàn cảnh khác, chúng ta nghe “Bối Đa Phần-Beethoven” chắc chắn sẽ dễ nghe hơn “Bét-tô-ven” hay “Nữu Ước - NewYork” chắc chắn dễ chịu hơn nhiều so với Niu-óoc. Ngay từ xưa, người Việt mình đã dùng tiếng Hán Việt để Việt hóa các tên riêng, từ ngữ không thể dịch hay phiên âm sát nghĩa bằng cách đưa cái phần thô thiển khi dịch và phiên âm từ qua cho tiếng Hoa, từ đó dịch lại sang Hán Việt. Ngôn ngữ là cái thiêng liêng và đôi lúc trở nên rất dài dòng và thô thiển để dịch lại]

Lan man đã xong, trở lại vấn đề chính là bộ phim. Khi xem, thật sự tôi không kịp để ý là đang xưng hô thế nào trong tiếng Việt, vì tôi chấp nhận chuyện “I & You” - “ Je & Tu” rồi... mà tôi để ý một điều là họ đã dùng tiếng mẹ đẻ trong trường hợp nào.

Nếu các bạn xem kỹ, ngay từ cách khắc họa nhân vật, Kitarosami đã khéo khi chọn xuất thân và tình huống của hai diễn viên chính này rồi: Anh nhà văn (James) là người Anh - người phụ nữ (Binoche - tạm lấy tên thật diễn viên vì cô ấy không được nhắc tên trong phim) là người Ý - cả 2 người tự cho là/được cho là mình quen và cưới nhau ở Pháp và có một cậu con nói tiếng Pháp - OK fine - tôi sẽ không bàn về câu chuyện thật thế nào vì thật sự tôi không quan tâm lắm, tôi chỉ quan tâm đến cái cách mà thông điệp của bộ phim “Certified Copy” được lồng ghép vào mà thôi.

Thứ nhất, nếu chúng ta để ý kỹ, đa phần các cuộc hội thoại diễn ra bằng tiếng Anh hoặc Pháp, theo trình tự sau đây: những điều bình thường, sẽ được nói bằng tiếng Anh hoặc Pháp để khơi mào câu chuyện... sau đó xung đột kịch xảy ra, nếu James muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên Binoche, anh ta sẽ chuyển sang tiếng Anh, và ngược lại, khi Binoche muốn phản kháng lại sẽ dùng tiếng Pháp. Sau nữa... khi cả hai dịu xuống, họ sẽ dùng tiếng-không-phải-tiếng-mẹ-đẻ của mình để giảng hòa với người kia...ngoài ra, có một phân đoạn James ra ngoài và Binoche nói chuyện với bà chủ quán cafe khi James vào, là một đôi mắt lơ ngơ, hoàn toàn bị cuốn theo câu chuyện của 2 người kia mà không thể phản kháng gì. Đó là sự kỳ diệu của ngôn ngữ... mỗi người sẽ xuất hiện khác đi, truyền thông điệp của mình một cách khác đi sẽ dùng một ngôn ngữ khác để thể hiện trọn vẹn cả tình - lẫn ý của mình. Khi ta biết nhiều ngôn ngữ, ta dễ dàng đối diện với nhau bằng nhiều diện mạo khác nhau, con người khác nhau,... đó chính là những phiên bản khác nhau của chính chúng ta, thông qua ngôn ngữ. Khi hai người họ đối thoại với nhau, rõ ràng có sự dằn co, sự bất đồng,... nhưng rồi họ lại điều chỉnh bằng cách thay đổi ngôn ngữ để phù hợp với nhau, gia giảm cái “tôi” của mình lại, để phiên bản “tôi” đó nó phù hợp với người kia, để trở thành một “phiên bản được chấp nhận” bởi người đối diện.

Thứ hai, cách chọn bối cảnh ở Châu Âu cũng là một cách rất tốt để những “phiên bản được chấp nhận”. Châu Âu chính là cái nôi của tri thức - hay nói cụ thể là triết học phát triển lâu đời bật nhất trên thế giới, chính vì thế cách nói chuyện của họ vô cùng chặt chẽ theo những lập luận luận cứ cứng cáp, khiến chúng ta hoàn toàn bị đánh lừa cốt truyện của phim thật sự là gì. Người Tây họ không có như chúng ta, luôn bắt đầu bằng “tôi nghĩ...” Ngay từ những phút đầu của bộ phim, bài nói của James khi công bố sách đã đầy các trích dẫn khoa học. Năm bao nhiêu người Roman nghĩ ra khái niệm về bản gốc, bản sau,... hay những gì cả hai người bàn luận về Monalisa hay bức tranh sao chép trong bảo tàng,... tất cả đều cho ta thấy một cơ sở khoa học, lập luận hết sức khách quan và thuyết phục. Chính cách nói chuyện đó làm ta nhận thấy câu chuyện chỉ diễn ra trong một ngày giữa hai nhân vật này chỉ như một cuộc tranh luận bình thường, họ cho ta thấy đủ những gì cần thấy, những phần ta cần biết chính xác về quan điểm của hai người trong cuộc tranh cãi về bản chính hay bản sao này. Điều này tạo nên cái một cái “phiên bản khách quan”, “phiên bản chung nhất” mà tất cả mọi người chấp nhận được, để cái kết thúc bất ngờ hiện lên, khiến ta bàng hoàng và tự cho ra cái “phiên bản” tự hiểu của mỗi người

[Chuyện ngoài lề thứ hai: Khi xem hết phim này, mọi người tranh cãi về nội dung bộ phim rất kịch liệt. Tôi chợt nhớ lại lời dạy của hai người thầy của tôi, một là người dạy lịch sử mỹ thuật, và người còn lại dạy tôi diễn xuất. Thầy Mỹ thuật dạy rằng giá trị của bức tranh không nằm ở bức tranh, mà là nằm ở cái cảm giác nó tạo cho nhiều người... Tranh của Dali không bao giờ ông ta giải thích ông ta vẽ gì, nhưng lại là tượng đài của trường phái siêu thực, bởi lẽ ông ta khiến mỗi người xem tự tưởng tượng ra một ý nghĩa cho chính mình, chính điều đó làm nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Thầy diễn xuất của tôi lại dạy rằng - à mà không, phải gọi là chửi mới đúng - thầy tôi chửi rằng: “Mày có thể nào lên sân khấu mà không kể trước nội dung mày tính diễn không? - nhiệm vụ của mày là diễn cho người ta thấy, còn người ta cảm nhận và hiểu như thế nào là chuyện của người ta?”. Thật sự lúc đó tôi cảm thấy rất xấu hổ và bị xúc phạm... nhưng về sau càng ngày mới càng hiểu - giá trị của một tác phẩm nghệ thuật là như thế nào]

Kết lại, nghệ thuật không có giá trị cố định, nó được định ra chính nhờ số biến hóa của các phiên bản của nó khi va chạm vào từng cá nhân khác nhau, từng khán giả khác nhau.

Các bạn có thể không thích bài viết này của tôi, có thể các bạn cảm thấy tôi khoe mẽ, nhưng thật sự tôi cảm nhận và chiêm nghiệm ra được nhiều bài học từ bộ phim này như vậy, xin dùng bức tranh Temptation of St. Anthony - Sự thách thức thánh Anthon của Salvado Dali để minh họa cho bài viết này, bức tranh đến ngày nay vẫn gây nhiều tranh cãi cho giới bình tranh vì thật sự nội dung nào mới là thứ Dali muốn đưa ra đây.